Thấy vậy mà không phải vậy.
Các quan chức cao thường xuyên kêu gọi giới ‘trí thức’ và khoa học phản biện. Hết năm này sang năm khác, hết người này đến người kia, ai cũng nói rằng ‘thật sự tôn trọng tư vấn, phản biện của trí thức’. Lời nói có vẻ rất chân thành, nhứt là trong môi trường hội họp dâng tràn hormone cảm tính.
Cũng có vài người đáp lời kêu gọi, đưa ra những lời có cánh. Thế nhưng sau đó thì ‘đâu vẫn vào đấy’ hay ‘vũ như cẩn’. Ngay cả vị quan chức đưa ra lời kêu gọi cũng … quên.
Tại sao? Tại vì, tôi nghĩ, các quan chức ‘nói vậy mà không phải vậy.’ Họ nói tôn trọng phản biện, nhưng nếu phản biện những gì họ không muốn nghe thì sẽ bị gán cái nhãn ‘phản động’ hay ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’ — toàn những chữ của Tàu và Mao.
Mới năm ngoái, sau khi có kêu gọi phản biện là những bài báo viết rằng ‘đã xuất hiện một số đối tượng xấu, trí thức bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng hoạt động phản biện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm phức tạp tình hình, thậm chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.’ Viết vậy thì có mấy ai thèm phản biện. Đúng là ‘Trống đánh xuôi kèn thổi ngược’.
Mấy qui định và chánh sách họ đưa ra rất … lắt léo. Chẳng hạn như khi họ tuyên bố miễn visa cho Việt kiều, ai cũng hào hứng khen ngợi chánh sách mới rất gần với chánh sách của Campuchea. Nhưng lầm chết! Họ không miễn visa, mà chỉ cấp visa giới hạn 5 năm mà thôi, và kèm theo đủ thứ điều kiện (như phải có giấy khai sanh). Đòi boat people phải có giấy khai sanh thì chứng tỏ họ không biết gì về ‘thuyền nhân.’ Nhưng điều quan trọng là họ nói vậy mà không phải vậy. Nhưng khi người ta phê bình chánh sách này thì bị gán cái nhãn ‘bất mãn, phản động’. Chơi vậy thì chơi với ai?
Từ ‘phản biện’ đến ‘phản động’ chỉ khác nhau 1 chữ.
Đồng ý là có vài người phản biện thiếu chuyên nghiệp. Nhưng đã kêu gọi người ta phản biện thì phải chấp nhận mỗi người một tánh cách, và càng phải chấp nhận những ý kiến chẳng những trái chiều mà còn khó nghe. Quan chức ở một vị thế có lợi hơn người phản biện (vốn chẳng có quyền hạn gì), nên quan chức phải tỏ ra mình có bản lãnh và ‘quân tử’. Quân tử hiểu theo nghĩa không nhỏ mọn, nếu không tôn trọng thì cũng không hãm hại người khác quan điểm mình.
Ngày xưa ở bên Tàu, Mao hay đưa ra những lời kêu gọi giới trí thức hãy phản biện. Vốn là những người thành thật và ngây thơ, giới trí thức Tàu hăng hái phản biện. Ôi thôi, nhiều ý kiến mà một cuốn sách ngàn trang cũng không đủ. Ai ngờ đâu Mao dùng thủ thuật đó để bắt hết những kẻ phản biện. Thành ra, chữ ‘phản biện’ nhiều khi bị hiểu méo mó như là một chiêu trò.
Hình như các vị quan chức hiểu khác công chúng về chữ ‘phản biện’. Quan chức hiểu phản biện là góp ý và người ‘phản biện’ là ‘phe ta’. Công chúng hiểu phản biện theo nghĩa phê bình, thậm chí nói ngược lại quan điểm của chánh phủ. Cách hiểu của quan chức sản sanh ra những người mang danh trí thức nhưng xu nịnh quan chức. Cách hiểu của công chúng hình thành một nhóm người độc lập, đứng ngoài bộ máy của nhà nước và bị cô lập. Tình trạng này đang xảy ra. Những người xu nịnh thì có tiếng nói ngọt ngào với Nhà nước, còn người độc lập thì đứng ngoài và khoanh tay mỉm cười. Tức là Nhà nước thiếu sự dung nạp (exclusivity). Mà, bất dung nạp là yếu tố của thất bại.
Thành ra, nếu các quan chức muốn có phản biện chân thành thì họ phải chân thành trước, và phải tỏ ra dung nạp. Họ phải cùng công chúng hiểu cho đúng ý nghĩa của chữ ‘phản biện’. Nếu không thì câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn giá trị, và câu ‘Nói vậy mà không phải vậy’ vẫn là chân lí.
No comments:
Post a Comment