Điện hạt nhân Ninh Thuận, một dự án bất khả thi
http://boxitvn.blogspot.com.au/2016/01/ien-hat-nhan-ninh-thuan-mot-du-bat-kha.html
13/01/2016
(Bài 2)
TK TRAN
Năm 2009 Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngày 30.10.2010, Việt Nam và Nga ký hiệp định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Tập đoàn điện lực Việt Nam được giao làm chủ đầu tư hai dự án ở Ninh Thuận.
Sau sự cố nhà máy điện hạt nhận Fukushima số 1 ở Nhật Bản vào tháng 3.2011, nhiều nước đã thay đổi chiến lược về phát triển điện hạt nhân. Một số nước như Đức , Bỉ, Thụy Sĩ ,Thụy Điển, Ý đã tính toán ngưng phát triển điện hạt nhân, song ở Việt Nam chính phủ không thay đổi chính sách.
Cuối năm 2011 hiệp định Nga -Việt về việc cho VN vay tiền xây dựng nhà máy1 được ký kết. Nga cho vay 10 tỉ USD - không có thông tin về tiền lãi và các chi tiết về phương thức và kỳ hạn trả nợ-. Có rất ít thông tin liên quan tới việc Nhật Bản xây nhà máy 2. Dự kiến ban đầu là nhà máy 1 sẽ được khởi công năm 2014.
Lưu tâm tới vấn đề an toàn và kinh tế của điện hạt nhân, nhiều nhà chuyên môn ở trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến phản biện, không đồng thuận với dự án này. Dưới áp lực đó, cộng thêm nhiều yếu tố khác, nhà nước Việt Nam phải lùi ngày khởi công xây nhà máy chậm lại 6 năm (2020), cũng có thông tin là lùi lại 3 năm (2017).
Có những vấn đề gì trong việc xây dựng nhà máy?
Địa điểm xây dựng Ninh Thuận
Khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân người ta thường chọn nơi ven biển, ven sông lớn để có nguồn nước làm nguội máy. Đồng thời cũng là nơi tương đối ít dân sinh sống, để giảm thiểu thiệt hại nhân mạng trong trường hợp có tai nạn phóng xạ. Địa diểm cũng không quá xa nơi tiêu thụ điện để giảm thiểu chi phí tải điện.
Nhìn phiến diện thì Ninh Thuận có thể đáp ứng đòi hỏi trên, song Ninh Thuận còn có những vấn đề khác: Theo thiết kế đầu tiên, nhà máy nằm ở vị trí cao hơn mực nước biển 7 m. Ở vị trí này, nếu xẩy ra động đất ở biển gây sóng thần mạnh nhà máy sẽ bị tàn phá. Vì thế đồ án xây dựng được sửa đổi năm 2015. Vị trí mới của nhà máy được dời sâu quãng 400m về phía đất liền, cao hơn mực nước biển 13-15 m, chịu đựng được sóng thần cỡ Fukushima. Việc sửa đổi là cần thiết mặc dù chi phí tăng thêm do việc đền bù giải phóng mặt bằng và tăng thêm thiết bị nối với phần nhà máy trên mặt biển.
Một vấn đề khác không được giải quyết là động đất trong đất liền. Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Các khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tìm thấy có những đới đứt gẫy dịa chất gây động đất chung quanh vùng nhà máy Ninh Thuận, cụ thể là đới đứt gẫy Đèo Dinh Bà, Cam Ranh. Các trận động đất đã xẩy ra vào năm 1877,1882, 1923 ở khu lân cận tương đối nhẹ, có magnitude không quá 5,5 độ Richter. Ngoài ra còn đới đứt gãy kinh tuyến 109 -110 trên biển Đông cách vị trí dự kiến xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khoảng 80 km và 100 km; bên cạnh đó, ở vùng xung quanh như Manila (Philippines) có 6 đới hút chìm, Năm 2011 đã có cảnh báo là tại Ninh Thuận có thể có chấn động lên tới 8 độ (kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất và Viện Địa chất - Địa vật lý biển). Cường độ này nếu xẩy ra ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm ít nhất là 50% nhà cửa đổ nát, chưa tính tới thiệt hại nhân sự. Tuy thế, nhà nước vẫn kết luận là … không sao, động đất như vậy thì nhà máy chịu đựng được(!?).
Đây là một kết luận quá chủ quan. Ở Fukushima các nhà địa chất học Nhật Bản cũng đã kết luận tương tự, cho là ở đó không có động đất quá lớn. Cuối cùng thực tế đã dạy cho họ một bài học lớn là con người không thể dự kiến toàn vẹn những biến động ở thiên nhiên . Mầm mống động đất chắc chắn là có trong vùng Ninh Thuận. Những đánh giá hiện nay về sức tàn phá không đáng tin cậy, không có gì bảo đảm.
Một vấn đề khác có tính cách nhân bản là Ninh Thuận là địa bàn sinh sống của dân tộc Chăm. Nếu chẳng may có tai nạn phóng xạ xẩy ra từ nhà máy này thì những tổn hại sinh mạng phần lớn sẽ là người Chăm. Nguy cơ dân tộc Chăm bị xóa sổ là có thật. Một thiệt hại khác cũng nên nhắc tới là Vườn Quốc gia Núi Chùa bên cạnh cùng với cảnh quan thiên nhiên phong phú cũng sẽ bị tiêu hủy.
Vấn đề thi công xây dựng nhà máy Ninh Thuận
Sau vấn đề chọn đia điểm là vấn đề xây dựng. Ai sẽ đảm nhiệm việc xây dựng các cơ sở của nhà máy? Nga hay Việt ?
Ngày 27.11.2013, trong một buổi họp với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Nga luôn bày tỏ mong muốn thực hiện trọn gói việc xây nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam. Cụ thể, phía Nga khẳng định, “nếu các bạn Việt Nam tin tưởng, Nga sẽ đảm nhận cả việc thiết kế, thi công nhà máy điện hạt nhân và Việt Nam chỉ việc nhận chìa khóa trao tay”. Tuy nhiên Thủ tướng đã khước từ. Điều đó có nghĩa là, ông muốn Việt Nam tự đảm nhiệm phần này. Cũng trong chiều hướng đó, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng cục Năng Lượng nguyên tử, trong một phỏng vấn báo chí cuối năm 2013 cho biết: “Bộ Xây dựng đã cử hàng trăm kỹ sư và công nhân sang trực tiếp học tập và làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân của Liên bang Nga và chuẩn bị nguồn lực để kêu gọi sự tham gia vào quá trình xây lắp của Việt Nam trong dự án điện hạt nhân sắp tới. Có thể khẳng định về kinh nghiệm xây lắp của Việt Nam và đảm bảo chất lượng với những công trình lớn của Lilama, Tổng Công ty xây dựng Sông Đà... ". Sau này, đối tác Nga Rosatom, cho biết thêm rằng công trình Ninh Thuận sẽ thu hút các công ty địa phương với tỉ lệ nội địa hóa tới 40% ở lĩnh vực sản xuất thiết bị và xây dựng công trình.
Nhà nước khẳng định Việt Nam có kinh nghiệm xây lắp, đảm bảo chất lượng cho công trình xây cất. Song thực tế trước mắt rành rành mà mỗi người trong chúng ta đều biết, là hầu hết các công trinh xây dựng do Việt Nam đảm nhiệm đều rất kém về chất lượng. Có những ngôi nhà nhiều tầng được đúc bằng cốt tre, thay vì bê tông cốt sắt. Có những chiếc cầu vừa khánh thành xong chưa kịp đưa vào sử dụng đã bị sụp một bên, người chịu trách nhiệm tuyên bố không biết ngượng: "phần còn lại vẫn đảm bảo chất lượng". Có những chiếc cầu treo bị đứt gẫy trong lúc sử dụng, hất cả chục người xuống sông. Có những con đường cao tốc đắt tiền nhất thế giới, song chỉ vài tháng sau khi sử dụng đã bị lún bị nứt. Có đập thủy điện (Sông Tranh 2) xây dựng trong vùng động đất đã bị nứt, bị rò rỉ nước ngay sau khi tích tụ nước. Có công trình trọng điểm như nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ một tháng sau khi khánh thành phải ngừng vận hành lâu ngày để sửa chữa. Gần đây nhất, các nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 ở miền Trung xin đưa hàng ngàn công nhân Trung Quốc sang Việt Nam làm việc. Lý do họ đưa ra là không tìm được thợ bản xứ có tay nghề vững vàng.
Cầu gẫy, cầu sụp... chỉ gây cái chết cho vài người hay vài chục người. Đường lún đường nứt gây tai nạn xe, thiệt hại vật chất vài chục triệu đồng VN hay chết vài mạng người. Không nhiều. Nhà máy lọc dầu ngưng hoạt động, tốn kém hàng triệu USD mỗi ngày. Không sao. Miễn là không ai thiệt mạng. Song ở một lò nguyên tử mà công trình sụp đổ thì sẽ chết hàng chục ngàn, gây tổn thương cho hàng trăm ngàn người, gây di hại sức khỏe cho hàng triệu người ở những thế hệ sau, kéo theo suy sụp kinh tế cho cả nước.
Một công trình trọng đại chưa từng được thi công trong nước hàm chứa những nguy hiểm không lường trước được, mà việc xây dựng chỉ trông chờ ở kiến thức ở vài trăm kỹ sư công nhân đang học việc ở nước ngoài thì phải xem là một cuộc phiêu lưu nhắm mắt bên bờ vực thẳm.
Rosatom, một đối tác đáng tin cậy của Việt Nam?
Rosatom (Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga) là một tổ hợp quốc doanh. Ngoài việc chuyên thiết kế sản xuất và xuất cảng các nhà máy hạt nhân, Rosatom còn quản lý vũ khí nguyên tử của quân đội Nga.
Ông Sergey Boyarkin, Phó Tổng giám đốc Rosatom, đã tuyên bố ở Việt Nam vào tháng 6.2011 là, lò hạt nhân của Rosatom thuộc thế hệ thứ 3+ hết sức tân tiến, có 2 hệ thống an toàn có điện (chủ động) và không có điện (thụ động), có thiết bị đảm bảo khi nhiên liệu quá nhiệt bị cháy sẽ được hút ra ngoài, bức xạ được hút vào trong, không thoát ra ngoài môi trường (sic) (Dân Trí 6.2011). Rosatom quảng cáo trong các tờ rơi tiếp thị là hệ thống này có một không hai trên thế giới.
Về thiết bị an toàn thụ động của lò thế hệ 3+ mà Rosatom đề cao, hãy đọc lại nhận xét ngày 28.9.2012 của chính Cựu Thứ trưởng Năng Lượng Hạt Nhân của Nga, ông Bulat Nigmatulin: "Hệ thống an toàn thụ động (passiv) không hoàn toàn thụ động... Hiệu quả của hệ thống còn là điều đáng lo và còn cần được cải thiện. Điều này làm tăng chi phí sản xuất và vận hành". Cần nói thêm là hệ thống an toàn thụ động chưa bao giờ được kiểm chứng trong điều kiện thực tế. Cho tới nay chưa thấy những công bố xác nhận của những nhà chuyên môn khách quan.
Không kể tới lò nguyên tử ở Tschernobyl do tiền thân của Rosatom xây dựng. Ngay ở Nga đã có nhiều sự cố xẩy ra ở các nhà máy mới. Không lâu sau khi ông Sergey Boyarkin ở Việt Nam khoe khoang về sự an toàn của sản phẩm Rosatom, thì tại lò điện hạt nhân mới nhất của Nga ở Kalinin đã xẩy ra 11 sự cố kỹ thuật ở tổ máy số 4 trong vài tháng (từ 20.11.11 tới 15.01.12), trong đó có những vụ trầm trọng liên quan tới hỏng máy bơm, khiến lò phải tạm ngưng hoạt động. Ở nhà máy Leningrad 2, ngày 29.12.2010 tòa án đã từng cấm làm việc ở đây vì những thiếu sót liên quan tới chữa lửa và hệ thống nước thải. Theo cơ quan giám sát năng lượng nguyên tử của Nga Rostekhnadzor thì trong năm 2013 đã xẩy ra 39 sự cố phóng xạ ở các lò điện hạt nhân ở Nga, phần lớn do thiếu sót trong quản lý, hỏng hóc thiết bị hay lỗi lầm thiết kế.
Sản phẩm của Rosatom không toàn hảo. Lò hạt nhân VVER 1000 mà Rosatom dạm bán ở Việt Nam, cũng chính là một phiên bản loại lò đã có sự cố nghiêm trọng ở nhà máy Kalinin 4 năm 2011-12. Thế nhưng tại sao nhà nước lại chọn mua? Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Cường Lâm, phó tổng giám đốc EVN, tháng giêng 2014 giải thích về lý do tại sao chọn đối tác Nga và Nhật: "Nga và Nhật là hai quốc gia từng xẩy ra tai nạn nghiêm trọng về nhà máy điện hạt nhân nên họ rút ra nhiều kinh nghiệm về đảm bảo an toàn, do vậy sẽ hỗ trợ cho ta tốt hơn". Nếu áp dụng trong đời sống hàng ngày, thì ông Lâm nên mua một xe hơi đã có nhiều hư hỏng rồi được sửa chữa chứ không nên mua xe quá bền, không hư hỏng bao giờ(!?
Không những Việt Nam mà một số quốc gia tương đối "nghèo" như Thổ nhĩ kỳ, Hungary, Bulgaria, Belarus, Trung Quốc... cũng mua nhà máy của Rosatom. Tại sao? Lãnh đạo những quốc gia này sẽ nêu lên nhiều lý do dựa vào tờ rơi tiếp thị quảng cáo sản phẩm của Rosatom, song cũng có thể - ít ra là ở vài nước- có lý do "khó nói" khác, nằm ở cấu trúc đặc biệt của tổ hợp Rosatom.
Là tổ hợp quốc doanh cực lớn, có tới quãng 250000 nhân viên, có số doanh thu hàng năm lên tới nhiều tỷ USD, song Rosatom hoạt động độc lập, không có bổn phận giải trình chi thu, không nằm dưới sự chi phối hàng ngang của các cơ quan chính phủ khác. Lãnh đạo Rosatom chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp với tổng thống Nga Putin. Cấu trúc chỉ huy hàng dọc (vertical) như vậy tạo điều kiện dễ dàng cho việc chi tiêu những món tiền "ma", không phải giải trình, chủ yếu có thể là để hối lộ lãnh đạo nước đối tác nhằm gom được hợp đồng. Mặt khác, cấu trúc hoạt động "hàng dọc" này có vẻ đã mở cửa cho nạn tham nhũng, tiêu cực , rút ruột công trình ở Rosatom ảnh hưởng tới phẩm chất sản phẩm. Đã có nhiều nhân viên cao cấp của Rosatom vì vậy đã bị bắt, kể cả những người đang ở nước ngoài. Hậu quả cho nước đối tác là giá thành sẽ lên cao và phẩm chất sẽ xuống thấp.
Đừng quên là nhiều thiết bị trong nhà máy không do Nga chế tạo, mà nhập từ các nước phương Tây, cụ thể như là của hãng Rolls Royce (Anh) và Alstom/Areva (Pháp).Trong tình trạng căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện nay, lệnh cấm vận có cho phép Nga nhập những thiết bị này không? Chất lượng thiết bị thay thế của Nga sẽ như thế nào? Ảnh hưởng lệnh cấm vận đối với nhà máy Ninh Thuận cũng là một vấn đề phải đặt ra.
Vấn đề nhân sự điều hành nhà máy: yếu kém không những về số lượng mà cả về chất lượng
Tình hình nhân sự hiện nay như thế nào? Có thể trả lời ngay là con số không. Thực tế này không mới lạ gì, đã được nhiều quan chức chính phủ nhìn nhận. Nhân lực không chỉ là chuyên viên ngồi bấm các nút trong nhà máy mà còn có nhân viên quản lý chất lượng, quản lý môi trường, thanh tra an toàn hạt nhân và nhiều ngành nghề khác liên hệ. Bộ luật về an toàn phóng xạ, là cái khung cho các luật lệ, các thông tư hướng dẫn, cho tới nay vẫn không có. GSTS Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng KH-CN và đào tạo của Viện Năng lượng nguyên Tử Việt Nam phát biểu: “Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang phải chịu trách nhiệm về việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp lý. Thế nhưng cơ quan này lại yếu cả về kiến thức còn kinh nghiệm là con số không. Do vậy làm sao có thể đảm đương...?” (Đất Việt 9.2014).“Phải thừa nhận một thực tế nếu nói về nhân lực cho điện hạt nhân ở Việt Nam giống như một cơ thể ốm yếu, chạm vào đâu cũng thấy đau, mệt mỏi”(Dân Trí 7.2014). Đó là một cách nói ví von châm biếm. Song chúng ta không thể cười được khi biết là cơ thể ốm yếu bất tài đó sẽ phải điều khiển một cỗ máy to lớn phức tạp có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Để khắc phục tình trạng này, tháng 10.2015 vừa qua chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt kế hoạch đào tạo nhân sự, tầm nhìn tới 2020. Theo đó, về quản lý, nghiên cứu-triển khai, hỗ trợ kỹ thuật sẽ đào tạo 900 người ngắn hạn và dài hạn ở trong nước, 200 người bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn ở nước ngoài., 40 người thực tập chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài. Về kỹ thuật hạt nhân sẽ có 1700 người được bồi dưỡng trình độ thấp ngắn hạn ở trong nước, 450 người bồi dưỡng dài hạn trong nước, 370 người trình độ trung cấp bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài, 60 người chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài.
Vấn đề là chương trình này được đưa ra quá muộn, nếu một năm nữa (2017) đã khởi công xây dựng nhà máy. Các chương trình huấn luyện trong nước có hạn chế lớn là các giảng viên hiện có trong nước cũng không có đủ kiến thức về kỹ thuật mới mẻ này. Thày dở thì làm sao trò giỏi được. Các chương trình ngắn hạn ở nước ngoài là vô ích vì hàng rào ngôn ngữ. Học viên chỉ có thể thâu nhận kiến thức nếu họ được học tiếng nước ngoài hàng năm trời trước khi đi vào huấn luyện chuyên ngành. Những ai đã từng học tập và làm việc chuyên môn ở nước ngoài đều thấu hiểu điều đó. Còn lại, có thể có hiệu năng thực tế là quãng 100 người được đi học hay bồi dưỡng lâu dài ở nước ngoài (40 người về quản lý, 60 người về kỹ thuật). Một vấn đề nan giải nữa là đa số sinh viên du học sẽ ở lại nước ngoài, không về nước làm việc. Sẽ có bao nhiêu người về nước để điều hành nhà máy? 10 người, 20 người? Cuối cùng, chỉ nói tới số lượng, có đủ nhân viên làm việc hay không, cũng là một câu hỏi lớn.
Một vấn đề còn lớn hơn nữa là phẩm chất nhân viên. Ngoài chất lượng kiến thức, điều đương nhiên phải có, mà không thể đạt được trong thời gian ngắn, còn phải đề cập tới phẩm chất con người.
Ngay ở Âu châu, tìm được nhân sự thích hợp cho công việc liên quan tới phóng xạ cũng không đơn giản vì môi trường làm việc độc hại, không được ưa thích. Người làm việc với phóng xạ cần tự giác, có ý thức kỷ luật lao động cao, để tránh gây lỗi lầm khi làm việc, giữ an toàn phóng xạ cho chính bản thân và môi trường xung quanh, đồng thời cũng phải có kiến thức chuyên môn cao để xử lý đúng đắn những tình huống bất ngờ. Ở Việt Nam, một nhà máy điện hạt nhân phải có nhân viên chuyên nghiệp, có văn hóa làm việc nghiêm túc với tác phong công nghiệp từ cấp lãnh đạo cấp cao nhất tới nhân viên cấp thấp nhất. Một đội ngũ nhân viên thích hợp bảo đảm được an ninh phóng xạ thì không thể ngày một ngày hai mà có được. Đội ngũ này phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, được huấn luyện bài bản, đã tích lũy kinh nghiệm trong thực tế lâu dài. Lối làm việc tùy tiện, dối trá, ăn xổi ở thì, chỉ cốt có thành tích hão như thường thấy ở phần lớn công trình ở Việt Nam là mầm mống ắt có cho một tai nạn hạt nhân kinh khủng ở Ninh Thuận.
oOo
Giải quyết vấn đề thiếu thốn năng lượng là một bài toán khó cho mọi quốc gia, không cứ gì Việt Nam. Song có phải năng lượng hạt nhân là đáp số đúng đắn cho bài toán này? Nếu kiểm tra lại những điều kiện tối thiểu cần có, thì Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi cần thiết cho việc vận hành một nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Không có vốn để mua nhà máy, tiền lời phải trả sẽ làm tăng áp lực nợ công, nguy cơ phá sản càng thêm gần. Vị trí lập nhà máy khá nguy hiểm vì tiềm tàng nguy cơ động đất. Có tới 40% công trình sẽ do Việt Nam đảm nhiệm, không bảo đảm chất lượng xây dựng. Thiết bị nhà máy do Rosatom cung cấp không đáng tin cậy. Nguy hiểm hơn hết là chúng ta không có nhân sự thích hợp để điều hành nhà máy này. Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, nếu chiến sự xẩy ra, thì chỉ với vài trận oanh tạc bằng hỏa tiễn hay phi cơ, nhà máy này sẽ là tử huyệt của Việt Nam.
Dựa vào những huy hoàng quân sự của quá khứ xa xưa, giới lãnh đạo VN thường tự ví mình như một tư lệnh quân đội, các công nhân viên là bộ đội và các công trình đất nước là những trận đánh. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Câu kinh điển này trong binh pháp vẫn thích hợp trong trường hợp Ninh Thuận. Ví von công trình điện hạt nhân Ninh Thuận như một trận đánh, nếu các "tư lệnh" vẫn nhắm mắt tiến hành chiến dịch, thì do những yếu tố bất lợi đã nêu, công trình này sẽ là một trận đánh thí quân, mà khả năng thua vẫn lớn muôn phần hơn khả năng thắng.
Hãy dừng lại dự án diện hạt nhân Ninh Thuận.
TKT
Tham khảo:
T.K.T.
No comments:
Post a Comment