Sẽ lại hỏi trách nhiệm khi xảy ra Tai nạn hạt nhân?
Câu chuyện sửa luật PCCC tại Quốc hội sáng qua được gắn liền với vụ cháy ở Bắc Ninh hôm 25.5 với hàng ngàn m2 nhà xưởng thành tro bụi. Và cả “sự cố nhà máy điện hạt nhân”, dù mới chỉ dừng ở mức nguy cơ
Thang chữa cháy chỉ với tới tầng 17
ĐBQH Lê Đông Phong thậm chí đã nghĩ đến việc “Phải đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tương ứng với nhà máy điện hạt nhân”. Bởi theo ông “Nếu xẩy ra sự cố lại đi hỏi trách nhiệm thuộc về ai và sẽ rất nguy hiểm”. ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi đặt ra hàng loạt vấn đề. Nào là tình trạng cháy diễn ra phức tạp. Nào là luật hiện hành còn nhiều bất cập. Nào là “Trách nhiệm của người đứng đầu” trong mối quan hệ với “trách nhiệm phải đền bù chí phí”. Và cả Cần sự khả thi trong đền bù. Thậm chí cả đến việc thang chữa cháy chỉ với tới tầng 17.
Nghe bà Nhi nói, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết “Năng lực PCCC của HN hiện có xe cứu hỏa đặc chủng vươn cao tới tầng 39, nhưng rất ít”. Bí thư nói “HN đã có dự trù mua trực thăng để trong trường hợp tự chữa không được thì áp dụng phương tiện hỗ trợ”. Và đến giờ “Kế hoạch đã được đặt ra”.
Còn đối với sự cố hạt nhân, ĐBQH Huỳnh Thành Đạt đề xuất “PCCC đối với nhà máy điện hạt nhân cần bổ sung thêm phòng chống và khắc phục sự cố hạt nhân”. Ông đề xuất “Lực lượng này phải là lực lượng chuyên ngành và đặc biệt”. ĐBQH Bùi Thị An cũng đề xuất cần tập trung vào phòng cháy nhà máy điện hạt nhân và phòng cháy rừng. Đó là những khu vực cần phương tiện chữa cháy đặc thù; khi xảy cháy thì gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Nhưng nguy cơ cũng không chỉ đến từ sự cố điện hạt nhân hay cháy rừng, ĐBQH Lê Hiền Vân điểm một loạt những trường hợp khi xảy cháy hay gặp sự cố sẽ “xảy ra gây thiệt hại lớn và để lại hậu quả lâu dài” như kho bạc nhà nước, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, các kho vũ khí đạn dược của lực lượng vũ trang…Trong khi đó, theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh PCCC có “yếu kém”, cụ thể là về khoa học công nghệ trong PCCC. Bà Khánh ngạc nhiên khi “không thấy trách nhiệm của Bộ Khoa học-Công nghệ ở đâu. Có những bộ, ngành có vai trò không thể thiếu thì ít nhất phải vào cuộc. Nếu không tham gia, đứng ngoài cuộc là không phù hợp”.
Cần đầu tư nhưng cũng không thể rải tiền
ĐBQH Đỗ Văn Đương cũng tán thành cần sửa luật một cách tổng thể, tuy nhiên, đối với việc lực lượng dân phòng tham gia PCCC, ông Đương cho rằng “Không thể rải tiền. Nếu có phải có hỗ trợ cho những người trực tiếp tham gia PCCC chứ không thể dàn đều cho những người ngồi chơi”. ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh bắt đầu phát biểu bằng tình trạng “Nhảy cầu cũng nhờ PCCC. Nhảy lầu tự tử cũng PCCC”. Ông thống nhất cần sửa luật để làm sao kết hợp PCCC với lực lượng cứu nạn.
PGĐ Sở Y tế TP HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Luật đã nhấn mạnh trách nhiệm của các “khổ chủ” khi cháy xảy ra. Nhưng theo bà, cần nhấn mạnh vai trò nhà nước khi đến giờ “Máy bay không có, trực thăng không có, nhà thì toàn nhà cao tầng”. Bà Lan đặt câu hỏi “vậy thì chữa cháy như thế nào?”. PCCC cần một sự đầu tư từ nhà nước nhưng theo bà cũng cần phải đặt ra trách nhiệm của các cá nhân cũng như cần xã hội hóa công tác PCCC bởi “Rất vô lý nếu Nhà nước phải trang bị từng cái bình chữa cháy”. Lấy ví dụ một vụ cháy tại TP HCM, bà Lan phản ánh “Người dân có thói quen cứ cháy nổ là chạy đến ngó. Trong khi đó, những người nước ngoài vừa biết chạy để cứu cái mạng bản thân, vừa cõng theo người khác. Còn mình trân ra, hoảng loạn”.
Có thể nói Luật PCCC đã ra đời 12 năm, song tình trạng cháy nổ vẫn xảy ra phức tạp. Nhiều ĐBQH đề xuất cần quy định rất chặt trong PCCC về xây dựng nhà chung cư, cao tầng, khi hiện nay phần lớn các công trình rất khó xử lý khi xảy cháy.
No comments:
Post a Comment