Saturday, July 1, 2017

'Nhận chìm' hay bản chất là 'xả thải' ra biển Hòn Cau?


'Nhận chìm' hay bản chất là 'xả thải' ra biển Hòn Cau?

http://nguoidothi.net.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/8799/-nhan-chim-hay-ban-chat-la-xa-thai-ra-bien-hon-cau-.ndt

"Theo kỹ thuật trình bày của chủ đầu tư thì ai cũng nghĩ rằng: đây là hoạt động “xả thải” ra biển chứ không phải kỹ thuật "nhận chìm" - nhận định của TS Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia chương trình Hải dương học Liên Chính phủ của Việt Nam, với phóng viên Người Đô Thị, về việc bộ TNMT cho phép Điện lực Vĩnh Tân 1 được đổ 1 triệu m3 bùn cát thải xuống vùng biển gần khu bảo tồn Hòn Cau.
Thưa, ông nhận định như thế nào về quyết định của bộ Tài nguyên môi trường (TNMT) vừa qua đã cho phép Điện lực Vĩnh Tân 1 được đổ 1 triệm m3 bùn và cát thải (thu sau khi nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) xuống vùng biển Vĩnh Tân, gần khu bảo tồn hòn Cau?
     
Tiến sĩ Nguyễn Tác An.  Ảnh: TL     
Đổ chất thải ra biển là hoạt động không được khuyến khích theo thông lệ quốc tế. Vì biển là môi trường vận động liên tục và nó sẽ phát tán chất thải ra toàn vùng biển, chứ không chỉ ở  vùng biển xả thải.
Còn ở Việt Nam, trong trường hợp cụ thể tại vùng biển xã Vinh Tân (Bình Thuận), bộ TNMT đã chấp nhận cho “nhấn chìm “ gần 1 triệu mét khối lượng bùn cát xuống biển dựa vào kết luận đồng thuận của đa số thành viên trong Hội đồng khoa học và các cơ quan ban ngành liên quan tại  địa phương.
Về mặt pháp lý thì không có gì phải “lăn tăn”. Giới khoa học chỉ chưa thông ở chỗ kỹ thuật thực hiện của chủ đầu tư: dùng các xà lan phễu chuyên dụng, nhận chìm theo hình thức mở đáy xà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật chất nhận chìm...
Ở đây, cần nhận thức đúng nội hàm của từ “nhận chìm”. Về luật “nhận chìm” là phải có kỹ thuật “bao giữ, cố định”. Ví dụ như đóng gói bằng xi măng (công nghệ Pontoon) hoặc contoner, không cho vật chất đó phát tán hoặc lại trở thành nguồn gây ô nhiễm thứ cấp.
Nhưng theo kỹ thuật trình bày của chủ đầu tư thì ai cũng nghĩ rằng: đây là hoạt động “xả thải” ra biển - một dạng hoạt động mà xã hội không chấp nhận.
36m không phải là độ sâu thích hợp cho việc nhận chìm chất thải. 
Ngoài ra xã hội băn khoăn không phải từ góc độ “độc tính hóa học”, “phóng xạ” của chất “nhận chìm”, mà là tác động tiêu cực về mặt lý sinh, sinh địa hóa, như có thể làm tăng độ đục, làm giảm độ trong của vùng biển, xáo trộn mặt bằng lớp đáy,... gây tác động đến quá trình năng suất sinh học sơ cấp, đến các quá trình trao đổi chất của thủy sinh,...
Thử tính qua, “nhận chìm” gần 1 triệu m3 bùn, cát trên diện tích 30 ha (khoảng 300.000 m2), hay có thể rộng hơn là 300 ha, theo sự đồng ý của tỉnh Bình Thuận, thì nền đáy sẽ được phủ thêm một lớp trầm tích “mới” và “xa lạ” với độ dày ít nhất cũng hơn 3cm. Đây thực sự là một “thảm họa sinh thái” cho các quần xã động, thực vật đáy, nhất là với nhóm động vật đáy có kích thước nhỏ hơn 1mm (Meiobenthos). Nhóm động vật đáy có vai trò kết nối trung gian trong xích thức ăn giữa vi sinh vật và động vật đáy cỡ lớn mà con người thường khai thác, sử dụng. Xáo trộn nền đáy dạng này còn nguy hại hơn việc hoạt động của các tàu “giã cào” công suất lớn, mà Bình Thuận đã thấy.
Thứ trưởng bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép số 1517/GP-BTNMT ngày 23.6.2017 chấp thuận cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Ảnh: Báo Bình Thuận
Nhiều ý kiến cho rằng việc đổ các chất bùn thải nạo vét làm cầu cảng xưa nay vẫn được đổ xuống biển và đó là điều bình thường?
Trước đây Việt Nam còn chưa phát triển  nên việc đổ bùn thải nạo vét xuống sông, biển chưa được quan tâm. Còn bây giờ đã khác rồi. Việt Nam đang  phát triển, bên cạnh tăng sản lượng các sản phẩm công nghiệp, tăng thêm tiền, của, tăng thêm lượng những người giàu có thì chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt cũng tăng lên, gây bức xúc và cản trở sự phát triển của đất nước.
Quy luật cuả cuộc sống đã dạy cho chúng ta bài học: có cái hôm qua thì làm được, nhưng hôm nay thì phải xem lại và ngày mai thì phải chấm dứt. Việt Nam đang hội nhập, ta phải tuân thủ và thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế.  
Ông có nói đặc điểm biển vùng tây biển Đông, vùng bờ biển của Việt Nam có cường lực và động lực rất mạnh (nên chất thải đổ xuống sẽ được đẩy đi tới các nơi khác, vì vậy người ta ít thấy tác động của chất thải tới môi trường và hệ sinh thái biển tại khu vực đổ). Vậy ở vùng biển gần Hòn Cau thì sao? Việc đổ chất thải này sẽ khiến Hòn Cau bị ảnh hưởng ra sao? 
Hòn Cau ở cách xa điểm thải 4 hải lý (8 km). Hải dương học đã chứng minh, chất xả thải ra biển có thể gây tác động xấu cho mội trường sinh thái trong phạm vi đến 170 hải lý.
Trong trường hợp cụ thể ở Vĩnh Tân, xã hội có thể yên tâm, vì theo thông báo của bộ TNMT, Viện Hải dương học (đơn vị giám sát độc lập) cùng với đại diện bộ TNMT, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương sẽ trực tiếp quan trắc, giám sát, nếu phát hiện có tác động xấu thì Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm; và chỉ được phép tiếp tục thực hiện khi có giải pháp khắc phục được bộ TNMT chấp thuận.
Tuy nhiên ở đây cần lưu ý, nếu đã để xảy ra “sự cố sinh thái” thì hiện nay, chưa ai từng nghe nói đến các giải pháp khắc phục hiệu quả! 
Hệ sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau khó tránh bị ảnh hưởng trước quyết định cho phép nhấn chìm bùn, chất rắn. Ảnh: Lê Trường - Người Lao Động
Có ý kiến cho rằng nhiều khu vực, vùng ở Việt Nam đang bị sạt lở, vậy có thể đem đổ những chất bùn thải này tới “bù” cho nơi này. Còn quan điểm của ông?
Không được, vì chưa nghiên cứu đầy đủ tính tương thích giữa các vật liệu “nhận chìm” và vật liệu ở vùng xói lở. Thêm vào đó chi phí kinh tế sẽ vô cùng cao, các doanh nghiệp không thể kham nổi.
Tôi nghĩ lý do cơ bản mà doanh nghiệp cố xin phép được đổ chất nhận chìm tại vùng biển Vinh Tân, có lẽ là phương án ít tốn kém tiền nhất.
Tôi cũng rất hoan nghênh ý kiến táo bạo của nhà báo, ta phải suy nghĩ nghiêm túc theo hướng coi các chất nạo vét ở cảng sông, biển là nguồn tài nguyên, cần phải tận dụng và sử dụng có hiệu quả. Nếu mà ta không gấp rút nghiên cứu, đề xuất các phương án sử dụng hiệu quả các chất thải nạo, vét về kinh tế, an toàn về môi trường, an tâm về lòng dân, thì tương lai bộ TNMT còn phải cấp phép dài dài cho việc “nhấn chìm” các chất bùn, cát do nạo vét.   
Các bùn cát nạo vét làm cầu cảng thì các nước trên thế giới thường xử lý như thế nào, thưa ông?
Thông thường nó được bán cho những nơi cần. Thứ hai, nó có thể dùng để cải tạo mặt bằng xung quanh vùng đấy khi bản chất vật liệu như nhau. Và ba là, có một số quốc gia dùng để lấn biển, xây đảo nhân tạo…
Theo ông, liệu còn phương án nào khác hơn không thay vì đổ bùn cát thải xuống biển gần Hòn Cau?   
Tôi suy nghĩ nhiều về tuyên bố của Thủ Tướng: không phát triển bằng bất cứ giá nào!
Cám ơn ông!

Sơ đồ dự kiến "nhấn chìm" 1 triệu m3 bùn gần Hòn Cau. Ảnh: Plo.vn
Trong tin báo chí mà bộ TNMT phát hành mới đây, nhiều quy định cụ thể về nhận chìm ở biển, về danh mục vật, chất nhận chìm ở biển trong Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo (có hiệu lực tháng 7.2016) được dẫn ra như là một cơ sở quyết định choviệc cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Vật, chất được phép nhận chìm có khối lượng là 918.533 m, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Thành phần vật, chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
Thông tin báo chí của bộ TNMT cho hay, theo sở TNMT tỉnh Bình Thuận, vật, chất được phép nhận chìm không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì cần phải có diện tích lớn, trong khi địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để lưu giữ, xử lý; đồng thời sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận.
Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 08 km, nằm trong diện tích 300 ha đã được UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm, và xác định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ trưởng bộ TNMT phê duyệt năm 2014.
Cũng theo bộ TNMT, Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép có 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, một số hội nghề nghiệp liên quan, Ban Quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận và đại diện các bộ, ngành liên quan. Kết quả, đa số các thành viên Hội đồng yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo các ý kiến góp ý để xem xét cấp giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Được biết, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tỉnh Bình Thuận là một trong 5 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm điện lực tỉnh Bình Thuận (với tổng quy mô công suất lắp đặt khoảng 6.180 MW), khi hoàn thành đầu tư xây dựng sẽ là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước. 

Lê Quỳnh (thực hiện)

No comments:

Post a Comment