Sunday, April 12, 2015

Người Việt Nam cũng biết sợ phóng xạ?

http://danlambaovn.blogspot.com.au/2015/04/nguoi-viet-nam-cung-biet-so-phong-xa.html

Người Việt Nam cũng biết sợ phóng xạ?
Thục Quyên (SVNN/SaveVietNam´sNature) -  Bức ảnh vài chục công nhân lam lũ với nón lá và quần áo thường, có bổn phận bới một bãi rác 100 Ha tìm một "vật thể lạ" vùi sâu dưới 10m rác và không biết trong tình trạng phát phóng xạ ra sao, là hình ảnh sống động và chua chát, biểu tượng cho bãi rác khổng lồ của dân trí Việt Nam với tất cả những tham lam, ích kỷ, vô trách nhiệm của nhà cầm quyền và giới hữu trách


*

Từ hôm Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải tổ chức cuộc họp khẩn sáng ngày 6/04/2015 với các ban ngành sau khi nhận thông tin Nhà máy thép Pomina 3 bị thất lạc một nguồn phóng xạ, cứ theo dõi tin tức từ những bài báo với những cái tựa như

"Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu họp khẩn, ráo riết tìm nguồn phóng xạ thất lạc" "Khẩn trương truy tìm nguồn phóng xạ bị mất" "Tâm sự tê lòng của người báo mất nguồn phóng xạ" " Vụ Vũng Tàu mất cục phóng xạ: Những lời khai đầy nghi vấn" " Quản lý nguồn phóng xạ chưa nghiêm" "Hộp chứa nguồn phóng xạ thất lạc nguy hiểm như thế nào" "Truy tìm thiết bị phóng xạ thất lạc trong bãi rác 100 ha" "Hàng loạt vụ thất lạc nguồn phóng xạ rúng động Việt Nam"

thì phải kết luận là người Việt Nam đã biết sợ phóng xạ.

Nhất là nếu so sánh với sự thiếu để tâm của dân chúng vào những tin tức liên quan đến 6 lần thất lạc nguồn phóng xạ được khai báo trong những năm 2002, 2003, 2005, 2 lần liên tiếp năm 2006, rồi 2007. Ngay cả tin những nguồn phóng xạ thất lạc cho tới nay vẫn chưa tìm thấy, cũng chẳng làm cho nhà nước hay những người có hiểu biết suy nghĩ hay đặt thành vấn đề, thay đổi thái độ.

Lần thứ 7 vừa xảy ra tháng 9/2014 mà theo báo Lao Động, sau 6 ngày truy tìm và do nguồn tin từ quần chúng, nguồn phóng xạ Iridium-192 của công ty Apave bị đánh cắp và dấu tại một căn phòng trọ nằm trong hẻm 111 Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, mới được phát hiện và thu hồi. Sự cố nặng nề chỉ không xảy đến trong khu phố đông đúc vì một tình cờ may mắn là người chủ vựa phế thải đã không ra giá đủ cao để mua "vật lạ" đem đập ra tiêu thụ.

Ghi nhận thái độ của những người liên quan:

1/ Theo ông Đào Đức Hùng, người làm công tác an toàn sản xuất tại nhà máy luyện phôi thép Pomina 3, Công ty CP Thép Pomina tại KCN Phú Mỹ I (huyện Tân Thành)

- Chuyện xảy ra từ tháng 9/2014. Công ty không có nhà kho chuyên dụng nên sau khi xác định nguồn bức xạ cao hơn bình thường, vì thiết bị nguồn phóng xạ bị thép lỏng làm hư, và vì không được cung cấp chì để bọc nguồn phóng xạ bảo đảm an toàn cho công nhân, ông Hùng lựa giải pháp để thiết bị phóng xạ vào một thùng gỗ đưa ra để bên ngoài khu vực vắng người (!)

- Ngày 17/11/2014 ông Hùng phát hiện thiết bị chứa nguồn phóng xạ đã biến mất nên đã đề nghị công ty phối hợp tìm kiếm tuy nhiên phía công ty không có động tĩnh gì. Không biết tại sao mãi gần 5 tháng sau công ty mới báo cho cơ quan chức năng 

- Cấp trên của ông Hùng là ông Thanh tổ trưởng thiết bị và ông Khang phó giám đốc sản xuất của công ty được trình báo nhưng đã không giải quyết vấn đề (như mua chì để bọc nguồn phóng xạ, báo tin cho cơ quan chức năng)

2/ Nhưng theo ông Nguyễn Thế Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thép Pomina, lời khai của ông Hùng không chính xác. Cơ quan chức năng cần làm việc với ông Đào Đức Hùng để có cơ sở tìm kiếm nguồn phóng xạ. Quan trọng hơn hết ông Tuấn thú nhận “Khi phát hiện bị mất nguồn phóng xạ nhà máy đã áp dụng nhiều hình thức tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra thiết bị này. Hiện nay, nhân viên phụ trách an toàn (ông Hùng) đang trong quá trình thôi việc nên việc tìm kiếm càng thêm khó khăn. Mặt khác, đây là lần đầu xảy ra sự việc mất nguồn phóng xạ nên công ty rất lúng túng trong xử lý cũng như trình báo cơ quan chức năng”.

3/ PGS-TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Lao Động đã tuyên bố 

"Ngày hôm nay (9.4), tôi vừa ký dự thảo thông tư 23 để Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành, trong đó yêu cầu siết chặt việc giám sát các nguồn bức xạ. Cụ thể là trước đây không bắt buộc, nhưng tới đây sẽ buộc các cơ sở sản xuất sử dụng thiết bị phóng xạ có hoạt độ lớn phải gắn chíp để kiểm soát. Chíp này sẽ được nối mạng cùng lúc tới 3 nơi là Cục An toàn bức xạ, Sở KHCN tỉnh/thành phố và chủ cơ sở sản xuất. Như vậy, mọi hành vi liên quan đến an toàn bức xạ như di chuyển, tháo lắp, đều được thông báo về các cơ quan quản lý, từ đó việc giám sát sẽ được đảm bảo, tránh xảy ra các sự cố như mất nguồn phóng xạ khó kiểm soát."

Để sống còn, hãy bới tung đống rác lên.

Bãi rác của nhà máy Kbec Vina hiện vẫn đang được đào bới để tìm nguồn phóng xạ nghi bị chôn vùi tại đây Tin-ảnh: Ngọc Giang/ báo Người Lao Động ngày 8/04/2015

Dựa trên lời khai của một nhân viên nhà máy Kbec Vina, khu xử lý rác Tóc Tiên đang được đào bới để mong tìm thấy nguồn phóng xạ vừa mất mà người này nghĩ có thể là thiết bị anh đã vứt đi cách đây gần 7 tháng, mặc dù thời điểm và sự mô tả không mấy trùng hợp với thiết bị đã mất. 

Bức ảnh vài chục công nhân lam lũ với nón lá và quần áo thường, có bổn phận đào bới một bãi rác 100 Ha tìm một "vật thể lạ" vùi sâu dưới 10m rác, và không biết trong tình trạng phát phóng xạ ra sao, là hình ảnh sống động và chua chát, biểu tượng cho bãi rác khổng lồ của dân trí Việt Nam với tất cả những hèn yếu, tham lam, ích kỷ, vô trách nhiệm của nhà cầm quyền và giới hữu trách.

Đó chính là đống rác khủng cần phải được bới tung lên để phơi bày tất cả những hiểm nguy phải trừ khử.

Ai là giới hữu trách?

Đó là tập thể những người liên quan đến ngành bức xạ và hạt nhân, đã đóng góp trực tiếp hay gián tiếp bằng sự im lặng cho tới ngày nay, để nhà cầm quyền có thể huênh hoang tuyên bố tới cả một chương trình vĩ đại xử dụng năng lượng hạt nhân mà không có lấy những chương trình quản lý tối thiểu những nguồn phóng xạ dùng trong y tế và công nghệ.

Cục trưởng Cục an toàn bức xạ và hạt nhân Vương Hữu Tấn phải chờ tới lần thất lạc nguồn phóng xạ thứ 8 được khai báo kể từ năm 2002 mới khoe công ký dự thảo thông tư 23 để Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành, trong đó yêu cầu siết chặt việc giám sát các nguồn bức xạ. Khoe mà không ngượng miệng ngay sau khi vừa tuyên bố với phóng viên báo Lao Động 

"Nếu so với sự cố mất nguồn phóng xạ tại TPHCM vào tháng 9.2014 thì nguồn phóng xạ bị mất tại Cty thép Pomina (có trụ sở tại Bà Rịa- Vũng Tàu) có mức độ nguy hiểm nhỏ hơn, nguồn phóng xạ được xác định chỉ vài mili Curi, trong khi nguồn phóng xạ tìm thấy ở TPHCM lớn hơn đến hàng nghìn lần"

Ông Tấn đã từng giữ chức Viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam từ 10/2001 tới 4/2012 và được bổ nhiệm từ tháng 5/2012 vào chức vụ hiện tại. Thiết tưởng ông không lạ gì với tin những nguồn phóng xạ công nghiệp bị mất cắp không tìm lại được, và tối thiểu sau lần mất thứ 7 vào tháng 9/2014 tại TPHCM thì ông đã phải ký dự thảo rồi chớ? Ông Tấn không phải là một đảng viên ngu dốt được đề xuất vào ngành mà ông đã bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành vật lý hạt nhân tại Trường Tổng hợp quốc gia Kiev năm 1989, chỉ 3 năm sau và ngay chính tại Ukraina nơi xảy ra thảm họa Chernobyl


Việt Nam đã có luật và các thông tư, nghị định hướng dẫn quản lý an toàn bức xạ chưa?

Có bao nhiêu trạm quan trắc phóng xạ môi trường để bao quát các nguồn bức xạ?

Có bao nhiêu cơ quan chuyên môn thẩm định chất lượng của các thiết bị phóng xạ nhập khẩu.?

Có bao nhiêu thanh tra các cơ sở?

Vấn đề bảo quản tạm rác phóng xạ rất nguy hiểm được giao cho các cơ sở tự bảo quản, lấy gì bảo đảm là đúng tiêu chuẩn và không thất thoát? không bị dùng để biến thành những "vũ khí bẩn" đe dọa an ninh quốc gia?

Nói chi đến vấn đề đảm bảo an toàn hạt nhân ,gắn liền với lò phản ứng, đã bỏ trắng cho chính kẻ xây và điều hành lò. (Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom)

Ai trong tập thể những người liên quan đến ngành bức xạ và hạt nhân dám trả lời câu hỏi về nơi bảo quản vĩnh viễn rác phóng xạ, trong khi cả thế giới chưa tìm được đáp số cho vấn đề, và nhiều nước dẫn đầu công nghiệp hạt nhân đã quyết định từ bỏ nó vì ứ đọng chất thải hạt nhân?

Trích từ chính trang nhà VARANS của Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân Việt Nam:

Kể từ khi kỷ nguyên hạt nhân bắt đầu, việc tìm cách chứa chất thải phóng xạ đã được con người quan tâm đặc biệt. Chất thải phóng xạ là vấn đề lớn của điện hạt nhân. Người ta tính rằng, trung bình 1 tổ máy của nhà máy điện nguyên tử 1.000 MW, hàng năm thải ra 30-50 m3 chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình đã xử lý và 30 tấn nhiên liệu đã cháy.

...Chất thải phóng xạ đã được vận chuyển xuyên lục địa, cũng như đại dương, nhằm tìm kiếm nơi cất giữ an toàn cuối cùng. Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều có chất thải hạt nhân. Một số loại vẫn còn tính phóng xạ trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, họ lại chưa thống nhất về một phương pháp chứa chất thải hạt nhân tốt nhất.

Hiện nay, nhiều người chia chất phóng xạ ra làm 3 mức độ. Mức A đến khoảng 30-40 năm, mức B đến 3.000 năm và mức C 30.000 đến 100.000 năm. Hiện chất thải có tính phóng xạ cao được đưa vào cất giữ tạm thời trong thời gian 30-40 năm để tính phóng xạ cũng như lượng nhiệt thải ra giảm bớt. Sau thời gian này, chất thải vẫn còn nguy hiểm nên được cất giữ vĩnh viễn ở một nơi nào đó. Tại nhiều quốc gia, vẫn chưa rõ ai sẽ trả chi phí cất giữ trong hàng trăm, thậm chí hàng trăm nghìn năm.

Giới hữu trách cũng là tập thể những người trong ngành y tế, đặc biệt là các bác sĩ.

Thông hiểu và vận hành các thiết bị phóng xạ tối tân cần thiết trong ngành y phải được thực hiện nghiêm túc. Phải thoát khỏi tình trạng như năm 2002 mà theo ông Vương Hữu Tấn, ở nhiều cơ sở y tế, việc thiếu cán bộ chuyên môn hoặc chuyên môn thấp đã dẫn đến tình trạng chiếu xạ qúa liều cho bệnh nhân, hay chính người vận hành thiết bị nhiễm xạ mà không biết. Việt Nam cũng chưa thấy có một trung tâm chữa bệnh phóng xạ quốc gia để cứu giúp những người trong tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra đứng trước hiểm họa hạt nhân, những bác sĩ có tinh thần trách nhiệm và chưa quên lời thề Hippocrates mà mọi y sĩ phải tuyên thệ trước khi ra nhận lãnh sứ mạng của mình trong xã hội, không được tiếp tục im lặng khi họ tự biết là Y Khoa sẽ bó tay, không thể bảo vệ con người trước những căn bệnh hiểm nghèo do phóng xạ nguyên tử gây ra.

Các bác sĩ phải lên tiếng ngăn cản những người cầm quyền thiếu sáng suốt, phải đẩy mạnh chiến dịch vận động, "cảnh báo y tế", để đảm nhiệm vai trò thông tin, giáo dục, tăng sự hiểu biết công cộng về mối nguy hiểm thường trực của những lò hạt nhân có thể đưa đến thảm họa.

Giới hữu trách cũng còn là những người Việt Nam sống no đủ tại hải ngoại, có cơ hội học hỏi để mở mang tầm hiểu biết về những vấn đề phóng xạ, ô nhiễm, môi sinh, mà chỉ tận hưởng niềm vui của người du lịch bàng quan ngày hôm nay, không biết tới mai sau. Thương yêu quê hương để ca tụng núi rừng sông biển không đủ, mà phải bảo vệ chúng và bảo vệ những người đang sống nơi đó khi hiểm nguy xảy tới. Trí thức là kẻ biết quan tâm và thấy trước những hiểm nguy cho quê hương đồng bào để hành xử ngăn ngừa. 

Nếu có sự phản kháng kịch liệt bao nhiêu năm nay về ô nhiễm sông hồ vì nước thải công nghiệp thì có lẽ Sài Gòn chưa bị bê tông hóa và cây xanh Hà Nội chưa bị đốn ngã. 

Những thất lạc và mất cắp nguồn phóng xạ công nghiệp hàng năm phải khiến cho những người trí thức Việt Nam tại hải ngoại dù không bị ảnh hưởng trực tiếp cũng phải nghĩ tới vùng đất và người dân Ninh Thuận chưa biết sẽ ra sao trong tay của Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom, và phải lên tiếng như người bạn trẻ Ngô Đức Thế: "Có những việc sai có thể sửa chữa, nhưng có những sai lầm không thể sửa chữa nổi" (*) 

 

No comments:

Post a Comment