Wednesday, November 4, 2009

Thái độ hung hãn của Trung cộng đối với ngư dân Việt

Thái độ hung hãn của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại vùng Hoàng Sa : biện pháp thô bạo để khẳng định chủ quyền ?

Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 02/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày 02/11/2009 19:39 TU: RFI

Việc lực lượng võ trang Trung Quốc ngược đãi ngư dân Việt Nam vào tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa tháng 9/09, được cho là nhằm mục tiêu thị uy với Hà Nội đang tranh chấp chủ quyền ngoài Biển Đông với Bắc Kinh. Phản ứng của Trung Quốc cũng biểu thị tâm lý nóng nảy của Bắc Kinh sau khi bị bất ngờ trước đề nghị chung Việt Nam Malaysia về ranh giới ngoài thềm lục địa vào tháng 5/09.

Ngày 21 tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã chính thức gởi công hàm phản đối ''hành động vô nhân đạo'' của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã có thái độ cứng rắn như trên sau khi nhiều ngư dân Quảng Ngãi lên tiếng tố cáo việc họ bị lực lượng võ trang Trung Quốc đánh đập, tra khảo và cướp bóc khi phải dạt vào quần đảo Hoàng Sa tránh bão hồi tháng 9.

Quyết định chính thức phản đối của Việt Nam nằm trong một loạt những dấu hiệu phản ánh tình hình căng thẳng trở lại giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là từ ngày hồ sơ này xuất hiện công khai trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc tháng 5 vừa qua.

Công phẫn trước hành động thô bạo đối với ngư dân Việt Nam

Xin nhắc lại là hồi cuối tháng 9/09, ngư dân Quảng Ngãi trên 16 chiếc thuyền đánh cá đã phải chạy vào khu vực quần đảo Hoàng Sa để tránh bão Ketsana. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, họ đã bị lực lượng võ trang Trung Quốc nã súng xua đuổi khi tìm cách đổ bộ lên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất của Hoàng Sa. Sau vài ngày tạm trú trên đảo, ngư dân Việt Nam bị quân Trung Quốc đánh đập, cướp bóc tài sản, thiết bị, trước khi trở về nước. Việc này đã làm dấy lên một làn sóng công phẫn. Nhiều tờ báo của Việt Nam đã đồng loạt đăng bài tố cáo hành động vô nhân đạo nói trên.

Hành động cực kỳ thô bạo của lực lượng võ trang Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam đến tránh bão ở khu vực đảo Hoàng Sa đã thu hút sự chú ý của các quan sát viên quốc tế do tính chất bất thường của các hành vi trái với thông lệ quốc tế này. Các hành động đó lại diễn ra trong bối cảnh là cũng đã có những trường hợp ngư dân Việt Nam gặp bão nhưng lại được phiá Trung Quốc cứu giúp.

Chính vì vậy mà theo một số chuyên gia, thái độ cứng rắn của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam ở vùng Hoàng Sa có thể nhằm mục tiêu răn đe phiá Việt Nam hiện đang tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền trong cả khu vực này lẫn vùng quần đảo Trường Sa. Phản ứng thô bạo đối với ngư dân Việt Nam, trong một chứng mực nào đó, cũng biểu thị một tâm lý nóng nảy của Bắc Kinh trước sự kiện họ bị bất ngờ trước việc Hà Nội và Kuala Lumpur vào tháng năm vừa rồi đã đệ trình một đề nghị chung về ranh gìới trên biển trước Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Thái độ gây căng thẳng của Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cũng xẩy ra vào lúc Việt Nam chuẩn bị lên nắm chức chủ tịch Asean và hồ sơ Biển Đông có thể được Việt Nam đưa vào nghị trình của Hiệp Hội Đông Nam Á.

Để tìm hiểu thêm về các động thái hiện nay của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông, RFI đã đặt câu hỏi cho giáo sư Ramses Amer, chuyên gia về Biển Đông tại Thụy Điển, tác giả nhiều công trình về tranh chấp biên giới Việt Trung. Trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ RFi, giáo sư Amer trước hết tỏ ý thận trọng vì đa số các thông tin về các hành động ngược đãi của lực lượng võ trang Trung Quốc do phiá Việt Nam đưa ra.

Tuy nhiên, trên vấn đề này, ông đã đưa ra giả thuyết là rất có thể phiá Trung Quốc đã có hành động như trên đối với ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, đó là vì những người này đã xâm nhập vào vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ. Tại những vùng khác không có tranh chấp với Việt Nam, kể cả tại vùng Vịnh Bắc Bộ, lực lượng Trung Quốc có cử chỉ hoà nhã hơn.

- Lẽ dĩ nhiên là chúng ta có thể giải thích các vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, đặc biệt là vụ xẩy ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua là do nơi mà ngư phủ Việt Nam bị bắt. Do bị bão, họ đã phải chạy vào vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Cũng phải nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc tìm thấy ngư dân Việt Nam trong vùng biển của họ, và đã từng cứu giúp họ khi gặp nạn. Trong những năm gần đây, có khá nhiều thông tin về các vụ đó, do Trung Quốc chính thức nêu lên.

Chẳng hạn như những vụ ngư phủ Việt Nam gặp nạn ở vùng Vịnh Bắc Bộ, được tàu Trung Quốc giúp đỡ, và chính quyền Việt Nam cũng thường ngỏ lời cám ơn.

Trong trường hợp vịnh Bắc Bộ, có thể nói là chính quyền hai bên không còn tranh chấp nữa vì thì ranh giới đã phân định rõ ràng, hai nước cũng có vùng đánh cá chung. Trong trường hợp những người gặp nạn là ngư dân thực thụ thì phiá Trung Quốc không nề hà gì trong việc cưú giúp.

Lần xẩy ra vấn đề nghiêm trọng ở Vịnh Bắc Bộ là một lần, khi khám xét tàu đánh cá Việt Nam, phiá Trung Quốc tìm thấy vũ khí. Sự vụ lúc đó nghiêm trọng hơn nhiều nhữn gì xẩy ra năm 2009 này. Cho đến nay, tôi chưa đọc thấy văn kiện nào nói là Trung Quốc thời đó đã bắt nhũng ngư phủ bình thường, không hề mang vũ khí.

Tóm lại theo tôi, thì nguyên nhân khiến cho Trung Quốc vừa qua có thái độ thô bạo đối với ngư dân Việt Nam, đó là vì những người này bị phát hiện ở vùng Hoàng Sa, nơi hai nước đang tranh giành chủ quyền nhưng đang do Trung Quốc kiểm soát. Nếu mà họ dạt vào đảo Hải Nam thì tôi chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ giúp đỡ.

RFI : Thế nhưng giáo sư giải thích thế nào về những hành vi hết sức thô bạo của lực lượng võ trang Trung Quốc đối với số ngư dân Quảng Ngãi chạy vào tránh bão ?

- Thật khó mà giải thích vì sao Trung Quốc lại cư xử như thế. Lời giải thích duy nhất mà ta có thể đưa ra vào lúc này, đó là rất có thể phiá Trung Quốc tình nghi là những người này thực hiện một hành động đòi hỏi chủ quyền. Thậm chí rất có thể là Trung Quốc không coi họ là ngư dân.

Tôi nhắc lại là trong các sự cố trước đây ở Vịnh Bắc Bộ như tôi đã nói ở trên, khi Trung Quốc tìm thấy vũ khí trên tàu đánh cá Việt Nam, thì báo chí Trung Quốc đã nói đến những ''tên cướp có vũ trang''. Họ không nói đó là hải quân Việt Nam, là các chiếc tàu hải quân.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng ai cũng biết là trong số ngư dân Việt Nam, nhiều người là dân quân điạ phưong, họ mang theo vũ khí ngay khi lên tàu đi đánh cá. Trong các hội nghị hay hội thảo quốc tế, vấn đề này đã từng được nêu lên.

RFI : Tóm lại, theo giáo sư, các sự cố liên quan đến các ngư dân Quảng Ngãi vừa qua gắn chặt với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc ?

- Vâng, vấn đề trong năm nay hiển nhiên là như vậy. Nhất là sau sự kiện xẩy ra vào tháng 5 vừa qua khi Việt Nam đệ trình trước Liên Hiệp Quốc bản đề nghị về ranh giới bên ngoài thêm lục điạ của mình. Trung Quốc khi ấy có vẻ như đã bị chưng hửng, nhất là khi ngoài một bản của riêng mình, Việt Nam còn kết hợp được với Malaysia để đưa ra một bản đề nghị thứ hai, chung cho cả hai nước.

Do đó ta cũng có thể giải thích phản ứng cứng rắn của Trung Quốc bằng ý muốn thị uy ngay tại vùng Biển Đông, sau khi bị hụt hẫng ở Liên Hiệp Quốc. Theo tôi hai chuyện này gắn với nhau.

Phải nói là tháng năm vừa qua, để chống lại các đề nghị của Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc đã hai lần chính thức công bố tấm bản đồ gọi là ''9 đường gián đọan'' cho thấy những đòi hỏi của họ ở Biển Đông. Trong khi mà từ nhiều năm nay, người ta nghe nói đến tấm bản đồ đó nhưng không hề được nhìn thấy. Việc cấp tốc công bố bản đồ đó, theo tôi là dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc bị bất ngờ trước các hành động của Việt Nam và Malaysia ở Liên Hiệp Quốc vào tháng 5/01.

RFI : Xin thành thật cảm ơn giáo sư Ramses Amer tại Stckholm.savevietnam

Posts: 17
Joined: Thu Oct 29, 2009 10:34 am
Private message

No comments:

Post a Comment