Monday, May 4, 2015

NGƯỜI CHAM VÀ DỰ ÁN ĐIỆN HẠT NHÂN

https://sites.google.com/site/networksavevietnamsnature/5-bai-vo-lien-he/5-1-nang-luong-hat-nhan/b20150429-inrasara

NGƯỜI CHAM VÀ DỰ ÁN ĐIỆN HẠT NHÂNInrasara
1. Pangdurangga (gồm tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) là khu vực địa lí - lịch sử cực nam trong 4 khu vực thuộc vương quốc Champa cổ. Suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của vương quốc, khu vực này luôn chịu thiệt. Về mọi mặt. Xa trung tâm văn hóa lớn là vùng Amaravati thời Champa hưng thịnh, nó ít được ưu ái; không biết bao lần bị đoàn quân Khmer xâm lăng mà dân Pangdurangga phải đơn thương chống cự, rồi sau đó khi vương quốc suy yếu, một mình Pangdurangga phải chịu trận để thay mặt cả dân tộc mà tồn tại. Tồn tại theo đúng tính cách của người Pangdurangga. Vị trí địa lí cùng hoàn cảnh sống buộc nó tự trang bị tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được tôi luyện thế hệ này qua thế hệ khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm.

Thế nên, vào thế kỉ XVII-XVIII, khi chúa Nguyễn sau đó là Tây Sơn chiếm hết Nha Trang rồi lòn xuống thu gọn cả miền đất phía Nam rộng lớn, Pangdurangga vẫn trụ vững. Mãi khi quyền tự trị này bị vi phạm nghiêm trọng bởi vua Minh Mạng, năm 1822, Po Cơng Can cùng quần thần bôn tẩu sang Campuchia, vùng đất này đổi chủ. Mười năm sau đó, hơn mươi cuộc nổi dậy lớn nhỏ khác nhau nổ ra, để cuối cùng bị dập tắt hoàn toàn vào năm 1834, Champa mới bị xóa tên hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới.
Người Pangdurangga vẫn ở lại. Ở lại, chịu đựng và dung nạp tất cả cư dân Cham các nơi khác chạy loạn thiên di tới, thổi vào họ tinh thần Pangdurangga, tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đặc trưng vùng miền. Quyết liệt và bao dung, ngang bướng mà vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Bà-la-môn và Islam để tạo nên “đạo Bà-ni” (Hồi giáo cũ) có một không hai trong lịch sử loài người.
Số liệu thống kê mới nhất vào tháng 3-2012, người Cham ở Ninh Thuận có 72.500 người. Nhớ, năm 1908, dân số Cham Ninh Thuận vỏn vẹn 6.000 người, để đúng một thế kỉ sau, con số tăng gấp 12 lần. Đói khát, họ vẫn làm lễ, đủ loại lễ hội. Đau khổ, họ vẫn ca hát, nhảy múa và làm thơ. Sống xen cư và cộng cư với người Kinh, họ nhanh chóng hòa đồng nhưng chưa bao giờ đánh mất tính cách Pangdurangga cũng như bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.

2. Người Cham Ninh Thuận cư trú ở mảnh đất này hơn 2.000 năm, ở đó làng Caklaing có tên trên bia kí cổ có mặt hơn mười thế kỉ. Cho nên khu vực Ninh Thuận hiện còn tồn tại hơn trăm di tích văn hóa lịch sử. Ngoài ba đền tháp chính là: Tháp Po Rome, Tháp Po Klaung Girai và Tháp Hòa Lai, người Cham còn có cả trăm di tích văn hóa - tín ngưỡng khác đang được thờ phụng.
Ninh Thuận là mảnh đất cằn cỗi ít mưa nhất Việt Nam, “khó sống” hơn rất nhiều vùng miền khác, dẫu vậy cộng đồng dân tộc bản địa này chưa bao giờ có ý định dời đi, vĩnh viễn. Cả khi trải qua bao nhiêu thiên tai (hạn hán, dịch…), họ tạm lánh đi, và luôn luôn trở lại. Với mảnh đất và với tháp thiêng. “Ngu ngốc, ngang bướng” và kiêu hãnh, nhưng họ lại là cộng đồng yêu tri thức và rất lành. Tháng 4-1975, sau vài phản kháng cục bộ bởi biến động của lịch sử xã hội, ở cộng đồng Cham chưa bao giờ xảy ra xung đột mang tính dân tộc với người Kinh, nói chi việc nảy ra ý định “đòi nước” hay “phục quốc”.

Đang yên đang lành thế, đột ngột ngày 25-11-2009, Vnexpress.net đưa tin: Quốc hội Việt Nam thông qua Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cả xã hội Cham bàng hoàng. Càng bàng hoàng hơn khi 15 tháng sau đó tin thảm họa hạt nhân Fukushima từ Nhật Bản bay tới, phủ khói đên u ám lên tâm hồn người Cham.

3. Người Cham đã có phản ứng.

Ngày 15-3-2012, tôi đã thử mở cuộc “đối thoại với độc giả Cham xung quanh dự án Nhà máy Điện Hạt nhân ở Ninh Thuận” đăng trên Inrasara.com. Cuộc thảo luận kì 1 với tiêu đề “Người Cham nghĩ gì về Dự án Điện hạt nhân?”, kì 2 là: “Trí thức Cham nghĩ gì về Dự án ĐHN?”.
“Người Cham Ninh Thuận cư trú ở mảnh đất này trên 2.000 năm, với một nửa dân số trên toàn đất nước Việt Nam, hơn nữa đây còn là nơi hội tụ hơn trăm điểm tôn giáo - tín ngưỡng đang được thờ phụng. Khi có họa hạt nhân, 30km bán kính bao gồm cả 3 cụm tháp thiêng sẽ thuộc vùng cấm. Không ai dám lai vãng, tháp sẽ thành tháp hoang, và Kut, Ghur cũng sẽ thành hoang!… Điều cần nhấn mạnh là cộng đồng Cham, mỗi sáng thức dậy nhìn thấy Nhà máy Điện hạt nhân đang chạy, lo lắng cho tương lai bấp bênh - hỏi làm sao họ có thể an cư lạc nghiệp”.
Sau đó, hơn mươi bài viết của nhà văn và trí thức, sinh viên Cham như: Trà Vigia, Đồng Chuông Tử, Chay Mala, Palei Krong, Chay Dalim, Paka Jatrang… cùng trăm ý kiến phản hồi khác nêu lên sự lo lắng, bức xúc của cộng đồng:
“… việc trưng cầu dân ý cần được nêu ra trước nhất. Nhưng làm sao kết quả của trưng cầu dân ý khả tín nhất? Thứ nhất, cơ quan hữu quan cần cung cấp đầy đủ thông tin về dự án tới đồng bào; thứ hai, cho bà con hiểu rõ về ý thức dân chủ, về quyền tự quyết của một công dân trách nhiệm; cuối cùng là tạo không khí cởi mở để người Cham và dân Ninh Thuận có thể thể hiện chính kiến của mình mà không vướng một trở ngại nào bất kì.”
Thế nên khi ngày 14-5-2012, Kháng thư về Dự án Điện hạt nhân của ba nhà trí thức: Nguyễn Thế Hùng - Nguyễn Xuân Diện - Nguyễn Hùng lên mạng Boxit.vn, người Cham sau vài hoảng loạn hay chần chừ, đã nhập cuộc bình tĩnh hơn. Họ không ngại kí tên vào Kháng thư đó. Lưu Văn viết trên Inrasara.com:
“20 ngày tính từ ngày 14-5 đến cuối ngày 4-6-2012, từ khi bức Kháng thư về ĐHN kêu gọi chữ ký được gửi đi các nơi. Trong số 621 người ký vào Kháng thư, cộng đồng cư dân tỉnh Ninh Thuận và bà con Cham có được 68 chữ ký/ 69.000 người; trong khi người Kinh Ninh Thuận chỉ vỏn vẹn 6 chữ kí/ 574.000 người”.
Độc giả Cham này nhận định, trong khi bà con Cham cảm nghe bất an lan rộng thì hầu như người dân tộc anh em của họ - đồng bào Kinh Ninh Thuận như không hay không biết chuyện gì đang xảy ra, sắp xảy ra. Người Cham có sợ không? - Chắc chắn là có. Vậy tại sao họ dám kí? Người Kinh có sợ không? - Cũng có. Nhưng tại sao?…

Người Kinh có thành ngữ: “[nơi] chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Người Cham hơi khác, họ nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk ppadauk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.

Bimong (tháp) là biểu tượng tâm linh của dân tộc Cham. Ở đâu có cộng đồng Cham là ở đó có tháp. Tháp, để người Cham cúng tế, thờ phượng. Cho nên hai khu tháp Po Klaung Girai và Po Rome có vị trí tối thượng trong đời sống tâm linh Cham ở Ninh Thuận là điều miễn bàn. Sau bimong là các danauk (đền) được dựng lên để thờ phượng các vị anh hùng liệt nữ hay thần làng,... Tiếp đó là ghur, kut

Năm 2014, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I dự kiến khởi công xây dựng tại thôn Vĩnh Trường thuộc xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, một vị trí phủ sóng phóng xạ lên hầu hết làng trong Cham khu vực, nếu xảy ra sự cố, sẽ tác động nghiêm trọng và toàn diện đến đời sống cư dân Cham trong vùng. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, khi sự cố hạt nhân xảy ra, tất cả người Cham được dời đi – vùng đất ngàn đời kia bị bỏ lại, với tháp thiêng cùng hàng trăm đền, kut, ghur khác! Cho nên, dù đã trải bao thiên tai dịch họa, từng chịu đựng mênh mông bất công và đau khổ, và dù lì lợm, ngang bướng hay kiêu hãnh tới đâu, sẽ không có bất kì người Cham Pangdurangga nào tưởng tượng nổi hiện tượng đó sẽ xảy đến với mình khi họ còn mở mắt nhìn ánh mặt trới mỗi sớm mai.

4. Người Cham phản ứng và hi vọng…

Nhà trưng bày Văn hóa Cham Inrahani vừa được tôi dựng lên ở làng Caklaing vào năm 2010 được xem là “một cách khiêm tốn để níu người Cham ở lại với đất”. Cạnh đó, tháng 4-2012, tôi cũng hoàn thành tiểu thuyết Tcherfunith. Báo Thể thao & Văn hóa, ngày 4-6-2012 đưa tin:
“Inrasara vừa hoàn thành tiểu thuyết ‘hạt nhân’”: “Với cái tên rất khó nhớ, tiểu thuyết Tcherfunith của Inrasara là một chữ viết tắt kết từ Tchernobyl + Fukushima + Ninh Thuận. Là nhà nghiên cứu, nhà thơ bỏ nhiều tâm huyết với văn hóa - văn minh Cham, tiểu thuyết này được khởi viết từ khi dự án nhà máy điện hạt nhân rục rịch ở tỉnh Ninh Thuận”.
Cuối cùng, khi ngày 23-8-2013, qua tác động của tuyên truyền một chiều, một người Cham: ông Báo Văn Trò đã khẳng định là Điện hạt nhân an toàn tuyệt đối; rồi một người Kinh khác là ông Ngô Khắc Cần - Hội trưởng Hội Người Cao Tuổi tại địa phương dự án Thái An - sau chuyến đi Nhật tham quan nhà máy ĐHN, đã nói với bà con rằng chỉ “nguyên tử” mới nổ, chứ điện hạt nhân thì an toàn, thì người Cham hoàn toàn mất tin tưởng.

Dẫu sao ngay sau đó, ngày 16-1-2014, báo Tuổi trẻ đưa tin nóng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “Hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử tới năm 2020”, bà con Cham mới thở phào. Như thể họ vừa trút xuống khỏi đầu cái thúng sỏi đầy vun, suốt bốn năm qua. Thở phào, vì rằng họ hi vọng nỗi “hoãn” kia sẽ kéo dài bảy năm, mười năm và hơn thế nữa cho tới khi các nhà bác học tìm ra một loại năng lượng sạch thay thế năng lượng hạt nhân, rằng nếu chưa, thì “không đạt không làm” (nguyên văn của Thủ tướng) ; và rằng Po Yang Cham sẽ không nỡ bỏ mặc cho con dân mình bị xua đuổi lần nữa, lần cuối cùng trong định mệnh bi đát của họ.

Sài Gòn, 7-3-2014.


Chú thích:
Hiện tại, người Cham ở Ninh Thuận sống tập trung trong 27 làng, trong đó: 22 làng thuộc huyện Ninh Phước, 3 làng thuộc Ninh Hải, 1 thuộc Ninh Sơn và 1 thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm.  Thành Tín (Cwah Patih, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước): cách Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 6 km; 4.600 người - 800 hộ
  1.   Tuấn Tú (Katuh, xã An Hải) 8 km; 2.100 người - 328 hộ
  2.   Nghĩa Lập (Ia Li-u & Ia Binguk, xã Phước Nam) 7 km; 2.257 người - 312 hộ
  3.   Văn Lâm (Ram, xã Phước Nam) 10 km; 7.200 người – 1.424 hộ
  4.   Nho Lâm (Ram Kia, xã Phước Nam) 13 km; 1.577 người – 360 hộ
  5.   Hiếu Thiện (Palau, xã Phước Ninh) 17 km; 2.270 người
  6.   Vụ Bổn (Pabhan, xã Phước Ninh) 18 km; 3.100 người
  7.   Chung Mỹ (Bal Caung, thị trấn Phước Dân) 11 km; 2.150 người
  8.   Mỹ Nghiệp (Caklaing, thị trấn Phước Dân) 11 km; 3.606 người – 664 hộ
  9.   Bàu Trúc (Hamu Crauk, thị trấn Phước Dân) 12 km; 2.700 người
  10.   Hữu Đức (Hamu Tanran, xã Phước Hữu) 16 km; 6.800 người
  11.   Tân Đức (Hamu Tanran Biruw, xã Phước Hữu) 17 km; 1.400 người
  12.   Thành Đức (Bblang Kathaih, xã Phước Hữu) 16 km; 1.350 người
  13.   Hậu Sanh (Thon, xã Phước Hữu) 17 km; 2.300 người
  14.   Như Bình (Padra, xã Phước Thái) 20 km; 1.780 người - 333 hộ
  15.   Như Ngọc (Cakhauk, xã Phước Thái) 21 km; 1.480 người - 282 hộ
  16.   Hoài Trung (Bauh Bini, xã Phước Thái) 24 km; 2.102 người - 333 hộ
  17.   Hoài Ni (Bauh Bini Biruw, xã Phước Thái) 24 km; 2.002 người - 325 hộ
  18.   Chất Thường (Bauh Dana, Phước Hậu) 22 km; 2.250 người - 500 hộ
  19.   Hiếu Lễ (Cauk, xã Phước Hậu) 20 km; 3.200 người - 600 hộ
  20.   Phước Đồng (Bblang Kacak, xã Phước Hậu) 19 km; 2.400 người - 520 hộ
  21.   Phú Nhuận (Bauh Dơng, Phước Thuận) 22 km; 2.000 người
  22.   Thành Ý (Tabơng, TP Phan Rang-TC); 21 km; 1.900 người
  23.   An Nhơn (Pabblap, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) 26 km; 2.100 người
  24.   Phước Nhơn (Pabblap Biruw, xã Xuân Hải) 28 km; 4.200 người
  25.   Bính Nghĩa (Bal Riya, xã Phương Hải) 30 km; 2.200 người
  26.   Lương Tri (Cang, huyện Ninh Sơn) 30 km; 1.800 người (450 hộ).

No comments:

Post a Comment