http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/gstran-dai-phuc-bao-dong-do-nhan-luc-dien-hat-nhan-vn-2355555/
GS.Trần Đại Phúc: Báo động đỏ nhân lực Điện hạt nhân VN
(Quan điểm) - "Nên nhớ rằng bất kì một sự thiếu hiểu biết nào cũng có thể dẫn đến một sự xử lý sai trong quá trình vận hành nhà máy ĐHN. Trong khi mọi công nghệ điện hạt nhân đều có tỷ lệ rủi ro. Do vậy khâu đào tạo con người đang là báo động đỏ khi làm điện hạt nhân ở Việt Nam. Trong khi những tiêu chí và những văn hóa cần thiết Việt Nam với tình thế hiện nay khó có thể đáp ứng được".
Giáo sư Trần Đại Phúc, người đã có thâm niên hơn 40 làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân tại nhiều quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Bỉ…, một thành viên trong Tổ tư vấn Việt - Pháp của Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận và đang dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo nhân lực hạt nhân cho Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt những lo lắng này.
Giáo sư Trần Đại Phúc, người đã có thâm niên hơn 40 làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân tại nhiều quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Bỉ…, một thành viên trong Tổ tư vấn Việt - Pháp của Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận và đang dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo nhân lực hạt nhân cho Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt những lo lắng này.
Quyết định không dễ dàng với Nhật Bản
PV: - Thưa ông, vào sáng 16/9 Nhật Bản đã chính thức đưa ra thông tin dừng lò phản ứng điện hạt nhân cuối cùng tại Ohi và không đưa ra khung thời gian có thể tái khởi động, dù điện hạt nhân chiếm 30% nguồn cung năng lượng của đất nước này. Theo ông, đây có phải là quyết định dễ dàng với Nhật Bản? Và tại sao lãnh đạo nước này phải đưa ra quyết định như vậy?
Giáo sư Trần Đại Phúc: - Nhà máy ĐHN OHI (miền Tây Nhật Bản) gồm có 4 tổ máy, thiết kế bởi Westinghouse và MHI (Mitsubishi Heavy Industry) là loại lò phản ứng hạt nhân (LPUHN) với nước làm mát dưới áp (PWR).
Sau thảm họa Fukushima, những LPUHN này đã ngừng hoạt động và vào tháng 6/2012 nhà máy vận hành Kepco đã được phép khởi động lại bởi các cơ quan địa phương và cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda.
Vào ngày 15/09/2013, Kepco (Kensai Electric Power) ngưng hoạt động động LPUHN số 4, để bảo dưỡng theo kế hoạch dự trù và không đưa ra khung thời gian có thể tái khởi động. Sau khi ngưng LPUHN số 4 này, kể từ ngày 16/09/2013 Nhật Bản hoàn toàn không có nguồn năng lượng ĐHN nữa.
Theo tôi, đây là một quyết định không dễ dàng đối với Nhật Bản. Hiện tại chúng ta chưa có thông tin về phía Kepco đối với tình trạng của LPUHN này sau hơn một năm được phép hoạt động trở lại.
Hiện tại tất cả các LPUHN ở Nhật Bản đang được nâng cấp để đáp ứng với những tiêu chí an toàn mới liên quan đến những sự cố gây ra bởi những thiên tai và hành động khủng bố.
Nhiều hệ số an toàn đang được thẩm định bởi cơ quan pháp quy độc lập. Dù rằng cơ quan này có thể gia tăng thời gian ấn hành để nâng cấp hoặc sửa chữa. Cơ quan này không có thẩm quyền cấp phép khởi động lại các LPUHN, mà chỉ đưa ra những kết quả đánh giá về mặt an toàn.
Chính phủ hiện tại của Thủ tướng Shinzo Abe thì có xu hướng cho khởi động lại những LPUHN nhưng với điều kiện phải đáp ứng các tiêu chí an toàn mới được đặt ra sau thảm họa Fukushima.
Nếu tính toán lại nhu cầu điện năng thực tế, có thể Việt Nam sẽ không cần cầu viện tới ĐHN |
PV: - Trong vài năm gần đây, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức cũng đang thể hiện xu hướng từ bỏ năng lượng hạt nhân. Quyết định của Nhật Bản sẽ góp phần thúc đẩy xu hướng này như thế nào? Ông đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển của các loại năng lượng sạch, thân thiện với môi trường trong cơn thoái trào của điện hạt nhân này?
Giáo sư Trần Đại Phúc : - Sau thảm họa Fukushima, một vài nước Âu-Châu như Đức, Bỉ, Thụy Sĩ đã dự trù bỏ ĐHN sau thập niên 2025. Hiện tại quyết định của nhật Bản chưa rõ ràng sẽ không góp phần thúc đẩy xu hướng này.
Dù rằng thân thiện với môi trường, những loại năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời…chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đối với các nước đã thực hiện và sử dụng những công nghệ này đã thấy rằng về mặt kỹ thuật, hiệu quả, bảo dưỡng và lệ thuộc vào những điều kiện thiên nhiên và nhất là hiệu suất rất thấp. Lại đòi hỏi một diện tích xây dựng rất lớn (đối với năng lượng mặt trời).
Do vậy các nguồn năng lượng này chỉ được coi là những nguồn năng lượng hỗ trợ và thích hợp cho những vùng với mật độ dân cư thấp, không có các cơ sở công nghiệp nặng. Năng lượng này luôn luôn cần có một năng lượng phụ trợ.
Đào tạo mang tính chất 'chia phần'
PV: – Thực tế, nhiều nước cũng đang giải bài toán thiếu năng lượng bằng cách đầu tư phát triển năng lượng sạch. Tại Việt Nam, bất chấp nhiều cảnh báo, điện hạt nhân vẫn được coi như là lời giải cho việc thiếu năng lượng trong 20 năm tới. Đến thời điểm này, theo ông đánh giá, Việt Nam đã làm được những gì và còn thiếu những gì để có thể phát triển điện hạt nhân một cách an toàn? Nhìn vào xu hướng thế giới như vậy, Việt Nam nên có những điều chỉnh như thế nào về phát triển điện hạt nhân để không tụt hậu, trở thành nước ôm “mối nguy” của thế giới?
Giáo sư Trần Đại Phúc: - Từ đây đến thập niên 2050, chưa có năng lượng nào có thể thay thế năng lượng hạt nhân. Năng lượng tái tạo hoặc năng lượng gió mặt trời… vẫn còn nhiều khuyết điểm so với một vài ưu điểm mà nó đem lại.
Tôi có thể nêu một vài khuyết điểm của chúng như : Năng lượng gió không ổn định, phụ thuộc thời tiết, ồn ào, công suất thấp; có thể xảy ra sự cố gẫy cánh quạt (35-45 vòng/phút)…
Còn với năng lượng mặt trời cũng lệ thuộc về khí tượng; công suất thấp, chiếm diện tích lớn; tuổi thọ các bảng hấp thụ ánh sáng mặt trời dưới 25 năm; giá thành xây dựng cao; cần hệ thống tích trữ năng lượng với chi phí cao…
Với những lý do trên, đối với địa lý và khí hậu của Việt Nam, những công nghệ này sẽ không mang lại một nguồn năng lượng ổn định để cung cấp cho các vùng nhiều cơ sở công nghiệp nặng.
Hiện tại chương trình ĐHN đã hợp tác với các đối tác như Liên bang Nga và Nhật Bản (đang còn trong giai đoạn lựa chọn công nghệ).
Mọi công nghệ đều có tỷ lệ rủi ro. Nguồn năng lượng hạt nhân mà Chính phủ hiện đang triển khai sẽ đem lại nguồn năng lượng tương lai (vào thập niên 2020) một nguồn năng lượng ổn định.
Để đảm bảo nguồn năng lượng này một cách an toàn, theo tôi Việt Nam phải có một chương trình đào tạo nhân lực một cách bài bản và với một thời gian dài liên tục 3,4 hoặc 5 năm chứ không như hiện tại chỉ gửi các cán bộ đi học tập ở nước ngoài trong 2, 3 tuần hoặc 2, 3 tháng.
Một chuyên viên vận hành lò phản ứng hạt nhân ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… được đào tạo liên tục trong môi trường chuyên ngành 5 hoặc 6 năm, chưa kể các kỹ sư an toàn phải ít nhất 6 đến 10 năm.
Nguồn nhân lực cho ĐHN của nước ta hiện nay đang trong tình trạng báo động đỏ, ít về số lượng và kém về chất lượng. Điều đó yêu cầu chúng ta là phải tích cực và chủ động trong công tác đào tạo với một tư duy nghiêm túc nhất. Có thể thấy cách thức tổ chức đào tạo đại học về ĐHN hiện nay cần được xem xét lại một cách cơ bản, vì nó mang tính chất “chia phần“.
Hiện nay Việt Nam có 5 trường đại học và 1 trung tâm được tham gia đào tạo chuyên ngành ĐHN, nhưng số lượng cán bộ giảng dạy của cả 5 trường này hết sức khiêm tốn và hầu hết không thuộc chuyên ngành công nghệ ĐHN. Bên cạnh sự yếu kém về chuyên môn là sự yếu kém về cơ sở vật chất thí nghiệm và thực tập cho sinh viên.
Nguồn nhân lực chất lượng kém không những chỉ gây lãng phí về nhân lực, tài lực của đất nước mà còn có thể gây ra tác hại không lường trước đối với ĐHN, vì ta nên nhớ rằng bất kì một sự thiếu hiểu biết nào cũng có thể dẫn đến một sự xử lý sai trong quá trình vận hành nhà máy ĐHN.
Mọi công tác chuẩn bị cho ĐHN Ninh Thuận đang được rốt ráo chuẩn bị nhưng 'nhớ rằng bất kì một sự thiếu hiểu biết nào cũng có thể dẫn đến một sự xử lý sai trong quá trình vận hành nhà máy ĐHN' - GS Trần Đại Phúc |
Luật năng lượng nguyên tử Việt Nam sau một thời gian áp dụng đã bộc lộ một số điều bất cập, vì vậy đang được chuẩn bị các điều chỉnh và bổ sung cần thiết để trình Quốc hội xem xét và phê duyệt.
Ví dụ, tại Việt Nam, Cục an toàn bức xạ hạt nhân hiện theo Luật Năng lượng nguyên tử thì Cục này là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc cho phép các hoạt động liên quan đến bức xạ và năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên Cục này lại đang trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ - là cơ quan chủ quản một số tổ chức nghiên cứu triển khai các hoạt động trong lĩnh vực nói trên (Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ TP.HCM….).
Như vậy không đảm bảo tính độc lập của các phán quyết của cục An toàn bức xạ hạt nhân như thông lệ quốc tế. Cơ quan này trên thế giới thường tồn tại độc lập, hoạt động theo luật định, thậm chí không trực thuộc Chính phủ.
Có thể Việt Nam không cần cầu viện tới ĐHN
PV: – Một chuyên gia về năng lượng đã tính toán, nếu Việt Nam thay đổi nền kinh tế tiêu thụ năng lượng vô lối, không hiệu quả như hiện nay, rồi tính toán lại nhu cầu điện năng thực tế, có thể Việt Nam sẽ không cần viện tới điện hạt nhân. Ông nghĩ như thế nào về thông tin này? Liệu có nên coi đây là một gợi ý đáng cân nhắc để giải bài toán năng lượng ở Việt Nam mà không phải bằng mọi giá phát triển điện hạt nhân dù hoàn cảnh thực tế chưa phù hợp?
Hiện vấn đề phát triển điện hạt nhân đang được rốt ráo chuẩn bị tại Việt Nam trong khi nhiều cảnh báo của các nhà chuyên môn cho rằng hiện chúng ta đang còn thiếu rất nhiều cả về nhân lực, vật lực… cũng như ý thức nghiêm túc tuân thủ an toàn lao động. Ông nghĩ Việt Nam có thể học hỏi được gì từ câu chuyện của Nhật Bản?
Giáo sư Trần Đại Phúc: - Với dự án năng lượng ĐHN dự trù theo Chính phủ hiện nay với 10 tổ máy, trong thập niên 2030 mang năng lượng ĐHN sẽ góp vào khoảng 10-12% của tổng số điện quốc gia.
Dường như những phương pháp tránh nóng, lạnh khuyến khích tiết kiệm năng lượng của các thiết bị điện tử, nội thất… không hiệu quả như hiện nay. Đúng như theo chuyên gia nói trên, nếu Việt Nam thay đổi nền kinh tế tiêu thụ năng lượng vô lối (đường dây leo lung tung, từng chùm ở các đường phố; không có tiêu chuẩn xây cất nhà… ), nếu tính toán lại nhu cầu điện năng thực tế, có thể Việt Nam sẽ không cần cầu viện tới ĐHN.
Cũng như tôi đã nêu trên, để đảm bảo sự vận hành an toàn của những LPUHN, nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ ĐHN phải được đào tạo một cách bài bản trong mọi chuyên ngành với văn hóa trách nhiệm chuyên ngành cá nhân và tập thể, đảm bảo chất lượng và tuân thủ một cách triệt để những tiêu chí kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng.
Các yếu tố sau đây có tính chất quyết định đến việc đảm bảo an toàn cho ĐHN
1- Hệ thống luật pháp hoàn chỉnh và mang tính khả thi cao nhất .
2- Cơ quan giám sát có tính chuyên nghiệp cao và nhiều kinh nghiệm .
3- Nguồn nhân lực đủ về số lượng và cao về chất lượng .
4- Nhà máy ĐHN được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất hiện nay, đặc biệt là sau sự cố Fukushima.
Từ đây đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 2000 chuyên viên trong mỗi chuyên ngành để có thể hỗ trợ một cách an toàn cho Đề án nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
Theo tôi những tiêu chí và những văn hóa nêu trên, Việt Nam với tình thế hiện nay khó có thể đáp ứng được.
Bài học lớn nhất rút ra từ 3 thảm họa hạt nhân điển hình thế giới (Three Mile Island, Hoa Kỳ, 1979; Chernobyl, Ukraina, 1986 và Fukushima, Nhật Bản, 2011) đều cho thấy diễn biến và những bất cập gây ra các tai nạn đó một phần lớn là do con người và các cơ quan liên quan, do thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu văn hóa an toàn và thiếu văn hóa trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong quá trình vận hành nhà máy ĐHN ở tình trạng bình thường cũng như khi có sự cố.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Bích Ngọc (Thực hiện)