Thế nào là sức mạnh của dân chủ tại Nhật: vụ kiện Takahama
Thục Quyên (SaveVietNam's Nature SVNN) - Trong những nước thực sự có tự do, dân chủ, những quyết định của chính phủ có thể bị người dân chận đứng bằng thủ tục tố tụng trước Tòa án.
Thảm họa nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Fukushima Dai-ichi ngày 11/03/2011 đã buộc chính phủ Nhật phải cấp tốc đóng cửa tất cả các nhà máy ĐHN trên toàn quốc. Trong suốt 4 năm qua, để kềm giữ sức nóng không làm nhà máy nổ tung, mỗi ngày có khoảng 400 tấn nước được đưa từ sườn núi đi vào khu vực lò phản ứng và tòa nhà tuabin của nhà máy.
Lượng nước nhiễm xạ khổng lồ sau khi qua nhà máy đi đâu? Điều này chính phủ Nhật và công ty điện lực Tepco cũng như giới công nghệ lò phản ứng hạt nhân quốc tế luôn tránh nhắc tới, và chỉ đưa tin về những biện pháp an ninh mới để ru ngủ dư luận. Chỉ khi bị bắt quả tang bởi những phong trào chống ĐHN, hợp lực với các nhà nghiên cứu cùng các chuyên viên, họ mới thú nhận. (1)
Thí dụ như tháng 6/ 2013 TEPCO đã phải nhìn nhận là từ ngày đầu của thảm họa, mỗi ngày 80.000 ga-lông nước nhiễm xạ (1 ga-lông Mỹ là 3,785411784 lít) chảy vào Thái Bình Dương. TEPCO đã trả hàng trăm triệu Mỹ kim để giữ cho nhà máy không nổ nhưng cho tới ngày nay chính TEPCO cũng không tìm được giải pháp nào để thực sự giải quyết mối nguy.
Mặt khác của vấn đề là nền kinh tế Nhật đã lỡ dựa quá nhiều vào sức mạnh của công nghệ ĐHN. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vì vậy đã dày công trong thời gian qua vận động khôi phục đưa các lò phản ứng vận hành trở lại để, theo ông, đưa nền kinh tế Nhật ra khỏi hai thập kỷ tăng trưởng yếu ớt. Tuy nhiên thủ tướng Abe và phe ủng hộ ĐHN không đưa vào bài toán kinh tế của mình những phí tổn về Fukushima mỗi ngày một tăng, phí tổn tháo gỡ những lò hạt nhân phế thải và khủng khiếp hơn nữa là phí tổn bảo quản rác phóng xạ.
Về phía đa số người dân Nhật, vấn đề hàng đầu là đe dọa thảm họa Fukushima tái diễn vẫn kề cận và bài toán chứa chất thải hạt nhân chưa có đáp số.
Vụ kiện nhà máy ĐHN Takahama
Tháng 7/2013 Cơ quan quản lý Hạt nhân Nhật NRA (Nuclear Regulation Authority) đã quy định lại những tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn và tháng 11/2014 hai lò phản ứng tại nhà máy ĐHN Sendai tại tỉnh Kagoshima được coi là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và đã được phép hoạt động trở lại trong sự chống đối tiếp tục của thành phố Ichikikushikino, cách nhà máy Sendai chỉ 5,4 cây số với 30,000 dân. Kagoshima nằm ở cực Nam của của đảo Kyushu và có một dãy các núi lửa động và tĩnh, bao gồm cả ngọn núi lửa lớn Sakurajima, một trong những ngọn núi lửa hoạt động nhất Nhật Bản.
Tuy đã được phép, Cơ quan điện lực Kyushu tuyên bố hai lò phản ứng của nhà máy Sendai sẽ chỉ có thể chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 8/2015.
Ngược lại ngày 14/4/2015 tòa án tỉnh Fukui đã ra phán quyết cấm công ty điện Kansai tái khởi động lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy ĐHN Takahama.
Sau khi Cơ quan quản lý Hạt nhân NRA đã kiểm tra và đưa ra kết luận các lò phản ứng kể trên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn mới, dân cư địa phương đã phản ứng mạnh và nộp đơn kiện để chống đối kế hoạch, đưa lý do, ngay chính những tiêu chuẩn mới cũng không đủ để bảo vệ an toàn trong trường hợp xảy ra một trận động đất lớn. Ngoài ra, phương án thoát hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố cũng chưa hoàn hảo.
Thẩm phán Hideaki Higuchi đã từng đưa ra phán quyết tương tự vào tháng 5/2015 để ngăn chận 2 lò phản ứng của nhà máy ĐHN Ohi cũng tại Fukui đánh giá một công cụ sản xuất điện không thể quan trọng bằng quyền cơ bản (được sống) của người dân. Theo nguồn tin Reuters, những nỗ lực pháp lý của công ty Kansai để thuyên chuyển thẩm phán H.Higuchi và hai đồng nghiệp của ông đã thất bại một tuần trước phiên tòa.(2)
Công ty Kansai đã đưa đơn kháng cáo quyết định của toà án.
Tuy nhiên cho đến khi tòa xử lại, việc tái hoạt động của hai lò phản ứng sẽ bị đình trệ trong nhiều tháng, thậm chí vài năm, đưa tới thiệt hại hàng trăm triệu Mỹ kim cho công ty
Nội dung phán quyết của tòa án Fukui
Vụ việc: đòi hỏi ra lệnh tạm ngưng vận hành các lò số 3 và số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Takahama.
1. Bị cáo không được vận hành các lò hạt nhân số 3 và số 4 của Nhà máy điện Takahama tại Fukuiken Oigun Takahamacho Tanoura 1.
2. Án phí do bên Bị cáo chịu.
TÓM TẮT CÁC LÝ DO:
1. Mức độ động đất lớn hơn chỉ số động đất tiêu chuẩn 700 gal.
Chỉ số động đất tiêu chuẩn là chỉ số động đất lớn nhất mà chúng ta đoán có thể xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân. Việc xác định chỉ số động đất tiêu chuẩn một cách thích hợp là cơ bản để bảo đảm sự an toàn chống động đất đối với nhà máy điện hạt nhân.
Như vậy không thể có một cuộc động đất mà chỉ số lớn hơn chỉ số động đất theo tiêu chuẩn này.
Thế nhưng, với toàn bộ gần 20 nơi trong cả nước Nhật đặt nhà máy điện hạt nhân thì trong đó có 4 nơi đã xảy ra 5 lần động đất có mức độ lớn hơn so với chỉ số tiêu chuẩn động đất, chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây, sau năm 2005. Trong vụ kiện này, chỉ số động đất tiêu chuẩn được xác định cùng một cách giống như 4 nơi nhà máy điện hạt nhân nói trên, sử dụng tài liệu thu thập từ các vụ động đất trong quá khứ và phân tích điều tra các vết nứt sống trong lòng đất xung quanh nhà máy. Cách đánh giá vết nứt sống cũng không có gì thay đổi lớn, do đó không thế tìm ra được một lý do chính đáng là chỉ có khả năng dự đoán của Bị cáo trong vụ kiện này là có thể tin cậy được.
Thêm nữa, Giáo sư Irikura Kojiro, trả lời phỏng vấn của báo chí, đã phê bình cách đoán sức mạnh của một vụ động đất theo tình hình các vết nứt sống như sau: “Nhiều khi người ta hiểu rằng chỉ số động đất tiêu chuẩn là mức độ của vụ động đất lớn nhất mà mình tính ra, nhưng, thực sự thì không phải vậy.” “Tôi đã từng xử dụng các biểu thức khoa học đề nghị cách tính, nhưng theo kinh nghiệm, thật sự đa số những cuộc động đất thường mạnh hơn mức bình quân. Có khi mình quan sát cũng sai.”
Nhà máy điện hạt nhân mà chỉ đề phòng sự cố hiếm có theo cơ bản bình quân động đất thì không hợp lý, chỉ số động đất tiêu chuẩn không đủ tin cậy trên thực tế lẫn cả trong lý thuyết nữa.
Khi có xảy ra động đất lớn hơn chỉ số động đất tiêu chuẩn, lúc đó có nguy cơ các lò phản ứng sẽ thiệt hại, khó mà nắm được tình hình trong một thời gian rất hạn chế. Có qúa nhiều khó khăn để xử lý tình hình, và có nguy cơ hư hại tâm lò hạt nhân.
2.Về động đất nhỏ hơn chỉ số động đất tiêu chuẩn 700 gal.
Nhà máy điện hạt nhân trong vụ kiện này, khi mới bắt đầu vận hành đã theo chỉ số động đất tiêu chuẩn là 370 gal. Nhưng dần dà, bên Bị cáo tuần tự nâng chỉ số động đất tiêu chuẩn từ 370 gal lên 550 gal và từ 550 gal lên 700 gal để đối phó với tiêu chuẩn quy chế mới, trong khi không hề làm thêm điều gì hoặc thiết kế thêm thiết bị an toàn cần thiết. Chỉ đơn giản tăng chỉ số an toàn động đất trên lý thuyết là một việc mà cả xã hội hoàn toàn không đồng ý trong khi Bị cáo thì luôn cho rằng như thế là đủ an toàn.
Bên Bị cáo tự nhận rằng một cuộc động đất dưới chỉ số động đất tiêu chuẩn là 700 gal có nguy cơ làm mất nguồn điện ngoại bộ, và cùng lúc khi máy bơm cung cấp nước chính bị hư thì hoàn toàn mất nguồn nước chính. Bảo đảm duy trì chức năng làm lạnh qua nguồn điện ngoại bộ và hệ thống cung cấp nước chính là một điều kiện cao nhất vốn phải có của lò hạt nhân. Các thiết bị có vai trò quan trọng nhất để giữ an toàn, không thể không có được, thì theo thiết kế, cũng phải có khả năng chịu được động đất trong sự an toàn tương xứng.
Chúng tôi khó theo được lý luận của bên Bị cáo nói rằng các thiết bị đó không quan trọng trong vấn đề an toàn. Bên Bị cáo chủ trương rằng các thiết bị an toàn của nhà máy điện hạt nhân trong vụ án này bảo đảm an toàn theo cách đề phòng đa lớp. Ý tưởng đề phòng đa lớp này được hiểu là cách đề phòng mà trường hợp lớp bọc kiên cố thứ nhất đã bị xâm nhập thì vẫn còn có các lớp bọc thứ 2 và thứ 3. Ngược lại, cách đề phòng khi lớp bọc thứ nhất đã suy yếu do động đất xảy ra thì có thể được bảo vệ bởi lớp bọc tiếp theo, không phù hợp với bản chất của cách đề phòng đa lớp.
Tòa thấy nguy cơ động đất dưới 700 gal, chỉ số động đất tiêu chuẩn, có thể làm hư hỏng ngay tâm lò qua việc mất chức năng làm lạnh.
3. Tóm tắt về vấn đề duy trì chức năng làm lạnh.
Quần đảo Nhật Bản nằm trên 4 thềm lục địa khác nhau.
10% tổng số cuộc động đất của toàn thế giới xảy ra trên đất nước chúng ta.
Trong nội địa Nhật Bản, không có khu vực nào không thể xảy ra động đất. Bên Bị cáo nhấn mạnh về đặc tính các vùng có nhà máy điện hạt nhân nơi đã xảy ra những cuộc động đất lớn hơn mức động đất theo chỉ số tiêu chuẩn, và cho rằng Nhà Máy Điện Hạt Nhân Takahama nằm trong một vùng khác với các nhà máy đã bị động đất.
Thế nhưng, các luận chứng này không có gì chắc và không có ý nghĩa trước sự thật về vị trí của đất nước chúng ta như nói trên.
Bên Bị cáo lại cho rằng: Các cuộc động đất mạnh đã xảy tới với các nhà máy điện hạt nhân, cũng như 5 cuộc động đất lớn hơn chỉ số động đất tiêu chuẩn mà đã xảy ra tại vùng đất của các nhà máy điện hạt nhân, sẽ không bao giờ đến với Nhà Máy Điện Hạt Nhân Takahama:
Đó chỉ là một hy vọng lạc quan mà thiếu căn cứ. Lại nữa, một cuộc động đất nhỏ hơn mức động đất theo chỉ số tiêu chuẩn vẫn có khả năng gây ra một sự cố quan trọng, không phải là nguy cơ hiếm có, nhưng lại là một nguy cơ thật sự và khẩn cấp.
4. Về nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua xử dụng có thể gây thiệt hại đủ lớn cho sự tồn vong của đất nước chúng ta. Thế nhưng, các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua xử dụng không hề được bảo vệ bằng một thiết bi kiên cố như lò đựng hạt nhân. Chế tạo thiết bị kiên cố để giữ kín các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua xử dụng đưa tới tổng chí phí rất cao. Bên Bị cáo không ưu tiên trước hết cho sự an toàn của dân, mà chỉ lý luận là một sự cố to lớn rất ít khi xảy ra. Thêm nữa, các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua xử dụng được ngâm trong hồ với mức độ B về an toàn mà thôi, không đủ bảo đảm an toàn khi có động đất.
5. Về quyền lợi của người dân là được quyền sinh tồn.
Sự yếu kém của nhà máy điện hạt nhân trong vụ kiện này chỉ được giải quyết bằng các cách sau:
① Xác định lại tiêu chuẩn động đất, tăng chỉ số động đất tiêu chuẩn lên tối đa, và thực hiện các công trình căn bản về an toàn theo tiêu chuẩn mới.
② Nguồn điện ngoại bộ và hệ thống cung cấp nước phải được tăng cường theo mức độ S, để chịu được động đất theo tiêu chuẩn mới.
③ Các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua xử dụng phải được bảo quản bằng một thiết bị kiên cố.
④ Hồ nước dành cho các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua xử dụng phải có hệ thống cung cấp nước ở mức độ S khi động đất xảy ra. Thêm nữa, vì khi động đất rất khó mà nắm được tình hình, nên các thiết bị đo hồ nước chứa thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua xử dụng cũng phải ở mức độ S.
Ảnh hưởng nguy hiểm của chất phóng xạ đến văn phòng vận hành trung ương đòi hỏi phải đặt văn phòng trong một căn nhà chống động đất cùng có khả năng chống chất phóng xạ. Thế nhưng trong các điểm nói trên không có điểm nào được Cơ quan quản lý Hạt nhân xác định trong tiêu chuẩn quy chế mới.
Tiêu chuẩn xây căn nhà miễn động đất rất quan trọng nhưng lại được hoãn lại. Vì một cuộc động đất có thể xảy ra ngoài sự tính toán và ý muốn của con người, thật rõ ràng là cách trì hoãn như nói trên là không hợp lý.
Để Cơ quan quản lý Hạt nhân cho phép lò hạt nhân hoạt động lại, lò hạt nhân đó phải thông qua việc kiểm tra kỹ thuật chuyên môn để phù hợp với tiêu chuẩn quy chế mới.
Vậy tiêu chuẩn quy chế mới cũng cần phải hợp lý. Mục đích của quy chế này là kiểm tra đầy đủ về sự an toàn của lò hạt nhân để tránh tối đa sự cố nghiêm trọng có thể đến với sinh mạng và sức khỏe của người dân sống chung quanh nhà máy ĐHN (nội dung phán quyết của Tòa án tối cao ngày 29 tháng 10 năm 1992, liên quan tới Ikata). Vì vậy, yêu cầu hợp lý nhất là phải có tiêu chuẩn quy chế mới có nội dung nghiêm khắc, để khi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng phù hợp sẽ tránh được những sự cố nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu tiêu chuẩn quy chế mới này quá dễ dàng như nói trên, thì sự phù hợp với tiêu chuẩn này cũng không bảo đảm sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân liên quan trong vụ kiện này.
Tiêu chuẩn quy chế mới thiếu sự hợp lý.
Do đó, không tùy thuộc nhà máy điện hạt nhân này phù hợp với tiêu chuẩn quy chế mới hay không, tòa nhận định rằng những người Nguyên cáo có nguy cơ cụ thế bị thiệt hại đến sinh mạng, tức là quyền sinh tồn của người dân phải được triệt để bảo toàn.
6. Về sự cần thiết bảo toàn quyền lợi người dân.
Bên Nguyên cáo có nguy cơ bị thiệt hại bất khả phục hồi do sự cố nhà máy điện hạt nhân liên quan trong vụ kiện.
Vụ kiện này không tùy thuộc quyết định cũng như thời điểm hiện nay đã có sự cho phép tái hoạt động của Cơ quan quản lý Hạt nhân. Tòa ra phán quyết phải bảo toàn quyền lợi bên Nguyên cáo.
*
Cùng với GS Nguyễn Khắc Nhẫn, người viết xin chân thành cám ơn GS Michiko Yoshii đã chuyển bản dịch tiếng Việt Nội dung phán quyết của tòa án Fukui.
No comments:
Post a Comment