Sự cố Fukushima là 'thảm họa nhân tạo'
Cập nhật: 10:36 GMT - thứ
năm, 5 tháng 7, 2012
Cuộc khủng hoảng tại nhà máy hạt nhân Fukushima là "thảm họa
đậm nét nhân tạo", một ủy ban điều tra của quốc hội Nhật nói trong một phúc
trình.
Thảm họa "có thể và đáng ra phải được lường trước và ngăn chặn" và ảnh hưởng
của nó có thể "giảm nhẹ bằng phản ứng hiệu quả hơn của con người", phúc trình
nói.Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi có sáu lò phản ứng bị hư hỏng nặng sau ngày 11 tháng 3 năm 2011 do động đất và sóng thần làm tê liệt hệ thống làm mát lò phản ứng, dẫn đến sự cố và gây rò rỉ phóng xạ.
Hàng chục ngàn cư dân đã được sơ tán khỏi một khu vực cách ly xung quanh nhà máy để người ta cố khắc phục sự cố. Tepco tuyên bố các lò phản ứng được ổn định trong tháng 12 năm 2011.
Các thành viên của Ủy ban điều tra độc lập tai nạn hạt nhân Fukushima được chỉ định để kiểm tra cách xử lý cuộc khủng hoảng và đưa ra khuyến nghị.
Cuộc điều tra bao gồm 900 giờ điều trần và các cuộc phỏng vấn với hơn 1.000 người.
'Thái độ thờ ơ’
"Mặc dù thiên tai đóng vai trò khởi đầu thì tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xảy ra sau đó không thể được coi là một thảm họa của tự nhiên" báo cáo nói.
"Đó là một thảm họa đậm nét nhân tạo - có thể và đáng ra phải được lường trước và ngăn chặn."
Sau sáu tháng điều tra, ủy ban kết luận rằng thảm họa "là kết quả của sự thông đồng giữa chính phủ, các nhà quản lý và Tepco" thể hiện qua sự thất bại của hệ thống quản lý.
"Đó là một thảm họa đậm nét nhân tạo - có thể và đáng ra phải được lường trước và ngăn chặn"
Ủy ban điều tra độc lập tai nạn hạt nhân Fukushima
Báo cáo này cũng nhấn mạnh thất bại trao đổi thông tin liên lạc giữa Tepco và văn phòng của Thủ tướng Chính phủ Naoto Kan.
Báo cáo khuyến nghị các cơ quan quản lý nên "thực hiện một quá trình chuyển đổi cần thiết" để đảm bảo an toàn hạt nhân ở Nhật Bản.
"Giới quản lý của Nhật Bản cần phải từ tỏ thái độ thờ ơ, bỏ qua qua các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và phải tự thay đổi để trở nên các cơ quan đáng tin cậy trên toàn cầu," báo cáo cho hay.
Tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã bị đóng cửa sau sự cố tại Fukushima. Nhưng vào ngày Chủ nhật lò phản ứng đầu tiên đã được khởi động lại ở thị trấn của Ohi ở tỉnh Fukui.
Việc khởi động lại này gây làn sóng biểu tình lớn ở Tokyo, nhưng Thủ tướng Yoshihiko Noda đã kêu gọi có sự hậu thuẫn cho quyết định này và nói việc chạy lại điện hạt nhân là cần thiết cho nền kinh tế.
Chính phủ Nhật đang tiếp tục đánh giá liệu các nhà máy hạt nhân khác có an toàn để được khởi động lại hay không.
No comments:
Post a Comment