Cám ơn THỤY VŨ.
http://www.sggp.org.vn/thegioi/2012/7/294186/
Người Nhật quyết đoạn tuyệt điện hạt nhân | ||
Thứ tư, 18/07/2012, 01:11 (GMT+7) | ||
Hơn 170.000 người Nhật Bản ngày
16-7 đã xuống đường tại Tokyo biểu tình đòi chấm dứt sử dụng điện hạt nhân. Đây
được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi xảy ra thảm họa tại nhà máy điện
hạt nhân Fukushima năm 2011.
Người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu “Không
tiếp tục hoạt động các nhà máy điện hạt nhân! Thủ tướng Noda nên từ chức!”.
Trong số những người tham gia biểu tình có nhà văn từng đoạt giải Nobel Văn
chương Kenzaburo Oe và nhà soạn nhạc nổi tiếng Ryuichi Sakamoto.
Nhà văn Oe cho rằng ông cảm thấy bị xúc phạm
khi Chính phủ Nhật Bản khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ohi ở Kansai. Ông
Noboru Shikatani, 71 tuổi, một trong những người bị sơ tán khỏi nhà ở gần nhà
máy Fukushima nói với AFP: “Chúng tôi giận dữ vì chả thấy có tiến triển gì trong
đền bù và khử độc”. Ông cho biết thêm rằng những người như ông không thể chấp
nhận bất cứ hành động nào nhằm hoạt động trở lại các nhà máy điện hạt nhân cho
tới khi nào cuộc khủng hoảng Fukushima chưa được giải quyết.
Một người biểu tình khác tên Sakamoto nói: “Chúng ta không nên
đặt mạng sống của trẻ em, những người chủ tương lai của Nhật Bản, trước mối nguy
hiểm tiềm tàng chỉ vì cần có điện”. Những người biểu tình còn hô vang: “Chúng
tôi không cần nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ hãy ngừng ngay các quyết định
không có sự đồng thuận của dân”.
Một chiến dịch thu thập 10 triệu chữ ký phản đối sử dụng điện hạt nhân được phát động từ ngày 8-7 tới nay đã thu thập được 7,85 triệu chữ ký. Văn bản này cũng đã được chuyển cho Chánh văn phòng Nội các Osamu Fujimura. Nhật Bản đã ngừng tất cả các nhà máy điện hạt nhân với tổng cộng 54 lò phản ứng sau cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima tháng 3-2011 làm 150.000 người trong khu vực bán kính 20km xung quanh nhà máy này phải sơ tán. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu điện ngày càng nghiêm trọng nên hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã quyết định khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ohi. Thế nhưng, người biểu tình cho rằng trong hơn 1 năm không có điện hạt nhân tình hình vẫn ổn.
Cuộc biểu tình lớn của người dân Nhật Bản diễn
ra trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản chưa tìm được lối ra và áp lực ngày càng gia
tăng lên chính phủ. Trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, điện hạt nhân chiếm gần
một phần ba tổng lượng điện năng của Nhật Bản. Khi toàn bộ 54 lò phản ứng hạt
nhân ở nước này vẫn bị đóng cửa vào mùa hè thì cả nước thiếu 10% điện năng trong
thời gian cao điểm và khi đó nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, đe dọa
nền kinh tế Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản mới đây cho biết kế hoạch xây dựng một
mô hình tăng trưởng mới để tái thiết đất nước.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, mô
hình này coi việc tiết kiệm năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Nhật Bản sẽ phải
phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghệ xanh, sử dụng sức gió và pin mặt
trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, mô hình mới chưa rõ ràng trong
khi sản xuất của nước Nhật không thể “gồng mình” được nữa và có nguy cơ bị đình
đốn.
Việc Nhật Bản thiếu điện sẽ làm tăng khả năng tiêu thụ dầu mỏ của nước này và đưa đến nguy cơ lớn hơn cho toàn thế giới: giá dầu mỏ sẽ tăng cao. Và giá dầu tăng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào sản xuất xuất khẩu của nước này. Và mục tiêu giành lại ngôi vị nền kinh tế thứ 2 thế giới ngày càng xa vời. Vì vậy nước Nhật hiện phải đau đầu trước hai lựa chọn: tăng trưởng kinh tế hay an toàn trong môi trường phi hạt nhân?
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang đối mặt
với sự rạn nứt từ bên trong. Sự kiện cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ),
ông Ichiro Ozawa cùng 49 nghị sĩ ly khai khỏi DPJ để thành lập đảng mới “Ưu tiên
vì cuộc sống nhân dân” đã khiến DPJ chao đảo. Đảng này phản đối chủ trương tăng
thuế của DPJ. Đảng của ông Ozawa có thể liên kết với đảng “Một Osaka” của thị
trưởng Osaka Toru Hashimoto, có thể giành được 200 ghế trong tổng số 480 ghế tại
Hạ viện Nhật Bản trong kỳ bầu cử sắp tới.
Ngoài ra, một nguồn tin từ báo Japan Times cho
biết cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và những người ủng hộ ông trong DPJ
có thể nối gót ông Ozawa từ bỏ DPJ để thành lập đảng mới. Chỉ cần có thêm 16
nghị sĩ rời DPJ thì liên minh cầm quyền giữa DPJ và đảng Nhân dân mới sẽ sụp
đổ.
THỤY VŨ (tổng hợp)
- Thông tin liên
quan:
|
No comments:
Post a Comment