Saturday, May 2, 2020

Hồi tưởng thời tị nạn (kỳ 1)



Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN (ÚC)
Nếu hỏi một người phương Tây ngày quan trọng trong đời họ là ngày gì thì câu trả lời rất có thể là ngày họ sinh ra, hay đối với vài người là ngày… họ qua đời. Nhưng đối với đa số người Việt Nam lớn lên trước 1975 thì ngày đáng nhớ nhất là 30/4/1975. Đó là cái mốc thời gian mà theo đó tất cả những cơ cấu xã hội đều bị thay đổi vĩnh viễn. Những con người mới xuất hiện, và họ mang theo những thói quen rất lạ lùng, có khi rất rừng rú. Chánh trị xâm nhập vào từng ngôi nhà ngõ hẻm. Chủ nghĩa thần tượng lãnh tụ lên ngôi. Cùng lúc, rất nhiều người bị đày trong các trại tù mang danh ‘Cải tạo’ (mà sau này tôi mới biết là vay mượn từ chế độ Mao bên Tàu). Rất nhiều người tìm đường ra đi để có tự do. Tôi cũng nằm trong cơn lốc lịch sử đó và đã lên một con tàu cá nhỏ rời Việt Nam trong một hành trình có thể nói là vô định.
Hôm nay, ngày 30/4 lại về, và như là một lập trình tự động, tôi lại nhớ về chuyến đi 40 năm trước.  Chuyện đã 40 năm, và chắc chắn có nhiều phôi pha, nhưng cứ mỗi lần vào dịp này thì tôi nhớ lại một cách lõm bõm và rời rạc những ngày đầu tiên trên đất tạm dung. Viết ra trước là ghi lại hành trình của mình, sau là hi vọng tìm lại những người bạn tôi đề cập ở đây (nếu họ đọc được) từng ở các trại mà tôi đã tạm cư trên đất Thái Lan.

Phần I. Những ngày ở Thái Lan

Đổ bộ làng chài Budi

Một ngày giữa tháng 4 năm 1981, một chếc ghe đi sông chở 23 người từ Việt Nam ghé bờ biển Budi ở miền Nam Thái Lan. Budi là một làng chài, giáp ranh giới với Mã Lai. Như vậy, sau ba ngày và ba đêm, chiếc ghe từ Rạch Giá, không có la bàn, đã rong rủi sang tận miền Nam Thái Lan. Phải nói sự sóng sót là một phép lạ. Đó cũng là thời điểm khởi đầu của một hành trình tị nạn của tôi, một cái “mốc” lịch sử không bao giờ phai nhòa trong ký ức.
Khi chúng tôi lên bờ, dân làng ở đây chạy ra xem, nhưng họ không biết làm gì với chúng tôi. Ghe chúng tôi là tốp người Việt đầu tiên đến cái làng chài này. Bất đồng ngôn ngữ, nên chỉ nói bằng ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt và nụ cười. Khi ghe chúng tôi cập bờ thì trong ghe vẫn còn nhiều lương thực, nào là cơm khô, đường, muối, mấy thùng nước uống. Chúng tôi không biết làm gì với mấy thứ này, nên cho hết những người dân làng đến nơi. Có người hỏi xin ba cái máy dầu vẫn còn rất tốt, chúng tôi cũng cho luôn. Đã lên bờ tự do thì cần gì mấy thứ này nữa, chúng tôi nghĩ vậy nên hễ ai xin cái gì là cho hết. Nghĩ lại dân tị nạn mà hào phóng ghê! Nhưng chính nhờ nghĩa cử hào phóng đó mà chúng tôi tạo được cảm tình ở người địa phương.
Người địa phương thì đa số vận sarong, rất tiêu biểu ở người miền Nam Thái Lan (giáp ranh Mã Lai). Nhìn qua ánh mắt và lối sống, họ là những người rất hiền lành và chất phác. Không thấy ai lợi dụng chúng tôi. Sau này tôi mới biết đây là vùng biên giới Thái Lan – Mã Lai, rất nhiều người Hồi Giáo ở đây. Dạo đó, tôi không rõ những người mình gặp là Phật Giáo hay Hồi Giáo, nhưng thời đó chúng tôi chẳng quan tâm; điều quan trọng nhất là đến bến bờ tự do, và đó là điều may mắn nhất trên đời. Tôi đoán là họ là tín đồ Hồi Giáo, vì họ không ăn thịt heo. Họ cũng không ăn thịt gà chết, dù con gà mới chết có vài phút! Do đó, mỗi khi có gà chết là họ đem đến cho chúng tôi. Thành ra, tuy là dân tị nạn, nhưng thỉnh thoảng cũng có những bữa ăn thịnh soạn!

An cư trong… nhà để xe

Sau khi cho đồ trên ghe, có người chạy đi báo cho cảnh sát. Khoảng vài phút sau thì một viên cảnh sát lái xe “pick-up” đến nơi. Anh cảnh sát này biết chút tiếng Anh, tuy không tốt mấy, nhưng đủ để biết chúng tôi là người Việt Nam. Anh ta gọi điện thoại một hồi thì thấy thêm vài chiếc xe pick-up khác đến cùng khoảng năm viên cảnh sát. Họ bàn với nhau một lúc, rồi bảo chúng tôi tạm ở đây. Họ chỉ chúng tôi đến một cái nền xi măng trống và cũ kỹ, nguyên là nơi để xe hơi, và cứ ở đó trong khi họ tìm cách… “xử lý” chúng tôi. Chúng tôi hè nhau gánh nước biển lên và lau sạch cái sân xi măng. Sau một giờ thì chúng tôi có cái sân rất oách để ngã lưng trong thời gian tới.
Khi đã tạm “an cư” sau chuyến hải hành, chúng tôi lăn ra ngủ, chẳng cần ý tứ gì cả, trước những cái nhìn ngạc nhiên của dân địa phương. Buổi chiều, dân địa phương thấy thương tình nên họ đem cơm và thức ăn cho ăn. Một số thì đem gạo và nước mắm cùng mấy cái nồi cũ để nấu ăn. Sau 3-4 ngày đêm trên biển, đây là lần đầu chúng tôi có một bữa ăn đúng nghĩa. Ăn tập thể. Vừa vui, vừa ngon. Còn dân làng thì ngồi chung quanh nhìn chúng tôi ăn và mỉm cười hiền lành. Tôi đoán chắc họ cũng vui khi giúp được chút ít cho chúng tôi.

Và những dân làng hiền hậu

Đêm đầu tiên ở cái làng chài thì quả là một kinh nghiệm buồn cười. Đám thanh niên trong làng và (chắc cả các làng lân cận) kéo đến khá đông để… nhìn. Họ chẳng làm gì cả, chỉ ngồi chồm hỗm, hút thuốc lá, cười cười nhìn chúng tôi đang co cụm trong cái sân xi măng. Chúng tôi, người thì nằm, kẻ ngồi, người hút thuốc lá tán dóc. Đêm đến, chỉ còn một số ở lại, vẫn hút thuốc lá và nhìn. Đám đàn ông thanh niên chúng tôi cảm thấy hơi bất an nên bàn với nhau cách tự tự vệ. Trong chuyến đi, có vài người từng là sĩ quan quân lực VNCH, một số là dân chài, một số là thư sinh như tôi. Dưới sự chỉ huy của các sĩ quan, chúng tôi chia nhau ngồi quanh như là canh gác “lãnh địa” tị nạn và bí mật có sẵn “đồ chơi” để khi có biến động là đối phó ngay. Đêm xuống, dân làng cho mùng để ngủ, đám thanh niên đàn ông chúng tôi ngủ ở bìa ngoài, còn các bà và phụ nữ ngủ phía trong. Chúng tôi có một đêm ngủ đầu tiên trên đất tự do, sóng biển rì rào, trời thoáng, gió mát, chẳng mấy chút ai cũng chìm vào giấc ngủ.
Đến gần nửa đêm, tôi cảm nhận hình như có bàn tay sờ nhằm chân tôi. Tôi vẫn còn tỉnh thức, nên giả bộ ngủ xem bàn tay này làm gì. Đang chuẩn bị đối phó thì bên kia các anh thanh niên la lớn lên là “Có cướp”, và thế là tôi nắm lấy tay của kẻ đang sờ soạng. Thế là chúng tôi tóm cổ họ một cách dễ dàng. Nhìn kỹ thì toàn là những thanh niên hồi chiều hút thuốc ngồi chồm hỗm nhìn chúng tôi. Hình như họ muốn sờ mó mấy cô mấy bà, nhưng họ không ngờ rằng chúng tôi đã có chiến lược bảo vệ. Bắt được họ, chúng tôi chẳng biết làm gì, còn họ thì vẫn cười hề hề. Anh sĩ quan trưởng nhóm đánh giá rằng nhìn đám thanh niên này cũng hiền lành, nên thôi cho chúng đi. Hình như dân làng ở đây lần đầu tiên thấy người nước ngoài nên họ rất tò mò.

Những người đồng hương mới tới…

Chúng tôi ở đó được chừng một tuần thì một chiếc tàu (lần này là “tàu” đánh cá) cũng từ Việt Nam ghé Budi. Tàu này chỉ có khoảng 10 thanh niên (tôi không nhớ con số chính xác), nghe nói họ làm cho một hợp tác xã đánh cá và sẵn dịp lấy tàu trốn khỏi Việt Nam. Nhóm này cũng đi từ Rạch Giá, nhưng xuất phát từ U Minh. Họ nghèo rớt mồng tơi, gần như không có một tài sản nào cả. Nhóm thanh niên này rất giỏi đi biển, nên có thêm họ trong nhóm chúng tôi thấy như có thêm “lực lượng võ trang” để có gì thì ứng phó tốt hơn.
Vài ngày sau, lại thêm một chiếc tàu khác ghé Budi. Tàu này lớn hơn, chở hơn 40 người đi từ Cà Mau. Tàu này “giàu” hơn hẳn hai tàu trước, dù đã bị cướp biển hai lần. Hành trình của họ khá gian nan, phải gần một tuần lễ mới tới Budi. Trong chiếc tàu mới này có cả con nít và nhiều “thành phần kinh tế” hơn. Trong đó, có một chú mà tôi quen gọi là “Chú Ba Trung Tá” đầu bạc trắng, sau này quen thân với tôi. Gọi “Chú Ba Trung Tá” là vì chú là một cựu phi công cấp bậc trung tá, sau 1975 đi tù cải tạo vài năm, được thả ra và chú tìm đường vượt biên. Chú là người gốc Bình Định, cũng nghèo xơ xác như tôi (chỉ có cái quần đùi và áo sơ mi), và chú hay nói chuyện tiếu lâm rất vui. Chú từng học ở Mỹ nên rất giỏi tiếng Anh, và chú trở thành thông dịch viên cho tất cả ba nhóm thuyền nhân.
Ngoài Chú Ba Trung Tá, nhóm còn có một nhân vật đặc biệt gọi là “Anh Ba Hà Nội”. Anh Ba là một ký giả (hình như là đài Tiếng Nói Việt Nam) từ Hà Nội vào Nam công tác. Anh có quen với một chị từng là chiêu đãi viên của Hãng Hàng Không Việt Nam trước 1975, và sau này hai người thành hôn (mãi đến sau này chị mới biết anh đã có vợ ngoài Bắc). Tuy làm việc cho chế độ nhưng anh chẳng ưa chế độ, nên nhân dịp vào Nam, anh cùng với chị bỏ đi vượt biên theo nhóm 23 người chúng tôi. Phải lên bờ Thái Lan người ta mới biết anh là “cộng sản”, và những thuyền nhân thông cảm cho anh, ai cũng cố gắng bảo vệ anh, vì cái lý lịch cộng sản đó có thể làm anh bỏ mạng như chơi.
Kể ra thì cũng hay, một người VNCH cùng với một anh ký giả “cộng sản” tôi đều kết bạn thân. Chuyện anh Ba Hà Nội có một kết cục buồn. Sau khi anh và chị được đi định cư ở Úc khoảng hơn 20 năm thì anh mất tích, gia đình nghĩ và xem như anh đã qua đời ở đâu đó, và chúng tôi mất một người bạn mà đến giờ nhắc đến anh ai cũng tiếc.

Hòa mình vào dân làng

Budi là một làng chài tiêu biểu ở Đông Nam Á, rất thơ mộng và an bình. Những hàng dừa cao vút làm bóng mát cho cả làng. Những cây dừa rất cao và thẳng. Nhìn mấy hàng dừa này tôi tự hỏi làm sao có thể leo lên để hái được. Nhưng vài ngày sau thì tôi biết, vì họ dùng khỉ để hái dừa. Những con khỉ nhỏ xíu, được mặc áo đàng hoàng, thừa lệnh của chủ, chúng thoăn thoắt leo lên cây dừa và hái dừa quăng xuống cát. Nhìn mấy con khỉ hái dừa tôi thán phục cái tài thuần hóa của người dân địa phương.
Cái làng này dù ở rất xa thành phố nhưng đã giàu có hơn Việt Nam rất nhiều. Nhà dân ở chủ yếu là nhà sàn. Nhà nào cũng có xe hơi, thường là xe pick-up Toyota. Trên bờ thì đường lộ thẳng băng và xe hơi nhiều hơn xe gắn máy. Dân làng dĩ nhiên làm nghề biển. Những chiếc ghe nho nhỏ, giống như ghe ở Kiên Giang, tối đi câu mực hay đánh cá, sáng cặp bến và đàn bà con gái ra gỡ lưới. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào biển, và chỉ xoay quanh cái làng chài thơ mộng đó.
Chúng tôi cũng hòa mình vào cuộc sống rất êm đềm của dân làng dù không biết mình sẽ còn ở đây bao lâu. Đàn bà, con gái thì ở nhà, còn đám đàn ông thanh niên chúng tôi thì sáng nào cũng đi tìm việc làm để đem thực phẩm. Cách phân chia công việc có vẻ giống như thời… Trung Cổ. Thật ra, nhóm phụ nữ cũng không ở không đâu, vì các cô cũng có người tìm được việc làm. Mỗi sáng ra bờ biển giúp bốc dỡ cá tôm cho các ghe đánh cá cập biến. Họ thường được cho cá tôm và nước nắm như là trả công.
Riêng tôi tìm được một việc làm khá ổn định, đó là đi câu mực với một ông chủ. Gia đình ông chủ có cái nhà sàn cách chỗ chúng tôi ở chỉ vài phút đi bộ. Chiều chiều tôi lên cái ghe nhỏ của ông ra biển đánh cá, và chủ yếu là câu mực. Nhớ ngày đầu, tôi được đàn anh cảnh cáo là coi chừng nó kêu mày ra biển và giết mày đó, mày phải chuẩn bị. Tôi hỏi chuẩn bị sao đây. Các đàn anh bày ra rằng, lúc nào cũng ngồi xa ông chủ, và gần nơi có “vũ khí” (cây, thanh gỗ, dao, v.v.) để khi có chuyện là “chiến đấu” và nhảy xuống biển lội thoát.
Tôi làm y chang như lời khuyên, nhưng sau vài đêm chẳng có chuyện gì xảy ra, và ông chủ thì quá tốt với tôi, nên tôi nghĩ những cảnh giác đó là quá đáng. Ông chủ thấy tôi không có quần áo tốt, nên một hôm ông cho tôi cái áo thun rất oách và cái quần short để thay đổi hàng ngày. Những kỷ vật đó tôi vẫn còn giữa mãi đến 20 năm sau, nhưng một lần chuyển nhà, nó bị mấy đứa con cho vào thùng rác. Tiếc ơi là tiếc, vì mất đi một kỷ vật.
Một hôm, nhân dịp không đi làm biển tôi theo đám đàn ông đi làm thuê cho một ông chủ ở cách đó vài chục cây số. Công việc của chúng tôi nghe nói là chỉ đi chặt lá dừa. Người đến thuê nói sẽ trả giá rất tốt, tính ra mua được cả giạ gạo và cả thùng nước mắm! Thế là 10 người chúng tôi lên ba xe pick-up chở đến một cái vườn um tùm và rất rộng. Chúng tôi hăm hở cầm dao mác đi chặt lá dừa. Vài phút đầu thì chẳng có gì xảy ra, nhưng đi sâu vào trong thì ôi thôi đụng phải ổ kiến vàng, bị cắn quá chừng. Không thể bỏ việc, vì đã nhận hợp đồng rồi, nên anh em an ủi nhau cố gắng làm cho xong việc. Đến gần chiều thì chúng tôi cũng phát quang xong cho ông bà chủ. Tiền bạc thì rất sòng phẳng, ông bà chủ cám ơn rối rít, và mời ở lại ăn cơm chiều, làm vài li “Mai Kỏn”, loại rượi đế của Thái Lan, và sau này tôi mới viết Mai Kỏn có nghĩa là Mê Kong. Lần đầu tiên lên bờ Thái Lan và được uống rượu đế. Nhưng rượu nặng quá, nên chỉ làm được một chút là… chạy làng. Chiều về thấy da ai nấy cũng bị sưng vù lên. Mọi người nói, mẹ kiếp, mắc mưu thằng Thái trung gian, lần sau sẽ không chơi với bọn này nữa.
Những ngày ở Budi, chúng tôi sống cuộc sống có thể nói là nhàn hạ, và với những kỷ niệm như thế. Có những người đi làm phụ hồ ở xa, và cũng được trả lương đàng hoàng. Phải có dịp đi ra ngoài làng mới thấy lúc đó Thái Lan đã giàu có và phát triển hơn Việt Nam rất xa. Làng xa tít mà cũng có đường trán nhựa chạy bon bon. Nhà nào cũng có xe hơi, còn xe Honda chỉ để đi chơi là chính. Mấy bà thì nhận xét rằng ngay cả chai nước mắm hay cái bao ni lông của họ cũng đẹp và sạch sẽ hơn Việt Nam mình. Xin nói thêm rằng thời đó Việt Nam thậm chí còn chưa làm nổi bao ni lông! Nhìn cảnh đó, anh em chúng tôi ai cũng lắc đầu cho Việt Nam, không biết bao giờ mới đuổi kịp Thái Lan.
Nhưng quan trọng hơn hết là cuộc sống tự do. Ít thấy bóng dáng cảnh sát. Chẳng ai làm phiền hà mình. Trưa nào, chúng tôi cũng tụ tập bên nhau nói chuyện, và bàn về tương lai. Chú Ba Trung Tá và anh Ba Hà Nội hai người có nhiều chuyện để kể, kèm theo những bình luận sâu sắc. Chú Ba Trung Tá kể chuyện chú đi tù ra sao, chuyện các quản giáo miền Bắc dốt như thế nào, chuyện cười ra nước mắt trong trại cải tạo. Chú còn kể chuyện vào tù cải tạo gặp toàn những “who is who” của miền Nam trước đó như Nhà văn Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, v.v. Chú kể rằng trong chuyến xe lửa chở tù miền Nam ra Bắc, khi xe ra đến Bắc (không nhớ vùng nào) cả đoàn tàu bị dân ném đá. Mấy người lính canh tù nói “Các anh thấy chưa, tội ác của các anh là trời không tha, đất không dung, dân chúng ghét. Nếu không có chúng tôi bảo vệ thì các anh đã chết rồi.” Dĩ nhiên, đoàn tù thì thừa hiểu màn ném đá là một màn kịch có bài bản. Đến khi xuống xe để vào trại thì người ta phát hiện có người tù chết trong xe vì ngộp thở. Những chuyện chú kể là cả một trời kinh nghiệm và chứng từ của một thời đau khổ. Chú kể chuyện như chơi, không thấy bất cứ một thù hằn nào trong lời nói, chỉ toàn là tếu tếu.
Còn anh Ba Hà Nội thì ngược lại, anh kể chuyện ngoài Bắc. Anh Ba Hà Nội không biết tiếng Anh, nhưng biết chút tiếng Pháp. Anh là người rất vui tính, ăn nói lưu loát (dân ký giả mà), biết rất nhiều câu chuyện về các vị cầm quyền chóp bu ngoài Bắc. Ngay từ thời đó, anh đã cho biết ông Hồ có vợ mà chẳng ai tin anh! Anh cũng có đề cập đến cái chết của Nông Thị Xuân, nhưng lúc đó ai cũng nghĩ anh ta xạo, chẳng ai tin. Nhưng sau này tôi đọc qua hồi ký của Bùi Tín, Vũ Thư Hiên mới thấy những câu chuyện của anh kể rất ăn khớp. Hóa ra, những gì ông Bùi Tín và Vũ Thư Hiên viết không phải là mới đối với giới trí thức Hà Nội. Thỉnh thoảng chú Ba Trung Tá quay sang anh Ba Hà Nội nói như nửa đùa nửa thật “Thằng này nó là Việt cộng Bắc Việt, nhưng nó nói tao nghe rất được.”
Một hôm, nhân dịp làm thủ tục tị nạn, nhân viên của Liên Hiệp Quốc về phỏng vấn và mỗi chúng tôi phải điền form màu xanh. Form đòi những thông tin cá nhân, thông tin về cha mẹ, và lý do rời Việt Nam. Đa số những người tị nạn không biết tiếng Anh, chỉ có chú Ba Trung Tá là người duy nhất thành thạo tiếng Anh và có thể giải thích những ô chữ trong cái form phức tạp đó. Thế là chú nghiễm nhiên trở thành trưởng nhóm, và ngồi bên cạnh các nhân viên LHQ để thông dịch. Chú mặc quần short, lúc thì ở trần, lúc thì chỉ khoác cái áo thun đã phai màu, tay cầm thuốc lá phì phèo, nghe người khai thông tin và dịch lại cho nhân viên LHQ. Chú ít khi nào nhìn xem họ viết có đúng không, mà chỉ nói như… sếp ra lệnh.
Lúc đó, nhìn phong cách của chú Ba Trung Tá tôi phục chú sát đất. Chú nói tiếng Anh rất tự nhiên, và với thái độ tự tin đến… trịch thượng. Tôi nhớ hoài một hôm chú làm phiên dịch cho một quan chức Thái Lan, và ông quan chức này khen chú nói tiếng Anh giỏi; chú quay sang chúng tôi rồi tươi cười nói lại: “Tao nói tiếng Anh giọng nước mắm, vậy mà thằng mọi này nó nói tao nói tiếng Anh giỏi!”
Nhớ hoài chữ “mọi” mà ngày xưa thầy cô bên Việt Nam đã gieo vào tôi. Thời đó, Việt Nam xem các nước bên cạnh như Thái Lan, Mã Lai, Lào, Cambodge v.v. là… “mọi”. Ý xem thường người ta là kém văn minh. Nay lại nghe chú Ba Trung Tá dùng chữ đó. Tôi nghĩ thầm trong bụng, nói người ta là “mọi” nhưng sao người ta sang hơn mình quá, giàu hơn mình cả mấy chục năm, và lịch sự với mình nữa. Ấy vậy mà người Việt lại tự cao tự đại. Là người tạm dung trên đất nước người ta, nhưng chú Ba xem quan chức địa phương chẳng ra gì, dù không thể hiện ra thái độ, chỉ thể hiện qua cách nói tiếng Anh.
Một hôm khác, chú Ba nhận được thư của đứa con trai ở bên Mỹ gửi, kèm theo ít tiền. Chú mở thư ra và thấy có hình anh chàng kia đang cầm điện thoại nghe. Chúng tôi thì thấy bức hình sang trọng quá, và cái điện thoại rất oách. Nhưng chú Ba đọc thư xong, cầm tấm hình lên và nói “Thằng này nó khoe! Ở bên đó cầu tiêu còn có điện thoại, có gì mà khoe. Chắc nó tưởng tao ngu lắm.” Tụi tôi há hốc ra nghe và ngạc nhiên. Trời ơi! Điện thoại mà có trong cầu tiêu, chú Ba này nói quá! Nhưng nhìn qua phong cách, chú đúng là có phong cách của người lãnh đạo, tự tin, nhưng lại bình dị đến lạ thường.
Hôm nay, viết những dòng này, tôi đoán chú Ba Trung Tá cũng đã trên 80 tuổi (nếu chú còn sống). Sau này chú đi định cư ở Mỹ, và tôi mất liên lạc với chú. Nhưng hình ảnh của chú trong tôi là cái type của một sĩ quan VNCH có học thức, vui tính, và rất nam kì tính. Còn anh Ba Hà Nội của tôi cũng có thể đã ra người thiên cổ. Trong nhóm 23 người trên chiếc ghe năm 1981, nay đã có vài người qua đời, số còn lại bên Mỹ và Úc đều có cuộc sống ổn định. Những người bạn trong hai chiếc tàu kia thì gần như mất liên lạc, dù biết đa số họ định cư bên Mỹ.
Một góc trong trại tị nạn Songkhla (internet)

Trại tị nạn Songkhla

Ở Budi độ hai tuần thì chúng tôi được lệnh chuyển trại. Budi chỉ là nới tạm trú để làm thủ tục, phải đến một trại có đủ ban bệ để các nhà chức trách đánh giá và xác định tư cách tị nạn. Thế là những ngày êm đềm nhất trong đời tị nạn rồi cũng qua đi, và đến ngày chia tay. Cuộc chia tay nào cũng buồn, và chia tay Budi cũng không phải là ngoại lệ. Sau hai tuần ở cái làng chài êm đềm này, đã quen biết khá nhiều người tử tế, ai cũng cảm thấy lòng mình chùng xuống khi bước lên xe bus để rời làng. Ngày ra đi có vài người trong làng đến vẫy tay tiễn đưa. Nhìn những cánh tay vẫy vẫy và những nụ cười hiền lành mà mình cảm động vô biên. Hoá ra, ở đây tình người có khi còn nặng hơn cả bên quê hương mình.
Tất cả đều lên hai chiếc xe bus lớn rời Budi. Phải mất một ngày đường, mới đến trại mới rất nổi tiếng trong người tị nạn. Trại tên là Songkhla. Songkhla là một tỉnh thuộc miền Nam Thái Lan (Songkhla là tên của một hoàng tử Thái Lan). Trại tị nạn Songkhla là một trại khá lớn, lúc tôi đến đó thì đã có hơn 5,000 người trong trại. Nghe nói trong lúc cao điểm trại này có đến 10,000 người tị nạn. Trại nằm dọc theo bờ biển, rất đẹp mắt. Phía trước là biển, phía sau là một dãy núi, và dĩ nhiên là xung quanh được rào bằng kẻm gai. Nếu tôi nhớ không lầm, chiều ngang của trại chỉ khoảng 50-80 mét, chiều dài thì đi bộ chỉ 15 phút là hết. Người tị nạn không được ra ngoài trại nếu không được phép.
Người tị nạn ở trong những cái chòi tạm thời (do những người trước đây dựng lên) ngay bên bờ biển. Tôi cũng có một cái chòi, và phải “share” với những người độc thân khác. Từ Budi lên đây thì nhóm đã bắt đầu chia ra thành từng nhóm nhỏ và hoà mình vào trại lớn hơn. Có người tìm gặp thân nhân đã qua trước nên họ về ở chung, còn những người “con bà phước” thì tụ tập với nhau thành từng nhóm nhỏ và xoay xở qua ngày.
Ngày đầu tiên nhập trại Songkhla, tôi tưởng mình lạc vào một thành phố ở Việt Nam. Người ở đâu mà đông đúc ghê, mật độ dân số ở đây chắc phải cao nhất nhì thế giới! Nhìn qua cách ăn mặc, thấy người nghèo nhiều hơn người giàu, và điều này cũng dễ hiểu. Đại đa số người nhập trại là đã bị cướp bóc trên biển, nên họ chẳng còn gì. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyến may mắn, nên bà con còn giữ vàng và tiền đến đây. Lại có một nhóm khác ở đây khá lâu (trên 6 tháng) và được thân nhân nước ngoài tài trợ, nên họ cũng có cuộc sống khá đầy đủ. Có người còn tiền hay mới có tiền mở hàng quán ngay trong trại. Đủ loại quán, nhưng quán ăn và quán nhạc là phổ biến nhất. Nhìn từ xa có thể thấy một khu rất trù phú và tấp nập, và quả thật là như thế.
Hai bên đường chật hẹp là hàng quán bán cơm, phở, hủ tiếu, cà phê, mọc lên đầy rẫy. Những hàng quán này làm ăn rất khá, vì ở trong trại đâu có việc gì làm, nên người ta thả hồn theo khói thuốc và cà phê. Có nhiều khách hàng là những chàng trai mặt mũi rất “ngầu”, tóc dài chấm vai (nom y như những người đóng vai du côn trong các phim xã hội đen) phì phèo những điếu thuốc lá “Samit” hay “555” bên ly cà phê đen. Phía trong quán thì ồn ào đài loa với những bản nhạc vàng ảo não, nhạc rock xập xình, nhạc nhà binh hùng tráng, nhạc chống cộng, v.v. được phát thanh với một âm lượng tối đa, làm đinh tai nhức óc những ai không may mắn phải đứng trước những cặp loa này. Trên đường lộ dập dìu tài tử giai nhân son phấn lòe loẹt, vàng đeo lóng lánh, trong những bộ quần áo thời trang Âu Mỹ đắt tiền đi “dạo phố” như trẩy hội! Thành ra, nói là trại tị nạn, nhưng lại là một xã hội Việt Nam thu nhỏ.
Vốn được chuyển lên đây từ một vùng quê, tôi cảm thấy mình vừa quê mùa vừa bơ vơ lạc lõng như một thành phần “outcast” trong xã hội tị nạn này. Quả thế, vì từ lúc lên bờ cho đến khi đi chuyển trại, tài sản duy nhất mà tôi có là hai cái quần short và hai cái áo ngắn tay do một ông chủ ở Budi tặng cho. Nhiều khi đi qua các hàng quán, thỉnh thoảng nghe một đoạn nhạc của Nguyệt Ánh và Việt Dũng mà buồn mà buồn vời vợi… Lúc đó, ai cũng nghĩ một lần đi là vĩnh biệt, không bao giờ về Việt Nam nữa. Do đó, những sáng tác nhạc thời đó rất ray rức.
Nắng nơi đây vẫn là nắng ấm
Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương
hay
Đến bao giờ trở về Việt Nam
Thăm đồng lúa vàng, thăm con đò ven sông
Những lời ca đậm chất thơ và miên viễn đó theo tôi tận đến ngày hôm nay.
Nhưng những cảnh phồn vinh náo nhiệt kia chẳng khác gì những lớp phấn son được sơn trét lên mặt những cô gái một cách vội vã để cố tình xóa lấp đi những nỗi ám ảnh của một quá khứ quá khủng khiếp. Thực vậy, lên đến Songkhla và có dịp nghe những câu chuyện thương tâm khác của đồng hương, tôi mới thấy chuyến đi của mình còn may mắn chán. Tôi nghe nhiều câu chuyện về cướp biển vô cùng khủng khiếp, mà chữ nghĩa có khi không tả hết được những tang thương người Việt Nam mình đã gánh chịu. Có nhiều trường hợp cả tàu bị thảm sát trên biển cả. Có trường hợp bọn cướp biển làm nhục phụ nữ ngay trước mặt người thân. Có người bị bệnh tâm thần khi lên đến trại này. Tôi đã từng thấy những người rách rưới đi lang thang trại, miệng lằm bằm nói gì chẳng ai hiểu, rồi thỉnh thoảng cười rú lên hay khóc thảm thiết. Nhìn những người đó tôi dù chưa biết sự việc đằng sau nhưng đã thấy đau quặn lòng. Thành ra, không phải ngẫu nhiên mà Du Tử Lê muốn mang xác mình ra biển khi qua đời:
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác tôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển
Đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
Những năm trước bao người ngon miệng cá
Thì sá gì thêm một xác cong queo.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
Ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

Một VNCH thu nhỏ và oán thù

Trại Songkhla là một nước VNCH thu nhỏ. Trại có ban quản lý, do người Thái đảm trách, với sự hỗ trợ và cố vấn của người Việt tị nạn. Những người cố vấn thường là sĩ quan hay quan chức cấp cao trong chế độ VNCH trước đây. Nếu ngày xưa VNCH có tổng thống thì trại Songkhla có trưởng trại; ngày xưa có Bộ Nội vụ thì ngày nay có “Ban Trật tự”; Bộ Thông tin Văn hóa nay được được “đổi tên” thành “Ban Thông tin Văn hóa”; các anh quân nhân, sĩ quan VNCH ngày xưa nay trở thành “cựu quân nhân”, có người còn tự cho mình lên chức (xưa là trung úy nay thành đại úy!) Ngày xưa VNCH có hối lộ và tham nhũng, thì ngày nay ngay trong trại tị nạn, cũng có tham ô và hối lộ. Có khi cường độ tham nhũng còn trắng trợn hơn.
Bất cứ ai, kể cả tôi (dĩ nhiên), đều có thể thấy những hành vi tham nhũng trong trại tị nạn. Theo qui chế của Cao Ủy Tị Nạn, chúng tôi, những người mới nhập trại được cấp cho một cái áo thun, một cái quần, và vài lít gạo để sống. Nhưng nhóm Budi của chúng tôi chẳng được một món nào. Biết được thằng em họ nhập trại trước tôi đang làm trong ban phân phát hàng hóa, tôi hỏi nó tại sao tôi không được phát gì cả. Thằng em họ của tôi ôm bụng cười ha hả như chưa bao giờ vui hơn, và nói đại ý là “Ở đây, bọn nó bán hết rồi, anh làm gì có được mấy thứ đó! Anh có tiền thì mới mua được.” Tôi càng ngao ngán hơn và nghĩ chả lẽ mình phải chết đói ở đây. Nhưng thằng em tôi chạy đi đâu một lúc và mang về ba lít gạo cho anh em tôi đủ sống ít ngày.
Ban Bưu Tín cũng là một trung tâm khét tiếng ăn chận và ăn cắp tiền bạc của người tị nạn. Có nhiều thư từ và tiền bạc từ nước ngoài chẳng bao giờ tới tay thân nhân trong trại. Tôi cũng là một nạn nhân của ban Bưu Tín này. Và, nếu có tới người thân thì cũng bị cắt xén, ăn chận. Trong khi các Ban có cơ hội ăn hối lộ, ăn chận đồng hương thì cũng có ban chuyên hành hạ đồng hương.
Ban Trật Tự ở trại đáng lý ra gìn giữ trật tự thì họ lại kiêm luôn việc lạm dụng quyền và có khi khủng bố đồng hương. Họ đánh người một cách chuyên nghiệp, không nương tay, và vô cùng tàn nhẫn. Không biết bao nhiêu người tị nạn vô tội đã là nạn nhân của nhóm người ác độc này. Tuy cùng cảnh ngộ tị nạn, nhưng những người có quyền chức trong trại tị nạn không hẳn là thân thiện với những người kém may mắn hơn. Bị người ngoại bang sát hại đã là một sự nhục nhã, nhưng bị chính người tị nạn hành hạ lại còn đau lòng hơn. Songkhla là nơi mà tôi đã chứng kiến những hành động xấu xa và dã man của những người Việt đối với người Việt. Tôi nhủ thầm một ngày nào đó, tôi sẽ viết một cuốn sách và sẽ lấy tên là “Người Việt Nam Xấu Xa” cho cân xứng với cuốn “Người Việt Cao Quí”.
Ngày đầu vào trại, ngoài nhóm của chúng tôi đến từ Budi, còn có nhiều nhóm tị nạn từ các nơi xa xôi khác được chuyển về bằng xe bus. Từ ngoài cổng, chúng tôi đi vào vào trại chầm chậm theo hàng hai. Hai bên đường có đầy đồng hương đứng xem và ồn ào như một cái chợ. Người thì dán mắt tìm xem có thân nhân, bà con của mình mới sang không; người thì dò xét, nhận diện xem có kẻ thù năm xửa năm xưa nào đến trại hay không. Người có thân nhân thì nước mắt dàn dụa tay bắt mặt mừng. Người tìm được kẻ thù thì trở thành một kẻ hung bạo, tàn ác. Hôm tôi nhập trại, có một anh thanh niên nọ bị tố cáo là “cộng sản”, anh ta bị lôi kéo ra khỏi hàng, và bị đánh ngay trên đường vào trại, trước sự mục kích của người đứng hai bên đường. Thấy không ai can ngăn và vì không chịu được cảnh tượng như thế, tôi bước ra hàng định cản, nhưng một trong ba người đang hành hung dí ngón tay vào trán tôi gằn từng tiếng (mà tôi nhớ y như ngày hôm qua): “ĐM, muốn gì? Mày cũng là cộng sản hả?”. Tôi cũng sẵn sàng “chơi”, nhưng anh tôi lôi ra ngoài. Nếu không thì chắc chắc tôi cũng bị đánh tơi bời ngày hôm đó. Anh thanh niên đó bị đánh đến nổi không còn đi được, chở vào nhà thương điều trị, và nghe nói sau này anh bị tật. Đó là lần đầu tiên tôi mục kích cảnh người đánh người tàn bạo, không thương tiếc như thế.
Sau cú sốc đó, tôi lại bị một cú sốc khác lớn hơn. Sau khi nhập trại, chúng tôi bị dẫn độ vào một hội trường có nhân viên của Ban Trật Tự người Việt canh giữ chung quanh. Họ đóng cửa chính lại, nhưng phía ngoài cửa sổ thì có đầy người đứng xem. Mục đích của buổi họp này là nhằm phổ biến về nội qui sinh hoạt trong trại, nhưng thực tế thì lại là một cuộc thăm dò tìm kẻ thù, một trò khủng bố tinh thần. Người trên bục giảng là một ông chức sắc trong ban quản trị của trại và cũng là cựu quân nhân; bằng một giọng nói Bắc kỳ nghiêm trọng và vẻ mặt đằng đằng sát khí, ông ta yêu cầu chúng tôi phải khai báo thành khẩn là đã làm việc gì với chế độ cộng sản. Bắt chước một kỹ thuật đe dọa của công an, ông ta nói thêm rằng nếu không khai thì tình báo của ông ta cũng biết thôi, nhưng khai thì sẽ được khoan hồng. Tôi rất ngạc nhiên về thủ tục này, vì nghĩ là tất cả lời khai của mình đều đã được nhân viên Cao Ủy Tị Nạn LHQ ghi chép ở Budi; thế thì cuộc khai báo này là khai với ai? Tuy nhiên, tôi nghĩ vì từng làm việc dưới chế độ mới một thời gian, nên cũng định khai báo cho rõ ràng…
Nhưng hôm đó, may mắn cho tôi: một người em họ nhập trại trước tôi vài tháng đang đứng bên cạnh cửa sổ và đưa tay làm dấu hiệu cho tôi biết là đừng khai. Anh Ba Hà Nội ngồi cạnh tôi và có lẽ có kinh nghiệm hơn tôi về những trò này, cũng khuyên tôi là cứ lờ đi cái “lý lịch dính líu cộng sản” đó. Tôi và anh Ba Hà Nội thoát nạn. Nhưng không may mắn cho những người khác, trong đó có hai anh bạn của tôi, T và S trong tàu “Thủy Sản” từ Budi lên, những người đã thành thật khai báo là có làm việc sau 1975 như là tài công và thủy thủ. Hai anh này liền được “mời” lên Ban Trật Tự “làm việc”. Cả hai bị đánh nhừ tử. Mặt hai anh này bị sưng húp lên, mắt thì bầm, nhưng ánh mắt đầy vẻ hận thù. Tối hôm đó, tôi nằm ngủ bên cạnh hai anh phía ngoài căn chòi bên cái giếng nước, nghe anh T thề rằng sẽ có ngày trả thù bọn người mà anh ta cho là “lũ chó đẻ”.
Sự đời có vay thì có trả. T và S sau này được định cư ở Mỹ. Hai người vẫn giữ liên lạc với tôi một thời gian. Một hôm tôi nhận được thư của họ hân hoan báo cho tôi biết là họ đã trả thù những kẻ đánh họ trong trại tị nạn ngay tại phi trường. Số là họ nắm được thông tin về ngày giờ và nơi đáp máy bay mà những người đánh họ trong trại tị nạn, và thế là họ bao vây và trả thù. Họ không nói trả thù ra sao, nhưng chắc những kẻ hành hạ họ cũng bị một trận nhừ tử.
Tôi tin rằng có nhân quả. Những kẻ ám hại người khác thì không sớm hay muộn cũng bị trả giá. Trả giá không bằng cách này thì cũng bằng cách khác, có khi là cả sinh mạng. Tôi đã chứng kiến những người hành xử xấu với đồng hương bên trại tị nạn, sau khi định cư đều trở thành ‘thân tàn ma dại’ cả. Có một anh chàng Thái làm cảnh sát hay đánh người tị nạn, chẳng hiểu sao sang được Úc, và anh ta cũng bị nạn nhân của anh ta trả thù ghê gớm. Thời đó, người ta mua súng rất dễ, nên những trận bắn giết trong cộng đồng xảy ra. Những ngày nóng bỏng đó, những ai mang cái nhãn ‘cộng sản’ thì khó có thể tồn tại ở Úc. Nhân quả là có thật.

“Tại sao anh muốn đi Úc?”

Ở trong một môi trường khủng khiếp như thế, ai cũng mong mình được đi định cư ở một nước thứ ba càng sớm càng tốt. Cứ mỗi lần nghe Khánh Ly hát “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về …” (bài Biển nhớ, một ca khúc rất nổi tiếng của ông Trịnh Công Sơn thường được dùng để tiễn người may mắn được nằm trong danh sách lên đường) là mỗi lần tôi buồn cho thân phận mình, chẳng biết bao giờ mới được đi và đi đâu.
Nhưng rồi ngày may mắn cũng tới. Theo định kỳ, nhân viên từ các tòa đại sứ ở Bangkok (mà người trong trại quen gọi là “phái đoàn”) xuống tận trại để chọn người định cư ở nước họ. Trong số các nước quan tâm tới người tị nạn, Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, và Pháp thường hay phái nhân viên xuống trại phỏng vấn và làm thủ tục định cư. Tôi được tiếp xúc với phái đoàn Úc đầu tiên.
Sau khoảng ba tháng ở trại Songkhla, tôi nghe tin qua loa phóng thanh, có phái đoàn tòa đại sứ Úc xuống làm việc ở trại. Lúc bấy giờ, Úc là một nước khó nhất đối với người tỵ nạn; ngoài các tiêu chuẩn về nghề nghiệp, học vấn, v.v. họ yêu cầu người xin định cư phải viết một lá đơn bằng tiếng Anh, nói rõ tại sao muốn đi Úc. Lúc đó tôi không có lựa chọn hay ý niệm gì cụ thể là mình sẽ đi nước nào định cư. Nhưng vì Úc là phái đoàn đầu tiên xuống đây [sau ngày tôi nhập trại], và tôi đã quá chán ngán với cảnh đời trong trại, nên tôi quyết định xin gặp phái đoàn để hy vọng được đi Úc [hay bất cứ nước nào, miễn là rời khỏi cái trại khốn khổ này].
Nhưng cái khó là phải thảo một lá đơn. Lúc đó, trình độ tiếng Anh của tôi lúc đó quá tồi, do tôi học Pháp văn và khá tốt với tiếng Pháp, nhưng tiếng Anh thì ôi thôi… tồi lắm. Lúc bấy giờ, chú Ba Trung Tá đã được chuyển sang trại khác cùng người yêu của chú chờ ngày đi Mỹ. Tôi đành nhờ hết người này đến người khác viết đơn dùm tôi, nhưng chẳng ai thèm giúp tôi. Người thì nói bận, người thì đòi tiền, có người còn mắng tôi như tát nước vào mặt: “Sao không chịu học tiếng Anh hồi ở bển, học lớp mấy rồi mà kém quá vậy?” Lúc đó, tôi thấy sự độc lập thật là quí báu, và tôi tự nhủ thầm sẽ không nhờ vả người Việt trong tương lai và không kết thân với người Việt có học thức. Tôi vẫn giữ cái tâm nguyện này.
Thế là tôi lầm lũi lên thư viện trại, ngồi cả ngày lật quyển từ điển cũ kỹ chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh lá đơn của tôi. Thỉnh thoảng có chêm vào chữ Pháp nữa, vì bí quá không biết tiếng Anh là gì. Tôi dịch từng chữ một, chia động từ loạn cả. Cuối cùng tôi cũng có một lá đơn.
Vài hôm sau, loa phóng thanh kêu tên tôi lên gặp phái đoàn Úc để phỏng vấn. Trong thời gian ngắn ở trại, tôi đã từng nghe qua nhiều câu chuyện về những người đi trước bị các phái đoàn từ chối cho đi định cư chỉ vì trả lời phỏng vấn không thông. Nhiều người bị phái đoàn Mỹ từ chối vì những lý do chẳng đâu vào đâu. Không có logic hay tiêu chuẩn gì cụ thể cả. Nổi tiếng nhất là anh chàng nhân viên Toà đại sứ Mỹ mà dân tị nạn gọi là “Gà Đá” (vì anh ta xâm trên tay con gà đá). Anh này từng phục vụ ở Việt Nam trước 1975, nghe nói biết tiếng Việt kha khá, nhưng tánh tình thì thất thường. Tiêu biểu là một anh kia lên phỏng vấn, tay Gà Đá đòi anh tị nạn kéo tay với anh ta; kéo thắng, Gà Đá sẽ nhận. Kết cục, anh tị nạn hạ Gà Đá, và thế là Gà Đá nhận anh tị nạn đi Mỹ. Nhiều chuyện như vậy trong trại tị nạn lắm, mà nếu viết lại thì cả một pho truyện tiếu lâm.
Vì thế, tôi hồi hộp bước vào phòng phỏng vấn trong ánh mắt theo dõi của nhiều đồng hương khác. Anh chàng nhân viên sứ quán Úc cao, to, râu ria xồm xoàm, nhìn lá đơn của tôi và hỏi qua anh thông dịch viên:
Ai viết lá đơn này?
Tôi trả lời, cũng qua anh thông dịch viên: “Tôi viết.” Anh ta mỉm cười:
Anh có học tiếng Anh bao giờ chưa?
Dạ chưa,” tôi rụt rè trả lời.
Anh muốn đi Úc làm gì?
Dạ, đi học hay làm ruộng.
Tiếng Anh như vầy sao học được? Anh cũng không đủ tiền làm ruộng đâu!
Tôi ngỡ ngàng trước câu bình phẩm của anh ta (làm ruộng mà cũng cần tiền ư!). Trời ơi! Ở quê tôi, làm ruộng là nghề chẳng cần đồng nào cả; chỉ cần sức lực thôi. Đi học mà cũng không cơ hội à? Tôi thất vọng, và nghĩ rằng cái mộng đi Úc tiêu tan rồi. Nhưng anh ta hỏi tiếp:
Ngoài những lý do anh nêu trong đơn, anh còn có lý do nào khác để đi Úc không?
Tôi nhớ hồi còn đi học có thấy con Kangaroo và ước mơ có ngày được nhìn nó tận mắt. Tôi bèn thực tình nói:
Tại tôi muốn… nhìn thấy con Kangaroo!
Anh ta trợn mắt nhìn tôi một lúc, rồi đột nhiên bật cười ha hả, chìa một tay ra bắt tay tôi, tay kia anh đóng cái “rầm” cái mộc xuống tờ giấy và nói qua anh thông dịch viên: “OK, tôi nhận anh. Qua bên kia làm thủ tục mau đi!”
Trời ạ! Tôi sững sờ và chưa kịp nói lời cám ơn, thì anh ta đã khoát tay cho tôi đi qua phía bàn bên kia làm thủ tục khác. Đa tạ anh Úc! Đa tạ! Tôi không thể nào quên anh Úc này mà tôi coi như một ân nhân.
Câu chuyện tôi đi Úc bắt đầu bằng mẫu đối thoại đó. Tôi vẫn nhớ y như ngày hôm qua. Nhớ từng câu nói được thông dịch; nhớ ánh mắt anh ta; nhớ cái khoát tay; nhớ cái cảm giác lâng lâng, khó tả. Câu chuyện còn có cái kết khác, vì sau này tôi gặp anh nhân viên sứ quán này trong Đại học Sydney (lúc đó anh theo học MBA, và tôi làm trợ giảng). Nhưng chuyện này tương đối ly kỳ, nên sẽ kể sau.
Có thể nói Songkhla là một trong những nơi ghi lại nhiều dấu tích đau buồn nhất của thuyền nhân Việt Nam. Đó là nơi tạm dung cho hàng trăm ngàn người tị nạn, và trong thời gian tạm dung, đã có không biết bao nhiêu sự kiện xảy ra. Những sự kiện đau buồn lẫn hạnh phúc đều có, buồn nhiều hơn. Một trong những sự kiện bi thảm nhất và buồn nhất là xác của 11 phụ nữ độ tuổi 20 bị trói cổ vào nhau, trôi dạt vào bãi biển Tha Sala. Những cô gái đó đã bị làm nhục trên biển và vứt xác xuống biển. Họ là đồng hương mình đó. Nỗi đâu dân tộc. Chúng ta không bao giờ quên và không bao giờ tha thứ những kẻ đã gây nên đau khổ cho họ.
Thật ra, sự kiện bi thảm đó chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện về thảm cảnh thuyền nhân ở Biển Đông vào thập niên 1970 và 1980. Hàng trăm nấm mồ tập thể được người dân địa phương tốt bụng chôn cất; mỗi mồ có mấy chục người được chôn chung. Đảo Koh Kra khét tiếng là địa ngục trần gian, là nơi chôn vùi hơn 3.000 đồng hương tị nạn. Thế giới đã nghe nhiều về “holocaust” bên Đức, “killing field” bên Campuchia nhưng thế giới chưa nghe hay biết nhiều về những cuộc thảm sát trên biển Đông. Do đó, sau này khi qua Sydney, tôi có tham dự một cuộc viết văn do tạp chí “The Good Weekend” tổ chức, và tôi được giải $500 với bài tôi đặt tựa đề là “Killing Sea” để ghi lại những biến cố biển bi thảm của thuyền nhân Việt Nam.

Panatnikom và những mảnh đời tị nạn

Theo thủ tục chung thì sau khi được một phái đoàn chấp nhận cho đi định cư, người tị nạn được chuyển đến một trại chuyển tiếp (gọi là “transit camp”). Sau khi được phái đoàn Úc nhận khoảng ba tháng, tôi được chuyển đi trại chuyển tiếp Phanat Nikhom ở miền Đông Thái Lan. Sau này tôi mới biết Phanat Nikhom là một quận thuộc tỉnh Chonburi, nơi có bãi biển Pattaya rất nổi tiếng. Tuy nhiên, chúng tôi không có cơ may ở Pattaya, mà là một nơi có thể nói là…. ‘khỉ ho cò gáy’.
Thật ra, lúc tôi vào trại Songkhla thì cũng là lúc trại chuẩn bị đóng cửa. Nói là “chuẩn bị đóng cửa”, nhưng cũng phải 5-6 năm sau thì mới thực hiện được ý định đó, một phần là do làn sóng người tị nạn đang lên cao, nên các chính phủ nước phương Tây gây áp lực lên Thái Lan không nên đóng cửa trại. Nhưng Thái Lan có lẽ cũng quá mệt mỏi với người tị nạn, không chỉ từ Việt Nam mà còn từ Lào và Campuchea, nên họ phải làm cái việc mà họ làm, tức đóng cửa trại.
Hôm chuyển trại từ Songkhla đi Phanat Nikhom xảy ra một tai nạn thương tâm. Nếu tôi nhớ không lầm, từ Songkhla đến Phanat Nikhom khoảng một ngày đường (bằng xe bus). Xe tôi đi qua những đồng ruộng, đồi núi chập chùng của Thái Lan mà tôi cho là rất đẹp, không thua gì cảnh đồi núi Việt Nam. Đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi chưa tới đâu, tôi giật mình nhận ra một tai nạn kinh hoàng trong đoàn xe bus. Chiếc xe bus phía sau xe tôi, không rõ do anh tài xế bất cẩn hay ngủ gục, bị lật xuống đường ruộng. Một anh tị nạn trẻ tuổi ngồi ở cửa sổ bị đứt lìa một cánh tay khi chiếc xe chạm vào đường nhựa và kéo lê cả mười thước. Tôi xuống xe nhìn thấy anh ta đang nằm bất tỉnh bên lề đường, cánh tay bị đứt lìa đã biến thành màu nâu đen nằm lăn lóc bên đường lộ. Bị ám ảnh cái cảnh tượng khủng khiếp đó, nên mấy ngày sau, tôi không ăn uống gì cả. Sau này, tôi nghe nói anh bạn trẻ đó được đền 50 ngàn baht!
Thời đó (1981), Phanat Nikhom là một trại thuộc vùng giữa nơi “đồng không mông quạnh”. Khi tôi đến thì thấy đất cát vàng như sa mạc, rất ít cây lá màu xanh. Nước uống và nước sinh hoạt cũng không có, mà phải khoan giếng hoặc được tiếp tế từ bên ngoài bằng các xe tải. Mỗi ngày, mỗi người tạm trú được cung cấp khoảng 20 lít nước dùng cho vệ sinh cá nhân, giặt giũ và nấu nướng. Có thể nói người tị nạn đến đây đã giúp mở mang một vùng kinh tế cho tỉnh. Tôi hay nói đùa với bạn bè rằng đây là vùng kinh tế mới của thuyền nhân. Sau này (2007) trong một chuyến công tác bên Thái Lan, tôi quay lại đây thì thấy nhà dân mọc lên san sát nhau, cây cối um tùm, xanh tươi. Hoàn toàn không có dấu vết tị nạn gì cả. Phanat Nikhom ngày nay là một đô thị khá sầm uất.
Nhìn toàn cảnh và chung quanh thì rất ít nhà dân. Có lẽ đó cũng là ý đồ của chính quyền Thái Lan không muốn người tị nạn tiếp xúc với cư dân địa phương. Tuy nhiên, người tị nạn vẫn có cách tiếp xúc với người dân địa phương và mua hàng hóa từ họ trước sự làm lơ của cảnh sát Thái Lan. Có tiếp xúc với người địa phương mới thấy họ rất ư là dễ mến. Chỉ nhìn ánh mắt cũng thấy họ thật thà và thương cảm. Họ cho chúng tôi khá nhiều đồ. Họ cũng bán những món hàng như gạo, nước mắm, quần áo cũ, v.v. cho người tị nạn. Tuy nhiên, người tị nạn Việt Nam thì rất coi thường dân địa phương, có lẽ vì tiêm nhiễm cái thói huênh hoang xem người ta là ‘mọi’ chăng?
Trong một trại tị nạn thuyền nhân Việt Nam ở Malaysia (internet)

Việt – Miên – Lào

Trại Phanat Nikhom lớn hơn trại Songkhla nhiều, có thể chứa tới cả hàng 50 ngàn người. Không giống như Songkhla, trại này có nhà hẳn hoi cho người tạm trú. Hàng ngàn dãy nhà được xây cất bằng các vật liệu như fibro, tole, và xi măng. Mỗi nhà chứa khoảng 10 đến 15 người, và cũng không có ngăn chia phòng ốc gì cả. Lúc chúng tôi mới nhập trại, thì các khu nhà này mới vừa mới xây xong. Do đó, trong nhà hoàn toàn trống tuếch, chúng tôi phải ngủ dưới sàn xi-măng, nhưng như vậy đã là quá sang trọng rồi!
Khác với trại Songhla chỉ có người Việt tị nạn, còn tại đây trại Phanat Nikhom có đủ ba nhóm người tị nạn từ Việt Nam, Lào, và Kampuchea. Trại do đó được chia thành ba khu riêng biệt dành cho người Việt, Lào và Miên. Khu người Việt lớn nhất, nhưng cũng là khu xảy ra nhiều vấn đề nhất làm đau đầu người Thái. Trong khi hai nhóm tị nạn kia có vẻ an phận, nhóm người Việt có lẽ do tổ chức chặt chẽ hơn, có trình độ văn hóa hơn, (và có lẽ cũng tự hào hơn), nên người Việt không tỏ ra phục tùng ban quản trị Thái. (Trại này hoàn toàn do các viên chức ngành cảnh sát hay quân đội người Thái điều hành, người Việt chỉ làm phụ tá, hay trong một vài trường hợp, làm tay sai cho họ. Người Việt đi đâu cũng có người trở thành tay sai.) Thỉnh thoảng người Việt kéo nhau biểu tình, gây áp lực đến Liên hiệp quốc về những chính sách công cộng ở đây. Có lẽ một phần vì thế mà các viên chức người Thái không ưa người Việt ở đây.
Trại Phanat Nikhom là nơi qui tụ rất nhiều nhân vật nổi tiếng của miền Nam thời trước 1975. Hầu như ai đi tị nạn ở Thái Lan đều qua trại này, nên đều có dịp gặp hay quen biết nhau. Lúc tôi lên thì đã có những nhóm văn nghệ hình thành. Thời đó, ca sĩ Tuấn Anh (người có trang phục khác thường) đã nổi tiếng là một người hát hay. Nhưng những show ca nhạc thường được tổ chức bên kia trại, nên chúng tôi thỉnh thoảng phải hối lộ cho cảnh sát Thái để họ cho qua xem văn nghệ!
Cuộc sống ở đây có phần chật vật hơn so với Songkhla. Về sinh hoạt và ăn uống ở đây (trại Phanat Nikhom) thì theo nguyên tắc là do nhà thầu Thái Lan cung cấp. Như nói trên, nước được vận chuyển từ ngoài vào, và họ chia bình quân từng đầu người. Thức ăn thì do nhà thầu nấu trong trại. Vì nấu cho hàng ngàn, hàng vạn người ăn (theo kiểu XHCN), nên phẩm chất rất tồi tệ. Nếu chỉ nhìn thoáng qua những mảng cơm nhão như cháo hay thiu thì đủ biết tình hình tồi tệ như thế nào.
Có một món mà chúng tôi đặt tên là “gà lựu đạn”. Gà lựu đạn là con gà chỉ có xương, vì người ta lấy thịt đem bán chỗ khác. Dân tị nạn chỉ được ăn xương thôi. Thật ra, nhìn vào xuất ăn, người ta có thể được tha thứ nếu nghĩ đó là một một loại thức ăn cho thú vật, chứ không phải cho con người! Nhưng dưới bàn tay chế biến tài tình của các bà nội trợ Việt, những con “gà lựu đạn” đó được biến hóa thành những món ăn rất ngon miệng. Mỗi ngày, chúng tôi (đám thanh niên, đàn ông) đi nhận thức ăn về, các bà các cô trong nhà thì chuẩn bị nấu nướng lại, và cả nhà (vài chục người) cùng ăn chung. Bữa ăn nào cũng ngon và vui. Kể ra thì thời gian ở đây cũng là một quãng thời gian có nhiều kỷ niệm.

Những mảnh đời…

Đời sống người Việt ở trại Phanat Nikhom có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Gia đình đổ vỡ, chuyện tình éo le, sư sãi hoàn tục, linh mục dỏm, v.v. đều có đủ. Một nhà sư nọ, có lẽ vì chân tu chưa tới, nên đã dan díu với một ni cô khác cũng tu chưa tới. Sự việc hai người bị bắt quả tang trong lúc hành lạc được đưa ra công chúng và người Thái, vốn mộ đạo Phật, được một dịp khinh khi người Việt. Xấu hổ.
Những mối tình phi biên giới và tuổi tác cũng nảy nở ở đây. Bên cạnh nhà tôi, một ông cựu thiếu tá nọ tằng tịu với một cô sinh viên mà tuổi đời chỉ bằng tuổi con ông cũng gây ra nhiều bàn tán xôn xao. (Nếu bây giờ thì chắc chẳng ai quan tâm đến sự khác biệt về tuổi tác, nhưng thời đó thì người mình còn “bảo thủ”). Cái nắng cháy da của vùng sa mạc Thái Lan không làm chùng bước yêu đương, mà còn tăng nhiệt độ cho hai con tim nóng bỏng đang yêu, họ âu yếm quyện vào nhau mỗi trưa hè trên chiếc võng một cách cực kỳ tự nhiên và hết sức “Tây”! Ban đầu bà con còn thấy lạ lùng và khó hợp nhãn quang, nhưng dần dà rồi cũng quen đi. Không ai biết kết cục của chuyện tình này ra sao.
Ở trong trại có rất nhiều nhóm thiện nguyện từ các nước như Mỹ, Úc, Canada đến giúp người tị nạn. Đa số là các nhóm tôn giáo, nhưng cũng có những nhóm phi chính phủ và không liên quan gì đến tôn giáo. Họ hoạt động rất nhịp nhàng với nhau, mỗi nhóm phụ trách một mảng, và không trùng hợp nhau. Chẳng hạn như nhóm phụ trách tiếng Anh, nhóm lo thư viện, nhóm dạy về đời sống mới bên Tây, thậm chí có cả các nhóm truyền đạo. Những nhóm này thường sử dụng người tị nạn để làm việc, vì họ biết trong cộng đồng người tị nạn có nhiều người giỏi tiếng Anh và có kinh nghiệm điều hành tổ chức. Phải qua đến đây mới thấy người Việt chúng ta nổi trội hẳn so với người Lào và Miên. Nhìn qua các nhân viên làm việc cho các nhóm thiện nguyện, có thể nói gần 100% là người Việt, số người Miên và nhất là Lào thì rất hiếm.

Học tiếng Anh

Riêng tôi, khi lên trại này, tôi cũng thay đổi. Thay đổi lớn nhất là tôi có cơ hội đi học tiếng Anh. Lúc đầu tôi ghi danh vào một lớp dạy tiếng Anh do nhân viên thuộc các tổ chức từ thiện giảng dạy. Không biết vì chính sách hay vì không rành phương pháp sư phạm, họ dạy rất thực tế những câu nói thông thường, không cần để ý tới văn phạm, cú pháp, lúc nào cũng “How are you”, “I am fine, thank you”, “My name is …”, v.v. Chỉ chừng một tuần theo học, tôi đã chán ngấy và bỏ học. Tôi không muốn học kiểu đó, mà phải học từ căn bản. Nhưng sau này tôi hiểu tại sao họ dạy như thế, vì mục tiêu là làm sao học viên có được những câu chữ thông thường để đi xin việc và giao tiếp, chứ mục tiêu không phải là khoa bảng.
Sau vài tuần nhập trại, tôi xin được một việc làm thủ thư trong thư viện của một tổ chức tôn giáo Tin Lành “Assembly of God” ngay trong trại. Thư viện này do một anh tị nạn người Miên làm sếp. Anh này rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh, và nhìn qua phong cách thì chắc ngày xưa cũng là quan chức trong chính quyền hay hệ thống giáo dục bên đó. Sáng nào anh ta cũng vào thư viện, chào hỏi mọi người một cách thân mật, nhưng phong thái vẫn toát ra là một ‘leader’ đúng nghĩa, vừa có học thức, vừa có tư cách lãnh đạo.
Công việc thủ thư của tôi là một cơ hội trời cho để học và đọc tiếng Anh. Mỗi ngày, tôi có nhiệm vụ việc sắp xếp sách báo cho có thứ tự. Mà, thư viện thì nhỏ, chỉ cao lắm là 1000 cuốn sách và tạp chí, chủ yếu là từ nước ngoài. Có khá nhiều sách báo tiếng Việt là từ cộng đồng người Việt ở Mỹ gửi tặng. Tôi đọc rất nhiều sách báo, tiếng Việt có, tiếng Anh có, tiếng Pháp cũng có, và học được rất nhiều điều. Nhưng cái công việc nhàn hạ quá, sau khi làm xong việc tôi chưa biết làm gì ngoài đọc sách. Phải vài ngày sau, tôi mới biết dùng thì giờ nhàn hạ này để học tiếng Anh. Tôi chọn cho mình một cái góc nhỏ của thư viện, và ngày ngày ‘dùi mài kinh sử’ ở đây.
Cách học của tôi rất chậm. Mỗi sáng, tôi gom góp những tờ báo gói rau cải, xếp lại cho phẳng rồi đọc tin tức. Đó là những tờ nhật báo tiếng Anh của Thái Lan như “The Nation” và “The Bangkok Post“. Những bản tin liên quan đến Á châu có những danh từ tôi thấy quen quen, nhưng không chắc. Thế là sáng nào tôi cũng tìm những chữ mình muốn học, sau đó vào thư viện tra từ điển xem cách phát âm ra sao, nguồn gốc của chữ, cách dùng như thế nào, v.v. Có khi suốt ngày tôi để tâm học chỉ một chữ! Cái thú vị của cách học từng chữ này là nó giúp cho tôi có căn bản và tự tin trong cách phân biệt và dùng tiếng Anh cho chính xác. Hồi đó, tôi học bằng cuốn Từ điển Longman, tôi thích cuốn này lắm nên có xin về làm kỷ niệm cho đến ngày nay.
Học từ căn bản dĩ nhiên là chậm và khó, nhưng lúc nào cũng hay hơn học theo kiểu tài tử trên ngọn. Tôi ghi chép rất cẩn thận những qui luật về văn phạm tiếng Anh. Có khi tôi viết ra cách phát âm và tự lầm bầm đọc (chắc như người điên). Sau vài tháng tự học, tôi thấy cuốn sổ tay của mình đã trở thành một cuốn sách văn phạm tiếng Anh, và tôi cũng thấy mình tự tin hẳn lên, mặc dù nói chưa được nhiều, vì không có cơ hội thực hành đối thoại.

Trò con nít (Trạng Quỳnh)

Học tiếng Anh hay nhất là phải có một người bạn. Thời đó, tôi may mắn quen với một anh bạn gốc Huế tên A (sau này định cư ở Melbourne và tôi mất liên lạc). Chính anh A nói với tôi là mình phải học tiếng Anh từng chữ một. Anh lý giải, chỉ cần có vốn ngữ vựng khoảng 2500 từ là mình “nắm” được tiếng Anh. Nói là 2500 từ, nhưng ‘phăng’ ra thì cũng thành 10,000 từ. Trưa nào tôi và anh ấy cũng đố nhau về tiếng Anh. Có những chữ tôi biết, anh ấy không biết, hay ngược lại, và thế là vốn ngữ vựng tăng lên nhanh chóng. Học nhau từ đố chữ này cũng hay, vì nó giúp mình nhớ lâu.
Có một chuyện buồn cười và trẻ con mà tôi nghĩ cần phải kể ra ở đây. Khi thấy mình có đủ “võ chữ” anh A và tôi bàn cách “phục hận” cái anh chàng sếp người Miên. Anh A nói vì anh ta xem thường bọn mình quá. Anh A và tôi bày cách ‘phục kích’ rất hết sức… Trạng Quỳnh. Chúng tôi tìm cách la cà với anh ta, rồi đưa ra những chữ thật khó để xem anh ta có bí không; khi anh ta bí, chúng tôi nói “trình độ của mày như vậy mà làm sếp tao à?” Anh người Miên lớn tuổi hơn và kinh nghiệm đời hơn nhìn chúng tôi mỉm cười và nói “Cố gắng đi học thêm đi mấy ông tướng!”
Đúng là cái trò nhỏ nhặt và ranh mãnh. Cái trò đó chúng tôi mang từ Việt Nam sang đây và khi va chạm với thế giới lớn hơn mới thấy mấy trò đó trẻ con biết là dường nào. Tưởng rằng hơn người ta một chữ hay bắt bẽ người ta một điều gì đó là mình “ngon lành” lắm, nhưng trong thực tế nó chỉ chứng tỏ cái hèn mọn và nhỏ mọn của mình. Và, dốt nữa. Anh A và tôi học được bài học này từ anh sếp người Miên. Tôi rất phục anh sếp này, giờ không nhớ anh tên gì, chỉ nhớ anh đi định cư ở bên Pháp.

Bangkok hoa lệ và tử tế

Ở trại Phanat Nikhom được khoảng sáu tháng, tổ chức ICM (Inter-governmental Committee for Migration) của Liên hiệp quốc sắp xếp cho tôi lên đường đi định cư. Nhóm chúng tôi chỉ đi Úc, và trong chuyến đi Úc có tất cả 54 người. Chúng tôi khởi hành bằng xe bus từ Phanat Nikhom lên Bangkok.
Sau khoảng năm giờ đi đường, chúng tôi đến thành phố Bangkok. Sau cả năm trời bị giam cầm trong các trại tị nạn ở rừng sâu núi thẳm, tôi đến Bangkok bằng một tâm trạng của một người nhà quê ra tỉnh. Lần đầu tiên trong đời thấy xa lộ chồng chéo lên nhau và xe hơi chạy như mắc cửi, tôi trố mắt nhìn những building cao vút, những khu phố tấp nập, tôi thấy Bangkok đã bỏ Sài Gòn quá xa. Lúc đó tôi mới thấy “Hòn ngọc Viễn Đông” Sài Gòn của Việt Nam quá ư là lạc hậu và thậm chí bé nhỏ!
Nhưng lên Bangkok, chúng tôi lại được chuyển vào một… trại giam khác. Đó là trại Immigration Detention Center (IDC). Đó là trại giam nằm trong trung tâm thành phố, có rất nhiều người ngoại quốc. Trại giam hơi âm u, có lẽ chúng tôi đến đó trong một ngày mưa, nhưng có ánh sáng mặt trời từ ngoài. Tất cả chúng tôi được dồn vào một cái phòng khá lớn, nhưng đủ cho khoảng 40 người, tất cả đều chờ để lên máy bay đi Úc. Chúng tôi ở đây được hai ngày. Ngày nào cũng được cho ăn uống đàng hoàng, và món ăn rất sạch sẽ.
Hai ngày sau, một buổi sáng, xe bus đến nơi chở chúng tôi ra phi trường. Ui chao, lần đầu tiên tôi thấy phi trường Bangkok quá rộng lớn và quá sang trọng. Đi đến đâu cũng toàn thấy những hàng quán đèn điện sáng trưng, ai cũng tỏ ra sang trọng và lịch sự. Ngay cả mấy người cảnh sát cũng rất thân thiện. Nhưng chúng tôi không được rời hàng, mà phải đi theo người hướng dẫn cứ như là đàn cừu theo người chăn cừu vậy.
Hôm đó tôi diện một bộ đồ, quần tây đen, áo sơ mi trắng, và mang đôi dép. Lúc ra phi trường mới thấy mình quá “quê mùa” vì ai cũng mang giầy! Nhưng tôi và nhiều người cùng cảnh ngộ lúc đó lấy tiền đâu mà mua giầy. Bây giờ nếu có được tấm hình hôm tôi và đoàn tị nạn ra phi trường chắc là thú vị lắm.
Ngồi trong phòng chờ đợi ở phi trường, trong lòng tôi lúc đó buồn vui lẫn lộn. Lúc đó, tôi không bao giờ có cảm tình (nếu không muốn nói là ghét) chính phủ Thái Lan, vì thái độ làm ngơ và bất nhẫn của họ trước thảm nạn trên Biển Đông, nhưng dù sao đi nữa, đất Thái cũng đã cưu mang tôi trong thời gian khó khăn nhất, và vì đã có một sự gắn bó như vậy, tôi cảm thấy buồn buồn khi phải chia tay Thái Lan. Cuộc chia tay nào mà chẳng buồn! Vui là vì tôi biết sắp tới đây mình sẽ được tự do, được sang một xứ sở mà tôi nghĩ chắc văn minh lắm, hiện đại lắm, và nhất là không còn bị giam cầm trong các trại tị nạn nữa.
Nghĩ lại cuộc đời là ‘một cõi đi về’. Phải hơn chục năm sau tôi mới có dịp quay lại Thái Lan. Lần đầu chỉ là chuyển chuyến bay đi Âu châu; lúc đó đêm về ngồi trong phòng lầu 25 khách sạn Montien nhìn về Việt Nam mà buồn vô hạn, vì chỉ 1 giờ là về đến nhà, nhưng không thể. Rồi đến giữa thập niên 2000s, tôi có dịp đi lại Thái Lan nhiều hơn, có lần được diện kiến cả hoàng gia Thái Lan (cô công chúa [?] và một bà công nương). Lúc đó, tôi mướn một chiếc taxi đi về trại Phanat Nikhom để tìm lại kỉ niệm cũ, nhưng tất cả đã thay đổi, không còn gì để tìm. Rồi vài năm sau, lại có dịp ở Thái Lan cả tháng trời nhân dịp “sabbatical leave”, có dịp đi nhiều nơi trên đất Thái mới thấy Việt Nam mình tụt hậu ra sao.
Nhưng thôi, hãy cứ hưởng trọng niềm vui trong giây phút hiện tại. Nghĩ ngợi một hồi thì có người của ICM lùa chúng tôi lên máy bay. Trời ơi! Lần đầu tiên trong đời thấy máy bay sao mà lớn quá chừng (hồi xưa cũng thấy máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt, nhưng không lớn như cái máy bay này). Sau này tôi mới biết là Boeing 747, của hãng hàng không QANTAS của Úc. Chúng tôi được sắp xếp ngồi ở những hàng ghế sau cùng trong máy bay. Lúc đi ngang qua các hàng ghế, thấy hành khách nhìn chúng tôi với ánh mắt vừa ái ngại vừa thương cảm.
Tôi được sắp xếp ngồi một cái ghế bên cửa sổ. Đây là lần đầu tiên tôi được đi máy bay, nên thấy cái gì cũng mới với mình. Cứ nhìn ra cửa sổ thấy máy bay tập nập, xe cộ đi lại liên tục, một quang cảnh rất nhộn nhịp. Nhìn trên mấy hàng ghế thì thấy ai cũng sang trọng, có người phì phèo thuốc lá xem ra rất thoải mái. Còn tôi thì cứ miên man suy nghĩ về nước Úc. Tôi lo thầm, chẳng biết mình sẽ làm gì ở xứ sở mới. Nói như anh chàng phái đoàn Úc, tiếng Anh thì không đủ để đi học lại, còn làm ruộng thì cũng chẳng có tiền. Phía trước là một tương lai mờ mịt. Đang suy nghĩ miên man thì chiêu đãi viên mang đến cho chúng tôi khăn lau mặt thơm phức và li nước cam vàng tươi vô cùng mát mắt. Sau nhiều tháng bị đối xử như tù nhân, đây là lần tôi được phục vụ và đối xử tốt. Tôi đã thật sự xúc động, và ngạc nhiên không hiểu sao họ lại tử tế với mình như thế. Tôi nhận ra rằng mình đã đến thế giới văn minh.

No comments:

Post a Comment