Hồ Tuệ Linh
Bài viết bạn sắp đọc đây ký tên Hồ Tuệ Linh, nhưng lại có liên quan cả đến bác Phùng Liên Đoàn nữa. Vì bác Phùng biết bạn Linh trăn trở với đề tài này, đã khuyến khích bạn đó viết ra, sau đó bác Phùng lại biên tập giúp, và bây giờ BVN chỉ việc đem công bố.
Đọc bài viết này, chắc là bạn đọc sẽ thấy những khía cạnh khoa học của vấn đề, nhưng xa hơn và sâu hơn, chắc bạn còn cảm nhận được một tấm lòng Việt Nam trong cách viết thân tình, đậm đà. Hình ảnh những con người và những hoạt động của bà con ta hiện lên giản dị mà sâu sắc. Và bạn sẽ nghĩ: ta muốn có ngày gặp mặt một con người này, những con người này, nắm những bàn tay bạn đó, ôm những đôi vai đó, cố nén xúc động để mà cùng nhau cười vang sảng khoái.
Sao lại không hy vọng một cuộc Đại Liên Hoan, một cuộc Đại Đoàn Viên ấy nhỉ?
Thay mặt bà con, cám ơn Linh nhé. Cám ơn cả bác Phùng nữa.
Bauxite Việt Nam
Ta trăn trở không có nghĩa là người khác cũng trăn trở!
Mùa xuân năm rồi, tôi đi thăm một người bạn đang làm giám đốc một Viện Nghiên Cứu thuộc Hàn Lâm Viện một nước Âu Châu. Anh khoe với tôi mùa hè sẽ đi nghỉ mát ở đảo Hải Nam. Tôi bảo ở đó có một căn cứ quân sự lớn lắm. Anh tròn xoe đôi mắt: “Để đánh với ai? Đánh Việt Nam à? Nhưng Trung Quốc và Việt Nam thân thiện với nhau lắm mà!” Tôi cười: “Phải, bạn bè kiểu Trung Quốc với Tây Tạng đó!” Chúng tôi chia tay. Tôi xuôi nam đi Roma. Ít lâu sau, được biết anh không đi Hải Nam mà đi nghỉ hè ở Roma!
Qua mẩu chuyện nhỏ có liên quan đến Biển Đông này, tôi muốn thưa rằng những chuyện của đất nước mà chúng ta luôn thuộc nằm lòng và hằng trăn trở, không phải người nước khác ai cũng biết, nếu ta không giao tiếp và quảng bá rộng rãi về đất nước và những trăn trở của ta. Vấn đề thời sự hiện nay về việc ghi chú tên quần đảo Hoàng Sa là thuộc Trung Quốc trên các bản đồ thế giới của Hội Địa dư National Geographic Society (NGS) cũng không là một ngoại lệ!
Hội địa dư NGS ghi Hoàng Sa là Xisha Qundao của “China”!
Câu chuyện bắt đầu ngày 2 tháng 3 năm 2010. Khi tôi đi làm về, mở hộp thư và nhận được tấm bản đồ thế giới của NGS (Số 22089, 9/2009) gửi tặng cho hội viên. Tôi vội mở ra và với một phản xạ nằm sẵn trong máu tôi đưa mắt tìm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thì hỡi ơi,
hàng chữ đỏ “China” nằm chễm chệ bên dưới tên “Paracel” làm tôi nghẹn lời! Tại sao và tại sao? Vào10 giờ đêm hôm đó, tôi ấm ức gửi đôi dòng về việc vừa khám phá này qua email tới vài người quen biết để khảo ý có nên đưa sự việc này ra dư luận không. Sau đó tôi yêu cầu một người mà tôi biết có văn hay chữ tốt và tính khí nhanh nhẹn thảo ngay lá thơ phản đối. Anh Trần Đình Dũng bên hội Sinh Thái Việt (VEF) cũng nóng lòng và bác Phùng Liên Đoàn bên Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (CESR) biểu quyết là phải viết ngay một lá thư góp ý với NSG, đồng thời cũng gửi đến các hội đoàn người Mỹ gốc Việt, các hội phi chính phủ và cả Tòa Đại Sứ Việt Nam để thông báo sự tình. Tôi bèn thưa là đã nhờ người viết thư rồi, và hứa khi có bản thảo thì tôi sẽ chuyển đến để cùng nhau hội ý và tiến tới một văn bản chung cho mọi người cùng ký.
Và đúng như tôi dự đoán, bác mà tôi tạm gọi là “Trương Phi” đã tức tốc thảo lá thư tôi yêu cầu và gửi tới tôi vào trưa ngày hôm sau, mặc dù chính mắt bác cũng chưa thấy tấm bản đồ nào cả. Trong lúc ấy thì lão trượng bên CESR thận trọng bảo tôi cho xem bản đồ làm bằng chứng. Tôi chụp ảnh, gửi ngay cho cả hai bên CESR và bác “Trương Phi”, để chứng minh là tôi “nói có sách mách có chứng!” Bản thảo gửi đến, tôi chuyển qua bên nhóm lo điều tra chi tiết để góp ý và sửa đổi. Đồng thời, mọi người cũng gom góp nhiều tài liệu có thể dùng dẫn chứng cho lá thư đòi hỏi Paracels là của Việt Nam và có tên là quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi ý thức rằng NGS là một tổ chức giáo dục và nghiên cứu khoa học tư đã có quá trình hoạt động 122 năm rất uy tín, chứ không phải là một tổ chức luộm thuộm và in báo lá cải. Vì thế, đã có ý kiến là sửa đổi văn phong bản thảo cho thích hợp hơn. Điều này đã gây ra ít nhiều tranh luận, đôi lúc có phần quá khích, nhưng mọi người công nhận đó là diễn tiến của sự cộng tác dân chủ và ai cũng có ý tốt.
“Cần phải gửi ngay”
Nhưng sau một hai ngày thư qua thư lại, bác “Trương Phi”, lúc đó đã qui tụ được khá nhiều người cùng bức xức, với tư cách là người đã thảo ra bức thư trước nhất, muốn tung lá thư ra càng nhanh càng tốt, không cần sự đồng thuận thêm về nội dung và văn phong của lá thư. Bác đưa thời hạn chót là ngày 10 tháng 3. Biết tính “nóng nảy” khó hãm, chúng tôi đồng ý, và thư đầu tiên đã được gửi ngày đó tới NGS như mọi người biết, với chữ ký của ba người, ở Mỹ, Úc và Tân Tây Lan, cùng là ghi tên khoảng 60 người khác đồng ủng hộ. Lá thư phản đối này được ông Nguyễn Hùng ở Úc gửi về Việt Nam cho báo Thanh Niên, Bauxitevn, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Quốc Hội Việt Nam. Một thư khác cũng được gửi tới tổng thống Mỹ Obama (một việc chúng tôi cho là quá tay vì ông Obama và phụ tá đâu có thì giờ lo trăn trở này giữa ta và một hội khoa học giáo dục tư.)
Trong khi đó, tôi đồng ý với nhóm chuyên môn là cần phải thảo một thư khác có
lập luận vững chắc trên cơ sở học thuật và thực tế, với lời lẽ tương kính. Chúng tôi đề nghị GS Lê Xuân Khoa nhờ 3 vị học giả người Mỹ gốc Việt có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về Á Châu và Đông Nam Á đồng ký tên để gửi cho NGS. Ba vị học giả này là (1) TS Ngô Vĩnh Long, GS Nghiên Cứu Á Châu và Liên Hệ Á Châu – Hoa Kỳ tại đại học Maine, (2) TS Tạ văn Tài, Giảng Viên và Nghiên Cứu Viên Đại Học Luật Harvard đồng thời là luật sư và cũng là cựu GS Đại Học Luật Sài Gòn và, (3) TS Vũ Quang Việt, Tư Vấn Liên Hiệp Quốc, Cựu Trưởng Ban Thống Kê các Quốc Gia Thành Viên Liên Hiệp Quốc và cũng là tác giả nhiều bài tham luận về tranh chấp Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc đại học Yale. TS Việt góp chữ ký khi đang công tác tư vấn tại Bắc Kinh!
TS Phùng Liên Đoàn cũng nhờ TS Nguyễn Quốc Khải tới tận trụ sở của NGS ở thủ đô Washington tham khảo các bản đồ và bài viết về Hoàng Sa. Chúng tôi nhận thấy NGS đã có những ghi chú như sau về quần đảo Hoàng Sa:
- Bản đồ thế giới năm 1922 không có ghi Paracels trên Biển Đông
- Các bản đồ thế giới không có số, chỉ có ghi năm là 1943, 1975 và 1994 chỉ có ghi chú là “Paracel Is.”
- Các bản đồ thế giới ký hiệu 22205C, 1020508, 1020324, 1020327, và bản đồ của năm 1935 ghi chú “Paracel Is., China”
- Các bản đồ số 22085C và 22077C có ghi chú “Xisha Qundao (Paracel Is.), China”.
- Bản đồ vùng trong Atlas 2006 của NGS thì ghi chú “Paracel Islands, administered by China, claimed by Vietnam.”
- Không thấy một ghi chú nào về Trung Quốc đã tàn sát binh sĩ Nam Việt Nam khi đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo Trường Sa năm 1988.
Nhà khoa học Thái Văn Cầu làm việc tại Cơ Quan Hàng Không và Vũ Trụ Mỹ (NASA) có một tủ sách riêng về các vấn đề biên giới và lãnh thổ Việt Nam. Bác cho biết có tài liệu xuất bản tại Anh Quốc năm 1968 ghi Paracels là của Nam Việt Nam. Bản đồ này đã được Bauxitevn in, và chúng tôi in lại dưới đây:
|
Title = Philips' Pocket Atlas of the
World; Editor = Harold Fullard, M.
Sc.; Publisher = George Philip &
Son Limited; Location = London,
Great Britain; Year = 1968. |
Chúng tôi cũng tham khảo và chuyển tới bác “Trương Phi” tài liệu mới nhất của TS Vũ Quang Việt có tựa đề “
Towards a just and fair resolution to the conflicts in the Southeast Asian Sea (Tiến tới một giải pháp hợp lý và công bình về tranh chấp tại biển Đông Nam Á)” sắp trình bày tại hội nghị về châu Á và biển Đông tại Philadelphia vào cuối tháng 3. Chúng tôi đồng ý cẩn thận chỉ sử dụng tài liệu này để tham khảo chứ không phổ biến vì bài này chưa phải là bản chót sẽ được hội nghị in.
Lề phải, lề trái, người trong nước, người ngoài nước đều hành động như nhau!
Bức thư do các ông Nguyễn Hùng (Úc), Ngô Khoa Bá (US) và Lê Quang Long (NZ) được hưởng ứng nhanh chóng tại Việt Nam, trước tiên là báo Thanh Niên, sau đó là các báo như Tuổi Trẻ, VietnamNet, Lao Động, Pháp Luật TPHCM… BauxiteVN cũng nhận được một thư của ông Hùng, nhưng với tính cẩn thận, đã hỏi ý chúng tôi trước khi đăng. Chúng tôi ủng hộ thư đó vì đã có bàn và đóng góp đôi chút. Chúng tôi đề nghị BauxiteVN cứ đăng bài đó trong khi chờ đợi thư của ba vị học giả.
Các vị Hùng, Bá và Long, người ký tên gửi lá thư ngày 10/3/10 tới NGS và về Việt Nam, được người Việt trong nước tuyên dương là
“Ba chàng Ngự Lâm Việt” phỏng theo chuyện “Ba Hiệp Sĩ Ngự Lâm” của Alexandre Dumas vào thế kỷ 19, sống chết có nhau, và làm việc nghĩa giúp người giúp nước.
Ngày thứ bảy 13/3/2010, lá thư của 3 học giả Mỹ gốc Việt được gửi đến NGS. Thư này và bản dịch cũng được gửi đến bauxiteVN. Trưa hôm đó, tại Toronto, tôi đã quảng bá lá thư và nhận được khoảng 120 chữ ký trên giấy trắng mực đen của quan khách đến dự Buổi Tưởng Niệm Hai Bà Trưng. Tôi đã gửi các chữ ký này về mạng
GoPetition do bác Phạm Phan Long của VEF khai trương cùng ngày. Tôi cũng phổ biến lá thư của 3 vị học giả và các bản kiến nghị qua thư điện tử khắp nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ đến Âu Châu, sang Úc Châu và về đến thân nhân, bạn bè, học giả và nhân dân các cấp ở Việt Nam.
Điều đáng ghi nhận là các cơ quan ngôn luận báo chí trong nước, thường được xem là báo “lề phải” và đã có lần
“bỏng tay” vì đề tài Hoàng Sa Trường Sa, đã mau mắn loan tin nóng, đi đầu là tờ Thanh Niên. Bộ ngoại giao Việt Nam và Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng Công Sản Việt Nam cũng nhanh chóng phát ngôn (12/3/10). Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Washington D.C. cũng liên lạc với NGS.
Tại Việt Nam, các tổ chức và cơ quan có thẩm quyền về vấn đề Hoàng Sa liên tiếp lên tiếng phản đối với NGS. Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) yêu cầu NGS chỉnh sửa (15/3/2010). Hội Địa Lý Việt Nam gửi thư phản đối vấn đề ghi chú sai trên bản đồ (16/03/2010). Ba giáo sư biên tập của BauxiteVN, với tư cách là giáo sư của các đại học Việt Nam, viết thư phản đối (14/3/10). Báo Tuổi Trẻ liên lạc với Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam và được cho biết NGS không có liên hệ gì với Chính phủ Mỹ vì là công ty tư nhân; do đó các
tài liệu do NGS phổ biến “không phản ảnh chính sách của Chính phủ Mỹ “.
Ngay sau khi mồi lửa được tung ra, Nguyễn Thái Học Foundation (NTHF) đã nhanh chóng bắt lấy tin nóng, cử người tới trụ sở của NGS liên lạc, và tung ngay bản kiến nghị lên mạng để lấy chữ ký, tạo áp lực đối với NGS. Tính đến ngày 22/3/2010, chỉ sau hai tuần lễ, bản kiến nghị của NTHF (
www.nguyenthaihocfoundation.org) đã đạt được chỉ tiêu là 10,000 chữ ký của mọi thành phần người Việt.
Bảng kiến nghị ở
GoPetition của VEF (
http://www.gopetition.com/online/34737.html) nhắm đến thành phần chuyên môn; tính đến ngày 20/3/2010 đã thu được chữ ký của gần 900 người.
Trong quá trình phản đối NGS chúng tôi được biết có một học giả người Việt làm tới chức Senior Vice President của NGS, ngang hàng với ông chủ biên Chris Johns. Chúng tôi kín đáo liên lạc với ông này để tìm hiểu và được biết ông đã có cuộc họp với ông Tổng Biên Tập Chris Johns của NGS. Có vài dư luận tiêu cực thiển cận trên email đổ lỗi cho ông về vai trò tại NGS, làm như ông này có bổn phận phải biết tất cả hàng triệu chi tiết về bản đồ và khảo cứu của NGS. Chúng tôi đã cẩn trọng cân nhắc cách hành xử để tránh việc đặt người đồng hương vào vị thế khó xử đối với cơ quan ông đang công tác cũng như tránh việc thế lực bên ngoài có thể gây áp lực cho ông trong lãnh vực nghề nghiệp.
Lỗi lầm vì thiếu kiểm chứng
Một sự việc dở khóc dở cười đã xảy ra do sự
bồng bột bất cẩn vì muốn làm nhanh làm sớm đã xảy ra như sau: các lá thư gửi cho NGS và “réo tên, níu áo” ông Tổng Biên Tập của NGS đều viết tên
Chris Johns sai thành
Chris Jones vì dựa theo bản thảo đầu tiên. Một lão trượng bất ngờ phát giác ra sự kiện này, đã email báo tin cho tôi. Tôi tức tốc kiểm lại trên tạp chí thì tôi vừa tức vừa ngượng cả người: các bức thư và kiến nghị gửi đến NGS để khiếu nại về việc NGS ghi chú sai trên bản đồ, đều ghi sai tên ông ta. Tôi gửi tin khẩn cấp thông báo cho các nhóm mau mau kiểm sửa. Đến nay, trên bản kiến nghị của NTHF xem như không sửa được vì do luật của mạng Internet đó không cho phép sửa kiến nghị đã có chữ ký của người khác! Trên vài trang mạng, ông “Jones” nào đó vẫn bị người Việt ta réo tên!
Cuối ngày 13 tháng 3, 2010, nhà báo Đoan Trang trên tờ Pháp Luật TPHCM loan tin NGS đã chỉnh sửa tên Paracel thuộc “China” ghi chú trên bản đồ, làm nhiều người mừng hụt. Nhưng ngày 14/03/2010, nhà báo này đã nhanh chóng đính chính và cáo lỗi vì đã có sự nhầm lẫn khi tham khảo các bản đồ trên mạng, Đài RFI trực tuyến cũng đưa tin này nhưng sau đó cũng đã tháo gỡ. Sự kiện này làm nhiều người phát giác thêm là ngoài hàng chữ đỏ “China” cho là Trung Quốc có chủ quyền trên quần đảo này, còn có nhiều bản đồ với ghi chú khác nhau cho quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ như bản đồ Châu Á, có ghi chú với tên Xisha Qundao (Paracel Is.), Administered by China, Claimed by Viet Nam”, nghĩa là:
“Tây Sa Quần Đảo, Trung Quốc quản lý, Việt Nam tuyên bố có chủ quyền”.
NGS phản ứng nhạy bén
Ngày 17/3/2010 (giờ Việt Nam), một tuần sau khi lá thư đầu tiên được tung ra, NGS đã họp nội bộ và ra thông cáo báo chí với nội dung hòa hoãn rằng chính sách 122 năm về bản đồ của NGS phải luôn luôn chính xác và đồng nhất. NGS rất tiếc là vì các bản đồ thế giới quá nhỏ để có thể ghi chú rõ ràng hơn về quần đảo Paracel như trong các bản đồ vùng có tỷ lệ xích lớn hơn, cho nên đã gây hiểu lầm và suy diễn sai. NGS nói sẽ cẩn thận hơn trong các kỳ xuất bản sau, hoặc sẽ ghi chú đầy đủ, hoặc chỉ ghi là Paracel mà không nói thuộc chủ quyền nước nào.
http://press.nationalgeographic.com/pressroom/index.jsp?pageID=pressReleases_detail&siteID=1&cid=1268771677039
Thông cáo này đã được gửi đến mạng kiến nghị của GoPetition, của NHTF và được báo Người Việt tại California và các báo của Việt Nam loan tin. Tuy nhiên, cũng ví quá nhanh nhẩu mà văn bản tiếng Anh của NGS đã được một số người dịch khác nhau đã diễn giải không chính xác, đôi lúc sai và thêm bớt ý nghĩa!
Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn
GS Ngô Vĩnh Long là một trong ba vị học giả viết thư đề nghị NGS
xem xét và chỉnh sửa các lỗi về ghi chú Hoàng Sa, có thể là do thiếu thông tin, có thể là do người biên soạn hiểu sai. Ngày 17 tháng 3, 2010, đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn GS Long về cảm nghĩ của ông về lời tuyên bố của NGS và người Việt sẽ phải làm gì thêm nữa.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/National-Geographic-Society-will-make-corrections-to-a-note-Paracel-archipelago-TVan-03182010135244.html
GS Long cho rằng người Việt trong nước cũng như ngoài nước đã rất
đồng thuận trong việc bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải. Người Việt phải
phổ biến quyền lợi của mình trên truyền thông quốc tế để những người làm chính sách hiểu về Việt Nam nhiều hơn. Ông đưa thí dụ về cuộc điều trần mới đây tại Quốc Hội Mỹ thì 70% – 80% các học giả đều cho rằng biển Đông là “sân chơi” của Trung Quốc. Muốn người dân Việt Nam trong nước và trên thế giới đồng thuận về tương lai an ninh của Việt Nam thì
chính phủ phải tạo cơ hội cho người dân đóng góp vào các chính sách quốc gia, và chính phủ phải đưa các thông tin chính xác là đã làm gì với Trung Quốc về vấn đề biên giới, biển đảo. Ông cũng tỏ lời
cảm ơn NGS đã nhanh nhẹn đáp ứng những thư kiến nghị của người Việt Nam.
Phản ứng của người Việt sau lời tuyên bố của NGS
Mọi người phấn khởi vì kiến nghị đã đến tai NGS và đã có kết quả. Dư luận phản ứng: Kẻ thì cho rằng NGS đã nhanh chóng trả lời trong phạm vi có thể và có lý. Người thì bức xức là NGS trả lời mù mờ và ngụy biện về sai lầm của họ! Sau đó, nhóm “3 chàng ngự lâm Việt,” say men thành công của bức thư đầu tiên, lại gửi thêm 2 bức thư khác ngày 14/3/10 và 17/3/10 có đến gần 100 người ủng hộ đòi hỏi NGS bỏ tên Xisha Qundao và chỉ dùng tên lịch sử là Paracels.
Ngày 18/5/2010, NTHF ra thông báo sẽ chuyển 10,000 chữ ký đến đại diện của NGS, kèm theo các yêu cầu sửa đổi bằng cách bỏ tên Xisha Qundao và chỉ dùng tên lịch sử là Paracels.
Trong lúc này, các bản kiến nghị trên mạng vẫn tiếp tục ghi nhận ý kiến và nguyện vọng qua chữ ký của người Việt khắp nơi trên thế giới.
Google cũng vẽ sai bản đồ biên giới Việt Nam – Trung Quốc
Ngay sau khi phát hiện về việc ghi chú sai trên bản đồ của NGS, ngày 14/3/2010 trên mạng Internet có người đưa ra phát giác là bản đồ trực tuyến Google Maps cũng mô tả sai lệch đường biên giới trên đất liền của Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 20/03/2010, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam
chính thức yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót đã nêu.
Người Việt khắp nơi đang theo dõi sát các sự việc và đang chờ các giải quyết chính thức của các cơ quan liên hệ.
Bài học qua sự kiện bản đồ NGS
Sau đây là một số nhận xét và suy nghĩ xung quanh sự kiện NGS và Hoàng Sa:
1. Các ghi chú sai sót trên các tài liệu địa lý
tuy không có tính cách pháp lý nhưng dễ gây ngộ nhận cho người không rõ chi tiết về lịch sử và chủ quyền của Việt Nam và vì thế sẽ gây nhiều trở ngại trong cuộc đàm phán về chủ quyền của đất nước trong tương lai.
Người Việt Nam nên cảnh giác, để ý đến từng chi tiết, chính thức hay tư liệu, để phơi bày cho thế giới hiểu những sai lầm thông tin của các nước lớn đối với Việt Nam. Các tài liệu lịch sử và nghiên cứu của Việt Nam cần được truyền bá cho thế giới biết trên các tạp chí quốc tế đáng tin cậy.
2. Những sai sót của bản đồ NGS, tuy do người Việt nước ngoài nêu lên, đã được mọi người Việt trong và ngoài nước hưởng ứng, kể cả sự lên tiếng của chính phủ Việt Nam, với sự hỗ trợ của các cơ quan ngôn luận “lề phải” lẫn “lề trái”. Đây là một hiện tượng đột phá của đất nước, chưa từng thấy suốt nhiều chục năm qua!
Còn gì cản trở sự đoàn kết của người Việt trong mọi thành phần, tầng lớp và chính kiến?
3. NGS đã thể hiện tinh thần
tôn trọng độc giả và người ký kiến nghị khi nhanh chóng họp nội bộ và đưa ra bản thông cáo báo chí để trình bày sự việc và các chỉnh sửa trong tương lai. Điều này khác hẳn với chuyện người Việt
“chủ nhân của đất nước Việt Nam” thường chỉ gửi kiến nghị và kêu oan vào một lỗ đen không đáy. Tới nay, “chủ nhân của đất nước” vẫn chưa có thông tin rõ ràng về các tài liệu chính phủ đã ký kết với Trung Quốc về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải giữa hai quốc gia. Lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao khi đòi hỏi Google chỉnh sửa bản đồ là
“các hiệp định và nghị định thư ký kết giữa hai nước về biên giới đã minh định đường biên giới bằng tọa độ cụ thể trên bản đồ.” Chúng tôi mong có tài liệu này nếu quí vị nào có.
4. Vụ việc xảy ra cho thấy
lòng dân là sức mạnh. Với sự
minh bạch và không coi thường người dân, chính phủ Việt Nam sẽ được sự ủng hộ và đồng thuận của người Việt trong và ngoài nước. Có như vậy thì chính phủ mới tạo được vị thế vững chắc và có uy tín với các quốc gia bạn trên trường quốc tế, nhất là trong tiến trình đấu tranh cho chủ quyền biển đảo và biên giới.
5. Các
cơ quan chuyên môn có thẩm quyền tại Việt Nam
cần năng nổ trong vai trò biên tập, cập nhật hóa tài liệu và đưa ra thông tin chính xác về Việt Nam tới
dư luận quốc tế, thay vì chỉ lặp đi lặp lại những câu kinh kệ đã quá quen tai! Bằng chứng là bản đồ NGS in năm 1935 đã có ghi chú “Paracel, (China)”. Nếu các cơ quan này đã phát hiện và phản đối thì NGS có thể đã không lặp lại lỗi đó, và ta đã không có sự kiện phản đối tưng bừng như trong hai tuần qua! Còn bao nhiêu sơ hở và lỗ hổng khác mà
“anh bạn vàng,” với túi bạc rủng rỉnh và tàu chiến tối tân, đã lợi dụng để “tàm thực” một cách tinh vi, thâm hiểm và tàn bạo đối với nước ta và đồng bào ta?
Hay những đồng tiền ở cửa hậu trong việc khai thác bauxite, cho mướn rừng ở biên giới, cho thầu những công trình kỹ nghệ lớn với lượng lớn công nhân Trung Quốc và bao nhiêu sự kiện khác vẫn còn ru ngủ những người đáng lẽ phải là kẻ tiền phong yêu nước, bảo vệ đồng bào?
6. Một vấn đề đã nảy sinh khi đi thu thập chữ ký cho bản kiến nghị gửi NGS. Đó là việc nhiều người Việt gốc Hoa đã ký vào bản kiến nghị. Vấn đề người ”Việt gốc Hoa” là một vấn đề vẫn còn “gai góc”, “nhức nhói” khó xử cho nhiều người!
Định nghĩa thế nào là “người gốc Hoa”? Còn ai nhớ rằng, thưở xưa, đại tộc Bách Việt đã cư ngụ từ khu vực nam sông Dương Tử trở xuống phương Nam, và ngay cả vùng duyên hải miền Đông Trung Hoa ngày nay, phía nam Hoàng Hà ? Còn ai nhớ rằng những người Bách Việt vùng Hoa Nam, khi không có sự lựa chọn trước vó ngựa Đại Hán, đã phải chịu sự hòa huyết và mang cái nhãn hiệu là người “Tàu” từ khi vùng đất tổ tiên của họ biến thành đất Hán. Vài chục năm nữa, trên những miền đất đã bị lấn chiếm hay vì lý do nào đó chuyển nhượng cho Trung Quốc, những người Việt ở đó phải tự nhận mình là người Hoa hay người Việt?
Những nhãn hiệu do thực tế chính trị không lần áp nổi tiếng nói của dòng máu Việt trong tự thân. Vấn đề là do bản thân những người này phải tự khẳng định “Tôi là người Việt” do đó hành xử với tư cách là người Việt. Tuy nhiên họ vẫn có quyền tự do làm người “Tàu” theo sự lựa chọn riêng (vì đó là một quyết định có tính thời thế hơn là văn hóa, với nhiều hệ lụy). Khi họ ký kiến nghị là họ xác nhận sự thật và lịch sử. Vâng, một số người đã chọn chỗ đứng của mình khi họ cùng ký tên cho Hoàng Sa.
7. Trong những ngày cùng nhau làm việc, thảo bức thư và kiến nghị cho Hoàng Sa Trường Sa, hầu hết chúng tôi chưa hề gặp nhau, nhưng đã hết lòng chung sức trong tình đồng bào, từ già đến trẻ, không quản ngại ngày đêm về gánh nặng công việc và đời sống, đã tìm thấy ở nhau một tấm lòng chân thật vì quê hương và một tình đoàn kết không biên giới. Lắng nghe và tương kính là mẫu mực. Khoa học và hiệu quả là phương pháp. Lần này, phương tiện trao đổi liên lạc cũng đã chứng minh
Internet là một phương tiện lợi ích cho nhân loại và Việt Nam.
8. Những gì xảy ra đã khiến tôi liên tưởng đến một dự án đã thực hiện tại Canada. Năm 1992, hơn 100 người thiện nguyện chẳng có tiền đã cùng nhau làm việc suốt một năm ròng rã, vượt qua bao trở ngại, và đã đưa văn hóa cộng đồng Việt vào bản đồ đa văn hóa của thành phố Toronto. Trong 9 ngày lễ hội Metro International Caravan, 10,000 quan khách, đa số không phải gốc Việt, đã đến thăm Saigon Pavillion và đã ngạc nhiên trầm trồ về những hình ảnh đẹp đẽ, hiền hòa, mộc mạc, đầy nhân bản của văn hóa và lịch sử của nước Việt. Họ đã xóa bỏ được những hình ảnh có sẵn trong đầu về một đất nước
chiến tranh man rợ.
Ngày hôm nay, cũng sau 9 ngày “đấu tranh”, hơn 10,000 chữ ký, lần này của chính người Việt, trong và ngoài nước đã nói với thế giới, qua sự kiện NGS về Hoàng Sa, “Đây là đất nước ngàn năm của người dân Việt !” Hơn một vạn người và rồi đây sẽ còn nhiều hơn nữa, cho đến khi con số hơn 80 triệu người dân Việt, lên tiếng ghi ơn các chiến sĩ Việt Nam đã tử thủ tại Hoàng Sa năm 1974 và tại Trường Sa năm 1988, cùng là dân quân ở biên giới miền Bắc năm 1979. Hơn 80 triệu người dân Việt sẽ lên tiếng thương tiếc các ngư dân đã và vẫn còn bị bách hại trên Biển Đông, và ủng hộ những người bị tù đày áp bức vì dám khẳng định “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”.
9. Người phương Tây có câu
“Đừng ngồi đó nguyền rủa bóng tối, hãy thắp lên một ngọn nến!” Qua sự việc bản đồ NGS, ngọn nến đã thắp, bén nhanh vào những cành khô trong cơn nắng hạn, lan tỏa vào lòng người dân Việt trong và ngoài nước đang còn bức xức về chủ quyền đất đai ở biên giới và biển đảo ở Biển Đông.
Lướt qua các bản tin nhanh, báo lề phải lẫn lề trái, và nhiều cơ quan chính phủ, ta biết được những tuyên bố đầy ấn tượng, những thảo luận sôi nổi, và những hoài vọng tương lai. Đó là bản đại hòa tấu giao hưởng cùng dàn hợp xướng, với tiếng kèn đồng hoành tráng, lúc to lúc nhỏ, lúc êm tai lúc chát chúa. Các nhạc công ra vào, tiết tấu ăn khớp nhịp nhàng, dưới sự điều khiển của một nhạc trưởng tài ba. Vị nhạc trưởng vô hình đó không ai khác hơn là tấm lòng yêu nước âm ỉ và vô bờ trong lòng mỗi người dân Việt.
Với sự kiện bản đồ NGS đề tên Paracels bất lợi cho Việt Nam, ánh sáng mùa Xuân đã hiện trên đất Việt Nam và thế giới, thúc giục mọi người hành động. Bằng chữ ký và hành động, người Việt khắp nơi đã “đáp lời sông núi” đang vang dậy trong lồng ngực của mình. Tiếng trống Hội Nghị Diên Hồng thế kỷ 21 đã vang lên.
Vâng, chúng ta những người dân rất bình thường, trong nước và ngoài nước.
Bằng những hành động rất bình thường– một chữ ký, một bức thư, một tiếng nói– khi cùng nhau nắm tay đoàn kết, ta sẽ tạo được sức mạnh và đem lại sự thay đổi mong ước.Trong sự tôn trọng lựa chọn và chính kiến của nhau, ta hãy tiếp tục nắm tay làm việc đoàn kết vì tương lai và sự trường tồn của tổ quốc.
HTL, Toronto, Canada, 3/22/10