Đà Lạt tiết lộ lý do ‘sợ’ lò phản ứng hạt nhân
(Quan điểm) - UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức đề nghị đưa lò phản ứng hạt nhân (LPUHN) mới có công suất gấp 30 lần LPUHN Đà Lạt hiện nay ra khỏi TP.
- Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chuyển sang sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp
- Ninh Thuận lại lên Đà Lạt học "điện hạt nhân an toàn"
Nhiều ý kiến cho rằng Đà Lạt “sợ” hạt nhân, song trao đổi với Đất Việt sáng 26/3, TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: “Nhiều lần lãnh đạo thành phố đã trao đổi lý do muốn di chuyển lò phản ứng ra chỗ khác là lo ảnh hưởng tâm lý người dân, du lịch cũng như các dự án gần địa điểm đó”.
Trước đó, ngày 25/3, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chính thức đề nghị đưa lò phản ứng hạt nhân mới có công suất gấp 30 lần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay ra khỏi TP Đà Lạt.
Theo đó, lò phản ứng hạt nhân mới nằm trong dự án Trung tâm Nghiên cứu công nghệ nguyên tử Việt - Nga, có vốn đầu tư 500 triệu USD do Chính phủ Nga hỗ trợ tín dụng, dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2015.
Địa điểm xây dựng lò được Bộ Khoa học - công nghệ đề xuất nằm trong khuôn viên của Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (P.12, Đà Lạt) có diện tích hơn 100ha.
Mô hình Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân |
Sau đó phía chuyên gia Nga đã đến Đà Lạt khảo sát, đồng ý tuy nhiên tỉnh Lâm Đồng chưa đồng thuận và nhiều lần lên tiếng đề nghị di dời sang địa điểm khác.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa kiến nghị: nên dời lò hạt nhân mới mà Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng ở Đà Lạt ra xa thành phố khoảng 22km.
Theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, sở dĩ lãnh đạo tỉnh nhiều lần lên tiếng muốn dời địa điểm ra xa không phải vì ngại sự an toàn. “Các lãnh đạo tỉnh đều hiểu về an toàn thì không vấn đề gì nhưng lo ảnh hưởng tâm lý người dân và vài dự án đầu tư quanh đó. Bên cạnh đó cũng lo ảnh hưởng tới du lịch của thành phố”, TS Điền nói.
TS Điền cũng cho rằng việc di dời trung tâm ra xa thành phố có thể sẽ khiến hoạt động của trung tâm không hiệu quả.
“Lo nhất là Trung tâm đặt ở vị trí xa thành phố sẽ không thu hút được người giỏi. Nếu không thuận lợi sẽ phải lấy người có trình độ kém hơn, không hiệu quả cho nhà nước”. TS Điền lo ngại.
Trước đó trao đổi với Đất Việt, GS Phạm Duy Hiển cho rằng tâm lý e ngại của người dân đối với việc phát triển năng lượng hạt nhân cũng không khó hiểu. Nhưng lò phản ứng mới có công suất nhiệt (10 mêga oát) và lượng phóng xạ thấp hơn 300 lần so với một lò trong số bốn lò sẽ xây ở Ninh Thuận sau này, mà những lò lớn này chỉ nằm cách thành phố Phan Rang có 20 km. Nói thế để giải tỏa bớt những lo ngại của Lâm Đồng về phóng xạ của lò phản ứng mới.
GS. Hiển nhấn mạnh: "Lò phản ứng có an toàn hay không là do con người. Ngay cả với Nhà máy điện hạt nhân nếu có đội ngũ tốt thì sẽ đảm bảo an toàn, còn ngược lại, cho dù thiết bị hiện đại đến đâu cũng không có gì bảo đảm".
"Lò phản ứng mới sẽ được vận hành bởi đội ngũ đã trải qua ba mươi năm vận hành lò hạt nhân Đà Lạt nên càng có cơ sở để tin rằng không có gì đáng lo ngại", GS Hiển khẳng định.
Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment