Chết vì phóng xạ
Thục Quyên - ...Tại sao chúng ta xôn xao khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh có thể bị đầu độc phóng xạ nhưng chúng ta ù lì không chịu tìm hiểu về những nguy cơ có thể đến, khi ngay tại đất sống của chúng ta và con cháu, sự sử dụng phóng xạ đang được nhà nước khoán trắng vào tay ngoại nhân?...
*
Ông Nguyễn Bá Thanh (1) có bị đầu độc bằng phóng xạ hay không, điều này thật ra chỉ quan trọng đối với gia đình ông, và có hay không, thì gia đình ông chắc chắn đã biết từ lâu. Ông Thanh đã được đưa qua Singapore, rồi qua Mỹ chữa bệnh, nghĩa là không thể có nghi vấn là nền Y tế Việt Nam không đủ sức hay bị áp lực để không định bệnh chính xác cho ông.
Tuy nhiên có rất nhiều khía cạnh trong suốt thời gian phát bệnh và chữa bệnh của ông Thanh đáng được chú ý cũng như cần trở thành những đề tài để học hỏi và suy ngẫm cho mọi người dân Việt.
Chết thì ai cũng một lần chết.
Nhưng chết quằn quại, chết quá trẻ, hay sống sót vài tháng, vài năm, để mà đau đớn bệnh tật cho tới chết, thì người bình thường ai ngu dại gì mà dấn thân vào? Tình cảnh khủng khiếp hơn nữa là phải bất lực chứng kiến chính con em mình đau đớn khổ sở, qụy ngã vì những căn bệnh không thuốc chữa. Vì chính Hiệp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (IPPNW International Physicians for the Prevention of Nuclear War) đã báo trước, Y khoa sẽ bó tay không bảo vệ được con người nếu bị nhiễm độc phóng xạ. (2)
Vậy tại sao chúng ta xôn xao khi nghe tin ông Nguyễn bá Thanh có thể bị đầu độc phóng xạ nhưng chúng ta ù lì không chịu tìm hiểu về những nguy cơ có thể đến, khi ngay tại đất sống của chúng ta và con cháu, sự sử dụng phóng xạ đang được nhà nước khoán trắng vào tay ngoại nhân?
Con đường đưa tới nhiễm phóng xạ và những hội chứng nhiễm xạ
Bệnh rối loạn sinh tủy ông Thanh mắc phải (theo thông tin trên các báo đài) đúng là có thể do nhiễm phóng xạ hoặc do những nguyên do khác, xác định hay không.
Tuy nhiên tình trạng bị phơi nhiễm những lượng phóng xạ quan trọng không chỉ duy nhất đưa đến bệnh này, mà tùy loại phóng xạ, tùy liều lượng, tùy thời gian phơi nhiễm, tùy khoảng cách với nơi xuất phát phóng xạ và tùy tuổi tác người bị nhiễm, gây ra những hội chứng bệnh khác nhau, thường khó chẩn đoán.
"Nhiễm phóng xạ ngoài" khi da tiếp xúc với một chất phóng xạ lỏng và bị thương tổn.
"Nhiễm phóng xạ trong" là khi phóng xạ ngấm qua da, hay nhập vào cơ thể qua những vết thương, hoặc nuốt và hít phải chất phóng xạ qua thức ăn, nước uống, bụi phóng xạ trong không khí, gây thương tổn trong cơ thể, hoặc toàn bộ hoặc cho một bộ phận nhất định.
Các bộ phận cơ thể dễ bị ảnh hưởng nhất bởi bức xạ:
1/ Việc nhiễm xạ ảnh hưởng trực tiếp tới lớp niêm mạc và hệ vi khuẩn đường tiêu hóa dẫn tới các triệu chứng nôn mửa, nôn ra máu, đau bụng và tiêu chảy. Các mạch máu trong ruột già và trực tràng bị vỡ gây ra tình trạng đi ngoài có máu trong phân.
2/ Tuyến giáp là một bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất khi bị nhiễm xạ theo báo cáo của các Hiệp hội Ung thư thế giới. Phơi nhiễm bức xạ có thể làm tuyến giáp sưng lên được gọi là bướu cổ hay làm cho tuyến giáp sản xuất quá nhiều hóc môn gây nên bệnh cường giáp, dẫn tới việc tăng nhịp tim và huyết áp. Nguy cơ ung thư tuyến giáp được ghi nhận là khá cao, đặc biệt cao ở trẻ em bị nhiễm xạ.
3/ Tủy xương là nơi sản xuất ra các tế bào máu, khi bị nhiễm xạ không còn khả năng tạo ra đầy đủ các loại tế bào máu (rối loạn sinh tủy) dẫn tới thiếu máu không thể hồi phục, xuất huyết tự nhiên hay sau khi va chạm mạnh, tiêm chích, v.v... mất sức đề kháng, nhiễm trùng...
Khi cơ thể hấp thụ một liều bức xạ lớn trong một thời gian ngắn (thường trong một tai nạn xảy ra trực tiếp tại nơi sử dụng phóng xạ) sẽ đưa đến hội chứng nhiễm xạ cấp tính. Các triệu chứng đầu tiên là thương tổn da (ngứa, đỏ hay sạm, sưng), buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, xuất hiện sau vài phút hay vài ngày. Có thể có rụng tóc.
Tiếp theo là một thời gian ngắn bệnh nhân cảm thấy khỏe lại nhưng sau đó ốm trở lại ngay với các triệu chứng như ăn mất ngon, mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và có thể co giật hay hôn mê. Sau vài ngày đến vài tuần, các thương tổn da cũng trở lại.
Giai đoạn trở bệnh nặng này kéo dài vài giờ cho đến vài tháng và hầu hết các bệnh nhân bị hội chứng này chết sau vài tháng do tủy xương bị phá hủy, mất sức đề kháng gây nhiễm trùng và suy thoái nội tạng.
Khi phơi nhiễm một nguồn bức xạ liều thấp kéo dài bệnh nhân thường chỉ thấy nhức đầu, mệt mỏi và yếu người nhưng với thời gian có thể bị ung thư.
(trường hợp rò rỉ phóng xạ những nhà máy điện hạt nhân, hoặc những vùng không trực tiếp nhưng bị ảnh hưởng sau những vụ nổ những nhà máy điện hạt nhân.
Những thảm họa phóng xạ có nổ đã tung bụi phóng xạ lên không trung và đã nương theo gió đi rất xa vài ngàn cây số. Lúc đó thì khoảng cách cũng không phải là yếu tố an toàn).
Mức độ nhiễm xạ nào được xem là nguy hiểm với con người?
Độ nặng và tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào mức độ bức xạ và thời gian phơi nhiễm, đo bằng đơn vị "Gray" hay "GY”. Một bệnh nhân với nồng độ phóng xạ trong người 1GY cho thấy các triệu chứng nhiễm xạ nhẹ, 6GY được xem là nguy hiểm chết người.
Bảng mức độ ảnh hưởng của nhiễm xạ lên cơ thể con người:
Sống chết mặc bây? Thảm họa phóng xạ sẽ không phân biệt sang hèn, khôn dại
Đọc những khái lược về vấn đề nhiễm xạ đưa đến bệnh tật và cái chết, để thấy nếu là cấp tính thì chẳng có cách chữa, và ngay cả những phương tiện để làm giảm triệu chứng, giúp người bệnh bớt đau đớn, thì Việt Nam cũng không có.
Nếu nhiễm xạ nhẹ và chỉ có những triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, yếu người đi đến kiệt quệ, thì người nghèo khó sẽ chẳng có cơ hội được khám bệnh để mà biết là bệnh gì.
Ngay cả người không nghèo thì mấy ai đủ tiền đủ bạc để dễ dàng đi Singapore, đi Mỹ khám bệnh?
Ở ngoại quốc tại những vùng công nghệ, khi một số chỉ vài chục người có triệu chứng bất thường cũng đủ để gây nghi ngờ và kiểm soát y tế. Nhưng thử hỏi nếu điều này xảy ra tại Việt Nam thì ai lưu tâm tới?
Ai đang kiểm soát số người bệnh quanh những công xưởng, những vùng đào bô xít hiện nay trong nước?
Vậy thì làm sao có thể mong đợi có sự kiểm soát những vùng đã giao trọn vẹn cho người ngoại quốc?
Vài nơi tai họa đã đến rồi. Tại Đồng Nai, tại Thanh Hóa, sông hồ bị nhiễm độc hóa học (3) ngay sát những công xưởng mà không bị phát hiện. Phải kéo dài chờ tới khi gần 1000 dân làng mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như: Ung thư, thần kinh, u bướu, vô sinh và sinh con dị dạng... giới hữu trách mới tỉnh giấc.
Rò rỉ phóng xạ càng nguy hiểm và khó ngăn chặn hơn. Ngay tại những nước giàu kinh nghiệm với các nhà máy tối tân, chuyên viên được huấn luyện kỹ càng, như Mỹ, Pháp, mà tai nạn còn xảy ra. Trong khi Việt Nam tin tưởng hoàn toàn vào sự bảo đảm an toàn của hãng thầu Nga Rosatom để xây và điều hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Không những hồ sơ thảm họa hạt nhân Chernobyl đầy bằng chứng sự tắc trách của chính phủ Sô Viết khi xảy chuyện, Nga còn là nước có thảm họa (Oyzorks-mayak) được giấu kín trong thời gian dài nhất lịch sử kỹ nghệ hạt nhân (4) và có những cách hành xử vô trách nhiệm đối với chính công dân của họ. Họ không từ cả sự đàn áp bịt miệng những nhà bảo vệ môi trường thí dụ như khi những người này tìm cách đến khám nghiệm mức ô nhiễm nước và đồng bằng sông Techa, ô nhiễm những hồ Kyzyltash, Tatysh, Karachai đã ngấm xuống nguồn nước ngầm.
Bên cạnh những mánh khóe quảng cáo sự tối tân của những nhà máy điện hạt nhân Nga rao bán chịu cho những nước tụt hậu như Việt nam, Hungary... Nga lại vẫn sử dụng ngay trong lãnh thổ mình 3 nhà máy chạy tổng cộng là 11 lò RBMK-1000, loại sử dụng tại Chernobyl, với tuổi tương tự hoặc lớn hơn và vẫn còn hoạt động. (7 trong số 11 lò này đã được cấp giấy phép tiếp tục hoạt động sau khi quá hạn sử dụng 30 năm).(5)
Trong khi thế giới lo lắng không có phương cách lưu trữ dài hạn chất thải phóng xạ, và để bảo vệ môi trường sống của những thế hệ tiếp nối, có những quốc gia dẫn đầu về ngành công nghệ hạt nhân đã can đảm quyết định dứt khoát với ĐHN để tối thiểu không làm tăng lượng chất thải, đồng thời phát triển nền kỹ nghệ năng lượng tái tạo, thì Nga thản nhiên đem đổ một số lượng lớn các lò hạt nhân đã ngưng hoạt động vào biển Kara ở Bắc Băng Dương, phía bắc Siberia. Các thùng rác phóng xạ nổi lều bều trên mặt biển đã bị Na Uy phát giác và chính phủ Nga đã không thể chối cãi.
Đó là tinh thần trách nhiệm của Nga, kẻ bảo đảm an toàn phóng xạ cho Việt Nam!
Nếu người Việt không quan tâm đến việc con cháu mình đang có nguy cơ bị đầu độc phóng xạ, thì cũng chẳng cần quan tâm đến việc ông Nguyễn Bá Thanh có bị chết vì phóng xạ hay không.
________________________________________________
(2) Lời thề Hippocrates và năng lượng hạt nhân
(3) Năm mới không thể mới nếu ta không mới
(4) Cách hành xử của chính phủ Nga và Rosatom
No comments:
Post a Comment