http://danlambaovn.blogspot.com.au/2013/12/nelson-mandela-ho-chi-minh.html#.UuH3nE24Zjo
Nelson Mandela và Hồ Chí Minh rồi … lại cả Võ Nguyên Giáp nữa
Đôi lời: Có một trùng hợp ngồ ngộ, là sáng nay lúc 2h, trên Tuần Việt Nam có bài báo của Kỳ Duyên (phần 1) nhan đề “Tầm vóc thời đại và sự tái sinh“, bàn luận nhân hai sự ra đi của hai nhân vật Võ Nguyên Giáp và Nelson Mandela, thì lúc 6h, Diễn đàn XHDS nhận được bài viết công phu của Nguyễn Hùng, so sánh Nelson Mandela với Hồ Chí Minh.
Có quá nhiều điều có thể bàn góp vào hai bài báo này, nhưng lại cũng chẳng biết nói gì hơn, khi ở đó là một tác giả như con chim đang vừa bay lượn tự do nơi phương trời xa vừa hót, còn một kia thì đang trong lồng, nhưng vẫn được nhảy nhót, líu lo theo giọng điệu riêng của mình.
Nên … thôi thì cứ nghe “hót”, cố hiểu cả những sắc thanh ai oán, bi thương, khẩn cầu … ẩn giấu phía sau những âm điệu du dương đang bị tù hãm. Phần bàn thêm xin giành độc giả.
Ngoài ra, một chuyện bên lề, là nghe có thông tin gần đây, sau đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phu nhân của cố TBT Lê Duẩn có đề nghị và đã được gặp một số vị lãnh đạo hàng đầu của Nhà nước, Chính phủ, ĐCSVN để trao một bức thư quan trọng. Đại để trong thư “tiết lộ” những đánh giá, thông tin có lẽ được cho là nằm trong di sản của TBT Lê Duẩn, với tinh thần rằng Đại tướng không phải như người ta nghĩ đâu.
Dù sao thì câu chuyện cũng càng cho thấy đất nước này có quá nhiều thứ phải bạch hóa, không phải chỉ loanh quanh như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ít ngày trước, khi nhắc nhở mấy bộ sớm soạn thảo Dự luật tiếp cận thông tin, rồi có thể sẽ có cả trong “thông điệp đầu năm” – 01/01/2014 – dài cỡ chục trang của ông mà nhiều báo đã được chỉ thị trước phải đăng toàn văn. Còn phải bạch hóa rất nhiều bí mật lịch sử bị cố tình che đậy, bóp méo! Ngày càng rõ những che đậy, bóp méo đó đã góp phần quan trọng làm nên một cuộc lừa dối vĩ đại.
Một khi những người CSVN không làm rõ được những bí mật bị che đậy kia, thì nhiều thứ họ ra rả “ngợi ca” chỉ như lời dối trá!
BT
—
Nelson Mandela và Hồ Chí Minh
Nguyễn HùngNgày 05 tháng 12 năm 2013 ông Nelson Mandela qua đời hưởng thọ 95 tuổi. Cách đây 44 năm ông Hồ Chí Minh đã qua đời tại Hà Nội vào ngày 02 tháng 09 năm 1969 hưởng thọ 79 tuổi. Hai người đều là đảng viên đảng cộng sản-lúc đầu bí mật sau công khai, hai người đều có ảnh hưởng đến phong trào giành độc lập giải phóng cho dân tộc mình, một người là từ giữa thế kỷ 20 – ông Hồ Chí Minh, còn ngưòi kia là cuối thế kỷ 20 – ông Nelson Mendela. Tuy đều là người cộng sản, nhưng ai hơn ai trong nhân cách và phương cách đấu tranh giành độc lập và quyền tự do dân chủ cho đất nước mình và làm gì cho đất nước và dân chúng sau khi cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền đạt thành công?
Nelson Mandela:
Nelson Mandela và De Clerk cùng lãnh giải Nobel hòa bình
Ông Mandela xuất thân từ gia đình vọng tộc của bộ lạc Thembu tại Transkei thuộc tỉnh Cape. Ông được một quan nhiếp chính nuôi dưỡng và tốt nghiệp cử nhân hàm thụ với Đại Học Nam Phi. Ông đậu văn bằng cử nhân luật cũng bằng cách học hàm thụ với Đại Học Luân Đôn trong thời gian ông bị cầm tù vì đấu tranh chống kỳ thị. Ông có tất cả 3 lần kết hôn: bà Evelyn (1943-1957), bà Winnie (1958-1992), và bà Graca nguyên là góa phụ của cựu Tổng Thống Mozambique(1998- lúc mất). Ông có tất cả 6 người con với 2 người vợ đầu tiên.Ông là người lãnh đạo Đảng Đại Hội Dân Tộc (ANC) chống lại chế độ cai trị phân biệt chủng tộc tại Nam Phi của người da trắng thiểu số, bằng phương cách ôn hoà trong thời gian đầu và vũ trang sau này. Ông Mandela và đảng ANC cũng đã bí mật tham gia Đảng Cộng Sản Nam Phi từ năm 1955. Ông bị bắt và bị kết án tù chung thân từ năm 1964. Hai mươi bảy năm sau, ngày 11 tháng 2 năm 1990, ông được trả tự do và sau đó trở thành Tồng Thống người da đen đầu tiên của quốc gia Nam Phi không còn nạn phân biệt chủng tộc trong một cuộc bầu cử Tổng Thống bằng cách trực tiếp phổ thông đầu phiếu. Sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Thống, thay vì trả thù người da trắng đã đối xử tàn tệ người dân đen da màu trong nhiều thập niên, đã hành hạ và giam cầm ông hơn một phần tư thế kỷ như rất nhiều người nghĩ, ông đã thực hiện chính sách hoà giải xóa bỏ hận thù, cùng cộng đồng người da trắng xây dựng Nam Phi thành một nước tự do dân chủ thực sự, không còn nạn phân biệt chủng tộc, theo chế độ tư sản với đa đảng tam quyền phân lập. Ông giử chức vụ Tổng Thống chỉ một nhiệm kỳ 4 năm và sau đó từ bỏ chính trường trở về sống cuộc đời còn lại như một người dân Nam Phi bình thường.
Hồ Chí Minh:
Khushchev, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh
Ông Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung, tự là Tất Thành, cha là ông Nguyễn Sinh Sắc làm quan dưới triều Nguyễn. Hồ Chí Minh dùng tên Nguyễn Tất Thành từ lúc còn học tiểu học. Ông được nhận vào học trường trung học Quốc Học Huế năm 1908 nhưng bị đuổi học vì tham gia biểu tình chống sưu thuế và ngưng học văn hóa từ năm 13 tuổi (?). Ông rời Huế vào sống phiêu bạt tại Phan Thiết một thời gian ngắn và sau đó đến sống tại Sài Gòn. Tại Sài gòn ông theo học trường đào tạo công nhân hàng hải được 3 tháng thì xin được việc làm phụ bếp trên một tàu buôn Pháp vào tháng 6 năm 1911, khi đó tuổi đời chỉ được 16. Sang Pháp ông ở lại sinh sống và hoạt động chính trị với đảng cộng sản Pháp. Năm 1919 ông gia nhập Đảng Xã Hội Pháp, tiền thân của Đảng Cộng Sản Pháp. Trong suốt 30 năm sau đó ông đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920 ông là một sáng lập viên của Đảng Cộng Sản Pháp, và trở thành một đảng viên cộng sản quốc tế. Năm 1922 ông sang Liên Xô và được Đảng cộng sản Liên xô đào tạo chính qui về Chủ Nghĩa Mac-Lênin, tuyên truyền và khởi nghĩa vũ trang bạo lực cách mạng. Năm 1924 ông đến Trung Quốc theo phái đoàn cố vấn của Liên Xô làm công tác thông dịch với tên là Lý Thụy. Từ đó đến năm 1941 ông sống tại Trung Quốc, Thái Lan và Liên Xô, đào tạo và kết nạp đảng viên cho Đảng Cộng Sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông chính thức trở lại Việt Nam hoạt động vào năm 1941, sau đó bị bắt giam tại Trung Quốc trong một chuyến đi công tác cho cộng sản quôc tế, bị giam cho đến năm 1944.Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn cho biết Hồ Chí Minh sống độc thân suốt đời, không vợ không con, để dành toàn tâm toàn trí lo cho Tổ quốc, cho dân tộc! Tuy nhiên có nhiều nguồn tin cùng tài liệu tìm thấy trong thời gian gần đây cho biết ông đã từng có một số người vợ. Một trong những bà vợ là Tăng Tuyết Minh. người Tàu, cưới vào tháng 10, năm 1926. Đảng viên cộng sản Nguyễn thị Minh Khai cũng một người vợ khác của Hồ Chí Minh-Nguyễn Ái Quốc ( xem trang số 202, quyển sách của nhà sử học Sophie Quinn Judge: Ho Chi Minh, The Missing Years có đoạn nói: ba đại biểu Việt Nam đi dự hội nghị Cộng Sản Quốc Tế ở Nga vào tháng 3, năm 1935 , trong đó có Nguyễn thi Minh Khai được Hà Huy Tập giới thiệu là “Quoc’s wife”- vợ của Nguyễn Ái Quốc (tên của Hồ Chí Minh lúc ấy), Hồ chí Minh cũng tham dự hôi nghị với tư cách là đại biểu của Đảng Cộng Sản Quốc Tế. Hồ Chí Minh còn có vợ là người Nga, dân tộc thiểu số… và có cả tin tức cựu Tổng Bí Thư Nồng Đức Mạnh là con trai của ông với một người phụ nữ gốc thiểu số tên là Nồng Thị Xuân, người dân tộc Tày.
Trong suốt thời gian đảng cộng sản Việt Nam tham gia và liên kết với các đảng cách mạng khác đấu tranh giành độc lập từ thực dân Pháp, ông Hồ Chí Minh chưa từng bị chính quyền Pháp bắt giam. Sau khi Việt Nam giành được độc lập lần đầu tiên năm 1945 rồi cuộc chiến chống Pháp trở lại chiếm Đông Dương từ 1945 đến 1954, những đảng phái quốc gia trong tổ chức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, gọi tắc là Việt Minh, lần lượt bị đảng cộng sản trực tiếp hay gián tiếp tiêu diệt và đảng cộng sản nằm trọn quyền từ sau 1945. Nhưng ông Hồ Chí Minh tiếp tục lợi dụng danh xưng “Việt Minh” làm bình phong cho đảng cộng sản Việt Nam để thu hút những người quốc gia yêu nước gia nhập rồi sau đó tuyên truyền móc nối tham gia đảng cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1954, sau khi Pháp bị bại trận, chính thức rút lui và trả lại độc lập cho Việt Nam, Việt Nam phải chịu chia cắt làm 2 vùng vì quan điểm chính trị khác nhau giữa cộng sản và phi cộng sản (quốc gia). Từ Vĩ tuyến 17 về phía Bắc do đảng cộng sản Việt Nam cai trị theo chế độ cộng sản và phía Nam Vĩ tuyến 17 theo chế độ phi cộng sản (quốc gia), xây dựng đất nước trong hòa bình dưới hai chế độ chính trị khác nhau với chiều hướng tiến đến thống nhất hai miền trong hòa bình. Nhưng ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản không chịu ngừng chiến tranh để tập trung xây dựng và phát triển đất nước mà tiếp tục phát động cuộc nội chiến tại miền Nam, gây tổn hại trầm trọng cho đất nước, gây thương vong cho hàng triệu người dân Việt Nam, hằng trăm ngàn gia đình bị ly tán chỉ vì ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đã bằng mọi giá quyết tâm đưa cả nước theo chế độ cộng sản với mô hình cộng sản Liên Xô và cộng sản Tàu. Với sự giúp đỡ đầy đủ các loại vủ khí, trang thiết bị chiến tranh và hậu cần từ khối cộng sản quốc tế, quan trọng nhất là từ hai nước cộng sản Liên Xô và Tàu cộng, đảng cộng sản Việt Nam đã thành công, chiếm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ ngày 30/04/1975. Từ ngày đó đến nay cả nước sống dưới chế độ độc đảng toàn trị cộng sản rập theo khuôn mẩu Liên Xô, Trung Quốc và chủ nghĩa Mac-Lênin-Mao.
Nelson Mandela và Hồ Chí Minh khác xa nhau kể về cá tánh, phong cách và phương cách đấu tranh nhằm giành lại độc lập tự do dân chủ thực sự cho đất nước và dân tộc mình.
Về cá tánh và nhân cách:
Nelson Mandela là một người bình thường như mọi người, có vợ không chỉ một lần mà ba lần, có con có cháu nội ngoại. Nói chung ông Nelson Mandela là con người thật với đầy đủ tính người, có yêu có hận có lòng nhân ái với tha nhân, ngay đến kẻ thù đã từng đối xử tệ bạc với dân tộc mình và đã giam cầm đầy ải ông suốt 27 năm trong các nhà tù khắc nghiệt nhất tại Nam Phi.
Đối lại, ông Hồ Chí Minh tự tạo cho mình là con người có vẽ ảo và thần bí, không là con người thật mà là người lạ. Hồ Chí Minh quá hoàn mỹ đến mức độ khó tin. Ông dùng nhiều tên họ khác nhau, không màng chuyện gia đình để không bận bịu chuyện vợ con hầu hoàn toàn dành tâm trí đấu tranh cho đất nước. Vì theo chủ thuyết Mac- Lê và là người cộng sản trung kiên, tình cảm giữa con người với con người của ông là “người cộng sản-vô sản”. Từ lối suy nghĩ đó dẫn đến những việc làm và hành động vô tâm bất nhân của người cộng sản đối với những người cùng chí hướng, bạn bè, người thân, ân nhân không phải thuộc giai cấp vô sản trong suốt thời gian ông và đảng cộng sản của ông hoạt động bí mật, rồi công khai chiến đấu cùng với các đảng phái khác trước 1945 (tổ chức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội – Việt Minh) dành độc lập cho đất nước và với dân chúng tại miền Bắc, những trí thức không theo cộng sản sau năm 1954 sống tại miền Bắc, qua các sự kiện như cải cách ruộng đất, phong trào đấu tố địa chủ và tư sản, trí thức tiểu tư sản, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong giới văn nghệ sĩ cộng sản miền Bắc, và sau đó là những cách thức đối xử và hành động khủng bố giam cầm trả thù rất độc ác vô nhân đối với quân, dân, cán bộ của chính quyền miền Nam từ sau ngày 30/04/1975.
Về đấu tranh giành độc lập tự do nhân quyền cho đất nước và dân tộc:
Ông Nelson Mandela sống suốt cuộc đời tại chính đất nước của ông, không thay tên đổi họ không tự thần thánh hóa mình. Ông được chính quyền độc tài kỳ thị chủng tộc Nam Phi cho phép học tập ngay cả trong khi chịu án tù chung thân và đã đậu bằng cử nhân văn chương và cử nhân luật. Ông bị giam cầm với án chung thân trong hầu hết thời gian ông đứng lên đấu tranh chống chế độ độc tài cai trị phân biệt màu da của thiểu số người da trắng, giải phóng đất nước và dân chúng Nam Phi. Ông bị giam cầm tổng cộng 27 năm cho đến năm 1990.
Trái lại ông Hồ Chí Minh với trình độ học vấn chưa xong bậc trung học, bỏ nước tìm kế sinh nhai tại Pháp, theo đảng cộng sản Pháp rồi được đào tạo tại Liên sô về bạo lực đấu tranh cách mạng vô sản, theo chủ nghĩa Mac-Lênin, phục vụ cộng sản quốc tế dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Nga, rồi được phân công công tác xây dựng và mở rộng đảng cộng sản tại các nước Đông Dương và Đông Nam Á gồm Việt Nam, Miên, Lào, Thái Lan… Ông Hồ Chí Minh chỉ chính thức trực tiếp tham gia cùng các đảng phái quốc gia khác (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội -Việt Minh) trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập từ năm 1941. Ông Hồ Chí Minh sống rất an toàn trong các căn cứ địa tại vùng biện giới Việt Hoa đến năm 1954, được Trung cộng bảo vệ và chưa một lần bị chính quyền Pháp bắt giam tại trong nước (tuy ông có bị tù vài năm tại Hong Kong rồi tại Quảng Châu vì hoạt động cho cộng sản quốc tế và cộng sản Tàu-Mao Trạch Đông chống lại Trung Hoa Dân Quốc-Tưởng Giới Thạch chứ không vì chống Pháp giành lại độc lập chủ quyền cho Việt Nam).
Ông Mandela được chính quyền kỳ thị màu da dưới sư lãnh đạo của Tổng Thống gốc da trắng, ông De Clerk, trả tự do và đảng ANC của ông Mandela được thừa nhận là đảng đối lập hợp pháp tại Nam Phi. Hai nhân vật cựu thù trước đây nay cùng nhau hợp lực biến đổi Nam Phi từ một quốc gia chuyên chế phân biệt chủng tộc thành một đất nước tự do dân chủ, quyền con người đưọc tôn trọng và nạn phân biệt chủng tộc bị tiêu trừ. Thật là một cuộc cách mạng vĩ đại vô tiền khoáng hậu đã xảy ra tại Nam Phi trong hòa bình, không chiến tranh, không có đổ máu, không gây chết chóc cho người dân vô tội, không chiến lợi phẩm, không người thắng kẻ bại, không có trả thù, không hận thù dai dẵng, không tù đầy cải tạo nơi rừng thiên nước độc, không bị áp đặt một chủ nghĩa không tưởng nào ngoại trừ tình thương và lòng vị tha, một nhà nước pháp quyền đưọc dân tực tiếp bầu lên và tất cả người dân Nam Phi không phân biệt chủng tộc màu da không phân biệt chính kiến cùng nhau hoà hợp hòa giãi, cùng nhau xây dựng đất nước, nâng cao mức sống của những người nghèo khổ bất hạnh.
Hai ông Mandela và De Clerk rất xứng đáng được trao giãi Nobel hòa bình và được toàn thế giới ngưỡng mộ. Ông Mandela qua đời được mọi người trên thế giới thương tiết và hầu hết những vị lãnh đạo thế giới đến viếng thăm tiễn đưa ông lần sau cùng, ngoài trừ một vài lãnh đạo mà trong số đó có Việt Nam, Tàu, Bắc Triều Tiên – 3 trong 5 nước cộng sản cuối cùng còn tồn tại trên thế giới!
Ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam do ông dựng ra thì khác. Trong khi ông Mandela hầu như bị tù tội gần suốt thời gian ông công khai đấu tranh chống chính quyền da trắng, ông Hồ Chí Minh không bị Pháp bắt giam một ngày. Trong thời kỳ chống Pháp dành độc lập ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam đã bí mật thủ tiêu hay dùng bàn tay của thực dân Pháp hãm hại những vị lãnh đạo của các đảng phái không cộng sản (quốc gia). Sau khi cướp được chính quyền và cai trị phân nửa đất nước, vì đã được đảng cộng sản Nga Tàu nhồi sọ lòng hận thù giai cấp, chuyên chính vô sản bạo lực cách mạng, Hồ Chí Minh và những học trò đảng viên cộng sản của ông trở lại bắt giết, cầm tù, đầy ải dân lành, tuyên truyền thù hận giai cấp trong lớp nguời trẻ để chuẩn bị cuộc chiến nhuộm đỏ miền Nam, phục vu ý đồ bành trướng chế độ cộng sản trên toàn lãnh thổ Việt Nam để rồi từ Việt Nam làm bàn đạp nhuộm đỏ toàn vùng Đông Nam Á, phục vụ ý đồ nhuộm đỏ toàn thế giới của cộng sản quốc tế do Liên Xô-Trung cộng lãnh đạo.
Ông Nelson Mandela chỉ làm Tổng Thống Nam Phi một nhiệm kỳ 4 năm sau một cuộc bầu cử tự do dân chủ rồi sau đó rút lui khỏi chính trường. Nam Phi không rơi vào hổn loạn, cảnh giết chóc trả thù của người dân da đen bản xứ đối với người da trắng như nhiều người trên thế giới lo sợ sẽ xảy ra tại nước này. Trái lại họ đã chung sống trong hòa bình, hòa hợp hòa giãi và cùng nhau sát cánh phát triển đất nước khắc phục những hậu quả do chế độ phân biệt chủng tộc gây ra và để lại.Ý nguyện của ông sau khi qua đời là được chôn cất tại quê nhà như là một người công dân Nam Phi bình thường. Cả nước Nam Phi chỉ có một vài bức tượng đơn sơ do dân chúng dựng lên để tưởng nhớ ông, không có những bức ảnh hay tượng thạch cao trưng bày khắp nơi tại văn phòng cơ quan chính phủ hay những đền đài lăng tẩm từ trung ương đến địa phương, từ thành phố đến làng mạc xa xôi như ông Hồ Chí Minh ngay cả khi ông còn sống. Ông Nelson Mandela không để lại một “tư tưởng Mandela”, ông để lại một tấm lòng vị tha, tấm lòng nhân ái. Thế giới biết ơn ông, tôn vinh ông, như thế thôi. Rồi tên ông cũng sẽ đi vào lịch sử cùng với những bậc vĩ nhân khác trong lịch sử loài người. Đất nước Nam Phi may mắn có được một nhà lãnh đạo đầy lòng vị tha bác ái. Ông đã cứu sống hàng trăm ngàn, hằng triệu người dân Nam Phi vô tội của hai phe da trắng da màu bằng một cuộc cách mạng ôn hoà. Nếu không phải là ông Mandela lãnh đạo cuộc đấu tranh tại Nam Phi, thế giới đã không như bây giờ và không biết sẽ bị đưa đến đâu? Châu Phi có sống trong hòa bình như hiện nay hay không nếu không có một người như ông Nelson Mandela?
Ông Hồ chí Minh thì ngược lại. Ông bị nhập tâm và mê hoặc bởi đường lối đấu tranh bạo lực coi rẻ mạng sống con người từ đảng cộng sản Nga-Lenin, rồi sau đó đảng cộng sản Tàu-Mao Trạch Đông. Ông Hồ Chí Minh làm lãnh tụ đảng cộng sản Việt Nam và nắm quyền sinh sát dân Việt Nam cho đến khi qua đời năm 1969, và đảng cộng sản độc quyền cai trị đất nước với chế độ chuyên chính hà khắc suốt từ khi họ hoàn toàn cướp được chính quyền từ năm 1954. Ông Hồ Chí Minh đã dùng tất cả thủ đoạn, sẵn sàng hy sinh mạng sống của hằng triệu thanh niên và người dân Việt Nam của cả hai miền Nam Bắc cho mộng bá chủ của chủ nghĩa cộng sản và đưa cả nước Việt Nam theo con đường vô sản, theo chế độ chuyên chính cộng sản rập khuôn chế độ cộng sản Nga Tàu. Tuy Hồ Chí Minh chết từ năm 1969 nhưng tầm ảnh hưởng của ông vẫn tiếp tục qua những người học trò cộng sản do ông đào tạo. Họ cũng chẳng khác gì so với ông, cũng chỉ có chủ nghĩa cộng sản không tưởng, cũng độc đoán không kém ông, cũng xem thường và không màng đến mạng sống người dân vô tội, cũng lòng câm thù và phân biệt đối xử của giai cấp đảng viên đối với thường dân, cũng chỉ một lòng còn đảng còn mình, cũng vì sự an toàn của đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng trao đất nước cho bọn đại Hán Tàu cộng phương Bắc:
(1) Hồ Chí Minh qua người học trò và là đảng viên thuộc hạ trung kiên Phạm Văn Đồng ký bản công hàm dâng hiến biển đảo cho cộng sản Tàu vào năm 1958 mà mọi mọi người dân Việt Nam đều cho đó là “công hàm bán nước”;
(2) im lặng đồng lõa với Tàu cộng khi bọn hải quân Tàu cộng xua chiến hạm đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 01năm 1974 trước sự chống trả anh dũng của quân đội miền Nam;
(3) để cho hải quân Tàu cộng ngang nhiên bắn giết 64 bộ đội công binh trên bải đá ngầm Gạc Ma và công khai chiếm thêm một phần của quần đảo Trường Sa vào năm 1988 mà không chống trả hay phản đối hành dộng xâm lược của Tàu cộng;
(4) cắt đất tại vùng biên giới Việt Hoa giao cho Tàu sau cuốc chiến biên giới năm 1979; trao nhiều vùng đất trên khắp cả nước cho Tàu cộng dưới bình phong khai thác trồng rừng trong thời gian từ 50 năm đến 100 năm;
(5) giao cho Tàu khai thác tài nguyên khoáng sản như dự án Bauxit trên vùng Tây Nguyên, khai thác tài nguyên dưới đáy biển của vùng vịnh Bắc Bộ, bỏ mặc ngư dân bị bọn hải quân Tàu đội lớp hải tặc ngang nhiên tấn công bắn phá tàu thuyền, bắt ngư dân Việt Nam và tàu thuyền đòi tiền chuộc mạng ngay trên Biển Đông, vùng biển của ông cha từ bao đời.v.v.
Hồ Chí Minh không chịu ngừng chiến tranh để hai miền xây dựng và sống chung trong hòa bình. Ông đã chỉ thị và lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục phát động một cuộc chiến tranh tại miền Nam, gây ra vô vàn tổn thất về của cải vật chất, gây chết chốc và thương vong cho nhiều triệu người dân Việt Nam vô tội trên khắp hai miền đất nước. Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam đã tinh ranh lừa bịp người dân miền Bắc và thiểu số người dân miền Nam tại những vùng nông thôn để họ chấp nhận hy sinh cho cuộc chiến đẩm máu do đảng cộng sản Việt Nam tiến hành mà họ gọi với một tên rất hoa mỹ là “giãi phóng miền Nam” qua sự cổ vỏ, dựt dây và tài trợ của hai nước cộng sản đàn anh Nga Tàu, một cuộc chiến mà người lãnh đạo thừa kế Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, đã thú nhận rằng “ta đánh (miền Nam) đây là đánh cho Nga cho Tàu”. Ngay cả một số quốc gia trên thế giới cũng bị Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam lừa và bị rơi vào bẩy vì đã ngây thơ ủng hộ hành động gây chiến giết hại chính dân chúng mình của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi chính quyền quốc gia miền Nam Việt Nam bị bỏ rơi, ngày 30/04/1975 miền Nam Việt Nam hoàn toàn lọt vào tay cộng sản.
Người dân miền Nam những tưởng rằng họ sẽ được sống trong hoà bình tự do và rằng sống dưới chính quyền nào cũng không khác gì nhau vì những quyền căn bản của con người đều được luật pháp bảo vệ và chíng quyền tôn trọng, không có người thắng trận kẻ bại trận, toàn dân xóa bỏ hận thù, cùng nhau hòa hợp hòa giải và xây dựng lại đất nước bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt kéo dài hơn 20 năm. Đa số người dân miền Nam, nhiều trí thức chuyên viên miền Nam đã quyết định ở lại quê hương với sự suy nghĩ đơn thuần rằng họ sẽ có dịp đóng góp xây dựng đất nước sau khi hòa bình được tái lập. Nhưng tất cả đều bị Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam của ông lừa gạt. Thế giới tự do, thế giới nhân đạo, thế giới tình người, thế giới tình thương, thế giới nhân bản cũng bị Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam lừa một vố vĩ đại. Thay thế cho những lời nói bánh vẽ “hòa hợp hòa giãi dân tộc”, đảng cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những học trò cộng sản trung kiên của ông Hồ Chí Minh đã tiến hành chính sách trả thù rất tàn bạo, vô nhân đạo đối với các tầng lớp quân cán chính của chính quyền miền Nam. Không những người đang sống mà ngay cả những mộ của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị tử trận trong cuộc chiến tại các nghĩa trang quân đội trên khắp miền Nam cũng bị cầy xới phá bỏ, hằng ngàn mồ mã tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà bị“di tù”.
Hành động trả thù ngưòi sống và cả mồ chôn thân xác người chết, tiêu hủy kho tàng văn hóa nhân văn tại miền Nam Việt Nam của những học trò cộng sản của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam, tương tự như những hành động tàn ác của vua Tần Thủy Hoàng của Tàu, không chỉ kéo dài trong một vài năm sau khi cộng sản chiếm toàn bộ miền Nam ngày 30/04/1975 mà vẫn còn tiếp tục xảy ra cho đến hôm nay, suốt 38 năm dài. Hành động trả thù và kỳ thị, không phải kỳ thị chủng tộc như tại xứ Nam Phi của ông Mandela mà là kỳ thị người miền Nam cùng tổ tiên cùng máu đỏ da vàng, con cháu của những quân nhân cán chính, người tư sản, trí thức miền Nam mà cộng sản gọi là “bọn trí thức tiểu tư sản”. Điều vô cùng nguy hiểm cho tương lai sống còn của Việt Nam là Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt đã và đang tiếp tục đầu độc tư tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam với tư tưỏng Mac-Lenin-Mao rồi “tư tưởng Hồ Chí Minh”, biến họ thành công cụ của đảng cộng sản, mù quáng tôn thờ bọn đại Hán Tàu xâm lược, chỉ biết còn đảng còn mình.
Thế hệ trẻ tiến bộ yêu nước trên khắp ba miền của đất nước hiện nay bị khủng bố, bị bỏ tù, bị vi phạm trầm trọng các quyền căn bản con người bởi chính con cháu của những đảng viên cộng sản kỳ cựu. Nhiều người cứ tưởng thế hệ con cháu của đảng viên đảng cộng sản sẽ có cách suy nghĩ phóng khoáng văn minh tiến bộ hơn cha ông của họ vốn xuất thân thiếu học, và chính họ đã không từng bị thiệt thòi hay bị giam cầm như ông cha của họ. Người dân Việt Nam nghĩ rằng họ sẽ tôn trọng quyền tự do dân chủ, sẽ đứng ra giúp cổ vũ và bảo vệ nhân quyền, chuyển đổi từ một chế độ độc đảng chuyên chính thành cơ chế đa đảng với tam quyền phân lập. Nhưng sự thực hoàn toàn trái ngược. Lớp cộng sản trẻ con cháu của những cán bộ cộng sản kỳ cựu trái lại còn ác độc và vô nhân đạo không thua cha ông của họ. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc tàn ác, bất nhân nào miễn là quyền lợi của họ được bảo vệ, được sống trong nhung lụa ăn chơi phe phởn trên nổi cơ cực của đai đa số người dân Việt Nam. Hồ Chí Minh đã tạo nên những thế hệ đảng viên cộng sản con cháu không còn lòng nhân, không còn tình dân tộc mà chỉ có lòng thù hận, lòng ích kỷ. Họ cũng như ông Hồ Chí Minh và lớp học trò đảng viên cộng sản đầu tiên của ông, chỉ có một lòng “còn đảng còn mình”.
Nam Phi may mắn có được một Nelson Mandela với lòng nhân đạo, bác ái, vị tha. Ông Mandela đã mang đến cho người dân Nam Phi tự do, dân chủ bình đẳng, hòa hợp hòa giải mà không phải đổ máu và đất nước không bị tàn phá vì chiến tranh.
Việt Nam bất hạnh có một Hồ Chí Minh cộng sản với tư tưởng đấu tranh bạo lực, một tâm địa độc đoán, quyết tâm tiêu diệt đối lập và những ai bất đồng chính kiến với đảng cộng sản. Khi nào người cộng sản Việt Nam chịu từ bỏ chuyên chính độc tài đảng trị thì khi đó Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng lạc hậu nghèo đói và đất nước mới thoát khỏi nguy cơ bị bọn bành trướng đại Hán phương Bắc đồng hóa.
Đất nước và dân tộc bất hạnh Việt Nam ngày đêm mong mỏi sớm có được những người lãnh đạo Việt Nam như ông Nelson Mandela của Nam Phi.
Toàn dân Việt Nam, nhất là tuổi trẻ Việt Nam, hiện nay không còn sợ hãi, không chịu thúc thủ mà đang hành động với đầy nhiệt tình và rất dũng cảm. Đúng, tuổi trẻ cả nước đang hành động. Họ đang từng khắc, từng giờ, từng ngày phát triển và hiên ngang anh dũng đứng lên gánh vác trọng trách mà toàn dân Việt Nam mong đợi từ nhiều năm qua: công khai đấu tranh trong ôn hòa trực diện với đảng cộng sản Việt Nam và bọn tay sai đội lớp côn đồ đòi lại tự do dân chủ nhân quyền thực sự cho tổ quốc Việt Nam và bị Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam trắng trợn cướp đoạt. Những thanh niên yêu nước đã và đang bị tù đày với các bản án khắc nghiệt, vô nhân đạo sẽ là những “Mandela” của Việt Nam. Trong một thời gian không xa Việt Nam chắc chắn sẽ được giải phóng khỏi chế độ thực dân cộng sản độc tài toàn trị do Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam áp đặt.
Ngày 28 tháng 12 năm 2013
Nguyễn Hùng
Tài liệu tham khảo:
1-Thân thế và sự nghiệp Nelson Mandela
2-Nelson Mandela: Wikipedia; blogmrdo
3-Hồ Chí Minh
4-Ông Hồ Chí Minh có mấy vợ? theo Sử gia Trần Gia Phụng
5-Tiểu sử bà Tăng Tuyết Minh
6-Ho Chi Minh The Missing Years
7-Vụ án Phố Ôn Như Hầu
8-Những sự thật không thể chối bỏ (phần 8) – Ai đã bán đứng cụ Phan Bội Châu?
9- Hồ Chí Minh và vụ bán Phan Bội Châu cho mật thám Pháp
10-Trung cộng thảm sát bộ đội công binh Việt Nam tại bải đá ngầm Gạc Ma, Trường Sa năm 1988
11.Hai tướng về hưu tố cáo nhà nước của đảng cộng sản VN cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn
12-Việt-Trung thỏa thuận khai thác dầu khí trên vịnh Bắc Bộ
13- Trung Cộng ép Việt Nam cho đào dầu trên vịnh Bắc bộ
14-Thạc sỹ (?) Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ đoàn tncs tp HCM cướp Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền tại Sài Gòn
15-Hai lá thư gởi cán bộ thành đoàn Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
16-Phiên toà phúc thẩm xử nhà bất đồng chính kiến Ngô Hào
17-Những nấm mộ “đi tù”
————
TuanVietnamTầm vóc thời đại và sự tái sinh
Kỳ DuyênHai huyền thoại của hai quốc gia cách nhau ngàn trùng cây số đều đã khuất bóng…. Nhưng, một bên là sự đau xót vì sự mất mát những giá trị Người khó tìm thấy trong hiện tại. Một bên là niềm tin những giá trị Người đó sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Năm 2013 sắp kết thúc. Đây là một năm đầy ấn tượng. Năm thế giới nói chung, người Việt nói riêng lần lượt chứng kiến sự ra đi của những con người vĩ đại, những nhân vật lịch sử mà thế giới phải dùng tới “thước đo” thời đại để đo lường.
Đó là sự may mắn lớn cho con người. Khi được chứng kiến tầm vóc họ trong những năm tháng giông bão của các cuộc chiến khốc liệt và quật cường bảo vệ độc lập tự do chủ quyền dân tộc trước ngoại xâm, bảo vệ quyền tự do của con người, góp sức đưa quốc gia vĩnh viễn trường tồn và phát triển. Họ là hai số phận, mà sinh mệnh của họ gắn liền với hai quốc gia- và những thăng trầm của mỗi quốc gia phản chiếu sự chọn lựa “lối đi” của quốc gia đó.
I- Người đầu tiên của năm 2013 là một người Việt tầm thước nhưng số phận và cuộc đời của ông thật vĩ đại. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông khiến cho năm 2013 trở thành một năm thương nhớ, một năm nước mắt của người Việt tràn đầy vì đau đớn tiễn biệt ông trở về cát bụi, trong một ngày thu vàng sắc nắng 4/10. Như nhà thơ Anh Ngọc đã phải thốt lên, với hai câu thơ đẹp như bức tượng điêu khắc: Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu.
Cuộc đời ông- là hiện thân sinh động tuyệt vời bản lĩnh, và cả chất lãng mạn đầy khí phách nam nhi trong câu ca dao ngàn xưa của cha ông: Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên. Là hiện thân của sự dấn thân vì đất nước- không chỉ là thầy giáo dạy Sử, ông còn chính là một trong những nhân vật đã viết nên lịch sử đất nước.
37 tuổi trở thành Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân VN, cho đến khi giã biệt cuộc đời với cương vị Đại tướng. Giữa chặng đường đời của hai cương vị là những chiến dịch gian khổ tột cùng, và cũng lừng lẫy tột cùng chống lại những đế quốc xâm lược đều mạnh và tối tân hơn hẳn về quân trang vũ khí, nhưng lại thua về chiến lược và tài thao lược cầm quân.
Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 với giây phút quyết định khó khăn nhất trong đời làm tướng nhưng đầy sáng suốt, thông minh, nhạy cảm- kéo pháo ra- để cuối cùng, là một trận thắng hào hùng tuyệt đối, đưa tên tuổi ông lên tầm những vị tướng của mọi thời đại.
Thì Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mệnh lệnh nổi tiếng của ông lại là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóngmiền Nam; quyết chiến và toàn thắng” (VnExpress.net, ngày 04/10).
Cuộc đời ông từ lúc mặc áo lính chiến chinh trận mạc, cho tới khi đất nước hòa bình, là hiện thân của cuộc đời sống theo lý tưởng, là người cuối cùng của một thế hệ toàn tâm toàn ý vì độc lập tự do chủ quyền dân tộc, hoàn toàn vì lợi ích nhân dân.
Có biết bao lời ca ngợi của các học giả, các chính khách trên thế giới, các cơ quan truyền thông quốc tế về tài năng thao lược quân sự, và phẩm cách bình dị của ông. Một Ducan Townson (cuốn Những vị tướng lừng danh): Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov…, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh (Wikipedia tiếng Việt).
Một Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học người Mỹ, tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh VN: Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối (VnExpress.net, ngày 04/10).
Một Gs Fredrik Logevall (ĐH Cornell University- Hoa Kỳ) nhận định, tuy là một vị tướng hầu như chỉ tự học hỏi, nhưng không ai có thể phủ nhận được thành tựu cuối cùng là ông đã chiến thắng thực dân Pháp và rồi chống lại sức mạnh quân sự khủng khiếp của Mỹ. Một Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain: Ông là một chiến lược gia quân sự tài ba từng nói với tôi rằng chúng ta là những kẻ thù danh dự.(TTXVN, ngày 21/10)
Nhưng trên hết, nhân dân mới là bậc “tri âm, tri kỷ” nhất của ông. Thấu hiểu một cách máu thịt những phẩm cách- giá trị lớn lao, đẹp đẽ và trong sáng ở ông, từ chiến tranh máu lửa tàn khốc, cho đến giữa một thời cuộc có quá nhiều ấm lạnh, nắng mưa, có quá nhiều biến động.
Nước mắt của tri âm, tri kỷ vì thế, tràn đầy, đau đớn sâu sắc, và hẫng hụt niềm tin. Khóc cho người ra đi, và khóc cho chính mình- người ở lại.
Không khóc sao được khi mà giặc ngoại xâm trong quá khứ đã bị đẩy lùi, nhưng “giặc nội xâm”- tham nhũng, các nhóm lợi ích, sự làm ăn bết bát của kinh tế, sự băng hoại đạo lý- văn hóa sống của xã hội ở tất cả các lĩnh vực, và cả tư duy xơ cứng, lạc hậu, trì trệ, ích kỷ cá nhân vẫn đang… “bao vây” nước Việt. Những vụ đại án tham nhũng rồi đây sẽ lần lượt “ra mắt”, nhưng còn biết bao vụ tham nhũng khác vẫn dương dương tự đắc trong bóng đêm.
Trong khi nhân dân, chỉ có tấm lòng.
Thời cuộc khác nhau, trận chiến khác nhau, giặc giã khác nhau, nhưng vũ khí của nhân dân không thay đổi. Vì thế, nước mắt người dân Việt những ngày ông trở về với cát bụi, mặn đắng sự cô đơn. Dù sự khuất bóng của ông từng làm nên một hiện tượng đặc biệt- có thể hội tụ, có thể “hiệu triệu” được hàng triệu triệu người đang sống, hướng về ông. Nỗi đau đã làm cho người Việt xích gần nhau.
Nỗi đau trước sinh mệnh đất nước- phát triển hay tụt hậu- vì thế cũng tràn đầy.
Và vì thế, ông vẫn hiện diện trong lòng dân, như một sự tái sinh trên dương thế. Khi Ts Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp gửi lời chia sẻ đến các doanh nghiệp tại một hội thảo về kinh tế: Hãy đánh giá tình hình, nếu cần phải có quyết định điều chỉnh lại chiến lược và khi có cơ hội thì hãy thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Doanh nghiệp hãy học tập Đại tướng (Cafef, ngày 20/12).
Khi nhà thơ Việt Phương, một sáng cuối thu trở lại căn nhà 30 Hoàng Diệu, như trở lại với một tình yêu xưa cũ, thủy chung và bất biến. Nỗi nhớ thấm thía đã khiến ông thốt lên:
Anh là Văn, khi Võ rất Văn, khi Văn toàn Văn, mà Văn vẫn Võ…
… Rêu phong chân tướng giọt sương mặt lá, nắng toả trên đầu, trời sâu và cao, gió xào xạc gió, thảo cỏ tươi xanh, vẫn tất cả anh, vẫn thấm thía anh, vẫn Văn toàn vẹn.
Người viết bài từng nhắc lại một câu nói của người xưa: Ai thực sự vì dân, tất có cả thiên hạ. Ông đã có cả thiên hạ!
Còn giờ đây, ai thực sự vì dân để tất có cả thiên hạ?
* * *
II- Đúng hai tháng một ngày, sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật lịch sử khác, mang tầm vóc thời đại cũng ra đi, khiến cả thế giới chấn động và thương tiếc. Ông là Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi- Nelson Mandela.
Số phận chọn ông để thử thách, mang đến cho ông những gian khổ tột cùng của một người yêu tự do, trên hành trình hoạt động chính trị, đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Apartheid) tàn bạo. Số phận khắc nghiệt- 27 năm cầm tù- giống như một “phép thử” nghiệt ngã chỉ càng tôn lên ở ông khí phách can trường, bền bỉ, cùng bản lĩnh một con người sống có lý tưởng, luôn dấn thân cho lý tưởng. Số phận đó, cuối cùng phải đặt trên vầng trán ông tới… hai vòng nguyệt quế: Giải Nobel Hòa bình năm 1993, và “vòng nguyệt quế” của nhân loại sau khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi- một trong những nguyên thủ đáng kính trọng nhất thế giới.
Hiếm có một tổng thống da màu nào khi nằm xuống, được các nguyên thủ quốc gia, các chính khách da trắng sùng kính, ca ngợi hết lời. Như Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Israel, Thủ tướng New Zealand John Key, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt, Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton …
27 năm phải sống trong tù tội, vẫn tiếp tục đấu tranh là “cửa ải” khủng khiếp thử thách ý chí và khí phách một con người. Nhưng trên cái ghế quyền lực Tổng thống đầy hào quang lại là một “thử thách” bằng… vàng khác, cho thấy nhân cách cao cả, lòng trắc ẩn một con người vĩ đại, vượt lên tâm lý thường tình, để hòa giải dân tộc- vốn bị chia rẽ bởi thù hận và định kiến hàng thế kỷ, vì sự trường tồn và phát triển quốc gia.
Có bao nhiêu chính khách, bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới, có thể vượt qua được những thử thách “êm ái”, ở thế thượng phong như vậy? Đó mới thật là nhân cách đáng ngưỡng mộ, tôn thờ, tôn vinh.
Nhân loại chứng kiến nhân cách vĩ đại đó, bằng hành động, bằng thái độ tích cực của ông, từ những quan hệ cá nhân cho tới những quan hệ mang tầm quốc gia, tạo dựng nên hình ảnh mới một Nam Phi “đất nước cầu vồng”, nơi tất cả mầu da đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Một Nam Phi đói nghèo mạnh mẽ vươn lên thành một quốc gia giàu có nhất ở lục địa Đen, có mặt trong nhóm các quốc gia “quyền lực mới” BRICS, một xã hội tự do và hiện đại.
Hiếm có một tổng thống nào, không những không loại trừ đối thủ, mà còn sử dụng luôn vị cựu tổng thống của chế độ cũ- như ông F.W.de Klerk trở thành phó tổng thống của mình, tạo nên một biểu tượng vô tiền khoáng hậu về hòa giải trong lịch sử loài người (Tuần Việt Nam, ngày 09/12). Đó không chỉ là lòng bao dung, đó còn là tầm nhìn xa, biết biến thù thành bạn, biến hận thù thành hàn gắn, biến bất ổn thành bình an.
Cũng hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, cùng với các cộng sự thực hiện một chính sách tái thiết kinh tế, thông qua hệ thống pháp lý, chính sách mở cửa phóng khoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước an tâm với mục đích kinh doanh “hai bên cùng có lợi” của họ.
Tư duy khoáng đạt, tầm nhìn xa, biết xử lý mối quan hệ hữu cơ giữa chính trị- kinh tế, vì lợi ích dân tộc- ở ông, đã giống như một “phép lạ thần kỳ”. Nam Phi, đất nước của thù hận sắc tộc, của nghèo đói bất an, bất ổn, bao gồm 11 “lãnh địa” riêng với 03 nhóm phân biệt chủng tộc đã trở thành một quốc gia đáng nể, có nền kinh tế thống nhất, có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Xin hãy đọc “trích ngang lý lịch kinh tế” của Nam Phi, để thấy tầm vóc lãnh tụ người Tổng thống da màu tôn kính, đã cùng với cộng sự viết nên trang sử đất nước thời hiện đại.
GDP của nước này tăng trưởng đáng kể dưới thời Mandela, từ mức dưới 1,5% (từ 1980-1994) lên hơn 3% (giai đoạn 1995 đến 2003). Thu nhập bình quân của người Nam Phi da trắng tăng 62% (1993-2008) và người da đen tăng nhanh hơn, ở mức 93% trong cùng giai đoạn. Đến nay, Nam Phi trở thành một trong 50 quốc gia giàu nhất thế giới.
… Nam Phi trở thành điểm đầu tư tiềm năng, khổng lồ và vô cùng hấp dẫn, cơ sở hạ tầng kinh tế đạt chuẩn quốc tế và nền kinh tế mới nổi phát triển mạnh mẽ nhất châu Phi. Đặc biệt, Nam Phi đứng ở vị trí 52/ 144 quốc gia trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2012, đồng thời leo lên vị trí thứ 03 trong khối BRICS.
200 đến 300 triệu dân dân Nam Phi thuộc tầng lớp trung lưu – đây được xem là một câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ tiếp theo sau Trung Quốc và Ấn Độ. (VietNamNet, ngày 09/12).
Hai huyền thoại của hai quốc gia cách nhau ngàn trùng cây số đều đã khuất bóng.
Nhưng hiệu ứng về lòng thương tiếc, đau xót thật đáng ngạc nhiên. Nếu như người dân Việt đau đớn với nước mắt tràn đầy, thì người dân Nam Phi lại tưng bừng nhảy múa. Sự khác biệt lạ lùng đó có thể là khác biệt về phong tục, tập quán, nhưng nó có thể còn là sự khác biệt của hai thái cực tâm lý xã hội: Một bên là đau xót vì sự mất mát những giá trị Người. Một bên là niềm tin những giá trị Người đó sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Một bên là sự khó khăn của nền kinh tế đang tìm kiếm những giải pháp cốt lõi, mà ở đó, vật cản là sự trì trệ tư duy kinh tế, tính cộng đồng của người Việt hạn chế, và các nhóm lợi ích bị “động chạm”. Mới đây (ngày 26/12), trong trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên của Viện Rajawali về châu Á thuộc trường Harvard Kennedy, đã nhận định Tư duy này đến nay vẫn chưa thay đổi được, đúng hơn là chưa muốn thay đổi
Còn một bên là nền kinh tế vững vàng, giàu có, thăng tiến.
Liệu điều đó có phản chiếu hệ lụy và hệ quả hai sắc thái tư duy kinh tế, cùng các chính sách “cần câu” khác biệt?
Dù cách xa ngàn trùng cây số, “sự phát triển kinh tế thần kỳ” của Nam Phi, dưới thời N. Madenla cho thấy ý thức hệ tư tưởng cao nhất- nền tảng chi phối các chính sách phát triển- chỉ có lợi ích dân tộc là lớn nhất!
Và ông đã nắm bắt được những cơ hội lịch sử, không để vuột qua?
Sự tiếp tục những gía trị Người của N. Madenla trong tương lai, mới là sự tái sinh vĩnh hằng của đất nước Nam Phi kỳ lạ.
Hai con người vĩ đại: Võ Nguyên Giáp và N. Mandela, nếu gặp lại nhau dưới suối vàng, họ sẽ thế nào nhỉ? Một người sẽ … im lặng, sự im lặng nói rất nhiều điều. Và người kia, một nụ cười nhân hậu thường trực trên môi.
Một sự im lặng và một nụ cười…
(còn nữa)
No comments:
Post a Comment