Saturday, March 12, 2022

Chiến tranh tại Ukraine (tiếp) Pháo binh

 Chiến tranh (tiếp)

Jimmy Nguyên Nguyễn

12/03/2022

Pháo binh
Pháo của Ukraine đã nổ vang. Các trận đánh có hiệp đồng binh chủng là dấu hiệu của một cuộc tổng phản công. Hình ảnh pháo binh tiêu diệt một lúc cả 30 chiến xa được xem trên tv đài Úc đàng hoàng nên tui tin là sự thật. Khi có tiếng pháo có nghĩa là quân đội chính quy đã vào cuộc. Suốt hai tuần qua, lính Nga chỉ đụng độ dân quân với cách đánh du kích, trang bị gọn nhẹ. Du kích có thể đánh tiêu hao nhưng không giải quyết chiến trường, chỉ khi chính quy vào cuộc mới có bước ngoặc.
Hồi nhỏ nghe mấy anh lính đọc câu lục bát vui:
Ai ơi đừng lấy pháo binh
Đêm về nó bắn rung rinh cả giường....
Tui còn ngây thơ hỏi tại sao lại ... rung cái giường. Được mấy ảnh xoa đầu và nói " lớn rồi biết ". JNN thì không cần .... tới lớn, khoảng mươi tuổi là.. hiểu rồi....
Tuổi thơ vùng chiến tranh được nghe tiếng pháo mỗi ngày,có một bài toán trong sách giáo khoa đàng hoàng, tui còn thuộc:
Đại bác lửa loè tuốt đỉnh đồi
Tôi bèn bắt mạch cổ tay tôi
Chín lần mạch đập nghe ầm nổ
Chiều dài đến đó nói nghe chơi
Đây là bài toán lớp nhất ( lớp 5 ). Khi súng nổ ta thấy ánh sáng bùng lên trước vì tốc độ ánh sáng nhanh như tức thời. Âm thanh đi chậm hơn nên sau đó vài giây ta mới nghe. Theo bài giải thì âm thanh truyền trong không khí khoảng 350 mét một giây. Mạch đập 9 lần tương đương 6 giây. Vậy khoảng cách từ chỗ đứng đến đỉnh đồi khoảng 6 x 350 = 2100 mét.
Vì sao các khẩu pháo hay đặt trên cao điểm? Ở đồng bằng thì đặt đâu cũng được nhưng ở vùng núi thì phải nơi khá cao mới có thể quay nòng súng mọi phương hướng. Cái câu dân pháo hay dùng là không " trở ngại tác xạ ". Do đó những trận đánh chiếm cao điểm thường đẫm máu. Trong trận chiến An Lộc năm 72 có cái đồi mang tên Đồi Gió. Đứng trên đồi này quan sát được toàn thị trấn. Csbv đã chiếm được quả đồi này, đặt pháo bắn chính xác làm quân trú phòng ngóc đầu lên không nổi. Sau này quân VNCH tái chiếm , đạn pháo mới thôi rơi. Máu của hai bên đổ vào đây rất nhiều. Nhắc lại trận Điện Biên Phủ cũng là một lý thú. Đây là một thung lũng, vây quanh là những ngọn núi cao. Rất an toàn khi đóng quân vì pháo ở đây có thể bắn đến mọi vị trí chung quanh nhưng pháo đối phương không đưa đến gần được vì núi non hiểm trở, không có đường xe kéo pháo nên không thể đem pháo vào trận chiến. Bộ đội chơi kiểu dùng người kéo pháo. Cả mấy trăm người bám vào sợi dây thừng to kéo nó lên sườn núi. Lâu lâu cũng bị tai nạn như.. . tuột dây, pháo tuột đè chết người ở dưới, người này thành anh hùng " lấy thân chèn pháo" ( Tô Vĩnh Diện ). Nghe kể trong bài học là anh thấy pháo tuột, làm sao cho nó dừng lại đây? Và tinh thần vì nước quên mình, vì tình quên thân khiến anh quyết định nhào vào nằm dưới bánh xe khiến khẩu pháo dừng ngay tại chỗ. Anh hy sinh nhưng khẩu pháo sẽ còn để bắn quân thù... Tui giảng bài hay vậy mà có trò nói : chắc ảnh chạy không kịp thầy ui...
Pháo binh quan trọng trong mọi trận chiến. Cả hai miền nam bắc của ta trong cuộc chiến đều giỏi sử dụng loại vũ khí này. Thật sự trong chiến tranh, cơ hội mặt đối mặt giữa hai bên rất hiếm hoi, chỉ có pháo làm nhiệm vụ. Người lính luôn phải mang cái xẻng theo mình. Dừng quân là đào cái hố cá nhân trước rồi mới ngồi ăn miếng cơm, nghe cái đùng là nằm xuống hố liền mới toàn mạng. Đi hành quân là phải có pháo tầm xa theo dõi từng bước đi , toạ độ bảo vệ sườn được chấm trước trên bản đồ. Vừa chạm địch là pháo nổ liền, phục kích cũng khó chớ không phải dễ. Pháo bắn một loạt đầu không trúng liền nên cần người ở sát trận tuyến quan sát và gọi cho pháo chỉnh lại toạ độ, gọi là " đề lô ". Thường trái đầu pháo bắn đạn khói mầu cho dễ quan sát. Bắn ba trái sau khi chỉnh là trúng mục tiêu. Dân vô được pháo binh phải giỏi toán.
Quân phòng thủ có cách đánh là tập trung các khẩu pháo sẽ bắn vào một toạ độ ( điểm ). Khi địch quân tiến vào toạ độ đó là bị tiêu diệt. Trận đánh tiêu diệt một lúc ba chục xe tăng Nga, chỉ có pháo binh mới làm được, bộ binh không thể làm vì đến gần là bị bộ binh tùng thiết chống trả. Toạ độ chấm sẵn được gọi là địa ngục. Tiến vào đây là chết. Sau trận này, đoàn xe mấy chục cây số biến mất, họ phải tản hàng như kiểu tránh covid. Tản ra thì sức mạnh cũng giảm và làm mồi cho du kích.
Nếu học cách đánh của VN, pháo họ đào hầm để dưới đó, chỉ chĩa cái nòng ra ngoài thì khó bị phản pháo. Đường vào Kiev sẽ xa vời vợi.
Hình: tăng Ukraine nằm sẵn dưới đất và nguỵ trang, khi có lệnh xuất kích nó sẽ chồm lên...


No comments:

Post a Comment