Khi dân Trung Quốc chống lại điện hạt nhân
Nhà máy điện hạt nhân Điền
Loan gần thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)
Wikipedia
Mới đây ở Trung Quốc đã xảy ra một việc hiếm thấy, dự án xây dựng một nhà
máy điện hạt nhân đang triển khai đã phải dừng lại toàn bộ do dân chúng phản
đối. Sở dĩ kiến nghị thành công, đó là do người dân Trung Quốc đã thức tỉnh sau
tai nạn hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản,cộng với sự hỗ trợ tích cực có hiệu quả
của mạng xã hội. Tờ báo kinh tế Les Echos có bài phóng sự về sự việc.
Phóng viên của tờ báo đã đến tỉnh Giang Tây nơi có dự án xây dựng nhà máy
điện hạt nhân Bành Trạch và tận mắt chứng kiến cảnh công trường xây dựng vắng
lặng mặc dù tất cả đều đã được chuẩn bị sẵn sàng cho thi công.Theo tác giả, vào
đúng thời điểm chuẩn bị khởi công, dự án nhà máy điện hạt nhân Bành Trạch đã bị
dừng lại.
Quyết định ngừng dự án đưa ra sau khi có kiến nghị phản đối từ bên huyện
Vọng Giang nằm bên kia sông Dương Tử, thuộc tỉnh An Huy, cách đó vài chục km.
Địa phương này không được tham khảo ý kiến cho quyết định xây dựng nhà máy điện
hạt nhân Bành Trạch. Điều bất ngờ nữa là kiến nghị phản đối xây dựng trung tâm
điện hạt nhân Bành Trạch lại do 4 người về hưu khởi xướng, sau khi họ được chứng
kiến những hình ảnh tai nạn nhà máy Fukushima phát đi phát lại trên truyền hình
Trung Quốc.
Bốn người về hưu này đã viết kiến nghị hành chính. Điều kỳ diệu là tiếng
nói của họ đã được chú ý. Tỉnh đã cho ngừng xây dựng nhà máy để chờ quyết định
cuối cùng của trung ương.
Theo bốn người viết đơn kiến nghị phản đối thì dự án Bành Trạch đặt trong
một khu đông dân cư. Hệ thống làm nguội lấy nước từ sông, trong khi con sông này
vẫn thường xuyên bị hạn hán đe dọa. Một lý do nữa đó là trái với những khẳng
định của chính quyền khi cho phép xây dựng công trình, khu vực đặt nhà máy hạt
nhân không nằm ngoài vùng có nguy cơ động đất cao.
Những người khiếu nại e ngại không dám trả lời báo chí ngoại quốc vì họ sợ
cuộc đấu tranh của họ rất dễ bị đánh đồng là sự « tấn công của các thế lực thù
địch nước ngoài », theo cách nói của chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên rất
may, ông Vương Chí Hoành, thành viên của Hiệp hội Phổ biến Khoa học của Trung
Quốc cho biết, sở dĩ khiếu nại của họ gây được tiếng vang lớn đó là nhờ mạng xã
hội. Ông nói : "Quy trình kiến nghị hành chính không mang lại phản ứng nào.
Nhưng ngay sau khi tôi đưa thông báo kiến nghị lên mạng Vi Bác ( Weibo) thế là
báo chí Trung Quốc nhảy vào cuộc".
Theo tác giả bài viết, thì trước tháng Ba năm 2011, tức là khi chưa xảy ra
vụ tai nạn Fukushima, tham vọng điện hạt nhân của Trung Quốc là rất lớn, nhiều
công trình điện hạt nhân đã được dự kiến, tất nhiên đều không có sự tham khảo ý
kiến nhân dân. Nhưng sau tai nạn Fukushima, người ta không còn nhắc nhiều đến
các dự án diện hạt nhân.
Phóng viên của Les Echos ghi nhận thấy mức độ quyết liệt của dư luận Trung
Quốc xung quanh các dự án hạt nhân phụ thuộc vào 2 yếu tố : học thức và tiền đền
bù. Thí dụ như ở Bành Trạch, khó có thể tìm thấy một nông dân nào phản đối lại
dự án hạt nhân. Họ chỉ tỏ ý lấy làm tiếc vê việc đền bù giải phóng mặt bằng bị
bớt xén, còn về các vấn đề khác mọi người đều nói « không có sự lựa chọn nào
khác » và chẳng nên kiện cáo làm gì vì đây là dự án của Nhà nước.
« Thảm họa Fukushima đã mở mắt cho họ »
Trong khi đó ở bên huyện Vọng Giang, nơi không liên quan đến đền bù tài
chính, thì dư luận lại phản đối mạnh mẽ cho dù biết ít hy vọng tiếng nói của họ
được lắng nghe. Lý do của những người phản đối điện hạt nhân đơn giản là « thảm
họa Fukushima đã mở mắt cho họ » mà trước đó họ vẫn nghĩ điện hạt nhân rất có
lợi để phát triển kinh tế.
Theo một giáo sư xã hội học thuộc Đại học Tôn Trung Sơn thì quả thực là
nhận thức của người dân Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân đã thay đổi từ sau vụ
Fukushima. Còn một giáo sư vật lý hạt nhân thuộc Đại học Bắc Kinh thì nhận thấy
tai nạn Fukushima dù sao cũng xảy ra đúng lúc, giúp Trung Quốc ngăn được hiện
tượng « trăm hoa đua nở » về điện hạt nhân.
Giờ đây những người có trách nhiệm phải suy nghĩ gấp đôi trước khi đưa ra
một dự án mới. Sau sự kiện Fukushima, chính phủ Trung Quốc cũng không còn hừng
hực quyết tâm xây dựng thật nhiều nhà máy điện hạt nhân nữa. Họ cũng phải thận
trọng nghĩ đến yếu tố an tòan nhiều hơn.
No comments:
Post a Comment