Thursday, October 31, 2013

ĐIỆN HẠT NHÂN: NGA - VIỆT CÓ HAY KHÔNG VĂN HÓA TRÁCH NHIỆM? CÂU TRẢ LỜI LÀ "KHÔNG"


https://sites.google.com/site/networksavevietnamsnature/5-bai-vo-lien-he/5-1-nang-luong-hat-nhan
http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/10/van-hoa-trach-nhiem-ky-1.html

Văn hoá trách nhiệm (Kỳ 1)


Cách hành xử của chính phủ Nga và Rosatom: trường hợp Oyzorsk-Mayak-Kyshtym
Thục-Quyên
 
Bài thu thập các tài liệu quốc tế về chính sách cư xử của chính phủ Nga và tập đoàn Rosatom liên quan đến công nghệ hạt nhân trong những thập niên qua. Đây là một cố gắng thông tin cần thiết cho người dân Việt ý thức hiểm hoạ đang tiếp tục hình thành tại Ninh Thuận và còn là một đóng góp để đặt vấn đề với lương tâm và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Tháng 5 năm 2010, tập đoàn Nga Rosatom được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân I Ninh Thuận, với cam kết lâu dài sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, đồng thời xây dựng một chương trình quốc gia về vấn đề này. Trước đó Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam,ông Kotun Andrei Grigorievich, đã khẳng định trong buổi hội thảo “Năng lượng nguyên tử và sự đón nhận của xã hội”“ ngày 13 và 14/ 04/2010, rằng phía Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I. (1)
Chính phủ Nga và Rosatom là một
Kế thừa Bộ Kỹ thuật và Công nghiệp Hạt nhân trước đây của Liên Xô (chịu trách nhiệm nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl), Bộ Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga hay MinAtom, được thành lập ngày 29/1/1992 sau khi Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết tan rã (25/12/1991). Sau này Bộ Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga được tái cấu trúc thành Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang vào ngày 9/3/2004. Tháng 11 năm 2007, theo đạo luật của Nghị viện Nga và được Tổng thống Nga Putin ký vào đầu tháng 12, cơ quan này chuyển thành tập đoàn nhà nước “Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga” – ROSATOM.(2)
Vì là một tập đoàn nhà nước, Rosatom không phụ thuộc vào thẩm quyền kiểm soát của Tổng Kiểm Toán Nhà Nước Nga (Russian Auditor General). Ngành truyền thông Nga và quốc tế mô tả sự tiếp cận tin tức về Rosatom của họ cho tới nay là “gần như con số không”.
 
Trường hợp I Oyzorsk-Mayak-Kyshtym
 
Thảm hoạ cấp độ 6 được giấu kín trong thời gian dài nhất lịch sử công nghệ hạt nhân Oyzorsk là một thành phố Nga trong vùng Chelyabinsk Oblast, nằm bên hồ Irtjasch, được thành lập bao quanh trung tâm hạt nhân Mayak trong bối cảnh chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô vào năm 1945, cho hàng ngàn nhà khoa học, kỹ sư và nhân viên làm việc cư ngụ cùng gia đình họ. Được bao quanh bởi các hàng rào điện và hệ thống canh gác, Oyzorsk không có mặt trên bản đồ Liên Xô, không được nêu danh và chỉ được nhắc tới bằng mật mã bưu điện Chelyabinsk-40 sau đó đổi thành Chelyabinsk-65.
Khi thảm hoạ hạt nhân tại nhà máy Mayak xảy ra và có sự xôn xao trong vùng, cơ quan Hạt nhân Liên Xô chuyển hướng sự chú ý của công chúng đến một thành phố gần Oyzorsk nơi họ loan báo một nhà máy điện thông thường đã phát nổ: từ đó mới có tên thảm hoạ Kyshtym. (3) Mãi sau năm 2001, thành phố mới được xuất hiện bằng chính danh Oyzorsk (Osjorsk, nghĩa đen là “Thành phố trên hồ”).
Mayak (Majak) và vùng phụ cận (nguồn Wikipedia http://de.wikipedia.org/wiki/Kerntechnische_Anlage_Majak)
clip_image002

clip_image004

Trong thời Xô Viết, chỉ cách Oyzorsk vài cây số là trại cải tạo lao động Gulag Kuznetsk, thành lập tháng 10 năm 1946 và tồn tại ít nhất đến năm 1960. Con số người bị bắt giam cùng lúc tại đây lên tới 20.400 và theo một tài liệu của CIA, với thời gian, tổng số 70.000 tù nhân đã bị cưỡng bức lao động trong việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, cũng như trong các ngành công nghiệp khác nhau cho các công trình xây dựng liên quan đến các dự án hạt nhân nhà nước.(4)
Trong vùng cấm của nhà máy hạt nhân Mayak (Маяк = ngọn hải đăng), ngày 19 tháng 6 năm 1948 lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô đã đi vào hoạt động. Ban đầu, chất thải phóng xạ đổ thẳng vào một con sông gần đó, chảy theo nước sông Ob để ra Bắc Băng Dương. Từ năm 1951 hồ nhân tạo Karachai được sử dụng làm hồ lưu trữ chất thải phóng xạ lộ thiên.
Sự cố ngày 29 Tháng 9 năm 1957, một trong những tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử của công nghệ hạt nhân, đã xảy ra khi hệ thống hạ nhiệt của một thùng chứa chất thải phóng xạ lỏng bị hỏng và không được sửa chữa. Nhiệt độ trong thùng tăng, gây hiện tượng bốc hơi và sức ép ném nắp bê tông nặng 160 tấn vào không khí, tung ra một lượng phóng xạ ước tính khoảng 800 PBq (1 Petabecquerel=1015 Bq), ô nhiễm dòng sông Techa, và trong vòng 11 tiếng đồng hồ tiếp theo, đám mây bụi phóng xạ toả rộng tới khoảng 350 cây số cách Mayak, ô nhiễm một diện tích từ 800 tới 20.000 cây số vuông (tuỳ thuộc mức độ ô nhiễm).
Theo sự mô tả của các nhân chứng,vụ nổ được ghi nhận như một vùng cực sáng có thể nhìn thấy cách nơi xảy ra hàng trăm dặm và được báo chí thời đó giải thích như là sét hoặc là hiện tượng bắc cực quang. Trong các ấn phẩm sau này của Zhores Medvedev, sự cố được mô tả như “sự bùng nổ của một núi lửa”. Nhưng vì phóng xạ là một hiểm hoạ không màu, không mùi, không vị, không biên giới, cho mọi loài và kéo dài cho nhiều thế hệ. Đối diện với nó, con người vì không thấy, không ngửi không nếm, không sờ mó được nên bất lực, không đánh giá được chính xác tầm nguy hiểm của kẻ thù để biết nể sợ (5)... và rò rỉ phóng xạ rất dễ bị ém nhẹm, và càng dễ hơn trong những nước không có tự do dân chủ.
Sự ô nhiễm sau thảm hoạ Mayak tuy nặng nề nhưng giới hạn trong lãnh thổ Nga (vùng Urals) sau bức Màn Sắt thời đó, nên giới khoa học Âu Mỹ đã không phát hiện được như thảm hoạ Chernobyl cấp độ 7 (ô nhiễm bụi phóng xạ từ Chernobyl do trung tâm hạt nhân Thụy Điển Forsmark/Stockholm phát hiện và báo động).
Một tuần lễ sau, ngày 6/10/1957 chương trình sơ tán 10.000 người từ 22 làng trong khu vực bị ảnh hưởng bắt đầu và kéo dài suốt 2 năm, trong khi lý do thực thụ tại sao cần sơ tán vẫn không hề được nhắc tới.
Sự bưng bít hoàn hảo kéo dài 19 năm
Tuy tháng 4/1958 giới báo chí Tây phương có loan tin mơ hồ về “một tai nạn thảm khốc” gây ra “tăng lượng bụi phóng xạ tại Liên Xô và các vùng lân cận” nhưng mãi tới năm 1976, tính chất và mức độ của thảm hoạ mới được trình bày bởi nhà báo Liên Xô và bất đồng chính kiến ​​Zhores Aleksandrovich Medvedev trong tờ báo New Scientist 1976 cho công chúng phương Tây. Vì một chi tiết trong bài có sai lầm, Medvedev bị các nhóm công nghiệp hạt nhân Tây phương chế riễu nhưng cốt lõi của bài đã sớm được xác nhận bởi Giáo sư Leo Tumerman, cựu giám đốc của Phòng thí nghiệm sinh vật lý tại Viện Sinh học phân tử Moscow (Biophysics Laboratory at the Institute of Molecular Biology in Moscow). Zhores Medvedev là một nhà sinh hoá học Nga, vì viết sách kết án thuyết của Lyssenko là che giấu thực tế khoa học để hỗ trợ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Stalin, đã bị nhốt vào bệnh viện tâm thần. Nhờ sự phản đối mãnh liệt của các khoa học gia và các văn sĩ Nga nổi tiếng thời đó, Medevev được thả và năm 1973 bị truất quyền công dân trong khi đang cùng gia đình tham dự một cuộc hội thảo khoa học tại London. Ông ở lại đây và làm việc tại Viện nghiên cứu Y khoa quốc gia Anh Quốc (National Institute for Medical Research).
Mãi tới tháng 6 năm 1989, trong bối cảnh của Glasnost và Perestroika dưới thời Gorbatschov, phó thủ tướng Lev Rjabev mới chính thức tuyên bố xác nhận và giải mã một số tài liệu về thảm hoạ xảy ra 19 năm trước tại Mayak. Tuy nhiên Trung tâm Hạt nhân Mayak vẫn tiếp tục hoạt động cho tới ngày hôm nay, sau 8 tai nạn hạt nhân quan trọng bị phát hiện: (6)
Ngày 15/03/1953 cấp độ 3
Ngày 21/04/1957 cấp độ 4
Ngày 29/09/1957 cấp độ 6
Ngày 02/01/1958 cấp độ 4
Ngày 05/12/1960 cấp độ 3
Ngày 07/09/1962 cấp độ 3
Ngày 16/12/1965 cấp độ 3
Ngày 10/12/1968 cấp độ 4
(ngoài ra còn rất nhiều những tai nạn như trong khi chuyên chở chất thải, thí dụ tháng 6/2007, tháng 10/2007. Con số những tai biến bị ém nhẹm thì không thể lường được).
 
Sáu mươi năm phạm pháp
Cho tới nay, quyền truy cập tin tức liên quan tới Trung tâm Mayak và thành phố Oyzorsk vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.
Nguồn tin nhà nước Nga cho biết đã có một thay đổi cơ bản trong vòng 20 năm sau này tại Mayak: cho tới năm 1990, 5 lò phản ứng sản xuất plutonium (dùng để chế tạo bom nguyên tử) đã lần lượt ngưng hoạt động. Từ con số 25.000 nhân viên, công ty chỉ còn khoảng 14.000 và phần sản xuất cho những mục địch quân sự chỉ còn giới hạn. Những mục đích nào thì không được nhắc tới.
Chính thức, Mayak được coi là một trong 3 trung tâm lớn nhất trên thế giới chuyên xử lý và bảo quản chất thải hạt nhân. Xử lý và bảo quản chất thải hạt nhân có nghĩa là dùng phương pháp ngâm tan những nhiên liệu đã qua sử dụng trong những chất axit, lọc ra một dạng plutonium và uran để tái xử dụng, trong khi dung dịch nhiễm xạ nguy hiểm còn dư lại được cất chứa tạm bằng cách nào đó. Lẽ dĩ nhiên sự lưu trữ này luôn luôn có một tiềm năng tai nạn rất cao.
Thí dụ năm 2010 trước những diễn biến phức tạp của nạn cháy rừng do nóng hạn bất thường, Tổng thống Nga lúc đó, D. Medvedev, đã hốt hoảng ra sắc lệnh đặt thành phố Oyzorsk vào tình trạng khẩn cấp, cấm ra vào các rừng và công viên thành phố và cách chức những quan chức lâm nghiệp đi nghỉ hè trong khi nạn cháy rừng đang hoành hành. Vì tính chất độc hại và quá nguy hiểm của loại trung tâm này, trong những năm 80 tổng thống Jimmy Carter đã ra quyết định Mỹ sẽ không đi vào con đường này. Tại Đức, vì sự chống đối quyết liệt của dân chúng, chương trình xây cất một trung tâm xử lý chất thải tại Wackersdorf bị bỏ dở năm 1989 mặc dù tổn phí đã lên tới 10 tỷ Đức Mã.
Năm 2005 nhóm Ecodefense đã thực hiện được một bước tiến vô tiền khoáng hậu là được toà án Chelyabinsk chấp thuận đơn kiện trung tâm Mayak vì lý do đổ chất thải phóng xạ xuống dòng sông Techa, gây nhiễm xạ nặng cho nước dùng của dân quanh vùng.
Phiên toà được xử kín và cảnh sát đã cấm ngặt dân chúng cũng như các nhóm bảo vệ môi sinh không được tụ tập gần toà án.
Cho tới tháng 2/2011 Rosatom vẫn đăng bài trên báo MK Chelyabinsk khăng khăng chối tội.
Nhưng đến cuối năm 2011, lần đầu tiên Ecodefense đã sở hữu được một tài liệu của toà án công nhận sự nhiễm xạ các vùng chung quanh cơ sở tái chế Mayak là kết quả của sự liên tục phế thải rác phóng xạ bừa bãi không chỉ từ nhiều chục năm mà không giảm thiểu cho tới nay. Trong tài liệu này một số các dữ kiện đã được đề cập tới như:
Từ năm 2001 đến năm 2004, khoảng 30.000.000-40.000.000 mét khối chất thải phóng xạ đã đổ vào sông Techa, gây ra ô nhiễm phóng xạ stronti-90 cho khu vực sống trực tiếp của khoảng 4.000 tới 5.000 cư dân. Các mẫu nước lấy gần làng Muslyumovo nếu so sánh theo bảng “Quy tắc vệ sinh quản lý chất thải phóng xạ” (Sanitary Rules of Management of Radioactive Waste, of 2002) thì hội đủ điều kiện để xếp loại như một chất thải phóng xạ lỏng”.
Tài liệu toà án cũng nhắc tới số tiền 5,5 tỷ Rúp (174,2 triệu Mỹ kim) Trung tâm Mayak đã nhận được phần lớn là do nhận xử lý chất thải phóng xạ cho nước ngoài, nhưng đã chỉ được sử dụng trong những việc không liên quan như tiền thưởng hay tiền cho vay, hay bảo trì một văn phòng đại diện tại Moscow, thay vì nâng cao tính an toàn những nơi quản lý và lưu trữ chất thải phóng xạ trong vùng. (7)
Trong thực tế, theo Igor Kudrik, một thành viên của hội bảo vệ môi sinh Bellona, vấn đề lớn nhất sẽ không phải là trung tâm Mayak không bị xét xử đúng luật. Vấn đề lớn nhất là không có một phương cách nào để có thể lấy phóng xạ ra khỏi nước và đồng bằng sông Techa. Sự ô nhiễm và độc hại sẽ tồn tại nhiều thế kỷ.
Cách hành xử vô trách nhiệm của chính phủ Nga và Rosatom đối với chính những công dân Nga
Cuộc tranh đấu đòi quyền sống của người dân Nga lên tới cao điểm vào tháng 5/2013, khi 120 nông dân từ các làng Muslyumovo, Brodokalmak, Russkaya Techa, và Nizhne-Petropavlovskoye, với sự ủng hộ của Greenpeace Nga, đã tụ họp để đại diện cho dân chúng của “vùng đất nhiễm xạ nặng nhất hành tinh”, lên tiếng đòi hỏi chính quyền phải đền bù, trả lại cho họ một cuộc sống có chất lượng không thấp hơn những gì họ đã có trước những tai nạn phóng xạ liên tiếp từ Trung tâm Mayak.
Chương trình di dân sau thảm hoạ Oyzorsk cấp độ 6 đã không xảy ra như Rosatom hứa hẹn. Vì những địa điểm mới vẫn nằm trong vùng bị ô nhiễm, từ đó có tin đồn chính phủ không thật tình muốn thực hiện chương trình này. Hàng năm, các bác sĩ chỉ đến làm những cuộc khám nghiệm sức khỏe rồi đi, không có chương trình y tế thường trực, tạo sự nghi ngờ người dân vùng Chelyabinsk bị cố tình giữ ở lại nơi đây như một loại vật thí nghiệm để đo lường ảnh hưởng của phóng xạ trên cơ thể con người. Đây không phải là một nghi ngờ hoàn toàn dựng đứng, vì trước đây cũng đã từng có chương trình đưa gia đình của các quân nhân Nga đến sinh sống theo thời gian dài ngắn khác nhau tại Semipalatinsk, nơi thử bom nguyên tử Xô viết tại Kazakhstan, để nghiên cứu. (8)
Theo tổ chức bảo vệ môi sinh Bellona, sự tắc trách của cả chính quyền liên bang lẫn chính quyền khu vực là một vi phạm nặng nề đối với quyền được sống trong một môi trường thuận lợi, cũng như sức khỏe và tài sản của người dân vùng Chelyabinsk, những quyền được bảo đảm bởi các Điều 27, 41, và Điều 42 của Hiến pháp Liên bang Nga cùng các công ước quốc tế theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 và Công ước châu Âu về quyền con người năm 1953.
Sự vắng mặt của các biện pháp đền bù thích hợp là do lỗi của cả các cơ quan liên bang cũng như khu vực. Và để có thể bồi thường tối thiểu những thiệt hại vật chất cũng như những đau khổ tinh thần của người dân, cần có một quyết định toà án dựa trên Luật dân sự, quy định trách nhiệm pháp lý nghiêm ngặt vào kẻ sở hữu nguồn gây độc hại, ngay cả trong trường hợp nạn nhân không có khả năng đưa ra những bằng chứng rõ ràng. Nghĩa là mọi trường hợp nạn nhân có quyền đứng đơn kiện, và Rosatom có bổn phận phải đền bù thiệt hại cho tất cả những người sống trong vùng bị ô nhiễm. Toà án cũng cần ra lệnh xử chính phủ khu vực Chelyabisnk và Bộ Y tế và Xã hội Liên Bang Nga có bổn phận phải khôi phục lại cơ sở hạ tầng xã hội cho vùng này.
Cho tới nay, tình trạng vẫn chưa khả quan hơn. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 trên đài truyền hình nhà nước, giám đốc trung tâm Mayak Sergei Baranov cho biết nước thải phóng xạ sẽ tiếp tục được giải quyết như hiện nay cho tới tối thiểu năm 2018, và hy vọng năm 2018 sẽ có phương pháp để lọc chất phóng xạ trước khi xả nước (?). Phương pháp hiện nay thì chưa có mà chất thải phóng xạ đã ô nhiễm nước và đồng bằng sông Techa, ô nhiễm những hồ Kyzyltash, Tatysh, Karachai và đã ngấm xuống nguồn nước ngầm.
Trong khi đó, vì tinh thần trách nhiệm và nhân đạo, cuối năm 2010, đứng trước sự tắc trách của Rosatom và thảm trạng của người dân Nga vùng Chelyabinsk, Bộ trưởng Môi trường Cộng hoà Liên bang Đức Norbert Röttgen đã phải quyết định ngưng chương trình đưa 951 bó nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sang Trung tâm Mayak xử lý, chiếu theo hợp đồng cam kết giữa Liên Xô và Cộng hoà Dân chủ Đức khi xưa. (9) Điều này cho thấy mọi cam kết vô trách nhiệm và vô nhân đạo sẽ không có giá trị.
Ngày 19/09/2013 để mong chặn đứng phong trào bảo vệ môi sinh đang lan rộng song song với ý thức dân chủ của người dân Nga, Moscow cho bắt 14 thành viên Greenpeace trong số 30 người đến từ 18 quốc gia khi họ đang có cuộc phản đối ô nhiễm tại Bắc Băng dương.
 
Còn tiếp:
Văn hoá trách nhiệm (Kỳ 2)
Cách hành xử của chính phủ Nga và Rosatom: Trường hợp Chernobyl
 
Thục Quyên
30/10/2013

Thursday, October 24, 2013

Bọn quan đảng csvn tham ăn không chừa thứ gì nói chi điện hạt nhân với số tiền nhiều chục tỷ USD


http://www.voatiengviet.com/content/cac-ke-hoach-dien-hat-nhan-cua-vietnam-co-qua-nhieu-tham-vong/1775919.html

Các kế hoạch điện hạt nhân của Việt Nam có quá nhiều tham vọng?

                  

Hôm 10 tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ký một hiệp định hợp tác dân sự với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Á châu Thái bình dương tại Brunei.
Hôm 10 tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ký một hiệp định hợp tác dân sự với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Á châu Thái bình dương tại Brunei.

Tin liên hệ

                                             

Thursday, October 17, 2013

Nam Hàn truy tố 100 tên tham nhũng vụ lò phản ứng hạt nhân, Việt Nam chắc phải truy tố ít nhất 100.000 tên quan đảng tham nhũng!!

http://www.voatiengviet.com/content/nam-trieu-tien-truy-to-mot-tram-nguoi-vu-tham-o-lo-phan-ung-hat-nhan/1767848.html

Nam Triều Tiên truy tố 100 người trong vụ án lò phản ứng hạt nhân

Nhân viên bên trong văn phòng của Công ty Điện hạt nhân và Thủy điện Hàn Quốc sau khi các công tố viên thu giữ các tài liệu và ổ đĩa cứng trong máy tính.
Nhân viên bên trong văn phòng của Công ty Điện hạt nhân và Thủy điện Hàn Quốc sau khi các công tố viên thu giữ các tài liệu và ổ đĩa cứng trong máy tính.
                                  
                                      

Bọn chóp bu đảng cộng sản Việt Nam và bọn lợi ích tư bản đỏ nhất quyết lao vào điện hạt nhân bất kể hậu quả diệt vong!!

http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/10/18/viet-nam-nhat-quyet-lam-dien-hat-nhan-bat-chap-quan-ngai-ve-an-toan/


Việt Nam xúc tiến tham vọng hạt nhân bất chấp quan ngại về an toàn

VOA Đài tiếng nói Hoa Kỳ
17-10-2013
1

Việt Nam xúc tiến chương trình năng lượng hạt nhân dân sự mang tính tham vọng nhất ở khu vực Đông Nam Á bất chấp các quan ngại về an toàn kỹ thuật sau thảm họa hạt nhân 2011 ở Nhật Bản, theo một bài phân tích của AP ngày 17/10.
Bài viết nói các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty quốc doanh Việt Nam đang cạnh tranh để bước chân vào ngành công nghiệp trị giá ước tính có thể lên đến 50 tỷ đô la vào năm 2030.
Các kế hoạch hạt nhân dân sự của Việt Nam tuần qua được thúc đẩy bởi thỏa thuận với Hoa Kỳ cho phép các công ty Mỹ phát triển năng lượng hạt nhân dân sự tại Việt Nam.
Một khi Tổng thống Mỹ và các giới chức năng lượng hàng đầu của Mỹ ký vào Thỏa thuận 123, Quốc hội Hoa Kỳ có 3 tháng để quyết định thông qua hay không.
Sau lễ ký thỏa thuận với Việt Nam hồi tuần trước tại Brunei, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói ở khu vực Đông Á, Việt Nam là thị trường lớn thứ nhì chỉ sau Trung Quốc về năng lượng hạt nhân.
Ngành điện lực Việt Nam bị thống trị bởi công ty điện lực quốc doanh và các chi nhánh hoạt động không hiệu quả và đầy nợ nần.
Việt Nam đang dự tính xây 7 nhà máy hạt nhân trong vài năm tới để đối phó với các khó khăn về năng lượng sau nhiều năm thiếu đầu tư.
Tuy nhiên, ngày khởi công xây dựng 2 nhà máy đầu tiên bị đình hoãn 3 năm, từ 2014 thành 2017, theo ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với AP mới đây.
Thảm họa hạt nhân ở Nhật cũng là một nguyên nhân làm trì hoãn các kế hoạch của Việt Nam.
Một cuộc nghiên cứu hồi năm 2011 do 3 khoa học gia thuộc các viện nghiên cứu của Italy thực hiện nói rằng đường duyên hải Việt Nam có nguy cơ dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt sóng thần do động đất gây ra xuất phát từ vùng viễn đông ở Biển Đông.
Cuộc nghiên cứu cho thấy Ninh Thuận, nơi Việt Nam dự tính xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, và một vài tỉnh lân cận nằm trong các vùng dễ bị tác hại nhất trước các ảnh hưởng của sóng biển.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nói Việt Nam cần phải có các nhà máy này để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng cho quốc gia vì các nguồn năng lượng khác không đủ. Ông Tấn khẳng định an toàn là ưu tiên hàng đầu và các nhà máy hạt nhân của Việt Nam sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, ngày 16/10 tuyên bố: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và có trách nhiệm, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân.”
Vẫn theo bài viết của AP, một lý do khiến Việt Nam không nao núng trong kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là vì chính phủ có thể xúc tiến mà không phải lo ngại về ý kiến quần chúng. Tại Việt Nam, đảng cộng sản kiểm soát tất cả truyền thông nội địa và cấm dân chỉ trích về các hoạt động của nhà nước.
Điều này trái ngược với các nước khác trong cùng khu vực như Malaysia, Indonesia, hay Philipines, nơi mà các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân dân sự bị trở ngại khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng.
Nguồn: AP, FOXnews, Vietnam MOFA.
——————————–

VN nhất quyết làm điện hạt nhân

BBC tiếng Việt
Cập nhật: 14:59 GMT – thứ năm, 17 tháng 10, 2013
3
Nhiều nước nghĩ lại về điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima
 
Việt Nam kiên quyết theo đuổi kế hoạch phát triển điện hạt nhân đầy tham vọng bất chấp lo ngại về độ an toàn của công nghệ sau thảm họa Fukushima hồi năm 2011.

Các công ty và chính phủ nước ngoài đang cạnh tranh để có chỗ đứng trong ngành công nghiệp có thể trị giá 50 tỷ đô la ở Việt Nam vào năm 2030, hãng tin Hoa Kỳ AP dẫn lời các quan chức Mỹ.
Tuần trước Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký thỏa thuận cho phép các công ty Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để phát triển năng lượng hạt nhân dân sự.
Sau khi Tổng thống Barack Obama và các quan chức phụ trách năng lượng Hoa Kỳ ký duyệt thỏa thuận mang tên “thỏa thuận 123″, Quốc hội sẽ có 90 ngày để đặt vấn đề về thỏa thuận hay để nó có hiệu lực.
Việt Nam có kế hoạch xây dựng bảy nhà máy điện hạt nhân trong các năm tới để giải quyết tình trạng thiếu điện do thiếu đầu tư và do giá điện thấp theo quy định.
“Việt Nam có thị trường lớn thứ hai ở Đông Á, sau Trung Quốc, và công ty của chúng ta giờ đã có thể tham gia cạnh tranh,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry được AP dẫn lời nói sau khi ký thỏa thuận với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ở Brunei trong tuần trước.
Mặc dù vậy, người đứng đầu cơ quan an toàn hạt nhân của Việt Nam, Vương Hữu Tấn nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng ngày khởi công cho hai nhà máy đầu tiên đã bị hoãn lại ba năm từ 2014 tới 2017.


 4

Hơn nữa, thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản hồi tháng Ba năm 2011 cũng gây lo ngại về các kế hoạch ở Việt Nam.
Một nghiên cứu hồi năm 2011 của ba nhà khoa học Ý nói tiền lệ lịch sử cho thấy bờ biển Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng thần do động đất xuất phát từ ngoài khơi Biển Đông gây ra.
Bản đồ mô phỏng của họ cho thấy Ninh Thuận, nơi được chọn để xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, và một số tỉnh lân cận dễ bị ảnh hưởng của sóng thần nhất.
Ông Tấn được dẫn lời nói Việt Nam đặt ưu tiên cao cho vấn đề an toàn và sẽ đảm bảo các nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi cần các nhà máy điện hạt nhân để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho đất nước.
“Các nguồn năng lượng khác không đủ.”

Không quan tâm dư luận

5

AP cho rằng một trong các lý do mà Việt Nam vẫn quyết tâm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ven biển có thể là họ không phải quan tới dư luận.
Đảng cộng sản kiểm soát truyền thông trong nước và cấm các thảo luận có tính chỉ trích đối với hoạt động của chính quyền.
AP dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Kevin Punzalan từ Philippines nói điều này trái ngược với Malaysia, Indonesia và Philippines, nơi người dân phản đối điện hạt nhân.
Việt Nam rất cần tới nguồn năng lượng mới do sản lượng thủy điện và nhiệt điện chạy than đang dần chững lại.
Nước này có thể phải nhập khẩu điện vào năm 2015 trong khi Ngân hàng Phát triển Á châu nói nhu cầu điện có thể tăng tới 14% một năm cho tới 2015 trước khi giảm xuống 11% từ đó tới năm 2020.
Việt Nam cũng kêu gọi tăng sản lượng điện cho tới năm 2030 nhưng các nhà phân tích nói ít nhà đầu tư muốn bỏ tiền vào ngành điện do nhà nước giữa giá điện dưới giá thị trường.
Trong lĩnh vực điện hạt nhân, các nhà đầu tư Nga và Nhật Bản dang dẫn đầu trong hai dự án ở Bình Thuận.
Các đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng đang bám sát.
Thỏa thuận mà Việt Nam mới ký với Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi Hà Nội mua nhiên liệu hạt nhân trên thị trường quốc tế thay vì tự làm giàu uranium.
Trả lời BBC tiếng Việt vào tháng trước, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn *, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) đã cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phung phí hàng chục, hàng trăm tỷ đôla mà không đem lợi ích gì cho đất nước.
“Nếu một thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước ta sẽ bị chia đôi lâu dài, du lịch, xuất khẩu, kinh tế sẽ bị tê liệt trong chớp nhoáng”, ông Nhẫn nói.
———-
* Xem thêm: - Điện hạt nhân tiếp tục bị chỉ trích nhân dự án Đà Lạt (RFI, 4/9/2013). - Tcherfunith – một tác phẩm xã hội mang tính hiện thực (RFA, 5/10/2013).

Monday, October 7, 2013

Nhật kêu gọi thế giới giúp xử lý rò rỉ phóng xạ

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhat-keu-goi-the-gioi-giup-xu-ly-ro-ri-phong-xa-20131007053048163.htm

Nhật kêu gọi thế giới giúp xử lý rò rỉ phóng xạ
Thứ Hai, 07/10/2013 17:30

(NLĐO) – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 6-10 lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước nhằm giải quyết tình trạng rò rỉ phóng xạ từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1


Tại một diễn đàn khoa học quốc tế về năng lượng và môi trường ở Kyoto, ông Abe  phát biểu rằng nước Nhật sẵn sàng đón nhận những kiến thức tiên tiến nhất từ các quốc gia khác để giải quyết sự cố trên.

Tuy nhiên, ông Abe không cho biết vụ rò rỉ có được kiểm soát hay chưa cũng như đề cập chi tiết về sự tham gia của nước ngoài vào công việc khắc phục sự cố.
 
Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi sự giúp đỡ từ nước ngoài về vấn đề rò rỉ phóng xạ. Ảnh: AP

Lời kêu gọi trên được đưa ra không lâu sau khi ông Abe trấn an  Ủy ban Olympic Quốc tế rằng tình trạng rò rỉ phóng xạ đã được kiểm soát. Dù vậy, nhiều người Nhật cho rằng ông đã che giấu vấn đề của nhà máy hạt nhân.

Trước đó vài ngày, công ty quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 thừa nhận nước nhiễm xạ từ một bể chứa đã rò rỉ ra ngoài. Ngoài ra, các quan chức Nhật cũng cho biết nước ngầm bị nhiễm phóng xạ đã đổ ra Thái Bình Dương không lâu sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011.

Nhật Bản cũng bị chỉ trích vì miễn cưỡng chấp nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài để giải quyết vấn đề của nhà máy - nơi tình trạng rò rỉ nước nhiễm xạ đang cản trở nỗ lực dỡ bỏ nhà máy này. Vào tháng 9, Bộ Công nghiệp và Thương mại đã bắt đầu tiếp nhận dự án đề xuất từ các công ty tư nhân và tổ chức nhằm giải quyết vấn đề nước nhiễm phóng xạ.

Nhật Bản gần đây còn thành lập một tổ chức gồm các chuyên gia về hạt nhân đến từ các nước như Anh Pháp, Nga để thảo luận sự cố trên.
Xuân Mai (Theo AP)

Saturday, October 5, 2013

Tác phảm về điện hạt nhân tại Ninh Thuận của Inrasara: Tcherfuntith:Tchernobyl - Fukushima - Ninh Thuận

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/inrasara-n-tcherfunith-book-nuclear-disaster-ml-10042013163119.html

Tcherfunith – một tác phẩm xã hội mang tính hiện thực
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-10-05
 
    
                
inra-sara-305.jpg
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học InraSara
Photo courtesy of inrasara.com



Trong không khí tranh cãi về việc nên hay không nên xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhiều luận cứ được đưa ra từ các nhà khoa học trong nước cũng như của chuyên gia Việt kiều từ nước ngoài gửi về phân tích, chứng minh rằng hiệu quả kinh tế của một nhà máy điện hạt nhân không đủ để bù đắp vào sự cố mà nó gây ra.

Hiểm họa được biết trước

Biến cố Chernobyl trước đây tại Nga và Fukushima hồi gần đây của Nhật đã làm không ít người hiểu được sức tàn phá ghê rợn khi một nhà máy điện nguyên tử gặp sự cố kỹ thuật. Bất kể do sơ sót của con người hay thiên tai mang lại, viễn cảnh một vụ nổ của nhà máy hạt nhân Ninh Thuận đã khiến cuộc tranh luận dần đi vào góc tối nhất của thảm họa không thể nào tránh khỏi nếu cứ khăng khăng thực hiện nhà máy này.
Cuộc tranh luận ấy tuy vẫn diễn ra nhưng sức thuyết phục của nó đối với cơ quan có quyền quyết định xem ra vẫn chưa tiến tới một lắng nghe nào. Báo chí quốc doanh vẫn đăng bài xác định lập trường xây dựng nhà máy trong khi mạng lưới Internet toàn cầu lại cho thấy sự chống đối vẫn rất quyết liệt của giới làm khoa học.
Còn văn nghệ sĩ thì sao? Liệu đề tài đang gây tranh cãi này có trở thành niềm cảm hứng cho nhà văn muốn thử nghiệm một tác phẩm xã hội mang tính hiện thực rõ rệt như vậy đang xảy ra trần trụi trên đất nước Việt Nam hay không?
Câu hỏi đã có lời giải khi mới đây, ông Inrasara, một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cũng là cây bút văn học phê bình lý luận đã hoàn thành tác phẩm viết về sự kiện này.
Ninh Thuận cũng là quê hương của nhà văn nên từ đó ông thẩm thấu nhiều hơn cái trăn trở của người trong cuộc trước hiểm họa biết trước này.
Tiểu thuyết mang tên Tcherfunith ra đời nhưng tác giả của nó không chắc rằng độc giả có thể đọc được nó hay không. Đã có ít nhất ba nhà xuất bản đọc tác phẩm, tuy thích thú và đánh giá rằng chắc chắn cuốn sách sẽ là best seller nhưng như thường lệ, đề tài được xem là nhạy cảm đã làm cho họ chùn tay không còn ý định xuất bản cuốn sách này nữa.
Để tìm hiểu thêm về cuốn sách chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara. Trước tiên ông cho biết lý do ông chọn cái tên rất khó đọc này “Tcherfunith”:
Chữ này là viết tắt từ 3 chữ Chernobyl, Fukushima với Ninh thuận tương lai. Tôi cảm nhận về hiểm họa đó và tôi đặt tên cho cuốn tiểu thuyết là Tcherfunith, đó là rút gọn lại từ 3 từ trên.
-Ô. Inrasara
Inrasara: Đây là một cuốn tiểu thuyết mà tôi có thể viết tắt từ 3 chữ. Đó là chữ Tcherfunith, chữ này là viết tắt từ 3 chữ Chernobyl, Fukushima với Ninh thuận tương lai. Tôi cảm nhận về hiểm họa đó và tôi đặt tên cho cuốn tiểu thuyết là Tcherfunith Đó là rút gọn lại từ 3 từ trên.
Mặc Lâm: Vâng, cách giải thích tên cuốn sách với hai địa danh lịch sử đã xảy ra và những hậu quả kinh hoàng của các nhà máy điện hạt nhân có lẽ sẽ gây ấn tượng rất lớn cho người đọc. Thưa anh, anh bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này vào lúc nào? Phải chăng là từ khi có dự định thành lập nhà máy điện hạt nhân hay là anh đã ấp ủ nó từ trước đó, thưa anh?
Inrasara: Ngay khi tôi biết tin là Ninh Thuận sắp được nhà nước làm dự án điện hạt nhân tôi cũng có ý định rồi. Sau đó trong hai năm, tôi đã thai nghén và đọc rất nhiều tài liệu về điện hạt nhân. Tài liệu của các chuyên gia trong nước và thế giới nói về điện hạt nhân. Sau khi Fukushima bị đổ vỡ và nó tạo một khủng hoảng rất là lớn cho người Nhật cũng như cho nhân loại. Tôi có thể nói chính mình là người tập trung hoàn toàn sức lực về chuyện này. Sau đó vào tháng tư, khi có trại sáng tác do Văn nghệ Quân đội tổ chức ở Tuy Hòa, tôi đã viết quyển tiểu thuyết này trong 14 ngày. Cứ mỗi ngày tôi viết một chương.
Mặc Lâm: Dạ thưa anh, ở nước ta vấn đề hạt nhân rất mới mẻ vì chưa có một nhà máy điện hạt nhân nào ở đất nước chúng ta được thành lập. Anh tìm hiểu những chi tiết, những vấn đề kỹ thuật cũng như mọi sự chung quanh nhà máy điện này chỉ thông qua tài liệu của ngoại quốc, như vậy liệu có phù hợp với một tác phẩm xã hội hiện thực, trong đó các thông số khoa học hay dữ liệu cần phải chính xác, thưa anh?
Inrasara: Sau khi Quốc hội bỏ phiếu tán thành xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, có rất nhiều ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước. Họ toàn là những chuyên gia hàng đầu của thế giới, tôi dựa vào những ý kiến đó và có nhận định riêng, có cách nhìn riêng về dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Đương nhiên khi cấu trúc một tác phẩm thì không thể dựa vào thực tiễn được. Tôi đưa ra một nhân vật khi nhà máy điện hạt nhân tiến hành làm thì ông ta ý thức được chuyện nguy hiểm và bắt đầu đào hầm để chống lại điện hạt nhân.
000_Was3839774-250b.jpg
Bức vẽ trên tường trong thành phố ma Pripyat gần lò phản ứng hạt nhân thứ tư tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cũ hôm 04/4/2011. AFP photo.

Có ba xu hướng trong xã hội Chăm. Một xu hướng là bỏ đi vào Sài Gòn hoặc bỏ đi đâu đó cho xa. Một xu hướng nữa là họ tin vào sự an toàn hoặc là họ giả vờ tin (mình không hiểu được nhưng cứ tạm cho là như thế). Xu hướng còn lại là không thể bỏ đi và cũng không tin vào sự an toàn của điện hạt nhân.
Có một câu trong quyển tiểu thuyết mang tính quyết định, đó là khi người phụ trách điện hạt nhân đến làng Chăm để gặp các trí thức Chăm họp hành, nhiều người có ý kiến này nọ lên tiếng chống đối rất nhiều nhưng có một nhân vật lại nói “Tôi không chống đối”. Khi ấy người ta rất là ngạc nhiên, tuy nhiên ông ta yêu cầu có một câu thôi, đó là:“Khi nó bị xì thì phải thông báo gấp cho chúng tôi.” Mọi người rất là ngạc nhiên và hỏi tại sao? “Tại vì tôi tin là chính phủ có thể giấu đi khi có sự cố bởi vì ngay cả Nga cũng giấu thông tin đó”.
Ông ta cũng nói, khi mà chính phủ đã quyết định rồi thì không thể thay đổi được và ông ta chỉ yêu cầu là khi có sự cố phải thông báo nhanh, gấp cho làng Chăm và từ đó ông bắt đầu công việc đào hầm để tránh thảm họa.
Nhân vật chính của tôi trong cuốn tiểu thuyết này là người đào hầm để trốn hạt nhân và chống hạt nhân. Ông tin là hầm này có thể giải quyết được vấn đề. Đương nhiên niềm tin của ông ta rất là mơ hồ và có thể nói là rất thê thảm, bi đát. Chính cái bi đát đó làm cho nhân vật này sống động và cuốn tiểu thuyết của tôi xây dựng chung quanh nhân vật này.

Nội dung nhạy cảm?

Mặc Lâm: Vâng, như vậy cuốn tiểu thuyết của anh xây dựng trong cộng đồng người Chăm không thôi hay là lan ra cả người Việt nữa, thưa anh?
Tác phẩm cũng rất hấp dẫn và viết với lối văn, lối cấu trúc tiểu thuyết rất là lạ nhưng vì lý do nhạy cảm nên chúng tôi không thể in được. Ba nhà xuất bản đã trả lời dứt khoát như vậy.
-Ô. Inrasara
Inrasara: Chỉ trong cộng đồng người Chăm không thôi và chỉ trong một làng thôi. Tôi lấy làng của tôi làm hoàn cảnh và xuất phát điểm chương trình đào hầm của nhân vật chính. Có một nhân vật nữa đó là bố của nhân vật đào hầm. Khi ông nghe tin như vậy thì ông vốn là người đi hoang rất là nhiều, đến nỗi làng không biết mặt ông, cuối cùng ông lại quyết định tự thiêu. Ông tự thiêu ngay tại lò điện hạt nhân Ninh Thuận I nhưng lại bất thành. Khi tự thiêu bất thành, ông ta tự tử bằng cách nuốt Cyanure. Ông ta bỏ đi rất lâu đến nỗi đứa con này từ chối theo cha nhưng mà khi hai bố con gặp nhau là lúc mở được nút thắt cho tiểu thuyết phát triển.
Mặc Lâm: Thưa anh, sau khi anh viết rồi, theo chúng tôi được biết thì tác phẩm đã hoàn thành vào tháng 4 năm 2012. Như vậy lẽ ra nó đã được đưa đi xin giấy phép hay là được in ấn rồi chứ phải không?
Inrasara: Tác phẩm này tôi viết trong 14 ngày thôi, rất là nhanh và gần như là tôi không sửa lại. Tác phẩm có thể nói là đã chuẩn. Mặc dù tác phẩm chưa in nhưng có nhiều bài báo cũng đã viết về nó. Tôi đã trả lời một vài phỏng vấn trên báo Sài Gòn Tiếp Thị về các vấn đề xung quanh tiểu thuyết này. Có nhiều nhà xuất bản tò mò muốn in nó nhưng khi tôi gởi đi thì cả ba nhà xuất bản đều từ chối in sau hai tháng họ đọc và họ trao đổi với nhau là tác phẩm này không thể in được.
hat-nhan-ninh-thuan-250.jpg
Mô hình nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng ở Ninh Thuận. File photo.

Mặc Lâm: Thưa anh, cái không thể in được đó nó căn cứ trên nội dung, hay là nhà xuất bản căn cứ trên cái cách mà nó có hấp dẫn bạn đọc, hay là họ lo ngại nó nhạy cảm trong hoàn cảnh chính trị hiện nay?
Inrasara: Các ban biên tập họ nói là chúng tôi rất là muốn in tác phẩm này: Nhất là do tên tuổi của Inrasara, Thứ Hai nữa là tác phẩm cũng rất hấp dẫn và viết với lối văn, lối cấu trúc tiểu thuyết rất là lạ nhưng vì lý do nhạy cảm nên chúng tôi không thể in được. Ba nhà xuất bản đã trả lời dứt khoát như vậy.
Mặc Lâm: Khi không được nhà xuất bản in như vậy thì anh có dự tính là sẽ công bố nó bằng phương tin gì không ạ?
Inrasara: Cũng có một số trang mạng họ muốn in ở dạng e-book nhưng tôi cũng chưa đồng ý. Có thể tôi sẽ chỉnh sửa lại. Có một bài báo mang tính quyết định: nó gợi hứng cho tôi viết một chương cuối cùng. Chương gọi là chương “coda” (cuối) của tác phẩm và tôi đang chuẩn bị viết chương đó. Tôi thấy chương này mở ra một cái gì đó rất là hay cho tương lai, giống như một thông điệp gởi cho các nhà lập dự án của Việt Nam .
Mặc Lâm: Dạ vâng, xin anh một câu hỏi cuối: bên cạnh tác phẩm này thì anh nhận thấy tình hình của người dân Chăm nói chung ở tại Ninh Thuận, địa phương của anh họ có để ý lắm đến dự án điện hạt nhân trong đời sống hiện thực hay không? Họ có lo ngại, họ có chia sẻ những thông tin trên báo chí cũng như trong cộng đồng hay không?
Inrasara: Sau cuốn tiểu thuyết này tôi cũng có một cuốn tiểu thuyết khác gọi là “Play có gì lạ không em” tức là “Làng của mình có gì lạ không em?”. Tôi đặt bối cảnh một người ở Sài Gòn và một người ở Phan Rang mỗi ngày viết thư cho nhau và họ điện cho nhau để xem ở làng có gì lạ không. Trong đó có một chương gọi là “Dường như bà con mình đã quên điện hạt nhân rồi, em yêu ơi”.
Gần như bề mặt thì họ quên vì người ta lo làm ăn buôn bán, người ta lo nuôi con, người ta làm tất tần tật mọi chuyện và người ta quên đi cái đe dọa từ xa. Cái đe dọa còn rất xa, có thể chưa xảy ra. Đó là một chương của tiểu thuyết nói lên hiện thực như thế. Thật ra trong sinh hoạt của cộng đồng Chăm, người ta luôn luôn cảm thấy bất an và lo sợ. Đương nhiên có một số người với một số phát biểu mà tôi có đưa lên trang blog của tôi rằng là an toàn và nên an tâm. Tuy nhiên, ở chiều sâu của mỗi con người, đại đa số là người Chăm mà tôi gặp thì họ rất bất an và luôn lo sợ mặc dầu họ không nói ra.
Mặc Lâm: Một lần nữa, xin cảm ơn nhà nghiên cứu văn học Inrasara đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin về cuốn sách của anh.