Sunday, October 14, 2012

Nước Đức với 50 năm điện hạt nhân và báo Tia Sáng: không có gì để ăn mừng, chỉ có ngàn đời ân hận!


http://www.boxitvn.net/bai/41951
http://sites.google.com/site/networksavevietnamsnature/5-bai-vo-lien-he/5-1-nang-luong-hat-nhan/b20121013_nuocduc50namdhn


Nước Đức với 50 năm điện hạt nhân và báo Tia Sáng: không có gì để ăn mừng

Dương Thạch

Tạp chí Tia Sáng, tạp chí điện tử của Bộ Khoa học Công nghệ, ngày 30 tháng 7 năm 2012 có đăng một bài báo của dịch giả Xuân Hoài với tựa đề: “50 năm điện nguyên tử của Đức“, ghi là “theo Wiwo 7/121). Có lẽ đa số độc giả khó lòng mà biết Wiwo là gì và ở đâu. Bài báo này được viết theo nguyên bản tiếng Đức tựa đề là “Deutsche Atomgeschichte. 50 Jahre Atomkraft – eine Bilanz” 2), tạm dịch là “Lịch sử nguyên tử Đức. 50 năm năng lượng nguyên tử, một bản quyết toán”, đăng trên tờ tuần báo Wirtschaftswoche (Tuần kinh tế) ngày 24 tháng 7 năm 2012.
Tuần báo Wirtschaftswoche chuyên về tin tức và các vấn đề kinh tế, ra đời đã khá lâu (1926). Wirtschaftswoche cũng là một tờ báo quy nhiệm của thị trường chứng khoán tại Frankurf và Düsseldorf, Đức, có nhiệm vụ đăng tải tất cả những thay đổi trong tuần của thị trường chứng khoán. Độc giả của tờ báo phần lớn là những người làm việc trong ngành kinh tế thị trường, giới chủ nhân hay viên chức cấp cao của các hãng, các tập đoàn, công ty. Mặc dù được tiếng là báo đứng đắn, nhưng như tên của nó, tờ báo không khỏi có khuynh hướng thân thiện với giới kinh tế tư bản. Bài báo tiếng Đức viết cho độc giả ở Đức, trong đó có những chuyện mà người đọc ở Đức biết ngay nhưng những độc giả không ở Đức thì không thể biết rõ đầu đuôi mà chỉ có thể hiểu như một khái niệm lờ mờ.
Bài báo nguyên bản tiếng Đức nói trên đã vẽ ra một bức tranh khá đẹp về thị trường và công nghệ năng lượng nguyên tử ở Đức, kèm theo một vài nét chấm phá bất lợi để tỏ ra vô tư nhưng trọng tâm vẫn là bênh vực cho năng lượng hạt nhân Đức. Trong bài tiếng Việt, Xuân Hoài đã bỏ hẳn những nét chấm phá không mấy tốt đẹp đó khiến cho bức tranh 50 năm điện hạt nhân mà dịch giả gọi là điện nguyên tử Đức đẹp hẳn lên, nếu không muốn nói là toàn mỹ. Nếu quen biết Xuân Hoài thì chắc các công ty điện nguyên tử phải gắn huy chương và cám ơn tác giả đã tô son điểm phấn thêm cho họ!
Sau đây là những đoạn mà dịch giả Xuân Hoài của bài báo trên Tia Sáng đã bỏ đi không dịch (phần in nghiêng tô đậm), kèm theo là phần giải thích của người viết bài này.
Nhà máy điện nguyên tử hay nhà máy điện hạt nhân?
Từ 1955 đến 1962, nước Đức có hẳn một Bộ Liên bang về Các vấn đề Nguyên tử (Bundesministerium für Atomfragen), ngày nay là Bộ Nghiên cứu và Đào tạo Liên bang (Bundesministerium für Bildung und Forschung). Thuở mới bắt đầu, người ta còn hãnh diện dùng chữ “nhà máy điện nguyên tử” (Atomkraftwerk), nhưng từ khi tai nạn phóng xạ Chernobyl xảy ra, các tập đoàn điện năng trở nên ngại ngùng không dùng chữ “nhà máy điện nguyên tử” nữa mà thay bằng từ “nhà máy điện hạt nhân” (Kernkraftwerk) có vẻ trung hòa hơn, bớt gây sốc như chữ “nguyên tử”, mặc dù vậy ngày này cả 2 chữ vẫn còn thông dụng, các tổ chức xã hội dân sự vẫn dùng chữ “nhà máy điện nguyên tử” (Atomkraftwerk) và gọi tắt là AKW. Ngoài ra, trong các bài viết tiếng Việt, người ta thường bắt gặp chữ “chất thải phóng xạ“ hoặc “chất phế thải phóng xạ“, trong tiếng Đức có 2 chữ „Radioaktiver Abfall“ đồng nghĩa với „chất phế thải phóng xạ“ và „Atommüll“ là „rác nguyên tử“, nhưng trong ngôn ngữ dân gian chữ „Atommüll“ được dùng thường hơn vì nó ngắn gọn, dễ hiểu hơn, trong bài này người viết xin dùng chữ „rác nguyên tử“ thay vì „chất phế thải phóng xạ“.
Ảnh 1: Người Nhật ở Düsseldorf, Đức, biểu tình ngày 25/8/2012 chống điện hạt nhân ở Nhật với khẩu hiệu “Sayonara AKW!” (“Vĩnh biệt nhà máy ĐHN”).
Đoạn bị đục bỏ thứ nhất:
Tổn phí cho việc xây dựng thời đó và việc tháo bỏ ngày này thật vĩ đại. Cách đây 50 năm, tiểu bang Bayern đã mở đầu thời kỳ thương mại của điện hạt nhân ở Đức, từ đó đến nay không ngừng có những tranh chấp về việc sử dụng năng lượng hạt nhân (Die Kosten für damaligen Bau und heutigen Abriss sind gigantisch. Vor 50 Jahren besiegelte der Freistaat Bayern den Beginn der kommerziellen Atomstrom-Aera in Deutschland. Seit dem tobt der Kampf um die Nutzung der Atomenergie).
Đoạn bị bỏ này đã chỉ ra hai điều: thứ nhất là huyền thoại điện hạt nhân rẻ đã bị lột trần, giá điện nêu ra không có các phí tổn tháo dỡ chưa kể đến tiền giải quyết và bồi thường một khi tai nạn hạt nhân xảy ra như Chernobyl hay Fukushima; thứ nhì là huyền thoại điện hạt nhân an toàn cũng bị đánh đổ bởi vì không ai lường trước được tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào, xin xem thêm bài của GS Hoàng Xuân Phú [2]. Càng tìm hiểu về điện hạt nhân người ta càng sợ và từ chối điện hạt nhân, vì thế đã có những tranh chấp kéo dài hơn 40 năm nay tại Đức giữa hai khuynh hướng bênh vực (chưa thấy quan tài chưa đổ lệ) và phản đối năng lực nguyên tử. Cách đây 50 năm, dân chúng chưa hiểu biết gì nhiều về điện nguyên tử, nhưng trong thời gian còn chiến tranh lạnh, từ năm 1970 dân chúng bắt đầu nhận ra mối nguy hiểm rình rập của vũ khí nguyên tử (giữa hai khối Bắc Đại Tây Dương và khối Varsovie) cũng như của năng lượng nguyên tử, do đó mà phong trào chống nguyên tử bắt đầu nẩy nở, dân chúng càng ngày càng hưởng ứng.
Đoạn bị đục bỏ thứ nhì:
50 năm trước, vì sợ không theo kịp đà tiến hóa công nghệ của các nước tiên tiến nên nước Đức đã chọn con đường điện hạt nhân nhưng thời gian đầu không công ty tư nhân nào hưởng ứng. Để khuyến khích các công ty tư nhân,
Chính phủ liên bang cam kết sẽ đảm nhận phần lớn lỗ lã nếu có, ngược lại các hãng chủ quản cũng phải cam kết mua lại số điện sản xuất được. Thêm vào đó, khi dựng kế hoạch không ai có thể bảo đảm rằng sau đó có thể sản xuất điện đủ bù cho giá thành (Der Bund verpflichtete sich, einen Großteil möglicher Betriebsverluste zu übernehmen, die Betreiber verpflichteten sich dagegen, den im AKW erzeugten Strom auch abzunehmen. Hinzu kommt, dass niemand bei der Planung eines Kraftwerkes gewährleisten kann, dass bei der Fertigstellung der Strom kostendeckend produziert werden kann).
Như thế nhà nước sẽ phải gánh chịu phần thiệt thòi rất lớn.
Đoạn bị đục bỏ thứ ba:
Vì bài báo viết rằng không có thành công lâu dài cho các hãng điện nên dịch giả Xuân Hoài cũng „kiểm duyệt“ đoạn này:
Tuy nhiên, thành công lâu dài đã không đến như các công ty điện mong chờ: sau hai tai nạn nặng nề trong thập kỷ 1970 với 2 người chết và thiệt hại kinh tế toàn bộ, lò phản ứng A ở tỉnh Grundremmingen đã bị tháo dỡ (Dennoch blieb die von den Stromkonzernen erhoffte langfristige Erfolgsgeschichte aus: nach zwei schweren Unfällen in den 1970er Jahren mit zwei Toten und einem wirtschaftlichen Totalschaden wurde Block A in Grundremmingen wieder zurückgebaut).
Năm 1975, tại NMĐHN Gundremmingen, khi lò phản ứng đã tắt để bảo trì, trong lúc hai nhân viên kỹ thuật mở các ốc trong dòng nước luân lưu rửa máy thứ nhất thì một đầu van bị hư đã bất ngờ văng ra khiến hơi nước nhiễm xạ nóng đến 265 độ C dưới một áp suất 65 atm phun ra tung tóe làm một nhân viên tử nạn ngay tại chỗ và người thứ nhì thiệt mạng trong nhà thương. Tháng Giêng năm 1977 tai nạn lại xảy ra gây thiệt hại toàn bộ về kinh tế nhưng may mắn không có tử vong: hệ thống điện cao tần bị chạm điện khiến người ta phải đột xuất tắt máy và do đó hệ thống điều khiển chạy sai, trong vòng mười phút, nước làm nguội dâng cao đến 3 thước, nóng đến 80 độ C và tràn vào lò phản ứng vì áp suất quá cao. Để cứu nguy, người ta phải cho nước và hơi nhiễm xạ thoát ra ngoài trời. Sau sự cố này, vì phí tổn sửa chữa và hiện đại hóa lên đến khoảng 180 triệu DM (trên 90 triệu Euro vào thời điểm 1977) nên công ty chủ quản đóng cửa nhà máy. Việc tháo dỡ nhà máy và trả lại đất đai cho thiên nhiên bắt đầu từ 1983 nghĩa là 5 năm sau khi ngưng hoạt động và kéo dài đến 2005 mới kết thúc.
Đoạn bị đục bỏ thứ tư:
Mặc dù tựa đề là “50 năm điện nguyên tử của Đức” nhưng có lẽ thấy Việt Nam không xây dựng một nhà máy để thử nghiệm và học hỏi là một khuyết điểm nên Xuân Hoài cũng bỏ luôn không nhắc đến NMĐHN đầu tiên của Đức cách đây 50 năm:
Tại tiểu bang Bayern nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Đức đã khởi sự hoạt động năm 1961, Karlstein vùng Unterfranken (tỉnh Aschaffenburg) là nơi đầu tiên sản xuất điện hạt nhân. Nhà máy thử nghiệm Kahl chạy với một lò 16 Megawatt, chủ yếu là để thu thập kinh nghiệm với công nghệ mới cũng như huấn luyện nhân viên (Schon 1961 war im Freistaat das erste deutsche AKW ans Netz gegangen. Im unterfränkischen Karlstein (Landkreis Aschaffenburg) wurde der erste Atomstrom produziert. Das Versuchskraftwerk Kahl arbeitete mit einer 16-Megawatt-Anlage. Es diente vor allem dazu, Erfahrungen mit der Technik zu sammeln und Personal zu schulen).
NMĐHN đầu tiên của Đức là Nhà máy Kahl bắt đầu cung cấp điện cách đây 50 năm với một công suất rất khiêm nhường là 16 Megawatt (so với nhà máy công suất cao nhất ở Đức hiện nay là 1410 Megawatt), cốt yếu là để học hỏi, thu thập kinh nghiệm và huấn luyện nhân viên. Thời đó, mua thanh nhiên liệu để chạy nhà máy là một vấn đề khó khăn: Đức mua của Mỹ 100 thanh nhiên liệu đựng trong 50 bình chứa đặc biệt mỗi bình 2 thanh và phải nhờ hãng tàu Mỹ chở sang Đức vì các thương thuyền Đức đều không chịu chuyên chở món hàng nguy hiểm này. Vào thời kỳ đó, người ta nuôi cừu trong địa phận của nhà máy và thường xuyên mổ xẻ cừu để nghiên cứu và theo dõi tình trạng an toàn phóng xạ. Ngay bên cạnh Nhà máy Kahl, tập đoàn RWE còn xây thêm Nhà máy Grosswelzheim nhưng chỉ mới hai năm đã phải đóng cửa (1971) vì có quá nhiều khó khăn và mất 27 năm mới tháo dỡ xong (1998). Nhà máy thử nghiệm Kahl chấm dứt hoạt động năm 1985, trong 23 năm hoạt động đã có nhiều sự cố: chất phóng xạ bị rò rỉ nhiều lần, bị cúp điện toàn bộ kéo dài 2 phút năm 1968 và suýt bị chảy lõi năm 1966, bằng kiến thức chuyên môn các chuyên viên không thể giải thích được tại sao tai nạn phóng xạ không xảy ra và đi đến kết luận là nhờ may mắn!
Đoạn bị đục bỏ thứ năm:
Kế tiếp, dịch giả Xuân Hoài bỏ tiểu tựa và câu chót:
Những chống đối đổ máu và hàng tỷ cho Wackersdorf (Blutige Proteste und Milliarden für Wackersdorf )
Tuy được chính quyền bang Bayern hết sức ưu ái nhưng đã có thời kỳ điện hạt nhân bị phản đối kịch liệt. Điện hạt nhân đã chia rẽ người Đức: một số người kịch liệt phản đối điện hạt nhân vì sợ tai họa, môi trường ô nhiễm. Số người ủng hộ lại cho rằng điện hạt nhân tạo nhiều công ăn việc làm và thu hút các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên lịch sử 50 năm điện hạt nhân ở Bayern cũng đồng thời là lịch sử chết yểu một loạt dự án. Điển hình là dự án xây dựng công trình tái chế (WAA) ở Wackersdorf. Dân chúng phản đối kịch liệt, lúc đầu còn ôn hòa, nhưng sau thảm họa ở Tschernobyl 1986 thì sự phản kháng đã leo thang. Đã có các vụ đụng độ đẫm máu làm bị thương trên 400 người và nhiều người bị chết.
Trong khi săn đuổi người biểu tình, một trực thăng của cảnh sát bị rớt, một viên chức thiệt mạng (Bei der Verfolgung von Demonstranten stürzte ein Polizeihubschrauber ab – ein Beamter starb.).
Tại Đức, nói đến Wackersdorf ai cũng biết nhưng với các độc giả không ở Đức thì Wackersdorf là gì?
Tại các NMĐHN thanh nhiên liệu thải ra sau khi đốt xong chứa khoảng 95% uran và 1% plutonium, sẽ được đưa vào quá trình tái chế rất phức tạp để cuối cùng rút ra được khoảng 10% uran dùng tiếp, phần còn lại là rác nguyên tử đầy phóng xạ! Wackersdorf là một công trình dự trù xây dựng nhà máy tái chế các thanh nhiên liệu đã dùng. Cuối thập kỷ 1970, nước Đức tìm kiếm địa điểm để thiết lập nhà máy tái chế. Sau khi kế hoạch dự trù ở tiểu bang Niedersachsen thất bại, chính phủ tiểu bang Bayern (Bavaria) cuối năm 1980 quyết định sẽ cho thiết lập lập nhà máy tái chế tại làng Wackerdorf ở đông bắc tiểu bang, tên tiếng Đức là Wiederaufbereitungsanlage Wackersdorf (Nhà máy tái chế Wackersdorf), gọi tắt là „WAA Wackerdorf“. Trước kia, Wackerdorf có mỏ than đá được khai thác nhưng từ khi mỏ than đóng cửa số thất nghiệp tăng tới 20%, với con số thất nghiệp khá cao này chính phủ tiểu bang hy vọng không gặp nhiều chống đối vì người dân mong muốn có việc làm. Nhưng chính phủ tiểu bang đã „bé cái lầm“, cuối năm 1981, phong trào chống WAA Wackerdorf bắt đầu nổi lên, từ chính quyền địa phương, dân cư cho đến các nhà nông trong vùng đều phản đối chương trình WAA này vì sợ nguy hiểm phóng xạ có thể xảy đến cho họ lúc nào không biết. Ngược lại, tập đoàn Cogema chủ quản vẫn nhắm mắt tiến hành việc xây cất nhà máy. Người dân liên tục phản đối và ngăn cản chương trình WAA bằng nhiều cách khác nhau, từ biểu tình đến thưa kiện ra tòa, nông dân thì lái xe máy cày ra đường cản trở giao thông của các xe vận tải chở nguyên liệu xây cất đến. Khi tòa án cho phép tập đoàn chủ quản đốn một phần rừng lấy đất xây cất thì ngày 14/12/1985 vào giữa mùa đông và sắp đến lễ Giáng Sinh là dịp lễ quan trọng nhất của người Đức, người chống đối vẫn nhiệt tình mang lều chõng đến cắm ở đó, tạo thành một khu “làng chòi” (Hüttendorf) để phản đối và ngăn cản, hai ngày sau một lực lượng 3700 cảnh sát giải tỏa “làng chòi”, gần 900 người biểu tình bị bắt. Nhưng chỉ năm ngày sau đó một làng chòi thứ nhì lại xuất hiện, người chống đối WAA ăn mừng lễ Giáng sinh và Tết dương lịch tại đó, mãi đến đầu tháng 1/1986 “làng chòi” này mới bị giải tỏa. Dân chúng vẫn tiếp tục biểu tình dai dẳng, chống đối giằng co với cảnh sát. Vì làng Wackersdorf gần biên giới nước Áo nên nhiều người Áo cũng sang tham gia biểu tình. Tập đoàn chủ quản WAA phản ứng bằng cách cho dựng hàng rào kiên cố chung quanh khu đất lớn đang xây cất. Cuộc tranh chấp này đưa đến cái chết của hai người chống đối bị đứng tim và nghẹt thở, một người là một bà nội trợ cư ngụ trong vùng. Phong trào chống đối của dân chúng đạt cao điểm vào cuối tháng 3/1986 với 100 nghìn người biểu tình. Sau khi tai họa Chernobyl xảy ra ngày 26/4/1986, tập đoàn chủ quản WAA vội vàng tăng cường hàng rào bằng thép kiên cố, phí tổn lên đến 15 triệu D-Mark (khoảng 7 triệu dollar vào năm 1986). Ngày 7/6/1986 lại biểu tình lớn, 30 ngàn người dân đối diện với 3000 cảnh sát, 400 nguời bị thương, 48 người bị bắt. Cảnh sát ở tiểu bang Bayern phải huy động cả cảnh sát từ các tiểu bang khác đến hỗ trợ, Bộ Nội vụ tiểu bang than phiền chi phí cho công tác này từ 2,5 triệu D-Mark dự trù trong ngân sách 1986 tăng lên đến 50,7 triệu (khoảng 25 triệu dollar vào năm 1986).
Phong trào chống đối lan rộng ra khắp nơi tại Đức với tiêu đề “Ngừng ngay sự điên rồ” („Stoppt den WAAhnsinn“), chữ WAAhnsinn được ghép từ hai từ WAA và Wahnsinn (điên rồ), nhiều ca sĩ nhạc Rock nổi tiếng ở Đức bày tỏ đoàn kết với phong trào chống đối và tham gia một đại nhạc hội ngoài trời cuối tháng 7/1986 tại Burglengenfeld, một làng gần Wackerdorf và được đặt tên là “Đại nhạc hội chống điên rồ” (Anti-WAAhnsinns-Festivals) với 100 nghìn người tham dự, diễn ra êm đẹp trong hai ngày không có ẩu đả hay bạo động.
Trước sự chống đối ngày càng mạnh, nhất là sau khi các tổ chức bảo vệ môi trường phối hợp đồng loạt đưa ra lời kêu gọi chống đối, công ty Siemens ngay trong năm 1986 rút lui khỏi chương trình WAA Wackerdorf của tập đoàn Cogema, ít lâu sau đó công ty Veba cũng rút lui. Trong một vụ án do người chống đối thưa kiện, tập đoàn chủ quản WAA bị tòa án hành chính tiểu bang Bayer xử thua và tuyên bố một phần giấy phép xây cất mất giá trị vì toà nhà chính xây lớn hơn trong họa đồ xây cất đã được cho phép, nghĩa là phải xây sửa lại. Điều này chỉ ra sự thành công của phong trào chống đối không chỉ nằm ở việc biểu tình mà còn qua biện pháp pháp lý. Tính đến năm 1988 đã có tổng cộng 881 nghìn đơn của dân chúng thưa kiện tập đoàn chủ quản WAA Wackerdorf về đủ mọi vấn đề, cho đến lúc đó là một vụ án lớn nhất trong lịch sử tư pháp Đức.
Trước sức chống đối dai dẳng kéo dài từ 1981, đầu năm 1989, tập đoàn chủ quản WAA Wackersdorf bỏ cuộc, kết quả là nhà máy tái chế ở Wackersdorf bị bỏ dở với phí tổn 10 tỷ D-Mark (khoảng 5 tỷ dollar thời điểm 1989). Thay vì tái chế ở Wackerdorf, các thanh nhiên liệu phế thải được đưa sang tái chế ở La Hague (Pháp) và Sellafield (Anh). Dân chúng và nông dân vùng Wackersdorf trút bỏ được nỗi lo sợ và thở phào nhẹ nhõm. Từ đó tên làng Wackerdorf gắn liền với phong trào phản đối điện hạt nhân ở Đức tương tự như Ecopark hay Văn Giang và chỉ ra sự quan trọng của các phong trào hay tổ chức xã hội dân sự.
Đoạn bị đục bỏ sau cùng:
Ở đoạn kết, tác giả đã giản lược khiến cho ý nghĩa mất đi hơn một nửa:
Bốn tập đoàn điện nguyên tử sẽ phải chi trên 30 tỷ Euro cho việc tháo dỡ và xử lý các nhà máy điện hạt nhân. Đây là một vấn đề khó khăn, phức tạp vì sự phản ứng của người dân ở gần các địa điểm này.
Nguyên bản:
Bốn tập đoàn điện nguyên tử ở Đức – bên cạnh E.On và RWE còm có EnBW và Vattenfall – đã dự trữ trên 30 tỷ Euro cho việc tháo dỡ và xử lý. Việc xử lý sẽ làm người ta còn phải bận rộn lâu dài hơn là việc dỡ bỏ nhà máy: hiện nay các bồn chứa Castor vẫn còn nằm tại kho chứa tạm ở các nhà máy ĐHN. 50 năm sau thời đại thương mại của điện nguyên tử, việc tìm kiếm nơi chứa chung cuộc vẫn chưa kết thúc. Ngược lại, sau những tranh cãi về Gorleben, việc tìm kiếm bắt đầu lại từ đầu, trên toàn liên bang cũng như ở tiểu bang Bayern (Die vier Atomkonzerne in Deutschland – neben E.On und RWE sind dies EnBW und Vattenfall – haben insgesamt über 30 Milliarden Euro für den Abriss der Meiler und die Entsorgung zurückgestellt. Letztere wird die Menschen noch deutlich länger beschäftigen, als der Rückbau der Kraftwerke: im Moment stehen die Castorbehälter noch in den Kraftwerkseigenen Zwischenlagern. Die Endlagersuche ist auch 50 Jahre nach dem Start in die kommerzielle Atomstrom-Ära noch immer nicht abgeschlossen. Im gegenteil: die Suche wird nach dem Streit um Gorleben bundesweit neu aufgerollt – auch in Bayern soll nach einem geeigneten Endlager gesucht werden).
Dịch giả Xuân Hoài cho người đọc một kết luận đơn giản hoá hẳn vấn đề bằng câu: Đây là một vấn đề khó khăn, phức tạp vì sự phản ứng của người dân ở gần các địa điểm này khiến người đọc hiểu rằng những khó khăn, phức tạp chỉ vì phản ứng của người dân.
Sự thật không như Xuân Hoài viết, bên cạnh những nguy hiểm rình rập có thể xẩy không lường trước được như Chernobyl hay Fukushima, khó khăn nan giải khi tháo dỡ và xử lý một nhà máy đã qua sử dụng chính là nguy hiểm phóng xạ phát ra, từ kiến trúc cho đến rác nguyên tử.
a/ Tháo dỡ nhà máy ĐHN
Việc tháo dỡ một NMĐHN là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, thường khoảng 25 năm. Khi một NMĐHN chấm dứt hoạt động, các thanh nhiên liệu vẫn còn ở nhiệt độ cao và phát xạ mạnh, do đó phải ngâm chúng vào một bể làm nguội và tẩy bớt phóng xạ (decontamination) mới có thể chuyên chở chúng đi chỗ khác, quá trình này kéo dài ít nhất 4 hay 5 năm. Bề mặt của mọi vật trong lò phản ứng cũng bị nhiễm xạ cần phải tẩy bớt. NMĐHN Kahl đầu tiên của Đức, các khối tường bê tông bị nhiễm xạ mạnh đến độ người ta phải chế máy điều khiển từ xa dùng cho việc tháo dỡ và việc gỡ bỏ nhà máy này kéo dài 22 năm với phí tổn nặng nề. Nhà máy Grosswelzheim đã nêu ở trên đóng cửa (1971) sau 2 năm hoạt động và mất 27 năm mới tháo dỡ xong (1998)
b/ Chuyên chở rác nguyên tử bằng Castor
Như đã trình bày ở trên trong đoạn Wackersdorf, các thanh nhiên liệu sau khi dùng xong trở thành rác nguyên tử phải chở đến nhà máy tái chế ở Pháp để thu lại được khoảng 10% uran, phần còn lại là rác nguyên tử cuối cùng, dĩ nhiên Pháp sẽ không chịu giữ mà trả về Đức. Luật nguyên tử Đức quy định rõ phải chuyên chở rác nguyên tử trong nhưng điều kiện an toàn tối thiểu. Để chuyên chở, rác nguyên tử được chứa trong những bồn chứa đặc biệt hội đủ điều kiện quy định gọi là Castor viết tắt từ cask for storage and transport of radioactive material (Bồn chứa để trữ và chuyên chở các vật liệu phóng xạ).
Ảnh 2: Chuyến xe hỏa chở các bồn Castor
Ảnh 3: Ở nhiều đoạn đường xe hỏa, những người chống điện hạt nhân
biểu tình ngồi trên đường sắt bất chấp trời tuyết lạnh cho đến khi cảnh sát khiêng họ đi
Một bồn Castor có chiều dài từ 5,8 đến 6,2 thước, chiều ngang từ 2,4 đến 2,6 thước, nặng từ 112 đến 125 tấn, chứa được tối đa 180 kg rác nguyên tử và giá mỗi bồn gần 1,5 triệu euro! Mỗi chuyến xe hoả từ Pháp trả rác nguyên tử về Đức trung bình gồm 10 bồn Castor trị giá bồn gần 15 triệu euro! Kiến trúc của bồn Castor rất phức tạp vì vừa phải kín để phóng xạ từ rác nguyên tử không rò rỉ ra ngoài, lại vừa cho thoát nhiệt vì rác nguyên tử tiếp tục xả nhiệt, nếu không cho thoát nhiệt đến lúc nào đó có thể làm hư hại bồn. Bồn Castor đắt tiền vì phải dùng những hợp chất kim loại đặc biệt. Thoạt tiên giới bảo vệ thiên nhiên không phản đối việc tái chế vì nghĩ rằng như thế bớt đi được một ít rác nguyên tử nhưng sau này họ mới phản đối khi nhận ra rằng 10% uran rút ra dùng lại đắt hơn uran mới nguyên và sự cố phóng xạ có thể xẩy ra khi chuyên chở. Do đó trong suốt lộ trình xe hỏa chở rác nguyên tử từ Pháp về Đức, những người bảo vệ môi trường phản đối bằng cách biểu tình ngồi hay chất củi trên đường rầy, thậm chí có vài người tự xiềng xích mình vào đường rầy và hàn kín ổ khoá khiến cảnh sát phải nhờ cứu hoả dùng mỏ hàn tháo xích ra mới khiêng họ đi đuợc. Trong nhiều đoạn đường, xe hỏa chạy như rùa bò và cảnh sát đi bộ hàng một dọc hai bên xe hoả trong khi người biểu tình trương biểu ngữ hò hét phản đối ở hai bên. Từ năm 2005, nhà nước Đức đã xiết chặt luật nguyên tử và cấm việc chuyên chở các thanh nhiên liệu đi tái chế, những chuyến xe hỏa chở rác nguyên tử từ Pháp về Đức thuộc thời gian đoạn trước đó vì quá trình tái chế cũng rất lâu.
c/ Xử lý rác nguyên tử
Đây chính là khó khăn lớn nhất của công nghệ nguyên tử mà cho đến bây giờ chưa có cách nào giải quyết. Xin trích dẫn lời giải thích gọn gàng nhưng rất chính xác của Giáo sư Hoàng Xuân Phú (Đại học Hà Nội) hồi tháng 6/2011: „Cho đến nay loài người vẫn bất lực, chưa tìm nổi câu trả lời hợp lý cho vấn đề xử lý chất thải hạt nhân. Trong một nước dân chủ, khó có thể phớt lờ ý nguyện bảo vệ môi trường và sự sống của hàng chục triệu công dân, để chôn bừa chất thải hạt nhân ở đâu đó, như một số nước vẫn làm. Luật của Đức cho phép tạm trữ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong hầm xây cạnh nhà máy trong 40 năm, nhưng thời gian đó trôi nhanh như chớp mắt, mà người ta vẫn chưa tìm ra cách xử lý thỏa đáng.
Một trong những giải pháp được đề xuất là thiết lập các kho chứa chất thải phóng xạ ở dưới các mỏ muối đã khai thác. Trong thời gian 1965–1992 người ta đã thử nghiệm việc lưu trữ chất thải phóng xạ dưới mỏ Asse và đã đưa 46.930 m3 chất thải xuống sâu 975 mét dưới mặt đất. Tháng 9/2008 các bộ liên quan thỏa thuận sử dụng mỏ Asse làm kho chứa vĩnh viễn, nhưng đầu năm 2009 đã phải từ bỏ ý định ấy sau khi phát hiện ra sự rò rỉ của dung dịch muối và nguy cơ sập mỏ. Người ta dự định sẽ đưa lượng chất thải phóng xạ kể trên ra khỏi lòng đất. Nhưng rồi sẽ chuyển chúng đi đâu? Sự kiện ấy khiến dư luận vốn đã lo ngại lại càng thêm lo ngại
Mỏ Asse vốn là một mỏ muối đã qua sử dụng, nước từ các mạch ngầm chẩy vào mỏ, các thùng chứa bắt đầu bị rỉ xét, người ta sợ đến lúc nào đó dung dịch muối bị nhiễm xạ lan ra đất và như thế tiếp tục theo các mạch nước lan đi nơi khác. Năm nay, ngườt ta đã bắt đầu thực hiện kế hoạch lấy chất phế thải phóng xạ để tránh nguy hiểm như GS Hoàng Xuân Phú trình bày ở trên nhưng hiện đang bị khựng lại vì hầm mỏ có nguy cơ sập và ngập đầy nước. Hôm 22-9-2012 Chủ tịch Uỷ ban Xử lý rác nguyên tử liên bang Michael Sailer đã tỏ ý nghi ngại rằng sẽ không kịp lấy chất phế thải lên trên, các chuyên gia đề nghị giải pháp đột xuất là bơm chất bền chắc vào tất cả lỗ hổng và bít kín cửa các đường hầm dẫn vào chỗ chứa thùng đựng rác nguyên tử với hy vọng ngăn cản được nước mạch không thấm vào nhiễm phóng xạ rồi lại rò rỉ ra ngoài.
Ảnh 4: Nông dân lùa cừu ra cản đường xe vận tải chở vật liệu đến kho chứa tạm rác nguyên tử
Ngoài mỏ Asse ra còn phải kể đến kho chứa tạm Gorleben trên mặt đất, đây là một làng nhỏ ở bang Niedersachsen, như Asse, Gorleben cũng có mỏ muối không còn sử dụng. Đã có dự án dùng Gorleben làm kho chứa vĩnh viễn nhưng cũng như mỏ Asse, khi chôn ngầm dưới đất thì bao giờ cũng phải lưu ý đến vấn đề nước ngầm và mỏ muối cũng có thể bị nước mạch thấm vào như tại mỏ Asse. Do đó dùng Gorleben làm kho chứa vĩnh viễn khó có thể thực hiện được. Hơn nữa bao lâu nay người bảo vệ môi trường cũng như dân cư quanh vùng phản đối kịch liệt vì sợ chôn rác nguyên tử ở đây không an toàn, chính phủ tiểu bang Niedersachsen cũng phàn nàn rằng chỉ chọn địa điểm trong bang này không công bằng. Sau khi nước Đức quyết định bỏ điện hạt nhân, chính phủ liên bang và chính quyền các tiểu bang thoả thuận sẽ bắt đầu lại từ đầu chương trình tìm địa điểm có các lớp đất thích hợp trên toàn liên bang để làm kho chứa vĩnh viễn. Nước Đức có diện tích và dân số tương tự như Việt Nam, đất hẹp dân đông nên việc tìm được địa điểm thích hợp không phải là dễ. Hơn nữa, gọi là kho chứa vĩnh viễn nhưng không ai có thể chắc chắn rằng các thùng chứa rác nguyên tử chôn sâu xuống đất có thể giữ được bao lâu, có thiên tai, đất lở ngầm hay động đất thì sẽ ra sao bởi vì đời người quá ngắn ngủi so với thời gian bán hủy của các chất phóng xạ. Thời gian bán hủy là thời gian kéo dài từ lúc đầu cho đến khi chất phóng xạ chỉ còn phát ra một nửa lượng phóng xạ so với lúc đầu. Vài con số sau đây cho chúng ta hiểu sơ về thời gian bán hủy của chất thải phóng xạ và chỉ ra sự nguy hiểm của nó:
Iốtsau 8 ngày còn một nửa phóng xạ
Caesiumsau 30 năm còn một nửa phóng xạ
Plutoniumsau 24110 năm còn một nửa phóng xạ (bằng 400 thế hệ, tính một đời người trung bình 60 năm)
Uran 239sau 703 triệu năm còn một nửa phóng xạ
Uran 235sau 4 tỷ 460 triệu năm còn một nửa phóng xạ
Từ Chernobyl đến Fukushima chỉ có 25 năm, trong bảng thời gian bán hủy trên đây, ta thấy plutonium cần đến 400 thế hệ đời người mới còn một nửa, nếu lấy thời gian bán hủy của uran so sánh thì một đời người không bằng một chớp mắt!
Xử lý rác nguyên tử là một bài toán mà sau 50 năm dùng điện hạt nhân người ta vẫn bất lực chưa tìm ra được giải đáp nào thỏa đáng đúng mong ước an toàn của dân chúng. Trông vào gương nước Đức, câu hỏi phải đặt ra là Việt Nam dùng điện hạt nhân sẽ đưa người dân Việt đến những phiêu lưu mạo hiểm như thế nào nữa ?
Theo tài liệu của Hội Nguyên tử thế giới WNA, Việt Nam sẽ nhập cảng uran cho 14 NMĐHN với năng suất tổng cộng 10,7 Gigawatt, sau đó Việt Nam hy vọng tự khai thác uran dự đoán có mỏ ở Quảng Nam, Nga sẽ cung cấp uran cho hai nhà máy, thanh nhiên liệu qua sử dụng sẽ đưa về Nga tái chế nhưng sẽ trả về Việt Nam rác nguyên tử cuối cùng. Như thế Việt Nam lại dẫm chân đúng vào con đường nước Đức đã đi qua mà sau 50 năm vẫn bó tay không giải quyết được việc xử lý rác nguyên tử. Hơn nữa, theo Viện Môi trường ở Munich cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường, việc khai thác mỏ Uran sẽ thải ra nhiều chất độc gây ô nhiễm môi trường nặng nề và đe doạ an toàn của người dân trong vùng. Cũng theo một nghiên cứu của Viện Môi trường, khai thác mỏ uran tùy theo loại mỏ sẽ thải ra từ 31 đến 62 gam thán khí CO2 để có được 1 kilowatt điện so với điện gió là 23 gam CO2, xét cho cùng thì điện hạt nhân không sạch như nhiều người lầm tưởng.
Trên đây chỉ là một ít chi tiết nhỏ về các khó khăn nan giải của điện hạt nhân chứ sự thực không đẹp đẽ như dịch giả Xuân Hoài viết theo và đục bỏ một số chỗ của bài báo tiếng Đức. 50 năm là một thời điểm đặc biệt mà thông thường người ta sẽ tổ chức ăn mừng hay ít nhất một buổi lễ kỷ niệm, nhưng các tập đoàn năng lượng nguyên tử ở Đức đã giữ im lặng không một lời lên tiếng, không một buổi lễ cho thấy họ biết thời đại thương mại nguyên tử đã qua. Các tập đoàn năng lượng này đang ráo riết chuyển sang năng lượng tái tạo. Mặt khác, ngày 4 tháng 10 vừa qua, ông Günther Oettinger, Ủy viên năng lượng của Uỷ ban Âu châu đã cảnh báo rằng cuộc kiểm tra an toàn được gọi là „stress test“ đã chỉ ra hầu hết các NMĐHN ở Âu châu vẫn còn sơ sót về an toàn, ông Oettinger nói các sơ sót không trầm trọng đến nỗi phải ngừng chạy các nhà máy nhưng dù vậy những điểm yếu an toàn ở tất cả các NMĐHN tại Âu châu phải được chỉnh sửa ngay, theo ông Oettinger tổn phí cho việc này sẽ từ 10 tỷ đến 25 tỷ Euro.
Đến đây chắc hẳn ai cũng nhận thấy bài báo trên tờ Tia Sáng của Bộ Khoa học Công nghệ đã cố ý làm đẹp thêm cho 50 năm điện hạt nhân Đức, hòng thuyết phục dân chúng cứ ngủ yên chấp nhận các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, không có gì phải lo cả. Đợi đến lúc nào đó Ninh Thuận trở nên nổi tiếng khắp thế giới như Chernobyl hay Fukushima thì „không có gì phải lo“ sẽ biến thành „không có gì!“ vì sức khỏe không còn, đời sống không còn, tính mạng không còn.
Để kết thúc, người viết xin trích lời GS Nguyễn Khắc Nhẫn, giáo sư Đại học Grenoble, cố vấn kinh tế và dự báo chiến lược của tập đoàn năng lượng Pháp EdF, cũng như của GS Hoàng Xuân Phú, giáo sư Đại học Hà Nội, Viện sỹ thông tấn của hai Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg, Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria và Đại sứ khoa học của Quỹ nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt:
Đối với tôi làm điện hạt nhân, nước ta đi lùi 50 năm chứ không phải đi tới như có người hiểu lầm. Tại sao chúng ta không suy ngẫm về bài học của nước Đức. Với một nền khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, lý do gì mà nước Đức đột ngột hy sinh hàng trăm tỷ đôla, mạnh dạn chuyển hướng sẽ chấm dứt sản xuất điện hạt nhân kể từ năm 2020? (GS Nguyễn Khắc Nhẫn)

Chỉ xin mọi người đừng mang “tư duy dự án” vào lĩnh vực quá tốn kém cho đất nước và quá nguy hiểm cho con người như điện hạt nhân. Giữa thời buổi không chỉ “mở cửa” mà là “mở toang”, thì thiếu gì cửa để làm ăn. Hãy chừa lại một cửa cho Con Cháu, cho tương lai của Dân Tộc (GS Hoàng Xuân Phú).
CHLB Đức 13-10-2012
D.T.
Tài liệu tham khảo:
1) Xuân Hoài: 50 năm điện nguyên tử của Đức, Tạp chí Tia Sáng/Bộ Khoa học Công nghệ 30-7-2012
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=5436&CategoryID=36
2) Không ghi tác giả: Deutsche Atomgeschichte: 50 Jahre Atomkraft – eine Bilanz, Wirtschaftswoche 24-07-2012
http://www.wiwo.de/technologie/umwelt/deutsche-atomgeschichte-50-jahre-atomkraft-eine-bilanz/6911908.html
3) Hoàng Xuân Phú: Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân, Hà Nội 14-6-2011
http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=ManBanVeAnToanDienHatNhan-20120714
4) Hoàng Xuân Phú: Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ, Hà Nội 11-7-2011
http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=VeHuyenThoaiDienHatNhanGiaRe-20110725
5) Những đề nghị cho bài toán năng lượng của Việt Nam. RFA phỏng vấn GS Nguyễn Khắc Nhẫn 2007-11-07
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Nuclear_plant_in_NinhThuan_in_the_opinion_of_an_oversea_VNese_GM-20071107.html
6) Georg Ismar: 50 Jahre Atomstrom Kein Grund zum Feiern, news.de 17-06.2011
http://www.news.de/politik/855191705/kein-grund-zum-feiern/1/
7) Gregor Honsel: Schafe als Sensoren, heise online 15-11-2010
http://www.heise.de/tr/artikel/Schafe-als-Sensoren-1135917.html
8) World Nuclear Association http://www.world-nuclear.org/
9) 50 Jahre Atomstrom im Netz, SWR 15-06-2011
http://www.swr.de/odysso/umwelt/atomenergie-geschichte/-/id=6381798/nid=6381798/did=8190034/5a3cul/index.html
10) Bundesamt für Strahlenschutz http://www.bfs.de/de/bfs
11) Uranabbau – Giftige Geschäft für AKW, Umweltinstitut München 03/2011
12) Wahnsinn auf Halde – Der atomare Müllberg, Umweltinstitut München 03/2011
13) wikipedia.org

No comments:

Post a Comment