Tù nhân dự khuyết và những qui luật.
Nhiều năm trước trong một buổi tiệc, trong lúc mọi người đã ngà ngà, một giáo sư nói với tôi rằng ở Việt Nam ai cũng là một người tù dự khuyết.
Phải một thời gian quan sát và suy nghiệm tôi mới thấy câu nói đó rất đúng. Với hệ thống quyền lực chồng chéo, với sự lẫn lộn giữa đảng và Nhà nước, với những đạo luật mâu thuẫn nhau, với những qui định phức tạp, cùng những qui ước xã hội không thành luật, thì bất cứ ai cũng vi phạm. Không vi phạm luật pháp thì cũng vi phạm qui định. Không vi phạm qui định thì cũng sai lệch qui ước. Không sai lệch qui ước thì cũng chịu sự dèm pha. Ở Việt Nam anh không được thành công, chị không được đứng cao. Anh đứng cao thì anh sẽ bị “bắn”, hay mục tiêu cho sự hạ bệ. Nhìn lại những người gặp nạn chúng ta thấy họ đều là những người vượt lên những ràng buộc hiện hành nhưng vô lí. Họ thường bị những kẻ bất tài hại, bởi kẻ bất tài đầu tư thời gian để hại người, còn kẻ có tài đầu tư thời gian nghĩ về điều hay việc đẹp. Chúng ta có thể rút ra qui luật 1: vi phạm luật, qui định và qui ước là điều không thể tránh khỏi, và người có tài có nguy cơ cao hơn kẻ bất tài.
Trong môi trường đó, ai cũng có thể đi tù. Có khác chăng là thời gian và ý muốn. Thời gian, không tìm thấy sai sót hiện tại thì tìm sai sót trong quá khứ. Mà, quá khứ thì rối mù, nên tìm là sẽ ra thôi. Anh NQTuan là một ca tiêu biểu. Thật ra, bất cứ ai trong quá khứ đều có ‘vấn đề’ nếu soi theo tiêu chuẩn ngày nay. Ý muốn soi ai đó nhiều khi xuất phát từ một cá nhân. Luật là tao, tao là luật. Bằng cấp không quan trọng bằng sự “bằng lòng”. Dân gian vẫn nói thế. Thể chế tạo ra những con người chuyên chế như thế. Thành ra, chúng ta có qui luật 2: ai cũng là tù nhân dự khuyết, nhưng kẻ cạnh tranh với những kẻ bất tài thường là nạn nhân.
Nhiều khi tôi nghĩ môi trường Việt Nam rất tốt trong việc tiêu diệt những cải cách và người tốt. Trong cái hệ thống đầy bất cập, người cao nhứt kêu gọi góp ý cải cách cho tốt hơn. Nhưng lịch sử cận đại cho thấy người có ý tưởng hay nhứt thường là người đi tù sớm nhứt. Người có ý tưởng cấp tiến nhứt là người bị hạ bệ nhanh nhứt. Cứ nhìn THDThức là thấy ngay. Điều đó dẫn đến qui luật 3: người đi trước thời đại là người dễ bị đi tù ở Việt Nam.
Khi những người đó đi tù hay bị hạ bệ thì những kẻ kêu gọi góp ý cải cách thường im lặng, như không biết chuyện gì xảy ra. Trớ trêu là ở chỗ đó. Rồi đến khi người ta chết, những kẻ kêu gọi cải cách đến phúng điếu và tặng huân chương. Thi sĩ Hoàng Cầm là một ví dụ. Điều này dẫn đến một qui luật 4: cái hệ thống ở Việt Nam nó đày đoạ người đang sống rất tốt, và nó truy điệu người qua đời rất … tình cảm.
Một trong những đặc điểm nổi bật của xã hội Việt Nam ngày nay là sự nghi kị và sống 2 mặt. Người ta không tin tưởng lẫn nhau, nên nhà nước bày ra những thủ tục và hủ tục rườm rà mang tính thể chế. Ngày thường người ta có thể thân thiện nhau, nhưng khi có vấn đề thì họ quay mặt rất nhanh. Đúng như ca khúc ‘Gặp nhau làm ngơ’. Nhớ khi ông ĐLThăng đi tù, trường đại học kia lập tức ra lệnh rút xuống những tấm hình lúc ông ấy đến khánh thành. Hèn thế. Thể chế tạo nên những con người như thế. Điều này dẫn đến qui luật 5: người đi trước thời cuộc và bị trù dập thường rất cô đơn.
Tóm lại, Việt Nam rất khó là môi trường cho người tử tế và có tài, bởi kẻ xấu và quyền thế đông quá. Môi trường đó không thể nào dung dưỡng những ý tưởng đột phá, vì những ý tưởng đó sẽ bị giết chết từ trong trứng nước. Trong xã hội đó, đúng như anh bạn tôi nói ai cũng là người tù dự khuyết. Do đó, khoan hãy chỉ trích người đang gặp nạn (vì chẳng ai biết bối cảnh) bởi vì người cười đó có thể là nạn nhân kế tiếp.
No comments:
Post a Comment