Tại sao người Việt không hoà giải được?
Đọc bài "Câu chuyện hoà giải" (1) tác giả nêu một câu hỏi mà ai cũng từng hỏi: Trong khi chính quyền VN đã hoà giải với Mĩ, với Tàu, nhưng tại sao hai cộng đồng người Việt ở nước ngoài và trong nước vẫn không hoà giải được với nhau. Theo tác giả này thì tại vì người Việt cực đoan nên không hoà giải được với nhau. Tôi thì thấy lí giải này không thuyết phục; cái lí do hiển nhiên và sờ sờ ra đó nhưng hình như tư duy của tác chưa đủ thoát ra khỏi nó để nhìn nhận sự thật. Tôi sẽ nói thay vậy ...
Trước hết, cần phải hiểu rõ chữ "hoà giải" để tránh tình trạng hiểu lầm. Tôi hiểu chữ hoà giải theo nghĩa tiếng Anh là reconciliation, có nghĩa là hoá giải thù hận và xung đột để sống chung với nhau, tương kính lẫn nhau. Người Úc muốn hoà giải với người thổ dân, nên chính quyền đa số là người da trắng phải tôn trọng văn hoá, công nhận những di sản của họ, và giúp đỡ người thổ dân. Hiểu theo nghĩa này thì chúng ta sẽ thấy cộng đồng dân tộc Việt chưa thể hoà giải được.
Vấn đề là tại sao chính quyền sẵn sàng hoà hợp với Mĩ và Tàu, mà không hoà giải với người Việt ở nước ngoài hay "phe bên kia". Tôi nghĩ chính quyền sẵn sàng xin làm hoà với Mĩ, vì họ cần Mĩ (và Mĩ thì chẳng cần gì đến Việt Nam). Đối với Mĩ, tôi đoán là nếu làm bạn được với Việt Nam thì tốt, còn nếu không thì họ cũng chẳng có thiệt hại gì. Nhưng Việt Nam thì cần Mĩ để phát triển, nên nhu cầu làm hoà với Mĩ là có thật. Còn chính quyền làm hoà với Tàu thì quá hiển nhiên, vì cần một nơi để nương tựa và duy trì chế độ.
Thật ra, bề ngoài thì chính quyền cũng có nỗ lực hoà giải dân tộc, nhưng trong thâm tâm họ thật sự nghĩ hoà giải hay không thì chỉ có họ mới biết. Trong thực tế thì qua cách diễn đạt trên báo chí và qua chính phát biểu của các quan chức cao cấp, chúng ta phải nghiêng về giả thuyết là không có thật tâm hoà giải.
Làm sao hoà giải được khi một bên là chính quyền (và qua báo chí) suốt ngày, từ 40 năm qua, vẫn gọi người miền Nam là "nguỵ", là "phản động". Đó chẳng những là một biểu hiện của sự thiếu tương kính, mà còn là một xúc phạm nặng nề. Nói chuyện hoà giải bằng loại ngôn ngữ đó thì tốt nhất là quên đi khái niệm hoà giải.
Làm sao hoà giải được khi mà một bên lên giọng nói về điều đó như là một sự ban phát ân huệ, thậm chí "tha thứ". Đã nói theo giọng điệu đó thì trong đầu vẫn còn thù hận và tự cho mình là có chân lí. Chắc chắn những người "phe bên kia" không chấp nhận điều đó. Đừng nghĩ rằng người Mĩ đồng ý hoà giải với chính quyền VN có nghĩa là họ chấp nhận can thiệp của họ vào VN là sai. Lầm to! Ấy thế mà người viết bài này (1) lại có suy nghĩ kiểu đó!
Làm sao hoà giải được khi mà những người lấy nhà cửa người ta, chiếm chỗ của người ta, tống khứ người ta đi, rồi lại chìa tay ra nói với nạn nhân: "Tôi tha thứ cho anh, mình bỏ qua nhé." Hoà giải như thế là hoà giải đểu, ai mà chấp nhận được. Do đó, không ngạc nhiên khi những người HO ở Mĩ rất dửng dưng và lãnh đạm trước lời kêu gọi hoà giải dân tộc của chính quyền.
Chỉ có những người có suy nghĩ sáng suốt và thuyết phục như Vũ Minh Khương (2) thì mới có cơ may hoà giải.
======
Sai lầm khi "coi thường" thành quả VNCH
Việt Nam đã để mất cơ hội trở thành một cường quốc sau năm 1975 do coi thường các thành quả trong chính sách của Việt Nam Cộng hòa. Nhận định trên được Tiến sỹ Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 25/4.
Cũng theo ông Khương, chính thái độ này đã khiến cho Việt Nam "tổn thất một nguồn lực rất lớn", không khai thác được ý chí dân tộc và "tình cảm giữa người dân hai miền".
Cũng theo ông Khương, chính thái độ này đã khiến cho Việt Nam "tổn thất một nguồn lực rất lớn", không khai thác được ý chí dân tộc và "tình cảm giữa người dân hai miền".
BBC: Ông đánh giá thế nào về các chính sách kinh tế của miền Nam trước năm 1975?
Ông Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ chính quyền miền Nam trước đây đã có những nỗ lực rất lớn trong phát triển kinh tế, dù trong hoàn cảnh chiến tranh rất ác liệt và tâm trí của họ không dành được nhiều cho vấn đề này.
Việc hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế và hỗ trợ kinh tế nội địa, theo tôi là những điểm sáng.
Tôi thì không được chứng kiến trực tiếp việc họ thực thi chính sách như thế nào, nhưng sau năm 75, tôi vào làm việc ở TP.HCM thì thấy trình độ quản lý của các cơ sở tiếp quản từ doanh nghiệp miền Nam rất tốt, kể cả từ mặt thiết bị, tính chuyên nghiệp, sổ sách, tính quy hoạch.
Rõ ràng là có dấu ấn của nỗ lực khá tốt trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường có hiệu quả.
BBC: Sau năm 1975 thì thái độ học hỏi những chính sách, thành quả kinh tế của miền Nam thời bấy giờ từ phía 'thắng cuộc' là thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Minh Khương: Tôi thấy trong bối cảnh của miền Nam mới giải phóng thì ý thức học hỏi của Việt Nam rất hạn chế vì tâm lý là người chiến thắng. Khi đó miền Bắc nhìn nhận mọi vấn đề ở miền Nam một cách rất coi thường, đánh giá thấp, không trân trọng những gì họ đã làm được.
Đó là một não trạng mà đến nay chúng ta phải rút kinh nghiệm rất là nhiều.
Cái thứ hai là lòng thôi thúc để xây dựng một đất nước hùng cường chưa rõ, vẫn còn bị ảnh hưởng vì chiến thắng.
Cái thứ hai là lòng thôi thúc để xây dựng một đất nước hùng cường chưa rõ, vẫn còn bị ảnh hưởng vì chiến thắng.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nghĩ rằng vì mình là đồng minh của Liên Xô, cứ học hỏi Liên Xô, là có thể trở thành một quốc gia XHCN thành công rồi. Nỗ lực học hỏi tinh hoa của thế giới còn rất hạn chế.
BBC: Nếu như những người tiếp quản miền Nam nghiêm túc nghiên cứu về những chính sách cũ để từ đó chắt lọc và tiếp tục áp dụng thì theo ông điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt gì?
Ông Vũ Minh Khương: Tôi cho rằng điều đó sẽ tạo nên sự thần kỳ. Tất cả chúng ta phải thấy xót xa, khắc khoải vì mất đi một thời cơ quý giá vô cùng như thế.
Giá như với ý thức cao, chúng ta có thể tiếp thu những gì ở miền Nam, cái gì dở thì sửa chữa, cái gì tốt thì học hỏi và đặt câu hỏi vì sao họ làm được như thế.
Tôi từng làm việc ở một trung tâm tính toán và thấy tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ ở đó rất cao. Họ tận tình chỉ bảo nhau rất kĩ càng mà tôi là người mới vào, được chỉ dẫn rất rõ.
Hệ thống IBM hiện đại lúc đó còn để lại, duy trì hàng chục năm mà vẫn còn giúp cho miền Bắc rất nhiều, từ xây dựng Thủy điện Sông Đà, tới tuyển sinh và quản lý hoàn toàn hệ thống điện lực ở miền Nam, rất hiệu quả.
Cũng không hề có tham nhũng tiêu cực ở đó, tính chuyên nghiệp rất cao. Đồng lương thì khiêm nhường thôi, nhưng anh em làm việc ở đó gắn bó tình cảm lắm. Sau này thì mọi người ly tán, mỗi người đi một nơi, xuất cảnh ra nước ngoài.
Sau này nghĩ lại tôi thấy chúng ta rõ ràng đã làm tổn thất một nguồn lực rất lớn, từ ý chí dân tộc đến tính chuyên nghiệp đã được đào tạo ở chế độ cũ, cũng như tình cảm gắn bó giữa người dân hai miền.
BBC: Từ góc độ của một nhà quan sát, ông có cho rằng đã có sự thay đổi từ phía các nhà làm chính sách trong cách nhìn nhận, nghiên cứu những kinh nghiệm của miền Nam ngày trước chưa?
Ông Vũ Minh Khương: Khi nói về năng lực học hỏi thì thường người ta nhìn ở ba khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là khả năng tiếp thu có tốt hay không, thứ hai là sự khát khao để học hỏi cái mới, và thứ ba là cơ chế khuyến khích, tức là người chịu khó học hỏi vươn lên có được tưởng thưởng hay không.
Ở Việt Nam thì tôi thấy hạn chế nhất là lòng thôi thúc chưa được cao. Thứ hai là cơ chế tưởng thưởng người khát khao học hỏi cũng hạn chế.
Học ở chế độ cũ là một việc, học từ toàn thế giới lại càng quan trọng hơn.
Cán bộ của mình khả năng tiếp thu không yếu. Những anh em cán bộ từ Bắc chuyển vào Nam làm quản lý sau 75 thì cũng cố gắng tiếp thu những cái cũ khá nhiều.
Cán bộ của mình khả năng tiếp thu không yếu. Những anh em cán bộ từ Bắc chuyển vào Nam làm quản lý sau 75 thì cũng cố gắng tiếp thu những cái cũ khá nhiều.
Nếu có cơ chế khuyến khích họ mạnh mẽ khai thác những cái hay của chế độ cũ, bên cạnh đó có những nỗ lực vươn lên, thì tôi cho rằng Việt Nam có thể đạt dược những thành quả lớn hơn nhiều.
No comments:
Post a Comment