Saturday, February 18, 2023

Nguyễn Văn Tuấn: Lầm lẫn giữa ‘tổ quốc’ và thể chế

 Lầm lẫn giữa ‘tổ quốc’ và thể chế

Đó là một trong những lầm lẫn rất tai hại và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Người Việt chúng ta có khái niệm ‘Tổ quốc’ rất đáng học. Nó không hẳn có nghĩa đơn giản như ‘motherland’ hay ‘fatherland’ trong tiếng Anh. Tổ quốc, theo cách chúng ta hiểu, là đất nước do tổ tiên để lại. Nhưng không đơn giản là ‘đất nước’ mà còn là sự gắn bó tình cảm, một loại tình cảm thiêng liêng khó mô tả bằng lời (giống như cảm giác bước chân tới Phú Thọ, Đền Vua Hùng vậy). Tôi có thể nói quê hương thứ hai là Úc, nhưng tổ quốc là Việt Nam. Tôi có sự gắn bó tình cảm thiêng liêng với Việt Nam, nhưng loại tình cảm đó không có đối với Úc. Do đó, tổ quốc không chỉ là địa lí (physical) mà còn bao hàm ý nghĩa tinh thần (spiritual).
Chế độ chánh trị (political regime) là tập hợp những triết lí, qui tắc, chuẩn mực chánh trị đằng sau sự hoạt động của một chánh phủ. Ở Úc tôi, hai đảng Liberal và Lao động có những suy nghĩ khác nhau và theo đuổi những lí tưởng khác nhau. Một đảng là bảo thủ (không hẳn là xấu), một đảng là cấp tiến (không hẳn là tốt). Họ luân phiên lập chánh phủ điều hành đất nước Úc.
Nói ra cũng thừa, nhưng vẫn cần phải nói trong bối cảnh hiện nay: Chế độ chánh trị không phải là tổ quốc. Chế độ chánh trị đến rồi đi, tổ quốc là do tổ tiên để lại và vĩnh viễn. Việt Nam ta đã trải qua những triều đại Đinh, Lê, Lý Trần, Nguyễn. Đâu có ai nói mấy triều đại đó là ‘Tổ quốc’; họ chỉ là những chánh phủ điều hành đất nước. Như là một qui luật phổ quát, các triều đại đến rồi đi, không có triều đại nào tồn tại vĩnh viễn. Tổ quốc cao hơn chế độ chánh trị.
Một điều đáng quan tâm là nhiều người, kể cả quan chức, xem chế độ chánh trị là tổ quốc. Đó là sai lầm của người ít suy nghĩ thì còn hiểu được, nhưng sai lầm của quan chức cao cấp thì đáng ngạc nhiên. Lại có người biết phân biệt sự khác biệt giữa hai thực thể đó, nhưng họ vẫn cố tình lập lờ để cho giới trẻ đánh đồng chế độ chánh trị với tổ quốc là một. Đó là một sự nhồi sọ, và nạn nhân bị nhồi sọ lầm tưởng rằng chế độ là tổ quốc. Từ sự lầm lãn đó, họ có những phản ứng phi lí trí: hễ ai có suy nghĩ khác chánh phủ là họ chụp cái nón ‘phản bội tổ quốc’. Tuy cách chụp mũ rất thô thiển, nhưng nó đủ mạnh để huy động những đám đông cuồng nộ.
Lại nhớ chuyện cũ về hai vị Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Chuyện kể rằng ông HCM muốn mời ông NĐD tham chánh trong một chánh phủ liên hiệp, nhưng ông NĐD không chịu. Tại sao? Tại vì ông ấy “sẽ vẫn tiếp tục chống Pháp nhưng không thể đi với Việt Minh”. Khi viên đại sứ Ba Lan hỏi ông HCM về quan điểm đó, ông nói “Ông ấy yêu nước theo cách của ông ấy”. Đó là một thái độ dung nạp vậy. Đâu có ai nói ông NĐD ‘phản bội tổ quốc’.
Có thể nói mà không sợ sai rằng: người Việt Nam -- bất kể theo thể chế nào -- cũng yêu tổ quốc. Đó chính là lời giải thích tại sao mỗi khi Tàu đụng tới VN là bà con hải ngoại, bất kể trường phái chánh trị, đều đồng lòng đứng lên bảo vệ. Do đó, cáo buộc 'phản quốc' đối với những người không theo thể chế mình theo đuổi (hay tôn thờ) là thật sự vô tri vậy.
Tóm lại, dong dài một chút như trên chỉ để nói rằng thể chế, kể cả thể chế chánh trị, không phải là tổ quốc. Tổ quốc là vĩnh viễn, còn thể chế chỉ tạm thời. Tổ quốc cao hơn thể chế. Tổ quốc dung nạp những người có quan điểm khác nhau. Do đó, đánh đồng thể chế với tổ quốc là một điều rất sai lệch và cần phải chấm dứt.

Friday, February 17, 2023

Nguyễn Văn Tuấn: Thấy vậy mà không phải vậy.

 Thấy vậy mà không phải vậy.

 
Thật ra, câu nói nổi tiếng đó còn có một phiên bản khác: ‘Nói vậy mà không phải vậy.’ Thành ra, nên cân nhắc đặt trọng lượng vào những lời kêu gọi của các quan chức.
Các quan chức cao thường xuyên kêu gọi giới ‘trí thức’ và khoa học phản biện. Hết năm này sang năm khác, hết người này đến người kia, ai cũng nói rằng ‘thật sự tôn trọng tư vấn, phản biện của trí thức’. Lời nói có vẻ rất chân thành, nhứt là trong môi trường hội họp dâng tràn hormone cảm tính.
Cũng có vài người đáp lời kêu gọi, đưa ra những lời có cánh. Thế nhưng sau đó thì ‘đâu vẫn vào đấy’ hay ‘vũ như cẩn’. Ngay cả vị quan chức đưa ra lời kêu gọi cũng … quên.
Tại sao? Tại vì, tôi nghĩ, các quan chức ‘nói vậy mà không phải vậy.’ Họ nói tôn trọng phản biện, nhưng nếu phản biện những gì họ không muốn nghe thì sẽ bị gán cái nhãn ‘phản động’ hay ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’ — toàn những chữ của Tàu và Mao.
Mới năm ngoái, sau khi có kêu gọi phản biện là những bài báo viết rằng ‘đã xuất hiện một số đối tượng xấu, trí thức bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng hoạt động phản biện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm phức tạp tình hình, thậm chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.’ Viết vậy thì có mấy ai thèm phản biện. Đúng là ‘Trống đánh xuôi kèn thổi ngược’.
Mấy qui định và chánh sách họ đưa ra rất … lắt léo. Chẳng hạn như khi họ tuyên bố miễn visa cho Việt kiều, ai cũng hào hứng khen ngợi chánh sách mới rất gần với chánh sách của Campuchea. Nhưng lầm chết! Họ không miễn visa, mà chỉ cấp visa giới hạn 5 năm mà thôi, và kèm theo đủ thứ điều kiện (như phải có giấy khai sanh). Đòi boat people phải có giấy khai sanh thì chứng tỏ họ không biết gì về ‘thuyền nhân.’ Nhưng điều quan trọng là họ nói vậy mà không phải vậy. Nhưng khi người ta phê bình chánh sách này thì bị gán cái nhãn ‘bất mãn, phản động’. Chơi vậy thì chơi với ai?
Từ ‘phản biện’ đến ‘phản động’ chỉ khác nhau 1 chữ.
Đồng ý là có vài người phản biện thiếu chuyên nghiệp. Nhưng đã kêu gọi người ta phản biện thì phải chấp nhận mỗi người một tánh cách, và càng phải chấp nhận những ý kiến chẳng những trái chiều mà còn khó nghe. Quan chức ở một vị thế có lợi hơn người phản biện (vốn chẳng có quyền hạn gì), nên quan chức phải tỏ ra mình có bản lãnh và ‘quân tử’. Quân tử hiểu theo nghĩa không nhỏ mọn, nếu không tôn trọng thì cũng không hãm hại người khác quan điểm mình.
Ngày xưa ở bên Tàu, Mao hay đưa ra những lời kêu gọi giới trí thức hãy phản biện. Vốn là những người thành thật và ngây thơ, giới trí thức Tàu hăng hái phản biện. Ôi thôi, nhiều ý kiến mà một cuốn sách ngàn trang cũng không đủ. Ai ngờ đâu Mao dùng thủ thuật đó để bắt hết những kẻ phản biện. Thành ra, chữ ‘phản biện’ nhiều khi bị hiểu méo mó như là một chiêu trò.
Hình như các vị quan chức hiểu khác công chúng về chữ ‘phản biện’. Quan chức hiểu phản biện là góp ý và người ‘phản biện’ là ‘phe ta’. Công chúng hiểu phản biện theo nghĩa phê bình, thậm chí nói ngược lại quan điểm của chánh phủ. Cách hiểu của quan chức sản sanh ra những người mang danh trí thức nhưng xu nịnh quan chức. Cách hiểu của công chúng hình thành một nhóm người độc lập, đứng ngoài bộ máy của nhà nước và bị cô lập. Tình trạng này đang xảy ra. Những người xu nịnh thì có tiếng nói ngọt ngào với Nhà nước, còn người độc lập thì đứng ngoài và khoanh tay mỉm cười. Tức là Nhà nước thiếu sự dung nạp (exclusivity). Mà, bất dung nạp là yếu tố của thất bại.
Thành ra, nếu các quan chức muốn có phản biện chân thành thì họ phải chân thành trước, và phải tỏ ra dung nạp. Họ phải cùng công chúng hiểu cho đúng ý nghĩa của chữ ‘phản biện’. Nếu không thì câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn giá trị, và câu ‘Nói vậy mà không phải vậy’ vẫn là chân lí.