Tự Do ôi Tự Do
Hạt Sương Khuya (Danlambao) - Có những nỗi buồn không chờ cũng đến… có những niềm đau không gọi cũng về. Nỗi buồn ấy đã làm bưng mủ trái tim, làm trơ hốc mắt khi nhìn vào tận sâu đáy huyệt mộ quá khứ, nghe nỗi đau chạy dài nơi miền ký ức làm tim thổn thức. Văng vẳng đâu đây tiếng người gọi nhau trong cơn biến loạn, lửa, máu, nước mắt, tiếng gào thét, tiếng chân người bồng bế nhau chạy, thây người ngã xuống… một mảnh bom cắt đứt con đường hy vọng, Mẹ gục ngã, Cha hy sinh ngoài chiến trận, con mồ côi. Có giọt nước mắt nào lăn khẽ trên vết hằn năm tháng của một phận đời. Bức tranh tháng Tư lại về…
30 tháng 4… ngày con sông Bến Hải không còn ngăn cách, ngày có triệu người vui, triệu người buồn. Một sự 'thống nhất' bằng máu của hơn ba triệu nhân mạng, của cả hai miền cho một cuộc chiến xâm lược được khởi đi từ Cộng sản Bắc Việt. Ngày dân Miền Nam khắc sâu bằng máu trong tim với hai chữ QUỐC HẬN, khởi đầu cho những oan khiên qua nhiều chính sách tàn bạo, tạo thêm một hố sâu chia rẽ, hận thù trong lòng dân tộc, mặc dù đã bốn mươi năm trôi qua, cái hệ lụy ấy đã không thể nào hàn gắn lại những vết thương chiến tranh, quá khứ. Bốn mươi năm trôi qua, dù người dân Miền Nam có muốn đặt Tổ Quốc trên mọi nỗi đau mất mát, tạm gác lại trong lòng hai chữ Quốc Hận, thì cả dân tộc Việt Nam này cũng không thể nào chấp nhận cúi đầu làm nô lệ cho bọn mãi quốc cầu vinh, đem gấm vóc sơn hà dâng bán cho Tàu cộng.
Trước mặt tôi là bức 'Chân Dung Tỵ Nạn' của họa sĩ Trần Thúc Lân. Một bức tranh nói lên cuộc hành trình đi tìm Tự Do của người Việt, một cuộc bỏ phiếu bằng chân lớn nhất trong lịch sử, đã làm rung động trái tim nhân loại trước viễn cảnh của những thân phận tỵ nạn thà chết trên biển đông chứ không chấp nhận sống chung với chế độ cộng sản.
Người thợ vẽ Chiến sĩ tự do.
Tôi có chút duyên hạnh ngộ cùng bác Trần Thúc Lân. Một người rất nổi tiếng với những bức chân dung về Tù Nhân Chính Trị mà chúng ta thường gặp trên các Video Clip hay trong những bài viết... từ Điếu Cầy, Tạ Phong Tần, Vi Đức Hồi, đến Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, hay người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, Trương Văn Sương v...v...
Mỗi một chân dung là một nỗi đau trên nét vẽ của người họa sĩ.
Vượt Biển (38cmx55cm)
Khi nói đến Thuyền nhân Việt Nam… là nói đến nỗi kinh hoàng của một giai đoạn lịch sử khốc liệt; nói đến những gương mặt lo lắng trong đêm tối, hồi hộp sợ hãi không biết cuộc ra đi lần này sẽ đưa đến nhà tù hay lối thoát; hay nói đến những con thuyền mong manh nặng trĩu với những phận người không còn gì để mất.
Lênh Đênh (60x60)
Rồi những ngày lênh đênh trên biển cả. Những thân người rũ rượi nằm trong khoan tàu bé nhỏ, chật hẹp đói khát, cùng với cái nóng thiêu đốt khiến môi khô khốc, trí giác tê liệt. Có những người đã không chịu nổi và nhảy xuống biển vì điên loạn. Ôi... những con thuyền mong manh trôi dạt không bến bờ, kẻ khóc, người kêu gào xen lẫn trong tiếng cầu kinh. Lạy Chúa, lạy Mẹ xin cứu chúng con. Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn… những âm thanh ấy đang chìm dần trong bóng đêm vô vọng.
Cứu Vớt (1mx50cm)
Thượng đế đã xót thương. Ôi những con tàu định mệnh, những trái tim vĩ đại của nhân loại còn biết đau nỗi đau đồng loại. Thoát rồi một địa ngục trần gian… cánh cửa thiên đàng đang rộng mở, có đôi tay nào đang cứu rỗi những linh hồn trong cơn hấp hối… Tự Do ôi Tự Do… tôi đổi bằng nước mắt, anh đổi bằng máu xương, em đổi bằng thân xác, vì hai chữ Tự Do, ta mang đời lưu vong. (Nam Lộc)
Trại Tỵ Nạn (73cmx50cm)
Mã Lai, Thái Lan, Indonesia, Singapor, Philippin, HongKong. Những vùng đất cưu mang những bước chân tỵ nạn. Dù đã đến được bến bờ bình an, nhưng tâm trạng của thuyền nhân vẫn còn hoang mang, lo lắng trong chuỗi ngày dài chờ đợi. Kẻ vô vọng chờ đợi tin tức người thân, người chờ đợi thủ tục định cư. Ánh mắt trẻ thơ in hằn nỗi đau quá khứ, chất chứa một khát vọng tương lai, dù không tuyệt vọng nhưng tương lai vẫn còn là một vũng tối… nơi cuối đường ấy có hay không một tia sáng hy vọng?
Định Cư (60x60)
Và rồi cái khát vọng Tự Do… như hình bóng của những cánh chim Hải Âu đã trở thành hình bóng chiếc phi cơ đưa người tỵ nạn đến bến bờ Tự Do. Hạnh phúc vỡ òa khi nhìn thấy màu Cờ Vàng phất phới trên đôi tay của những đồng bào ruột thịt, những cái ôm siết chặt, nghẹn ngào trong tiếng nấc của yêu thương. Nỗi nhớ chia lìa nay đã được lấp đầy trong ngày đoàn tụ. Niềm vui và hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt trẻ thơ, trước một tấm vở mở ra ngàn cơ hội ăn học để thành người. Xin cảm ơn đất nước đã cưu mang những người dân Việt khốn cùng, mở ra cánh cửa tương lai cho thế hệ mai sau. Hình ảnh người Cha chỉ vẽ nửa người như đã để lại nửa đời cho quê hương, cho những người còn ở lại. Nửa còn lại dành cho các con với niềm tin yêu, che chở. Giấc mơ cố hương là niềm hy vọng mà đôi tay người Cha đã đặt trách nhiệm tương lai của đất nước trên đôi vai người con gái nhỏ bé. Trong manh áo ấm giá lạnh quê người, đôi chân trần chạm đất như không tách xa cội nguồn. Nhìn cậu bé ôm lá Cờ vàng trong lòng, tôi nghe hồn nước trào dâng trong từng huyết quản.
Những bức tranh khác biệt về khuôn khổ và rời rạc đã nói lên năm chặng đường cuộc Hành Trình Tự Do của người Việt: 1/Vượt Biển 2/Lênh Đênh 3/Cứu Vớt 4/Trại Tỵ Nạn 5/Định Cư. Ý nghĩa của sự rời rạc nhắc lại những mảnh đời, những gia đình tan nát trong cuộc hành trình đi tìm tự do này. Và bộ tranh khi được ráp lại như biểu tượng cho sự hàn gắn, đoàn tụ của những số phận lưu vong trên khắp năm châu được nối liền bởi một lý tưởng chung, đó là Tự Do mà cánh Hải Âu là tượng hình.
Số phận của bộ tranh Chân Dung Tỵ Nạn này có lẽ cũng 'lận đận' như những bước chân Tự Do. Tôi được Bác cho biết, khởi đầu là do anh Lê Minh bên Úc đặt tranh. Bác Lân là họa sĩ ngụ tại Paris. Nay bộ tranh đã hoàn tất, và tôi rất hân hạnh sẽ là người đại diện Bác đem bộ tranh sang Washington DC để tham dự chương trình Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center. Điểm cuối cùng dừng chân của bộ tranh Chân Dung Tỵ Nạn sẽ là Việt Museum tại San Jose, nơi lưu lại những mảnh đời khốn cùng trên hành trình đi tìm tự do. Mời quý vị vào Link dưới đây để biết thêm về Bảo Tàng Người Việt (Viet Museum). (*)
Là một nhân chứng trong cuộc chiến hai mươi năm. Bác Lân hiểu khá rõ về nỗi đau chung của dân tộc, cũng như nỗi đau riêng của những người như Bác đã trải qua hai cuộc di cư, hai lần bỏ xứ ra đi không một lần trở lại. Còn ai hiểu Bác hơn cô con gái của Bác. Chị Lan, người bạn mà tôi đã tình cờ làm quen trong một lần biểu tình ở Paris, kể từ đó đã trở thành thân thiết. Khi người Cha trăn trở trên một bức tranh, người con gái chăm chút đặt bút xuống viết lời cho một bài hát, hai cách thể hiện khác nhau nhưng cùng chung một mục đích, một lý tưởng. Và như thế bài 'Tự Do Ôi Tự Do' đã ra đời như một điệu ru cho những người đã yên nghỉ trong lòng biển cả, và cũng là tiếng gọi đánh thức lương tâm nhân loại. Xin đừng quên những thân xác đã nằm xuống vì hai chữ Tự Do.
Tôi được Lan cho biết anh Phùng Mai từ Quỹ Tù Nhân Lương Tâm bên Úc đã yêu cầu làm một bài thơ tiếng Anh cho một bài hát, và theo những đề nghị sau đó đã làm thêm lời Việt, và sau cùng là lời Pháp cho cùng một điệu nhạc. Tôi rất hân hạnh khi nhận lãnh trình bày tác phẩm này. Là một người luôn đặt mình trong trách nhiệm khi trình bày một ca khúc đấu tranh, tôi không cho phép mình làm việc theo cách 'làm cho có'. Mặc dù đã thâu bài hát này ngay sau khi nhận lời, tôi vẫn không vừa lòng với chính tôi. Dù thời gian và phương tiện eo hẹp, tôi đã cố hết sức mình để có thể hoàn tất cho kịp phổ biến vào dịp tháng Tư này như đã hứa với Bác và Lan. Cảm nhận được sự miệt mài của Bác qua nét cọ, sự chăm chút của Lan qua lời thơ… và tôi đã thả hồn mình theo tiếng hát… !
Tôi từng kính trọng tinh thần phụng sự cho chính nghĩa Quốc gia của Bác Lân qua những bức chân dung của các Tù nhân lương tâm mà Bác đã vẽ bằng nỗi đau của chính mình dành cho những ai đang sống cảnh tù đày trên quê Mẹ. Mỗi một nét vẽ là một lời nguyện cầu cho những thân phận nhỏ bé, đang chịu hàm oan bởi một lũ bạo quyền. Nhiều người đã ra đi trong niềm uất hận, như tù nhân bất khuất Trương Văn Sương, hay tù nhân chính trị Nguyễn Văn Trại, thầy giáo Đinh Đăng Định, v...v... người dù đã đi vào cõi thiên thu, nhưng những bức chân dung Bác vẽ sẽ trở thành những di chúc cho đời sau, nói lên gương hy sinh của những Chiến Sĩ Tự Do này, trước tội ác của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Cảm ơn Bác Lân. Nhìn bộ tranh Chân Dung Tị Nạn, tôi thấy chất chứa trong đó có một phần đời tôi đã đi qua, nhớ lại những tháng ngày xưa ấy, nét kinh hoàng như vẫn còn ẩn hiện đâu đây. Xa xa…tiếng vọng về của lời kinh nguyện quyện cùng tiếng sóng biển. Có tiếng oan hồn đang bật khóc giữa canh khuya…
Tháng Tư ra biển, buồn tưởng nhớ
Nhặt lại niềm đau, một thuở xưa
Hồn ai lãng đãng nơi đầu sóng
Có phải người từ, cõi hư vô.
Tháng Tư ra biển, sóng bạc đầu
Tiếng người gào thét, dưới mộ sâu
Đôi tay chới với, theo bọt sóng
Níu lấy phận người, bám vào đâu.
Tháng Tư ngồi khóc, nhớ biển xưa
Chốn ấy bạn tôi, đã bao mùa
Không người sưởi ấm hồn cô quạnh
Chỉ sóng ru buồn, kiếp bơ vơ.
Tháng Tư khăn trắng chít ngang đầu
Hướng về biển cả, nỗi lòng đau
Chắp tay gửi gió, lời kinh khấn
Chốn ấy bình an, cõi vĩnh hằng.
Sau bốn mươi năm, những bước chân tỵ nạn bơ vơ thuở nào nay đã trải qua thời kỳ khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa và đã hội nhập cùng đời sống mới. Có những người đã nằm xuống chưa một lần trở lại quê xưa. Những đứa trẻ nay đã thành tài và đã yên bề gia thất. Thế hệ sau cũng đã trưởng thành và có những thành tích nổi bật trong đời sống xã hội nơi xứ người. Những thành quả này là do tấm lòng bao dung của đất nước đã dang tay đón nhận những cánh chim Hải âu lạc loài, lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn vì khát vọng tự do, dân chủ.
Xin cảm ơn đất nước đã cưu mang những người dân Việt trong suốt 40 năm qua.
Cứ mỗi độ tháng Tư về lòng tôi lại quặn thắt. Nỗi ám ảnh về những ngày cuối cùng của cuộc chiến như những vết dao cứa trên da thịt. Hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu trong những giờ phút cuối cùng, dù sức tàn, lực kiệt… các Anh vẫn cố bám lấy mảnh đất quê hương trong nỗi đau tận cùng… tuyệt vọng. Nước mắt lại rơi khi nghĩ đến những người đã nằm xuống vì bảo vệ tự do cho Miền Nam. Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các anh hùng Vị Quốc Vong Thân.
Paris 40 năm Quốc Hận.
____________________________________________
(Bài viết dựa theo tâm tình của họa sĩ Trần Thúc Lân)
Xin giới thiệu đến quý vị lời nhạc "Tự Do Ôi Tự Do" bằng Tiếng Anh, Pháp và Việt của tác giả T.T. Lan. Tôi không có tham vọng hát tiếng Anh-Pháp. Nhất là đối với một người tự học như tôi lại càng khó khăn. Xin vì tấm lòng cao cả dành cho quê hương ấy, mong Bác và Lan đón nhận nơi đây sự biết ơn của Hạt Sương Khuya.
Freedom, oh Freedom…
TTLan 12/04/14
Has the world forgotten,
The day Evil had spread
And Angels had fallen
To paint our land blood Red …
R: For Evil is what makes
Us leave land and home
For we know what it takes
To fight for Freedom! Freedom, oh Freedom…
Has the world forgotten,
All those years long ago
Like specks in the ocean,
Boats and their human cargo?
R: For Evil is what makes
Us leave land and home
For we know what it takes
The price of Freedom! Freedom, oh Freedom…
Has the world forgotten
The thousands lost at sea
A people forsaken
For wanting to be free
R: For Evil is what makes
Us leave land and home
For we know what it takes
Our Life for Freedom! Freedom, oh Freedom…
Liberté, ô Liberté…
TTLan 30/04/14
Le monde semble oublier
L’jour où l’Mal l’a emporté
Sur notre terre d’Anges déchus
Le sang Rouge s’est répandu …
R: Le Mal Rouge nous a fait fuir
Quittant terre, laissant foyer
Nous savons qu’il faut souffrir
Pour t’vouloir, Liberté! Liberté, ô Liberté…
Le monde semble oublier
Toutes ces lointaines années
Des pauvres barques dans l’océan,
Lourdes de corps et âmes errants…
R: Le Mal Rouge nous a fait fuir
Quittant terre, laissant foyer
Nous savons qu’il faut souffrir
Pour t’aimer, Liberté! Liberté, ô Liberté…
Le monde semble oublier
Ces naufragés par milliers
Un peuple seul abandonné
Dans sa quête d’la Liberté
R: Le Mal Rouge nous a fait fuir
Quittant terre, laissant foyer
Nous savons qu’il faut souffrir
Pour t’avoir, Liberté! Liberté, ô Liberté…
Tự Do ôi Tự Do…
TTLan 30/04/14
Thế giới như quên rồi sao…
Ngày nao Thiên Thần gẫy cánh
Ác quân xâm lăng vào Nam
Làng thôn nhuộm hồng màu máu …
R: Vì đâu ra khơi trốn thoát
Mất quê hương, xa người thương,
Chịu đau ngàn muôn mất mát
Vì tranh đấu cho Tự Do! Tự Do ôi Tự Do…
Thế giới như quên rồi sao…
Ngày nao giữa lòng sóng bão
Những chiếc ghe trên Biển Đông
Nặng bao thân người tìm sống…
R: Vì đâu ra khơi trốn thoát
Mất quê hương, xa người thương,
Chịu đau ngàn muôn mất mát
Liều thân chết cho Tự Do! Tự Do ôi Tự Do…
Thế giới như quên rồi sao…
Biển chôn trăm ngàn thân xác
Khóc dân tôi sao khổ đau
Mặc cho biển trời phó thác…
R: Vì đâu ra khơi trốn thoát
Mất quê hương, xa người thương,
Chịu đau ngàn muôn mất mát
Vì ước muốn sống Tự Do! Tự Do ôi Tự Do…
(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_t%C3%A0ng_Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t
(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_t%C3%A0ng_Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t