Monday, November 3, 2014

Chuyện khó tin trong văn học: con đấu tố cha thời nay

Chuyện khó tin trong văn học: con đấu tố cha thời nay

Nguyễn Văn Tuấn 
30-09-2014

Chúng ta biết rằng trong “Cải cách ruộng đất” con đấu tố cha mẹ đã xảy ra, làm đảo lộn đạo lí gia đình xã hội. Người miền Nam đọc chuyện con đấu tố cha mẹ trong Cải cách ruộng đất thấy quá kinh khủng và thấy mình còn may mắn. Nhưng chưa chắc! Tuần vừa qua giới văn nghệ xôn xao chuyện ông Đoàn Thế Phúc đấu tố cha mình là Nhà văn Võ Phiến (1). Đấu tố ngay trên báo chí trong nước. Chuyện thật khó tin nhưng có thật.
Nhà văn Võ Phiến (tên thật là Đoàn Thế Nhơn), năm nay đã 89 tuổi, là một tên tuổi lớn trong văn đàn. Ông quê quán ở Phù Mĩ (Bình Định), tức là quê ngoại tôi. Tính ra, ông là bà con với Dượng Út tôi (cũng họ Đoàn), người theo ba má ông vào định cư ở Kiên Giang thời xa xưa. Ông từng theo Việt Minh, nhưng sau này thì bỏ Việt Minh vào thành. Ông nhạc phụ tôi biết Võ Phiến khá rõ vì hai người từng phục vụ cùng một cơ quan thông tin trong thời Việt Minh. Ông nhạc tôi rất khen văn tài của Võ Phiến. Ông nhạc tôi cho biết thời đó khi ông Võ Phiến quyết định bỏ trốn Việt Minh, ai cũng tiếc vì ông là người có tài. Mà, đúng là có tài, vì khi vào Sài Gòn ông trở thành nhà văn nổi tiếng ở miền Nam. Lúc ra hải ngoại ông vẫn âm thầm sáng tác và đóng góp cho văn học.
Ông là một trong những nhà văn tôi mến mộ qua những tác phẩm đồ sộ của ông. Tôi có trọn bộ “Văn học miền Nam” (6 cuốn) do ông soạn sau khi định cư ở Mĩ. Đó là một công trình để đời. Đó là công trình đáng lẽ thế hệ sau này nên khai thác và nghiên cứu thêm, vì sau 1975 chính quyền mới đã đốt sách hay xóa bỏ quá nhiều tác phẩm có giá trị thời trước 1975. Công việc của Võ Phiến đáng quí ở chỗ đó : ông chắt chiu, chọn lọc và bình kí những tác phẩm nổi tiếng ở miền Nam thời xưa mà bây giờ ít ai biết đến.
Theo tôi biết, sau 1975 những tác phẩm của Võ Phiến bị cấm phát hành. Mãi đến năm 2012 hay 2013 mới có nhà xuất bản giới thiệu 2 cuốn sách cho bạn đọc trong nước (thật ra là sách in trước 1975). Nhưng nhà xuất bản không dám đề tên Võ Phiến, mà chỉ đề tên tác giả “Tràng Thiên” lạ hoắc.
Tưởng rằng những tác phẩm của ông dần dần sẽ về “cố hương”, ai dè ông con của ông là Đoàn Thế Phúc (bút danh Thu Tứ) “phang” một bài chỉ trích ông một cách tán tận. Bài “Trường hợp Võ Phiến” được đăng trên báo Văn nghệ. Bài viết dùng một loại “văn chương đấu tố” mà chúng ta hay thấy trong thời Cải cách ruộng đất. Ông Thu Tứ viết rằng cha ông là một người chống cộng cực đoan (“nhà văn Võ Phiến đã chống cộng cực đoan hơn là những người cộng sản Việt Nam ứng dụng chủ nghĩa cộng sản”), một người có lập trường chính trị chông chênh, một kẻ “yêu nước tự ti”. Ông kết luận về sự nghiệp của cha mình rằng “Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc”.
Thoạt đầu đọc bài này tôi nghĩ ai đó trùng tên, chứ không thể nào con mà đấu tố cha như thế. Nhất là con là một người có học thức đàng hoàng, từng được đi du học ở Mĩ và có sự nghiệp ổn định. Nhưng quả thật, Thu Tứ chính là con của Nhà văn Võ Phiến. Không ai hiểu nổi tại sao con mà đấu tố cha thậm tệ như thế. Có phải là một bài viết được đặt hàng, hay tự nguyện. Dù là đặt hàng hay tự nguyện thì vẫn là một vết nhơ khó rửa sạch. Nhà văn Lê Tất Điều (aka Kiều Phong), một văn hữu của Võ Phiến, mới có một bài trả lời đích đáng đứa con ngỗ nghịch, và chỉ ra những cái sai của Thu Tứ (2). Lê Tất Điều viết một câu chí lí :
“Bài viết của cháu không thuyết phục được ai, như con dao cùn, người bị đâm không thấy đau, chỉ tức cười. Nhưng vị thế hiện nay của cháu – con trai nhà văn Võ Phiến, được ủy quyền quản thủ gia tài văn chương – cho phép cháu tha hồ phá hoại. […] Do đó, qua điện thoại, chú đã yêu cầu mẹ cháu giúp bố làm thủ tục truất quyền “thừa hưởng và quản thủ tài sản văn chương Võ Phiến” của cháu. Nếu vì thương con, bà không chịu làm việc ấy, chú sẽ đoạn giao. Dù rất thương kính ông bà, chú không thể ngồi yên chứng kiến cảnh một tên công an văn hóa được ông bà dung dưỡng, che chở, tiếp tục tàn phá, hủy diệt những di sản tinh thần quý giá của dân tộc”.
Xin nói thêm Nhà văn Lê Tất Điều là người có sách được trao giải “Sách Hay” năm 2013. Chưa thấy Thu Tứ lên tiếng. Cũng chưa thấy Nhà văn Võ Phiến nói gì.
Nghĩ lại thấy tiếc cho những văn nghệ sĩ có tài ở miền Nam trước 1975. Những tác phẩm của họ bị cấm đoán, vùi dập, thậm chí bị đốt, trong một thời gian dài. Nhạc sĩ Phạm Duy, một cây đại thụ trong âm nhạc với hàng ngàn sáng tác, vậy mà đến ngày ông chết cũng chỉ ra mắt khán giả độ 100 bài. Đó là chưa kể đến những dèm pha và chỉ trích ông phải hứng chịu suốt thời gian về sống ở Việt Nam. Điều khôi hài là có người thậm chí viết bài tố cáo rằng ca khúc “Mùa thu chết” (ông phổ thơ Apollinaire) là nói xấu Cách mạng Tháng Tám! Ngớ ngẩn đến như thế mà được đăng báo! Võ Phiến cũng giống như Phạm Duy trong văn học, tức là một cây đại thụ với gia tài sáng tác đồ sộ, nhưng ông không may mắn như Phạm Duy. Mãi đến những năm cuối đời, tác phẩm của ông mới được rón réng tái ra mắt đồng hương. Nhưng chưa chi thì lại gặp những “sự cố” bẩn thỉu như trường hợp Thu Tứ tố cáo cha mình. Con đường qui cố hương của các tác phẩm trước 1975 ở miền Nam xem ra còn khá gập ghềnh.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
29/09/201

No comments:

Post a Comment