Friday, January 18, 2013

Tháo dỡ nhà máy hạt nhân tại Đức : kinh nghiệm Lubmin

http://www.viet.rfi.fr/khoa-hoc/20130116-thao-do-nha-may-hat-nhan-tai-duc-kinh-nghiem-lubmin

Tháo dỡ nhà máy hạt nhân tại Đức : kinh nghiệm Lubmin

 
Lubmin, nơi từng có một nhà máy hạt nhân xây dựng từ thời CHDC Đức (DR)
Lubmin, nơi từng có một nhà máy hạt nhân xây dựng từ thời CHDC Đức (DR)
Trọng Thành
Sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima 3/2011, chính phủ Đức trước sức ép công luận đã quyết định từ bỏ hạt nhân trong 10 năm tới. Tuy nhiên, việc từ bỏ năng lượng hạt nhân không phải là đơn giản. Đây là một quyết định chưa từng có. Quá trình tháo dỡ mang lại những thách thức khổng lồ về xã hội, về kỹ thuật công nghệ và tài chính. Tuy nhiên, việc tháo dỡ nhà máy nguyên tử lại cũng có thể trở thành một lĩnh vực mới đối với các doanh nghiệp thử tìm cơ hội trong bối cảnh công nghiệp năng lượng hạt nhân tại nước này đang bước vào thời kỳ suy tàn.
Toàn bộ 17 lò phản ứng, do bốn tập đoàn tư nhân Đức quản lý sẽ ngưng hoạt động vào năm 2022, trong đó 7 lò phản ứng đời cũ đã bị ngưng lại. Việc tháo dỡ các nhà máy hạt nhân là một kinh nghiệm hết sức mới mẻ, mà Đức là nước đi đầu. Trong phóng sự thực hiện tại Lubmin, thuộc bang Greifswald, miền đông nước Đức, thông tín viên RFI Pascal Thibaut tóm thuật những nét lớn của quá trình tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân này, những thách thức cũng như các cơ hội của loại hoạt động mới mẻ này. Kinh nghiệm tại Lubmin có thể coi là một bước đi tiên phong, mở hướng cho một ngành công nghiệp có nhiều triển vọng.

Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc họp báo ngày 30/05/2011, để công bố chính sách chấm dứt năng lượng hạt nhân tại Đức
REUTERS/Wolfgang Rattay
Những trở ngại của việc tháo dỡ nhà máy Lubmin

Nhà máy điện hạt nhân ở Lubmin, thuộc bang Greifswald, đã ngưng hoạt động cách đây 20 năm, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Nhà máy điện hạt nhân này được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô trước đây nằm ở một vị trí thuận lợi. Ở ngay sát biển, nhà máy có đủ nước để làm lạnh các lò phản ứng, khu vực xung quanh dân cư thưa thớt, các giao thông đường thủy, đường ô tô và đường xe lửa đều thuận tiện. Năm 1973, nhà máy được hoàn thành, và phụ trách việc cung cấp điện cho miền nam nước Đức, cũng như thủ đô Berlin. Cũng giống như ở miền Tây nước Đức, điện hạt nhân là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của quốc gia, ở Đông Đức, nó còn biểu hiện cho sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Các tai nạn tại nhà máy được liệt vào phạm vi bí mật quốc gia.
Theo bác sĩ Rose-Marie Poldrack, một trong những người chống điện hạt nhân đầu tiên, việc chấm dứt nhà máy này là điều rất khó khăn : « Chúng tôi không biết gì về các tai nạn xảy ra. Nhà máy này được coi là mẫu mực, ở đây các điều kiện làm việc tốt hơn nơi khác nhiều, và chúng tôi được trả lương cao. Vì vậy, khó mà đặt vấn đề chấm dứt hoạt động của nhà máy này. (…) Với việc ngưng các lò phản ứng hạt nhân, rất nhiều người dân đã nổi giận. Thậm chí tôi đã nhận được các đe dọa giết chết bằng điện thoại vào thời điểm đó. Bởi vì, nhân viên của nhà máy cho rằng chúng tôi là thủ phạm của tình trạng này ».
Đối với nhà hoạt động môi trường Rose-Marie Poldrack, việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân này không phải là điều mang lại niềm phấn khích, vì trước hết mục tiêu đóng cửa nhà máy sẽ phải chuyển thành các công việc cụ thể và việc đóng cửa này sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động, với việc sa thải hàng loạt các nhân viên. Làn sóng sa thải bắt buộc do việc nhà máy ngưng hoạt động khiến cho số nhân viên ban đầu là 10.000 người, chỉ còn là 800 người hiện nay.
Vào thời điểm bị tháo dỡ, nhà máy Lubmin có tổng cộng khoảng 1.800.000 tấn phế thải. Hai phần ba trong số đó là các vật liệu xây dựng thông thường, không bị nhiễm xạ. Còn là khoảng 600.000 tấn phải xử lý. Để xử lý hết khối lượng này, cần đến khoảng 20 năm và một số tiền là 3 tỷ euro, tức là 30% nhiều hơn so với dự kiến ban đầu. Số tiền này là do những người đóng thuế ở Đức chi trả, vì đây là một nhà máy hạt nhân kế thừa của CHDC Đức.
Quy trình kiểm soát nghiêm ngặt các phế thải phóng xạ
Để xử lý 600.000 tấn phế thải này của nhà máy Lubmin, cần phải xây dựng một trung tâm bảo quản. Đây là một tòa nhà được bảo vệ hết sức cẩn mật, được bảo vệ như một số các ngân hàng trung ương, hay các nhà tù đặc biệt. Một vành đai bảo vệ bên ngoài để ngăn chặn các xâm nhập, và đồng thời các bảo vệ bên trong để ngăn ngừa các hiểm họa của chất thải phóng xạ. Thông tín viên Pascal Thibaut đưa chúng ta địa điểm nhà máy bị tháo dỡ.
Bà Gudrun Oldenburg, một phát ngôn viên của EWN (Energiewerke Nord GmbH) - doanh nghiệp phụ trách việc tháo dỡ nhà máy điện nguyên tử - cho biết : « Để đi vào bên trong, bạn cần phải đi qua trạm kiểm soát, để cho phương tiện đo phóng xạ biết được bạn đang ở đây và đo lường mức độ nhiễm xạ của bạn ».
Người thăm nhà máy phải đi qua nhiều chặng kiểm soát, trước khi vào đến nơi đặt các tua bin khổng lồ nằm yên nghỉ trong một không khí vô cùng tĩnh lặng. Tại đây mọi thứ đều được bảo vệ theo tiêu chuẩn, nhưng người thăm cũng được khuyên không nên đứng gần quá lâu cạnh một số trang thiết bị có độ phóng xạ rất cao, mặc dù chúng đã được bọc kín.
Phát ngôn viên EWN giới thiệu : « Trước mặt các vị là các phế liệu đang chờ được tẩy phóng xạ. Một số khác vừa được đưa vào để chờ phóng xạ tự giảm với thời gian. Còn một số khác là các rác thải phóng xạ, chờ để chuyển đến một trung tâm bảo quản vĩnh viễn ».
Theo bà Gudrun Oldenburg, việc xây dựng một trung tâm bảo quản tại chỗ ở nhà máy Lubmin là cần thiết, nhưng phát ngôn viên của EWN không đồng ý với việc chuyển các phế liệu nhiễm xạ từ nơi khác đến để xử lý tại đây. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trong vùng, để phản đối các đoàn xe castor – chuyên xa được bảo vệ đặc biệt – chuyên chở các phế liệu phóng xạ.
Một người biểu tình : « Trung tâm bảo quản được xây dựng chỉ dùng để xử lý các phế liệu nhiễm xạ tại chỗ, chứ không phải để nhận các phế liệu phóng xạ từ nơi khác ».
Việc vận chuyển các phế liệu nhiễm xạ, chưa được xử lý sơ bộ tại các cơ sở hạt nhân, đặc biệt là từ Pháp đến Lubmin đã làm dấy lên phong trào phản đối hết sức mạnh mẽ của giới bảo vệ môi trường tại Đức.
Tuy nhiên, ông Matthias Lietz, dân biểu thuộc đảng dân chủ thiên chúa giáo, cựu thị trưởng Lubmin, cho biết ông không đồng tình với sự phản đối của phong trào : « Tôi không hiểu thái độ của những người phản đối. Họ phản đối bất cứ một sự vận chuyển chất thải phóng xạ nào, nhưng đồng thời lại không đồng ý với việc xây dựng tại Lubmin một trung tâm bảo quản rác thải phóng xạ lâu dài. Trong trường hợp không có một trung tâm như vậy, thì rõ ràng cần phải vận chuyển các rác thải phóng xạ đến nơi bảo quản cuối cùng ».
Vẫn theo bước chân của thông tín viên RFI, chúng ta bước vào khu phân xưởng chính của trung tâm bảo quản, đây là một căn nhà hết sức ồn ào và có mùi không dễ ngửi. Chính ở đây mà các thiết bị nhiễm xạ nhẹ được tẩy rửa hoặc bằng hóa chất, hoặc bằng cát dưới áp suất cao. Các chất thải nguy hiểm được giữ lại. Các bộ phận được tẩy rửa sạch, một khi không còn dấu hiệu phóng xạ nữa, sẽ được đưa trở lại thị trường. Quá trình thanh lọc phóng xạ được những người quản lý đánh giá là rất nghiêm ngặt và bảo đảm các tiêu chuẩn, tuy nhiên những người chống hạt nhân như bà Rose-Marie Poldrack cho rằng, mức độ phóng xạ cho phép vẫn còn là nguy hiểm. Bà Rose-Marie Poldrack khẳng định : « Với tư cách là một bác sĩ, tôi cho rằng mỗi lượng phóng xạ dù rất nhỏ, cũng có thể gây ra các biển đổi trong cơ thể và môi trường. »
Tháo dỡ nhà máy hạt nhân : một nghề mới
Lubmin là một điểm trắc nghiệm. Sau quyết định chấm dứt năng lượng hạt nhân của chính phủ Đức đầu năm 2011, trong vòng 10 năm nữa, nhiều lò phản ứng hạt nhân đời cũ đã bị ngưng hoạt động. Hiện tại chỉ còn 17 lò hoạt động. Theo một nghiên cứu, cái giá của việc dỡ bỏ các lò phản ứng này được ước tính là khoảng 17 tỷ euro (còn theo một nghiên cứu khác chi phí này lên đến khoảng 30 tỷ euro). Không kể các nhà máy thuộc Đông Đức cũ, do nhà nước tức những người đóng thuế đài thọ, việc tháo dỡ các nhà máy hạt nhân còn lại được bốn tập đoàn điện hạt nhân tư nhân (EnBW, E.On, R WE và Vattenfall) chi trả thành 7 lần.
Công ty EWN hy vọng sử dụng các công nghệ tháo dỡ nhà máy hạt nhân của họ ở những nơi khác. Đây là kinh nghiệm mà công ty đã từng làm với các tầu ngầm hạt nhân của Nga. Bà Gudrun Oldenburg : « Chúng tôi cũng tái xử lý các trang thiết bị từ các cơ sở hạt nhân của Tây Đức, Với kinh nghiệm đã có, chúng tôi hy vọng có được các hợp đồng mới. Tuy nhiên, chương trình dỡ bỏ nhà máy hạt nhân Lubmin hiện là một hợp đồng lớn nhất trong lĩnh vực tháo dỡ nhà máy điện nguyên tử trên thế giới ».
Dân biểu Matthias Lietz cho rằng kinh nghiệm của Lubmin là rất quan trọng, có thể dùng như một mẫu mực đối với các trường hợp khác. Dân biểu Matthias Lietz khẳng định : « Lubmin cho thấy rõ đâu là các biện pháp cần thiết và khả thi của quá trình tháo dỡ một nhà máy hạt nhân. Bởi vì chúng tôi đã đưa ra quyết định ngừng hoạt động nhà máy vào đầu những năm 1990, do đó chúng tôi có một kinh nghiệm mang tính mở đường cho những người khác đang gặp phải các vấn đề như chúng tôi ».
Các công ty khác như tập đoàn điện hạt nhân Areva của Pháp quan tâm đến kinh nghiệm Lubmin. Theo một chuyên gia, cần phải có một sự nối kết lớn hơn trong lĩnh vực này : « 437 nhà máy hạt nhân trên thế giới đang hoạt động trong đó có những nhà máy rất cũ. Các nước như Hà Lan, chỉ có một địa điểm, không có được kinh nghiệm trong lĩnh vực tháo dỡ. Chính vì vậy, tôi khuyến cáo một sự hợp tác chặt chẽ của Châu Âu trong lĩnh vực này để huy động các công nghệ có sẵn ».
Các năng lượng tái tạo thế chỗ nhà máy hạt nhân
Việc hủy bỏ các nhà máy hạt nhân có thể là triệt để, với việc các thảm cỏ xanh thay thế hoàn toàn các cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, cũng có cách xử lý khác, ví dụ như các tòa nhà không bị nhiễm xạ có thể sử dụng vào các mục tiêu khác, và cho phép tạo ra các việc làm mới. Đó là trường hợp của Lubmin, nơi các năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng hạt nhân trước đây.
Tại tòa nhà chứa các tua bin của nhà máy hạt nhân xưa kia, nay là một công xưởng mới dài 1 km. Phát ngôn viên của EWN, bà Gudrun Oldenburg, cho biết : « Chúng tôi chế tạo các tua bin điện gió ở đây cho các doanh nghiệp. Có được không gian rất rộng lớn này là một thế mạnh lớn. Với ‘‘bước ngoặt về năng lượng’’, các thiết bị này là cần thiết và mang lại việc làm, điều này thật là tuyệt vời !».
Trong số các doanh nghiệp năng lượng tái tạo chọn Lubmin làm nơi đặt chân, có một doanh nghiệp điện gió Đan Mạch, hoạt động tại vùng biển. Ông Heinrich Hensen, một chủ doanh nghiệp điện gió tin tưởng vào mức độ an toàn tại nơi xưa kia là nhà máy hạt nhân, với việc chọn địa điểm của doanh nghiệp chỉ cách các lò phản ứng cũ vài chục mét : « Thoạt tiên, tôi có đặt ra một số câu hỏi về nhà máy điện hạt nhân cũ này. Tôi đã suy nghĩ, và tôi tự nhủ rằng, tại Đức an toàn là một vấn đề nghiêm túc. Như vậy, tôi không có việc gì phải sợ ».
Cách nhà máy khoảng vài trăm thước, là đường ống dẫn khí đốt Northstream, bắt đầu cung cấp khí đốt từ Nga đến thị trường Đức và châu Âu kể từ mùa thu năm 2011. Việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân dựa trên nguồn khí đốt này đang được thảo luận. Cũng tại địa điểm của nhà máy điện hạt nhân cũ, có một nhà máy điện sinh khối, với nguyên liệu là ngô trồng trong khu vực. Bà Marlies Philipp, nguyên là kỹ sư, giờ trở thành nhân viên báo chí của EWN : « Việc chuyển nhà máy điện hạt nhân cũ thành nơi xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo mới là điều rất tích cực. Chúng tôi không hủy bỏ hoàn toàn một cơ sở hạt nhân cũ. Một cơ sở công nghiệp vẫn tồn tại và mang lại cơ hội cho khu vực này ».
***
Quá trình dỡ bỏ một nhà máy điện hạt nhân là rất dài và tốn kém. Câu hỏi đặt là liệu kế hoạch dỡ bỏ các nhà máy hạt nhân của Đức có diễn ra như dự kiến ?
Nhiều doanh nghiệp tư nhân nhận các hợp đồng tháo dỡ các lò phản ứng đã ngừng hoạt động, còn chưa bắt tay vào công việc. Nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan, như việc xây dựng trung tâm bảo quản tạm thời đối với các phế thải có mức độ nhiễm xạ thấp vẫn còn chưa sẵn sàng vào thời gian cuối thập kỷ này. Đức vẫn còn chưa có quyết định về các trung tâm bảo quản vĩnh viễn các phế thải có hàm lượng phóng xạ cao. Nếu quyết định này chưa có được, các cơ sở hạt nhân ngưng hoạt động vẫn sẽ ở nguyên tại chỗ.
Từ đây đến 2022, dự kiến 1/3 năng lượng của Đức sẽ phải được bảo đảm bởi các năng lượng tái tạo. Để quản lý được quá trình chuyển đổi, việc sử dụng than và khí đốt để phát điện sẽ phải được tính đến, mà điều này mâu thuẫn với các mục tiêu bảo vệ môi trường. Nguồn tài chính cho việc tháo dỡ cũng là điều gây lo ngại, vì các nhà đầu tư chính có thể lâm vào tình trạng phá sản trong quá trình này.
Rất nhiều thách thức đặt ra đối với nước Đức, quốc gia đi tiên phong trong quá trình từ bỏ điện hạt nhân. Tuy nhiên, việc tháo dỡ các nhà máy hạt nhân mà Đức thí điểm đã đạt được những thành công ban đầu, trở thành kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của chính nước Đức, và cũng là kinh nghiệm cho nhiều nước khác. Theo một nghiên cứu, trong vòng hai thập niên tới, sẽ có khoảng 300 lò phản ứng sẽ phải ngưng hoạt động. Một thị trường dỡ bỏ các nhà máy hạt nhân trị giá khoảng 220 tỷ euro sẽ hình thành (theo dự đoán của văn phòng tư vấn Arthur D. Little) trong thời gian này.

No comments:

Post a Comment