Saturday, December 19, 2020

Bạn là người không quan trọng. Nguyễn Văn Tuấn

Bạn là người không quan trọng 
Nguyễn Văn Tuấn (FB) Nguyen Tuan DiuetocemuSbergsohu 6t mhaStepnn ons12:oS16 SlncorPeMdmg · 

 Tôi có cảm tưởng ở Việt Nam ngày nay ngành nghề nào cũng muốn được ... mang ơn. Từ quân đội, công an, đến y tá bác sĩ và chiêu đãi viên hàng không, ai cũng ca thán khổ cực và như ngầm muốn được công chúng ghi ơn. Dường như họ thấy ngành nghề họ là quan trọng hơn ngành nghề khác. Nhưng trong thực tế chẳng ai trong chúng ta là quan trọng cả. Chúng ta làm việc trước hết là vì lợi ích của chúng ta. Nỗi khổ nghề nghiệp Sáng nay ngồi uống cà phê tán gẫu với một người mà tiếng Anh gọi là 'Ranger' và nghiệm ra nhiều điều hay. Ranger không phải là cảnh sát, nhưng là người đi tuần tra để bảo đảm trật tự đô thị, kể cả xe đậu đúng chỗ và đúng qui định. Họ có một việc là mỗi ngày họ đi tuần tra những khu phố, xem có xe nào đậu quá giờ hay đậu sai chỗ, và họ ... ra giấy phạt. Họ bị đa số công chúng ghét lắm 🙂. Tôi tưởng công việc đó khá nhàn hạ, được đi đây đó, được hàng quán cho cà phê uống, mà còn giữ gìn trật tự cho phố xá. Nhưng tôi sai, công việc ranger đó cũng khổ cực lắm. Họ có 'quota', tức cấp trên ra chỉ thị mỗi tuần phải phạt được bao nhiêu tiền về cho hội đồng thành phố. Do đó, họ phải làm việc chăm chỉ, mà cái việc đó thì lại bị công chúng ghét. Mà, cũng không dễ phạt người ta, vì tài xế có nhiều cách né tránh họ. Ngay cả khi phạt, tài xế có thể ra toà để khiếu nại, mà toà thì thường nghiêng về người bị phạt hơn là người đi phạt. Thành ra, cho dù trong tuần làm đủ quota, nhưng thu nhập thì chưa chắc đủ, và nếu chưa đủ thì bị giáng chức như chơi. Hoá ra, cái công việc đơn giản đó cũng không hề đơn giản, và người trong cuộc có nhiều nỗi khổ. Nhưng họ không than vãn, vì họ nói đó là lựa chọn của họ. Cũng sáng nay, tôi nhận email của một anh bạn ở Nam Úc nói rằng chắc lab của anh sẽ đóng cửa năm tới. Lí do là năm nay dự án nghiên cứu của anh ấy không được NHMRC cấp tiền (NHMRC là cơ quan tài trợ khoa học cấp quốc gia của Úc). Có ai ngoài cuộc nghĩ rằng một giáo sư tài ba lừng danh và quyền uy như vậy mà đứng trước nguy cơ mất việc hay phải nghỉ hưu sớm. Đó là một tin sốc. Một nguồn tin không chánh thức cho biết rằng năm nay, cứ 100 dự án nghiên cứu thì chỉ có 9-10 dự án được tài trợ (mấy năm trước tỉ lệ tài trợ là 12-15%). Do đó, anh ấy không phải là nạn nhân duy nhứt. Tuy nhiên, nói vậy thì quá dễ. Vấn đề ở đây là khi lab bị đóng cửa thì nhân viên sẽ bị nghỉ việc, và anh ấy sẽ làm gì đây. Tương lai rất bấp bênh. Tôi nghiệm ra rằng chức vụ hay nhiệm vụ càng cao thì nỗi khổ càng lớn. Nhưng có cần phải ca thán không? Tôi nghĩ không. Ngày xưa, tôi từng làm trong nhà bếp, làm phụ tá trong lab, làm đủ thứ nghề, và có đủ thứ tủi nhục. Nhưng tôi không trách ai và nhứt định không ca thán. Cụ Nguyễn Du đã nói: "Đã mang lấy nghiệp vào thân / cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa." Ai cũng khổ. Nỗi khổ của mình chắc gì bằng nỗi khổ của người khác. Chúng ta không quan trọng Vài năm trước tôi mắc bệnh, và người phát hiện bệnh chẳng ai khác hơn là sếp tôi. Sau này tôi hay nói rằng nhờ ông mà tôi còn sống đến nay. Nhưng sếp tôi khoát tay nói (dịch sang tiếng Việt nôm na) là "Mày thật sự nghĩ vậy à? Không. Không có tao thì có người khác giúp mày. Tao chẳng có gì quan trọng đâu." Câu đó làm tôi suy nghĩ hoài. Càng trải nghiệm cuộc đời trong và ngoài khoa học tôi càng thấm câu đó: chúng ta và đóng góp của chúng ta không có gì quan trọng đâu. Tất cả chúng ta được sanh ra và tồn tại trong thế giới này chỉ để phụng sự. Những gì chúng ta phụng sự cho thế giới này rất ư là nhỏ nhoi. Nó không quan trọng như chúng ta nghĩ hay tưởng. Những thi đua, giải thưởng, những "highly cited researchers" hay "most-cited researchers", hay chức danh sư sĩ, những xưng tụng "anh hùng" này nọ, hay tương tự nó chỉ có nghĩa nhỏ nhoi trong một lãnh vực nhỏ nhoi. Nhưng những thứ đó dễ làm cho người ta ảo tưởng rằng mình là người quan trọng, hay đóng góp của mình quan trọng. Tôi nghĩ đó đúng là ảo tưởng. Thế giới này quá rộng lớn (và càng ngày càng lớn hơn), tuyệt đại đa số chúng ta không có vai trò gì quá quan trọng đối với người khác. Nếu một mai chúng ta mất đi thì người khác vẫn sống thôi. Không có chúng ta, thì có người khác (y như sếp tôi nói). Nếu không có chiêu đãi viên hàng không thì chúng ta vẫn có thể bay. Nếu không có bác sĩ hay y tá thì chúng ta vẫn sống, có khi sống lâu hơn. Nếu không có giới khoa học thì chúng ta vẫn tồn tại, dù có thể khó khăn một chút (nhưng sự có mặt của họ có khi đem lại phiền phức cho chúng ta). Nếu không có chánh trị gia và chánh phủ thì đất nước và dân tộc vẫn tồn tại (mà có họ lại có khi đem lại nhiều phiền toái). Thành ra, không nên tự xem mình quá quan trọng, càng không nên xem mình quan trọng hơn người khác. Nhưng vì tâm lí xem mình là quan trọng nên có nhiều người ở VN thích/muốn được công chúng mang ơn họ. Suy nghĩ này bắt đầu từ câu nói cửa miệng "ơn đảng và nhà nước". Thành ra, chiêu đãi viên thì nghĩ rằng họ phải hi sinh việc gia đình để phục vụ hành khách trong những chuyến bay dài. Y tá và bác sĩ thì nghĩ rằng họ là người cứu giúp chúng ta sống sót. Giới khoa học thì nói nhờ họ mà chúng ta có thuốc điều trị. Thậm chí cảnh sát công an cũng nghĩ rằng chúng ta phải mang ơn họ. Nếu tôi là họ tôi sẽ hỏi đây là bổn phận và công việc mà xã hội giao phó hay là ban ơn? Theo lí thuyết "Invisible Hand" của Adam Smith thì tất cả chúng ta làm việc là vì lợi ích của ... chúng ta. Chúng ta lao động trước hết là có thu nhập nhằm bảo đảm cuộc sống và tồn tại, và qua đó mà đóng góp cho xã hội. ("Every individual necessarily labors to render the annual revenue of the society as great as he can ... He intends only his own security, and he is in this, as in many other cases, led by an invisible hand to promote an end which was no part of his intention ... By pursuing his own interests, he frequently promotes that of the society more effectually than when he really intends to promote it.") Mấy tuần nay tôi đọc cuốn sách về Richard Feynman và thích lắm, nên hay trích những câu nói mang tính 'wisdom' của ông. Một trong những câu đó là "The first principle is that you must not fool yourself — and you are the easiest person to fool." Có lẽ dịch sang tiếng Việt là "Nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự huyễn hoặc mình -- và bạn là người dễ huyễn hoặc nhứt." Câu này rất đúng. Ai cũng có nỗi khổ riêng. Đừng hỏi "có biết chúng tôi là ai" mà hãy hỏi "chúng ta đã phụng sự gì cho chính chúng ta và cho đời". Và, cũng đừng tự huyễn hoặc rằng phụng sự của mình là quan trọng, vì trong thế giới rộng lớn này chúng ta không quan trọng. Thi sĩ người Ấn Độ Chinmoy Kumar Ghose có một câu rất hay như sau: "Judge nothing, you will be happy. Forgive everything, you will be happier. Love everything, you will be happiest". (Không phán xét bất cứ điều gì, bạn sẽ hạnh phúc. Tha thứ mọi thứ, bạn sẽ hạnh phúc hơn. Yêu mọi thứ, bạn sẽ hạnh phúc nhứt). Điều quan trọng nhứt là yêu cái việc mình đang làm trong hiện tại.

Saturday, November 21, 2020

Hệ thống truyền thông Mĩ thiên tả?

Nguyen Tuan tSpffo2gns1ohredl Log in to Facebook · Hệ thống truyền thông Mĩ thiên tả? Nhiều người phê phán hệ thống truyền thông trong các chế độ toàn trị là một chiều. Điều đó thì quá đúng và không có gì phải bàn cãi, nhưng tôi nghĩ cái hệ thống truyền thông đó phải cúi đầu vái lạy những tờ báo/tạp chí như New York Times, New Yorker, Washington Post và CNN. Suốt từ năm 2016 đến nay (2020), hầu như ngày nào ông Trump và chánh phủ ông cũng đều bị những tờ báo trên chỉ trích, thậm chí chửi rủa. Xin nhấn mạnh là mỗi ngày. Tôi biết điều này, bởi vì tôi là một độc giả trả tiền (subscription) cho tờ New York Times. Mỗi ngày tôi nhận được chừng 5 cái 'notes' ngắn từ New York Times, và tôi có thể nói rằng trong suốt 4 năm qua, tôi chưa nhận bất cứ một thông tin nào tích cực về ông Trump. Nếu tính luôn các tờ báo khác như Business Insider, Guardian, NBC, Sydney Morning Herald, v.v. thì có lẽ tần số chỉ trích hoặc/và thù ghét ông Trump không phải là hàng ngày, mà là hàng giờ. Chỉ có thể mô tả bằng hai chữ 'kinh khủng'. Ngay cả hệ thống truyền thông trong các nước toàn trị cũng không có mức độ thù hận và thiên vị kinh khủng như tờ New York Times và các tờ báo tương tợ. Hệ thống truyền thông trong chế độ toàn trị hay chỉ trích nặng nề những người bất đồng chánh kiến, nhưng họ chỉ thỉnh thoảng làm vậy, chớ không phải suốt ngày này sang ngày khác cả 5 năm dài. Báo chí khuynh tả? Tôi thường tự hỏi hay là do mình quá sensitive nên mới cảm nhận như vậy. Nhưng bình tỉnh xem lại thì không phải. Một điều tra xã hội năm 2017 do trung tâm Pew Research thực hiện cho thấy 62% các tường thuật liên quan đển Tổng thống Trump trong 60 ngày đầu chấp chánh là tiêu cực [1]. Một điều tra tương tự trong thời Obama cho thấy tỉ lệ tiêu cực là 20%. Kết quả của một điều tra khác của Trung tâm nghiên cứu báo chí Shorenstein thuộc Đại học Harvard cho thấy 93% tường thuật của CNN và NBC trong 100 ngày đầu chấp chánh của Trump là tiêu cực [1]. Cũng kết quả điều tra đó cho thấy 91% tường thuật của CBS và 87% của New York Times về Trump cũng tiêu cực. Theo Rasmussen Reports năm 2018, kết quả lấy ý kiến của 1000 cử tri tương lai cho thấy 45% trong số họ nghĩ rằng đa số kí giả viết nhằm đem lại lợi thế cho phe Dân Chủ, chỉ có 11% tin rằng họ viết có lợi cho phe Cộng Hoà [2]. Như vậy, quả thật báo chí đại chúng có xu hướng không ưa phe Cộng hoà và ghét Trump. Để định lượng xu hướng ý thức hệ của hệ thống truyền thông, một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Columbia dùng một chỉ số gọi là ADA (Americans for Democratic Action) để đánh giá các tờ báo như New York Times, Washington Post, USA Today, Drudge Report, Fox News’ Special Report. Kết quả cho thấy LA Times, Washington Post, và đặc biệt là New York Times và CBS Evening News lệch hẳn về phía tả so với vị trí trung lập. Còn tờ lệch hẳn về phía hữu là Wall Street Journal [3]. Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố trên Science thì cho rằng không có xu hướng thiên vị cánh tả trong các bài tường thuật của các kí giả chánh trị [4]. Kí giả khuynh tả? Sở dĩ tình trạng tả khuynh trong báo chí Mĩ là vì đa số kí giả có lẽ là ... khuynh tả. Theo Giáo sư David Weaver (một chuyên gia về báo chí và truyền thông thuộc Đại học Indiana), trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến 1080 kí giả trong thời gian 8/2013 đến 12/2013, kết quả cho thấy 28% tự xem mình là thiên tả, 7% thiên hữu [5], và 50% tự xem mình là độc lập. Một survey khác trên 462 kí giả về tài chánh cho thấy 58.5% nhận mình là thiên tả (họ gọi là 'liberal'), và chỉ có 4.5% là thiên hữu hay bảo thủ [6]. Đại học Mĩ thiên tả? Khi được hỏi tại sao người Mĩ bầu cho Trump và đảng Cộng Hoà thì một số cử tri nói rằng họ chống lại sự đầu độc giới trẻ của các đại học Mĩ. Cử tri cảm thấy quá đau khổ trước sự đầu độc giới trẻ qua việc truyền bá các ý tưởng tả khuynh trong đại học và trường học nói chung. Có thật là đại học Mĩ thiên tả và 'đầu độc' giới trẻ? Có một nghiên cứu qui mô trên 1417 giáo sư Mĩ (tựa đề là "The Social and Political Views of American Professors") tìm hiểu về xu hướng ý thức hệ của họ. Kết quả cho thấy đa số giáo sư đều nghiêng về cánh tả. Cụ thể [7]: • Khoảng 44% giáo sư tự nhận mình là tả khuynh, chỉ có 9% là hữu khuynh, và 46% là 'moderate' (tức nghiêng về bên này hay bên kia một chút); • Ngay cả ở bậc cao đẳng (community college), có đến 37% tự xem mình là 'liberal' (tức tả khuynh), và chỉ có 19% là hữu khuynh. Đặc biệt các trường về xã hội và nhân văn, có đến 61% là tả khuynh và chỉ có 4% là phe bảo thủ; • Về các vấn đề xã hội, đa số các giáo sư ủng hộ quyền của giới đồng tính luyến ái và phá thai, tức những vấn đề mà phe bảo thủ chống. Ngay cả trong các trường luật cũng có sự 'phân hoá' tả và hữu khuynh [8]. Những trường tả khuynh được hưởng lợi từ bảng xếp hạng, còn các trường hữu khuynh thì bị ... 'phạt.' Trong một survey khác, đa số (70%) nhà kinh tế cũng có xu hướng ủng hộ phe Dân Chủ [9]. Tuy nhiên, xu hướng ý thức hệ chung của giới kinh tế thì vẫn chưa rõ. Tóm lại, những kết quả trên đây cho thấy báo chí Mĩ thiên tả là sự thật. Một sự thật khác là đa số báo chí thiên tả ghét Trump, và sự thù ghét của họ thể hiện qua việc chọn lọc tin, cách đưa tin sao cho bất lợi cho Trump. Đa số kí giả cũng thiên tả, và xu hướng này có lẽ xuất phát từ các đại học Mĩ nơi mà đa số giáo sư cũng thiên tả. Trong bài viết "The 'liberal leaning' media has passed its tipping point" trên WSJ [10] tác giả Sauter (là cựu chủ tịch CBS News) cho rằng xu hướng thiên tả của báo chí Mĩ đã vượt qua cái ngưỡng 'tipping point' (tức khó có thể quay về vị trí trung dung). Ông cho biết những tiêu chuẩn vàng của một kí giả (như khách quan và công bằng) không còn là chuẩn mực đạo đức của họ nữa. Bỉnh bút Peter Lucas nhận xét rằng sự thiên vị của báo chí thù ghét Trump ngày nay cũng chính là báo chí phản chiến thời chiến tranh Việt Nam [11]. Theo Lucas, thời đó, mỗi một chiến thắng của phe Mĩ và đồng minh đối với truyền thông phản chiến là một chiến bại. Mỗi một chiến bại -- bất cứ nhỏ cỡ nào -- đối với họ là thảm hoạ. Mỗi một chiến thắng của đối phương -- bất cứ nhỏ cỡ nào -- đối với họ là một sai lầm thảm hại của Mĩ và đồng minh. Phải công nhận rằng giới truyền thông cánh tả đã thành công mĩ mãn trong việc huy động công chúng Mĩ phản chiến. Những người lính Mĩ hồi hương bị phun nước miếng ngay tại phi trường, làm như họ là những kẻ tội phạm. Điều trớ trêu là sau này những người lính này được vinh danh trong ngày Memorial Day. Ngày nay, báo chí cánh tả chỉ đơn giản lặp lại trào lưu phản chiến đó sang chống Trump. Linh hồn của một quốc gia là những thiết chế xã hội như đại học và báo chí. Chức năng chánh của đại học là truyền bá kiến thức. Chức năng chủ yếu của báo chí là đưa tin và giải trí. Thế nhưng ở Mĩ cả hai thiết chế đó đều trở thành chiến trường của ý thức hệ, và họ nghiêng về phía cánh tả. _____ [1] https://shorensteincenter.org/news-coverage-donald.../... [2] https://www.npr.org/.../study-news-coverage-of-trump-more... [3] http://www.stat.columbia.edu/.../stuff_for.../Media.Bias.pdf [4] https://advances.sciencemag.org/content/6/14/eaay9344 [5] https://www.washingtonpost.com/.../just-7-percent-of... [6] https://www.investors.com/.../edito.../media-bias-left-study [7] https://www.insidehighered.com/.../research-confirms... [8] https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3646385 [9] https://www.forbes.com/.../surprise-70-of-economists.../... [10] https://www.wsj.com/.../the-liberal-leaning-media-has... [11] https://www.bostonherald.com/.../media-shows-similar-bias...

Tuesday, September 15, 2020

Chiến Tranh, Con Đường Ngắn Nhất Dẫn Tới Hoà Bình Trên Biển Đông

 Chiến Tranh, Con Đường Ngắn Nhất Dẫn Tới Hoà Bình Trên Biển Đông

Trần Trung Đạo
(Đặc San Lâm Viên)

Lịch sử cho thấy, từ trên tang thương chết chóc, chiến tranh cũng đã mở ra một sinh lộ khác cho nhiều dân tộc. Nếu không có Thế Chiến Thứ Nhất, Đế Quốc Ottoman có thể còn tồn tại không biết bao lâu và các quốc gia như Tiệp Khắc, Ba Lan, Albania, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Estonia, Latvia v.v… chưa hẳn đã có mặt trên bản đồ thế giới. 

Thế giới từ đó đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Khoa học kỹ thuật đã bước một bước dài. Trái đất mỗi ngày một nhỏ lại vì dân số tăng nhanh, tuổi thọ kéo dài và tử vong do bịnh tật giảm. 

Gần hai phần ba dân số thế giới đang cư ngụ tại Á Châu. Trục văn minh phát triển và cả mầm mống của những xung đột đang sinh sôi nảy nở ở Á Châu. Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc còn là một nước chậm tiến, nhưng hiện nay là một đế quốc độc tài, chuyên chế đầy tham vọng và đang đe dọa chủ quyền của nhiều nước chung quanh. 

Sự trổi dậy của một quốc gia không phải là điều đáng lo ngại vì trong lịch sử nhân loại đã có nhiều quốc gia trỗi dậy bên cạnh nhiều đế quốc suy tàn. Những quốc gia như Iran đang chịu đựng sự hà khắc tôn giáo hay Iraq đang sống trong khủng bố hàng ngày, một thời là những đế quốc văn minh và cường thịnh. 

Tuy nhiên sự trổi dậy của Trung Cộng thì khác. Giới cầm quyền tại Trung Cộng từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình giương cao ngọn cờ “mối hận một trăm năm sỉ nhục” giống như Hitler vận dụng “hiệp ước bất bình đẳng Versailles” nhưng ở mức độ cao hơn nhiều lần và do đó tai họa trầm trọng hơn nhiều lần. 

Dân số Đức khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ là 79 triệu trong khi dân số Trung Cộng năm 2019 là 1,428 triệu. Lý thuyết quân sự của Hitler là tấn công “chớp nhoáng” (Blitzkrieg) để ít tiêu hao trong khi Trung Cộng dùng chiến thuật “lấy thịt đè người” làm điểm mạnh.

David M. Finkelstein trong nghiên cứu Chiến Lược Quân Sự Quốc Gia Của Trung Quốc (China’s National Military Strategy) tổng kết ba mục tiêu của Trung Cộng theo thứ tự: 

  1. Bảo vệ đảng và bảo vệ ổn định, 
  2. Bảo vệ chủ quyền và chống lại sự xâm lược,
  3. Hiện đại hóa quân đội và xây dựng quốc gia. 

Trong số ba mục tiêu trên “bảo vệ đảng” đứng đầu. 

Quan điểm về “bảo vệ chủ quyền” của Trung Cộng, cũng theo David M. Finkelstein, không chỉ chủ quyền trên lục địa Trung Quốc mà bao gồm cả khu vực mà giới cai trị Trung Cộng gọi là “Biển Nam Trung Hoa lịch sử”. 

Tham vọng là một chuyện, thực hiện được tham vọng là chuyện khác. Muốn thống trị Á Châu, Trung Cộng phải vượt qua được Mỹ về kinh tế và nhất là kỹ thuật chiến tranh.

Hầu hết các nhà nghiên cứu và phân tích quốc phòng đều đồng ý về kỹ thuật chiến tranh Trung Cộng còn thua quá xa Hoa Kỳ. “Thua quá xa” là bao nhiêu tùy thuộc vào thể loại vũ khí và các mẫu dữ kiện dùng để phân tích của mỗi nhà nghiên cứu.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu về sức mạnh nguyên tử của Trung Cộng 2019 (Chinese nuclear forces, 2019) của Hans M. Kristensen, Giám đốc Đề Án Thông Tin Nguyên Tử thuộc Liên Đoàn Khoa Học Gia Hoa Kỳ (Director of the Nuclear Information Project with the Federation of American Scientists), nếu chỉ tính đầu đạn nguyên tử, Mỹ hiện có 5,800 đầu đạn trong lúc Trung Cộng chỉ có 290 đầu đạn. Trung Cộng không ngừng gia tăng sản xuất vũ khí nguyên tử với hy vọng mười năm nữa trong kho sẽ có từ 400 đến 500 đầu đạn. 

Bài học Chiến Tranh Triều Tiên cho các nhà chiến lược Mỹ thấy không thể ngăn chận sức tấn công biển người của Trung Cộng trong chiến tranh quy ước. Để đánh bại Trung Cộng, chiến tranh hạt nhân phải được đặt ra. Thật ra ngay cả trong chiến tranh Triều Tiên, đối diện với chiến thuật biển người của Trung Cộng, việc sử dụng bom nguyên tử cũng đã được nghĩ tới mặc dù Thống tướng Douglas MacArthur chưa bao giờ chính thức yêu cầu.

Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra từ thời điểm này cho đến khi Trung Cộng công khai thách thức Mỹ về quân sự. Các bài học lịch sử cho thấy một biến cố nhỏ có thể khơi mào cho một cuộc xung đột chiến tranh lớn.

Tuần rồi Trung Cộng bắn hai hỏa tiễn vào Biển Đông như một cách để trả đũa việc máy bay thám thính U-2 của Mỹ bay trong khu vực Trung Cộng gọi là “vùng cấm bay quân sự” (No-fly zone). Hai hỏa tiễn, một DF-26 có tầm xa 4,000 km và một DF-21 có tầm xa khoảng 1,800 km. Cả hai rơi vô hại trong khu vực giữa Hoàng Sa và Hải Nam. 

Khi đọc bản tin Trung Quốc bắn cảnh cáo, người viết thầm ước phải chi xạ thủ Trung Cộng lỡ tay bắn lạc về hướng của một trong những khu trục hạm nguyên tử của Mỹ như USS Barry, USS Mustin, USS Rafael hay bắn lạc vào hướng của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương hoặc USS Nimitz đang tuần tra khu vực Đông Thái Bình Dương. 

Bộ Tư Lịnh Không Lực Thái Bình Dương Hoa Kỳ (US Pacific Air Forces) xác nhận U-2 có bay nhưng không vi phạm luật quốc tế nào và sẽ tiếp tục bay. Bản thông cáo báo chí viết: “Một chuyến bay của U-2 đã được tiến hành trong khu vực hoạt động của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong khuôn khổ các quy tắc và quy định quốc tế được chấp nhận. Không Lực Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, vào thời điểm và nhịp độ do chúng tôi lựa chọn."

Chiến tranh Châu Á bùng nổ một cách đột biến, ngoài dự tính và không chuẩn bị của các bên là giải pháp nhanh gọn và là con đường ngắn nhất để chận đứng tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình trên Biển Đông. 

Tại sao? 

Bởi vì mười năm hay hai chục năm nữa hệ thống quốc phòng của CSVN, Philippines, Mã Lai hay các nước nhỏ quanh Trung Cộng cũng không thay đổi và cho dù có cải tiến cũng chẳng làm mới được bao nhiêu. 

Tuy nhiên, một năm đối với Trung Cộng là một bước thay đổi lớn. Giống như Hitler chạy đua với thời gian từ 1935 đến 1939 để đưa quân số Đức từ một trăm ngàn lên đến hơn bốn triệu, Tập Cận Bình chủ trương hiện đại hóa quốc phòng bằng mọi cách kể cả tung gián điệp để mua chuộc những kẻ ham tiền hay bần tiện hơn là ăn cắp. 

Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong lãnh vực an ninh và quốc phòng, đang gần nhau hơn bao giờ hết. Xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Cộng đang diễn ra không chỉ còn trong bàn hội nghị mà cả ngoài mặt trận. Vòng vây Trung Cộng mỗi thời kỳ thêm siết chặt nhưng sẽ rất chậm vì các quan hệ kinh tế thương mại chồng chéo lên nhau. 

Chiến tranh bùng nổ dù là chiến tranh giới hạn, các nước nhỏ trong vùng cũng sẽ không thể tiếp tục chính sách “đu dây”, “bắt cá hai tay” hay “trung lập” mà buộc phải chọn một bên. Các chế độ độc tài, nhu nhược, đi ngược với quyền lợi sống còn của dân tộc sẽ bị nhân dân lật đổ. Vì quyền lợi hậu chiến các nước phát triển sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc nhổ cây đinh Trung Cộng hay ít nhất đẩy Trung Cộng trở vào lục địa.

Giới cầm quyền Trung Cộng khi đó sẽ đứng trước viễn ảnh bị vỡ nát theo một cuộc chiến tranh toàn diện hay thỏa hiệp để bảo vệ lục địa. Nếu chọn lựa bảo vệ lục địa, nhiệm vụ bảo vệ đảng của quân đội sẽ quan trọng hơn bảo vệ chủ quyền trên các hải đảo xa xôi. Các “status quo” dưới hình thức đảo nhân tạo do Trung Cộng đơn phương thiết lập sẽ bị tháo gỡ.

Đó là những viễn ảnh đầy lý tưởng. Đưa ra những hình ảnh lạc quan không phải để rồi đắp chiếu ngủ chờ ngày mai trời sẽ sáng, Trung Cộng sẽ sụp đổ, đảng CS sẽ bước xuống, nhưng để cùng nhau nỗ lực để đưa đất nước ra khỏi chế độ độc tài CS mở đường hội nhập vào dòng sống dân chủ văn minh của nhân loại và thời đại. 

Con đường trước mặt rất gian nan nhưng sẽ rất vinh quang.

Trần Trung Đạo
(Đặc San Lâm Viên)

Tuesday, June 16, 2020

NGÀY BA TRỞ VỀ từ trại tù Gia Rai việt cộng, miền Nam Việt Nam. Cao Xuân Thanh Ngọc

Image may contain: 1 person, selfie and closeupImage may contain: outdoor


NGÀY BA TRỞ VỀ
Ngày Ba về từ trại tù Gia Rai, miền Nam Việt Nam, Ti vẫn còn nhớ như in!
Lúc đó, Ti được 9 tuổi, đang chơi nhảy cò cò với đám bạn thì bỗng nhiên có một người ẵm Ti lên, Ti quay lại thì nhận ra Ba liền, vì khi Ba được chuyển vào Nam, đó cũng là lúc Ti được thăm Ba trong tù lần đầu tiên sau 8 năm Ba bị tù đày! Vậy mà đã được 1 năm, từ chuyến thăm nuôi đó...Khi Ba bị ở tù ngoài Bắc, với 5 đứa con nhỏ dại, Mẹ không thể nào cho hết 5 đứa đi thăm nuôi Ba, chỉ có chị Hai và anh Ba được Mẹ dắt đi thăm thôi...mỗi lần Mẹ đi thăm Ba, tụi Ti được Mẹ gởi mỗi đứa một nơi với họ hàng bà con, Ti vẫn nhớ man mán, lúc thì Ti được Mẹ ở với ông bà nội tại Đà Nẵng, nhưng có năm lại ở với cậu và bà ngoại tại Vĩnh Điện! Nhưng mấy chị em cũng hay được ở nhà ông chú bà thiếm, cứ mỗi lần Mẹ dắt về nhà ông bà ở Saigon là ông nói: “gánh hát Long Khánh về tới rồi!” Lúc đó ai cũng nghèo nhưng ông bà luôn giang rộng đôi tay để đón mấy đứa cháu...
Ti mừng quá chừng khi được Ba ôm vào lòng! Từ đây Ti đã có Ba, thật sự có dịp khoe với đám bạn! Ba nhìn Ti mỉm cười toe toét! Khuôn mặt Ba gầy gòm, khắc khổ nhưng không kém phần oai nghiêm, toát lên sức chịu đựng kiên cường của một người vừa ra tù, sau 10 năm thập tử nhất sinh...
Hai cha con vô nhà, Mẹ là người mừng nhất, dường như Mẹ không đè nén được những cảm xúc của Mẹ, Mẹ oà lên khóc, chưa bao giờ Ti thấy Mẹ khóc nhiều như vậy! Có lẽ bao năm nay, Mẹ đã cố che dấu...lúc nào Mẹ cũng mạnh mẽ, dù khó khăn bao nhiêu, Mẹ cũng nói không sao, cả nhà mình phải rán cố gắng, đợi ngày Ba về với mấy Mẹ con mình...và ngày sum vầy đó đã đến! Bạn bè hàng xóm nghe tin Ba được về, ai cũng qua để chúc mừng cho cả nhà! Mọi người thăm hỏi sức khỏe của Ba...tin đồn gần xa, sau mấy ngày, hình như cả thị xã Long Khánh ai cũng biết chồng của cô giáo Diệu Minh vừa được thả ra tù! Những "chú lính" của Ba ngày xưa, tới thăm Ba, họ nhắc lại chuyện xưa...Ti thấy Ba vui lắm nhưng trong nụ cười đó, hình như có sự tiếc nuối, và lo lắng trong đó...
Túi đồ của Ba vỏn vẹn một vài món đồ mà Ba làm trong thời gian lao tù, Ti nhớ như in cái lon gô (Guigoz) Ba khắc tên của Ba ở
dưới đáy, một cái lượt bằng đồng Ba khắc tên của Mẹ một bên, và 5 đứa con phía bên kia. Điều mà Ti tiếc nhất là không đem được những kỷ vật đó theo khi đi Mỹ, lúc đó Ba Mẹ sợ bị tụi hải quan làm khó, sợ bị giữ lại...sợ đủ thứ...cho nên đã bỏ lại...
"Anh làm được gì để lo cho mấy Mẹ con và cả nhà đây?" Ti thoáng nghe Ba Mẹ nói chuyện...hình như Ba lo lắm! Mấy tháng sau khi Ba được thả về, một bác quen với Ba Mẹ, thương tình cho cả nhà mượn một miếng đất trong rẫy của bác để cho Ba trồng bắp, từ nhà chạy lên miếng đất đó cả trăm cây số, trong nhà thì không có xe đạp, Ba được một người bạn cho chiếc xe đạp cộc cạch, lúc đầu Ba lái xe đạp cũng loạng quạng lắm, nhưng chỉ trong vòng một ngày là Ba đã "master" được "con ngựa sắc của Ba"! Ba không thể nào cứ chạy đi chạy về mỗi ngày với chiếc xe đạp đó, cho nên Ba phải ở lại trên rẫy đó để coi chừng...Một bữa chiều Ti đang chơi với đám bạn thì thấy một "chú lính" ngày xưa của Ba chở Mẹ về, Mẹ thì hớt ha hới hãi, Ti chưa biết chuyện gì xảy ra, thì nghe chú nói với Mẹ: "Trung Tá đã có những người ven đường chăm sóc, đã cầm máu, xin Bà yên tâm!" (Chú rất lễ phép, lúc nào cũng xưng Ba là Trung Tá, sau này Ti mới biết đó là cấp bậc của Ba trước khi đất nước bị rơi vào tay cộng sản)
Khi chú và Mẹ đón được Ba về nhà, chiếc cằm của Ba đã được băng bó cẩn thận, Ba kể..."sáng nay, anh muốn về thăm mấy mẹ con, chạy được một đoạn thì cái xe đạp bị gãy cái cổ xe, vì xuống dốc hơi nhanh, anh đỡ không kịp nên bị đập cái cầm xuống đất và té nhào, hên là lúc đó không có chiếc xe vận tải nào chạy trên con đường quốc lộ!" Ba lại thêm một lần thoát chết, sau chuyện bị té từ trên núi té xuống vực khi ở trại tù Vĩnh Phú khi trên đường đi phá rừng với các bác với mấy ông gác trại...khi Ba tỉnh dậy thì Ba thấy nguyên một tảng đá bự cách Ba không xa, chuyện này Ti có nghe Ba kể cho cả nhà nghe một lần...
Ba nghỉ ở nhà một thời gian thì cũng đến lúc đi hái bắp! Ngày đó, cả nhà đi theo Ba và bác chủ vườn trên một chiếc xe máy xới. Lần đầu tiên Ti được ngồi trên chiếc xe đó, Ti vui quá trời! Những trái bắp to tròn đã sẵn sàng cho 6 cha con và một vài "chú lính" của Ba, Ba là người vui nhất, hình như đây là lần đầu tiên Ba thấy những trái bắp này, mấy chú hình như biết ý, lựa ra mấy trái, bắt lên nồi nấu liền, mùi bắp nấu thơm phức! Khi bắp chín, không ai còn tâm trí để mà đi hái bắp nữa! "Đã quá lâu mới ăn được một trái bắp quá ngon như vậy!" Ba nói trong nghẹn ngào, mấy "chú lính" hình như đọc được suy nghĩ của Ba, họ ngồi im không nói gì...Ba đứng lên xoa đầu Ti và hỏi: "Ngon không con?" Ti gật đầu và hỏi Ba: "mình ăn bắp nấu cả tháng luôn được không Ba?" Ba phá lên cười, không nói gì nhưng chỉ gật đầu!
Mấy ngày sau đó, cả nhà Ti rộn ràng, ai cũng có việc để làm, người thì bẻ bắp, người thì cột bắp lại từng chùm để treo lên cho khô...cả mấy tuần đó, Ti được mãn nguyện, ăn sáng với bắp nấu, cho đến khi ăn không nổi nữa...bắp được phơi khô và tỉa ra, bỏ vào được mấy bao tải...thành quả của Ba là có tiền nuôi cả nhà được mấy tháng trời!!!
Bây giờ Ba đã ngoài 80 tuổi, mới mổ hai con mắt xong, sức khỏe của Ba cũng đã yếu nhiều nhưng hình như Ba không bao giờ chấp nhận sự thật đó! Dáng dấp Ba vẫn oai phong như thuở nào...cảm ơn sự hy sinh, và chịu đựng của Ba để cho cả nhà có cơ hội được đặt chân tới đất Mỹ tự do này! Nhưng Ti biết Ba phải trả một cái giá quá đắt! Ti thương Ba của Ti lắm💛
Cao Xuân Thanh Ngọc

Sunday, June 14, 2020

Trương Thị Hà: Nhớ Lại ngày bi công an việt cộng khủng bố bắt cóc tại khu công viên Tao Đàn 17/06/2018


English below
Mỗi khi tháng 6 tới, nỗi đau thể xác và tinh thần lại hiện về. Còn nhớ cách đây 2 năm, lần đầu tiên cân nặng dưới đầu 6, mỗi lần đi qua Tao Đàn cảm thấy rùng mình, đêm nào cũng gặp ác mộng, từ một cô bé lạc quan, yêu đời trở thành một đứa tự kỷ và vô cùng yếu đuối, mỗi khi thấy xô xát, chửi nhau trên đường là rơi nước mắt bởi cứ ngỡ như mình đang bị công an chửi và đánh.
Chính quyền có thể che đậy vụ đàn áp biểu tình tháng 6/2018 nhưng sự thật sẽ mãi được người dân nhắc lại hôm nay và ngày sau.
Mời các anh chị cùng nghe lại câu chuyện của tôi. Đây chỉ là một câu chuyện trong hàng trăm câu chuyện đau thương tại Tao Đàn năm đó.
Tường Thuật của Cô Trương Thị Hà về Việc Công An Tra Tấn Cô và Người Biểu Tình Ngày 17 Tháng 6 Năm 2018
Vào thời điểm đi biểu tình, tôi đang làm việc cho một công ty Luật tại Sài Gòn. Tôi đang học Khoa Ngôn Ngữ Anh trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng chuẩn bị tốt nghiệp Lớp Luật sư, Học viện Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào ngày 10/06/2018, tôi xuống đường biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng cùng hàng ngàn người dân Sài Gòn.
Sau ngày 10/06, có rất nhiều bạn trẻ bị bắt, bị tịch thu điện thoại và bị khủng bố tinh thần. Tôi đã công khai phổ biến quyền biểu tình, tư vấn miễn phí cho những người bị bắt bớ.
Vào ngày 17/06/2018, tôi tiếp tục xuống đường biểu tình. Khoảng 10h sáng, khi đang ngồi ở công viên 30/4, gần Nhà thờ Đức Bà, có khoảng 10 an ninh mặc thường phục đòi kiểm tra chứng minh thư của tôi. Tôi phản đối thì bị họ kéo lên chiếc xe ô tô 4 chỗ. Họ đưa tôi đến sân vận động gần công viên Tao Đàn. Tại đó, tôi nhìn thấy hàng 100 người gồm cả phụ nữ, trẻ em bị giam trong này. Tôi thấy một người đàn ông trẻ bị khoảng 5 người an ninh khống chế chân tay. An ninh liên tục đánh vào đầu và đạp vào người anh ta. Tôi chạy đến can ngăn: “Tại sao các anh lại đánh người dân?”. Nhưng an ninh đã lôi tôi ra xa. Tôi cũng nhìn thấy nhiều người bị đánh chảy máu đầu và phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh. Tôi vô cùng bất lực vì chứng kiến cảnh công an đánh người dã man nhưng tôi không thể làm gì được.
Họ cướp điện thoại, túi xách và áo khoác của tôi. Tiếp đó, tôi bị thẩm vấn bởi 3 người đàn ông mặc thường phục. Một người đàn ông to béo luôn đe nẹt tôi. Một người đàn ông gầy luôn miệng chửi bới, xúc phạm tôi “con đĩ, con điếm, con phản động”. Một người đàn ông ăn mặc lịch sự, vừa đấm vừa xoa tôi “em hợp tác đi là được về mà, bọn anh có làm gì em đâu.” Sau khoảng 1 tiếng thẩm vấn, tôi vẫn im lặng và không khai nhận bất cứ điều gì. Họ đã mời thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Tấn Hạ trường Đại học khoa học xã hội Nhân văn và thầy Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông của trường đi cùng. Trước mặt 2 thầy giáo, một người phụ nữ mặc thường phục vả tôi vì tôi không ký nhận theo yêu cầu của họ. Lúc đó, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi khóc không phải vì tôi bị đánh đau. Tôi khóc vì 2 thầy giáo cũng không thể bảo vệ tôi trước những màn xúc phạm quá đáng của an ninh.
Sau khoảng 1 tiếng, 2 thầy giáo đã ký nhận biên bản và ra về. Lúc đó, tôi cảm thấy lạc lõng. Vì tôi biết rằng, giờ chỉ còn mình tôi ở đây với những kẻ côn đồ, máu lạnh nhân danh công an nhân dân.
Tiếp đó, có khoảng chục người an ninh quây quanh tôi, liên tục thẩm vấn và đánh đập tôi. Trong đó có 4 người phụ nữ. Tôi không thể quên một người phụ nữ béo, nói giọng miền Bắc, đã gọi điện về cho mẹ tôi để đe nẹt. Cô ta liên tục vả tôi, túm tóc đập đầu tôi xuống bàn. Tôi cũng không thể quên một người phụ nữ xinh đẹp, mặt trắng, đeo găng tay xanh, tên là Hiền. Cô ta liên tục sờ vào cổ tôi, đấm vào bụng tôi. Tôi rất đau nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. Họ tháo mắt kính của tôi ra, ghì tay tôi ký vào biên bản và các giấy tờ mà họ đã soạn sẵn. Tôi đã phản kháng mạnh mẽ: “Em sẽ không ký nhận bất cứ một cái gì nếu Luật sư của em không đến đây.” Lúc đó, khoảng chục người an ninh cả nam và nữ xông vào đấm tôi, tôi ngã ra sàn nhà, họ tiếp tục đạp vào người tôi. Họ quây quanh đánh tôi một cách lén lút vì họ không muốn những người dân khác nhìn thấy cảnh tượng đó. Tôi choáng váng và đau ê ẩm người. Tôi muốn ngất lịm đi để không phải chịu đòn đau nữa.
Khoảng 9 giờ tối cùng ngày, họ lôi tôi vào một phòng giam riêng biệt. 3 người phụ nữ bắt tôi cởi giầy ra. Họ sờ vào áo ngực tôi. Xung quanh là những người an ninh nam đứng nhìn. Tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi kiệt sức, chóng mặt và sợ họ xâm phạm vào cơ thể nên tôi đành phải ký nhận một số giấy tờ để bảo toàn danh dự và thân thể. Vì không có kính nên tôi không nhìn thấy gì rõ cả. Tôi không biết mình đã ký nhận những gì. Sau đó, họ chụp hình, lăn tay tôi như một kẻ tội phạm.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 18/07, họ chở tôi về công an phường Quận 7 để tiếp tục lấy lời khai, lăn tay và bắt tôi nộp tiền phạt do đi biểu tình. Khoảng 10h sáng cùng ngày, họ thả tôi về nhà.
Mấy ngày sau, chủ nhà đuổi tôi ra khỏi nhà vì bị an ninh gây áp lực. Tôi không thể ăn uống được trong một tuần vì bị vả vào miệng quá nhiều trong một thời gian dài. Tôi cũng bị giảm 5 kg sau khi ra khỏi đồn công an. Tôi đến bệnh viện chiếu chụp sau đó, kết quả là tôi bị chấn thương phần mềm do bị đánh. Khoảng 1 tháng sau, tôi mới ổn định lại tinh thần và sức khỏe để tiếp tục học tập và làm việc.
Truong Thi Ha’s Testimony About Police’s Use of Torture Against Her and Fellow Activists on June 17, 2018
At the time of the protest, I was working at a law firm in Saigon. I was studying English at Ho Chi Minh University of Social Sciences and Humanities. I was also completing my Attorney certification course at The Justice Academy of Ho Chi Minh City.
On June 10, 2018, I joined the protest against two draft laws on Special Economic Zones and Cyber Security, along with thousands of Saigonese.
By the end of June 10, many young people were arrested, terrorized, and had their phones confiscated. I was publicizing the right to protest, and offering free counsel for those who were arrested.
On June 17, I continued to take to the street to protest. Around 10 am, while I was sitting in 30/4 Park near Notre Dame Cathedral, about 10 plain-clothes police officers came and demanded my ID cards. I objected. Then, they stuffed me in a four-seater car. They took me to the stadium near Tao Dan Park. I saw another 100 people including women and children in that temporary detention center. I saw a man whose limbs were held by five officers. They were punching his head and stomping on his body. I ran to his side and yelled: “Why are you hurting people?” but I was quickly dragged away. I also saw unconscious people being taken to hospitals with bleeding heads. I felt extremely powerless because I had witnessed this police brutality without being able to do anything.
They took my phone, bag, and jacket. Next, I was interrogated by three plain-clothes men. A big man kept making threats. A thin man was insulting me with vulgarity such as “whore, bitch, and revolutionary-wanna be.” A well-dressed man was playing good cop: “You cooperate and get to go home, we don’t want to do anything to you.” After about an hour of interrogation, I remained silent and did not make any confession. They invited Vice President Pham Tan Ha of Ho Chi Minh University of Social Sciences and Humanities and Tran Nam, head of the university’s communication department. In front of the two teachers, a plain-clothes woman slapped me for not signing a confession they had prepared. I remember crying a lot. I did not cry because I was hurt. I cried because my two professors could not protect me from the violent acts of those police officers. After about an hour, the two professors signed their statement and left. I felt lost. I felt scared to be there by myself, surrounded by cold-blooded thugs wearing the cover of the People’s police.
Then, I was surrounded by what seemed to be ten police officers who took turn interrogating me with brute force. There were four women; I can never forget the stout woman who spoke with a Northern accent. She called my mother and threatened her. She repeatedly punched me, pulled my hair, and slammed my head against the table. I also cannot forget a good-looking woman with a light complexion who wore green gloves. Her name was Hien. She wrapped one hand on my neck, and other hand was punching my stomach. Even though it was painful, I still tried to be calm. They took off my glasses, and when I couldn’t see, they held my hands and forced me to sign a confession and other documents they had prepared. I resisted and asked for a lawyer: “I will not sign anything without my lawyer here.” That triggered them, and those ten men and women started beating me even more frantically. I fell down on the floor, they continued to stomp on me. There were other policemen standing around to block others’ view because they did not want other people to see the scene. I was dizzy and in severe pain. I just wanted to faint to end the suffering.
About 9:00 pm on the same day, they pulled me into a separate room. Three women took off my shoes. They grabbed my bra string. There were mean-looking men standing there, looking at me. I was extremely scared. I was left with no choice. I was physically and mentally exhausted, felt dizzy, and was scared of being sexually assaulted. I agreed to sign the papers to save my honor and avoid the imminent sexual assault. They didn’t give me back my glasses so I wasn’t able to see what I signed, but it was more than 10 documents. Then they took my mugshot and fingerprints like a criminal.
Around 3:00 am on July 18, they drove me to District 7 Police Station to make more testimonies, signatures, and fingerprints. I had to pay a fine for protesting. About 10 am on the same day, they released me.
A few days later, my landlord kicked me out of the house per the police’s request. I wasn’t able to eat for a week because my mouth had been slapped for a long time. I also lost five kilogram after leaving the police station. I went to the hospital for an X-ray later. The result was soft-tissue injuries from being hit. About a month later, my mental and physical states stabilized enough to return to school and work.
Image may contain: one or more people