Wednesday, December 11, 2019

Lật lại chuyện quá khứ cách đây gần 10 năm về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bi Hiệp Hội Địa Dư Quốc Gia Hoa Kỳ đổi thành tên Tàu

Lật lại chuyện quá khứ cách đây gần 10 năm về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Việt cộng cố ý lờ và bí mật làm ngơ khi Tàu cộng khuynh đảo xóa tên Hoàng Sa thay thế với tên Tàu xa lạ trên bản đồ biển Đông, gây ra vụ Hiệp Hội Địa Dư Hoa Kỳ thay tên Hoàng Sa bằng danh xưng của Tàu trên bản đồ do HHĐDHK phát hành. Sau khi một nhóm ngưòi dân Việt tại hải ngoại lên tiếng trực tiếp phản đối với Hiệp Hội ĐDHK, bản đồ đăng trên tập san của HHĐDHK đã được sửa lại và tên Hoàng Sa được tái xuất hiện trên bản đổ Biển Đông.

Cuộc phản đối của người Việt về bản đồ sai sự thật

Cuộc phản đối của người Việt khắp nơi trên thế giới trước việc Hội Địa lý quốc gia Mỹ đăng bản đồ sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa một lần nữa cho thấy sức mạnh của thế giới ảo.  Mời nghe đọc bài
Câu chuyện bắt đầu từ ba người Việt là các anh Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long. Họ sống ở những nơi rất xa nhau: Úc, New Zealand và Mỹ. Vào ngày 11.3, sau khi phát hiện Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) phát hành một loạt bản đồ, trong đó viết tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam theo tên "Tây Sa" của Trung Quốc kèm thêm chữ "Trung Quốc" bên dưới. Cách ghi này hiển nhiên làm cho người xem bản đồ hiểu rằng quần đảo này thuộc Trung Quốc, một điều sai sự thật.
Từ ba quốc gia, những người con Việt đầy trách nhiệm với chủ quyền đất nước đã thảo thư phản đối gửi tới NGS đồng thời gửi thông báo tới hàng loạt cơ quan báo chí và cơ quan chính quyền tại Việt Nam. Với một cái nhấp chuột vào nút "gửi đi", thông tin đã được truyền đi khắp nơi trên thế giới.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ nhóm của anh Nguyễn Hùng, Báo Thanh Niên đã hồi đáp rằng "chúng tôi sẽ lên tiếng" và từ đó trở về sau luôn giữ liên lạc với nhóm phát hiện. Tiếp đó, nếu như bài báo Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa đã khởi động một "chiến dịch" trên báo chí thì trên mạng, những người con Việt khắp nơi cũng khởi động một "chiến dịch" ồ ạt để phản đối việc làm sai trái của NGS.
Từ blog cá nhân đến diễn đàn, các công dân mạng thông báo cho nhau những tin tức mới nhất, hướng dẫn cách thức phản đối. Trong chốc lát, hàng loạt ý kiến phê phán NGS cũng như nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được chuyển đi, từ châu Á tới châu Úc, từ châu Mỹ tới châu u. Các hình thức phản đối bằng ký tên vào thư kiến nghị cũng đã được thực hiện, với sự tham gia của người Việt toàn cầu, trong đó có những trí thức sống ở Anh, Mỹ, Úc… Trong đợt vừa qua, có ít nhất hai trang huy động chữ ký trên mạng để gửi tới NGS. Chỉ trong vòng một tuần, các trang này đã thu hút hàng ngàn chữ ký của những người cùng quan tâm đến chủ quyền đất nước từ khắp hành tinh. Đó thực sự là một cuộc tập hợp sức mạnh Việt lớn thông qua internet.
Nhóm phát hiện của anh Nguyễn Hùng thu thập chữ ký và tập hợp vào e-mail rồi gửi tới NGS. Mỗi tuần họ cập nhật danh sách chữ ký một lần và gửi đi. Trong một e-mail gửi cho tôi, anh Nguyễn Hùng viết: "Vì thời gian tính quá cấp bách nên anh em chúng tôi không thể xin ý kiến và gom thêm tên bà con trong ngoài nước để kèm theo lá thư vừa gửi đi  này... Chúng tôi đang dịch sang tiếng Việt và sau đó sẽ chuyển về VN qua báo chí trong nước và các chương trình thông tin trên thế giới. Chúng tôi vừa làm việc này vừa "cày" kiếm sống nên có hơi trễ chút đỉnh về bản dịch tiếng Việt… Anh có thể giúp chúng tôi thu thập danh sách khoảng 100 bà con trong nưóc không anh? Tôi nghĩ với công việc của anh cộng với bà con anh em thân thiết anh dư sức có 100 tên. Anh cứ lên danh sách rồi e-mail cho tôi và tôi sẽ tổng kết gửi đi liền. Thời đại internet mà, chỉ cần nhấn vô send (gửi đi - PV) là xong ngay".
Làm sao có thể từ chối một sáng kiến như vậy của một con người hằng ngày vẫn phải "cày để kiếm sống" nhưng không bao giờ quên ý thức với đất nước, dân tộc. Và tôi đã tham gia sáng kiến của anh, theo cái cách anh nói: "chỉ cần nhấn vô send là xong ngay".
Thế giới phẳng thật, đúng như nhà báo Thomas Friedman khẳng định. Trong thế giới phẳng đó, chỉ sau một giây là người ta, dù ở cách xa nhau ngàn dặm, có thể truyền cho nhau những thông điệp và có thể cùng tham gia một cuộc đấu tranh vì lẽ phải. Sức mạnh kết nối trên thế giới ảo đã tạo thành sức mạnh ở thế giới thực.
"Chiến dịch" trên mạng cuối cùng đã thu được kết quả bước đầu, khi NGS vào ngày 17.3 đã ra thông cáo giải thích về những tấm bản đồ sai sự thật của họ. Dù lời giải thích chưa thỏa đáng, nhưng đây vẫn là một kết quả đáng ghi nhận.
Vào hôm qua, khi ngồi viết bài này, tôi lại nhận được e-mail của anh Nguyễn Hùng từ Úc: "Chúng tôi không vui gì khi đọc thư trả lời của NGS. Không thể chấp nhận lối biện luận cho xong chuyện... Chúng tôi xin chuyển đến anh lá thư đối chất từng điểm họ nêu trong bản tuyên bố với báo chí của họ để anh chuyển đến những anh chị quan tâm tham khảo và chính thức lên tiếng".
Thế là cuộc đấu tranh của họ - của tất cả chúng ta - vẫn còn tiếp tục. Mạng internet với những tính năng ưu việt của nó tiếp tục giúp chúng ta truyền đi thông điệp vì chủ quyền đất nước, một cách nhanh nhất, với khả năng hội tụ sức mạnh cao nhất.
Chỉ tiếc là một số mạng có tính năng kết nối cực cao, như Facebook chẳng hạn, rất khó truy cập ở Việt Nam trong dịp này. 
Đỗ Hùng 
Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ Phát Hành Sai Sự Thật Về Hoàng Sa

Trên website về bản đồ thế giới của mình, tổ chức tiếng tăm của Mỹ ghi chú sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc.
National Geographic Society (Hội Địa lý quốc gia) có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ lâu nay được coi là một trong những tổ chức khoa học và giáo dục phi lợi nhuận lớn nhất thế giới. Hội này có nhiều tổ chức trực thuộc như kênh truyền hình National Geographic Channel rất nổi tiếng hoặc National Geographic Maps chuyên về bản đồ.
 
Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa - ảnh 1
 Một trong những bản đồ xuyên tạc của National Geographic Society - Ảnh: Chụp lại từ Natgeomaps.com
Dù là một tổ chức lớn và uy tín như thế, nhưng mới đây, National Geographic Society - cụ thể là tổ chức National Geographic Maps trực thuộc - đã có hành động khinh suất, coi thường lịch sử và công pháp quốc tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền của VN.
Trong bộ Bản đồ thế giới được phát hành trên website của tổ chức này tại địa chỉ http://www.natgeomaps.com/worldmaps.html, ở một số bản đồ, National Geographic Society ghi chú tại vị trí quần đảo Hoàng Sa là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo), theo cách định danh của người Trung Quốc, kèm chú thích “China” (Trung Quốc) ngay phía dưới. Ở một số bản đồ khác cũng nằm trong bộ trên, National Geographic Society ghi Paracel Is. tại vị trí quần đảo Hoàng Sa với chú thích bên dưới là “China”.
Quần đảo Hoàng Sa, được biết đến với tên tiếng Anh là Paracel Islands, nằm ở biển Đông là một phần không thể tách rời của VN. VN có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo vào năm 1974 là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN và bất chấp luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc kiểm soát quần đảo này sau khi chiếm được là một hành động cần bị lên án.
Các học giả và tổ chức quốc tế uy tín hầu hết đều biết những sự thật lịch sử nói trên, nên khi đề cập tới Hoàng Sa họ luôn giữ một thái độ khách quan khoa học. Tiếc rằng National Geographic Society, cũng là một tổ chức rất lớn, lại không tôn trọng tính khách quan khoa học trong bộ bản đồ nói trên. Bằng việc ghi chú quần đảo Hoàng Sa (hay Paracel Islands trong tiếng Anh) là Xisha Qundao và chú thích “Trung Quốc” bên dưới, tổ chức Mỹ này đã dành sự thiên vị của mình cho Trung Quốc, bất chấp các chứng cứ lịch sử, pháp lý. National Geographic Society vô hình trung đã ủng hộ việc một nước sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm lãnh thổ của nước khác một cách bất hợp pháp.
Hiện National Geographic Society đang bán bộ bản đồ sai sự thật trên qua mạng với nhiều hình thức và ngôn ngữ khác nhau. Họ cũng phát hành trong ấn phẩm hằng tháng của mình. Điều này có nghĩa sự xuyên tạc của National Geographic Society đối với quần đảo Hoàng Sa của VN sẽ đến với nhiều người đọc khắp thế giới. Những người không am hiểu lịch sử của quần đảo này cũng như bị cái bóng dáng đồ sộ của National Geographic Society đánh lừa sẽ dễ dàng tin rằng Paracel Islands (quần đảo Hoàng Sa) là của Trung Quốc, một điều hoàn toàn sai sự thật.
Một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc National Geographic Society phát hành bộ bản đồ nói trên là hành vi xuyên tạc lịch sử, bất chấp công lý, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ VN. Lẽ ra, với uy tín của mình, với tư cách là một tổ chức khoa học - giáo dục lớn, họ cần phải cẩn trọng và khách quan khi cho phát hành những bộ bản đồ như thế.
Vào hôm qua, Thanh Niên đã liên hệ với Ban biên tập của National Geographic Maps để phản ánh vấn đề trên cũng như đề nghị một sự giải thích rõ ràng cho hành động khinh suất của họ. Chúng tôi chờ sự trả lời của National Geographic maps và sẽ thông tin đến bạn đọc.
Đỗ Hùng


No comments:

Post a Comment