Tuesday, May 29, 2012

Cá ngừ mang phóng xạ từ Nhật sang Mỹ

http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=1658207804030260414#editor/target=post;postID=5502001629614205082

Cá ngừ mang phóng xạ từ Nhật sang Mỹ

Các nhà khoa học phát hiện nhiều cá ngừ vây xanh mang chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật Bản tới các bờ biển của Mỹ, nơi cách nhà máy tới 9.600 km.
> Phát hiện phóng xạ ở ngoài khơi Nhật Bản
> Phóng xạ Fukushima rò rỉ ra Thái Bình Dương

Một con cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương. Ảnh:
Một con cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương. Ảnh: richardherrmann.com.
Nicholas Fisher, một nhà nghiên cứu của Đại học Stony Brook tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp đã đo nồng độ chất phóng xạ Cesium (Cs) trong cơ thể những con cá ngừ Thái Bình Dương dọc theo các bờ biển của Mỹ. Họ nhận thấy nồng độ Cs trong cơ thể cá ngừ cao gấp 10 lần so với những năm trước, AP đưa tin.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy kết quả đó”, Fisher phát biểu.
Đây là lần đầu tiên giới khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy một loài cá di cư có thể bơi xuyên đại dương với chất phóng xạ trong cơ thể. Mặc dù vậy, nồng độ Cs trong cơ thể cá ngừ vẫn thấp hơn nhiều so với mức an toàn mà chính phủ Mỹ và Nhật Bản quy định đối với thịt cá ngừ.
Sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản xảy ra vào tháng 3/2011, người ta phát hiện cá nhỏ và sinh vật phù du gần vùng biển Nhật Bản nhiễm chất phóng xạ với nồng độ khá cao.
Tuy nhiên, giới khoa học không nghĩ rằng chất phóng xạ có thể tồn tại lâu trong cơ thể những con cá di cư lớn, bởi cơ thể chúng có thể tống chất phóng xạ ra ngoài nhờ quá trình trao đổi chất.
Cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương là một trong những loài cá lớn và sinh trưởng nhanh nhất hành tinh. Chiều dài cơ thể chúng có thể đạt tới 3 m, còn khối lượng trung bình lên tới hơn 450 kg. Chúng đẻ trứng ở vùng biển Nhật Bản. Sau khi chào đời, cá ngừ con di cư về phía đông với tốc độ rất lớn để tới vùng biển gần bang California của Mỹ và vùng biển gần mũi của bán đảo Baja California của Mexico.
Trước đây, 5 tháng sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, các nhà khoa học của Đại học Stony Brook kiểm tra nồng độ chất phóng xạ trong cơ thể 15 con cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương mà họ bắt được gần bờ biển San Diego. Kết quả cho thấy nồng độ hai đồng vị phóng xạ Cs-134 và Cs-137 trong mẫu mô của những con cá ngừ đều cao hơn so với trước.
Để loại trừ khả năng nồng độ phóng xạ trong cơ thể cá ngừ tăng do các dòng hải lưu hoặc tích tụ trong nước biển từ không khí, nhóm nghiên cứu kiểm tra những con cá ngừ vây vàng ở phía đông Thái Bình Dương và những con cá ngừ vây xanh di cư tới phía nam bang California trước khi thảm họa kép tại Nhật Bản xảy ra hôm 11/3. Họ không phát hiện chất phóng xạ Cs-134, mà chỉ thấy chất Cs-137 mà cá nhiễm từ những vụ thử vũ khí hạt nhân trong thập niên 60.
“Các kết quả cho thấy cá ngừ vây xanh nhiễm chất phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima I”, Ken Buesseler, một chuyên gia của Viện Hải dương Woods Hole tại Mỹ, bình luận. Buesseler không tham gia nghiên cứu của Đại học Stony Brook.
Cá ngừ vây xanh nhiễm chất Cesium khi chúng bơi trong những vùng biển chứa chất phóng xạ và ăn những con mồi nhiễm phóng xạ, các nhà khoa học cho biết. Do cá ngừ di chuyển về phía đông, chúng đẩy một phần chất phóng xạ ra ngoài cơ thể nhờ quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, cơ thể chúng không thể đẩy hết chất phóng xạ ra ngoài.
“Thái Bình Dương là một đại dương khổng lồ. Bơi xuyên Thái Bình Dương mà vẫn giữ chất phóng xạ trong cơ thể là điều phi thưởng ở cá ngừ vây xanh”, Fisher nói.
Việt Linh

No comments:

Post a Comment