Saturday, May 1, 2021

Nguyễn Văn Tuấn: Giới lãnh đạo việt cộng sau 1975 qua cái nhìn của Lý Quang Diệu

Nguyen Tuan 4utndSponsoredfh · 

 Giới lãnh đạo Việt Nam sau 1975 qua cái nhìn của Lý Quang Diệu

Thời còn ở trong nước, vì do thiếu sách báo và tuyên truyền tẩy não, nên tôi chỉ biết các lãnh đạo rất tuyệt vời, thông minh, sáng suốt, dũng cảm, làm cho Việt Nam nở mặt nở mày với thế giới. Nhưng khi có dịp ra nước ngoài và đọc các sách, hồi kí của các lãnh tụ nước ngoài thì họ tô vẽ các lãnh đạo Việt Nam rất khác với những gì tuyên truyền. Điển hình là cuốn Hồi kí Lý Quang Diệu dành nhiều trang nói về những người như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Đỗ Mười, v.v. Những trang viết về ông Đồng là 'thú vị' nhứt. Lý Quang Diệu cho rằng Việt Nam lúc đó nghĩ rằng các nước Đông Nam Á sợ Việt Nam, nên những người lãnh đạo cộng sản tìm cách khai thác nỗi sợ đó để được làm bạn với Việt Nam. Họ nghĩ rằng đã đánh bại Mĩ thì các nước khác trong vùng chẳng có nghĩa lí gì, họ khinh thường Singapore như là một hải đảo nhỏ. Họ tự cho mình là người Phổ của Đông Nam Á. Họ ăn nói ngông ngênh trên hệ thống truyền thông. Lý Quang Diệu nhận xét chung về giới lãnh đạo Việt Nam lúc đó là 'insufferable' (tức là không thể ưa được, không chịu nổi). Ông này là một người có học thức cao, mà dùng chữ này khá nặng nề. Nó còn có hàm ý nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam là ngạo mạn, phách lối, và hay đóng tuồng sân khấu. Lý Quang Diệu tiếp xúc với Phạm Văn Đồng lần đầu vào ngày 16/10/1978 trong một chuyến viếng thăm chánh thức. Ông Lý viết rằng 'I found him arrogant and objectionable' (Tôi thấy ông ấy là một kẻ ngạo mạn và khó ưa). Ông viết rằng trước đó thì Việt Nam gởi ông thứ trưởng Bộ ngoại giao Phan Hiền đi tiền trạm và ông này thể hiện bộ mặt thân thiện của người cộng sản Việt Nam, rồi sau đó là ông Đồng thể hiện sự cứng rắn của người cộng sản. Họ chỉ diễn tuồng, nhưng họ không biết rằng khán giả của tuồng hát có tri thức cao hơn họ. Ông Đồng tuyên bố rằng Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, ông ấy là một người cộng sản, và học thuyết ông ấy theo đuổi là chủ nghĩa Mác Lê. Đồng nói rằng ông đến Singapore với tư cách là thủ tướng của Việt Nam XHCN, và Việt Nam phải đóng góp vào sự nghiệp cách mạng và hoà bình ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông nói rằng Singapore đã từng hưởng lợi từ cuộc chiến Việt Nam, và bây giờ thì Singapore phải có nghĩa vụ giúp đỡ Việt Nam. Ông Lý viết rằng 'I was dumbfounded by this arrogant and belligerent attitude' (tôi lặng người vì thái độ phách lối và hung hãn này). Lần thứ hai, ông Lý gặp ông Đồng vào năm 1992 ở Hà Nội. Lúc đó ông Đồng không còn là thủ tướng, đã già yếu rất nhiều, đi đứng không vững, nhưng tinh thần thì vẫn cứng cỏi. Ông Lý mô tả buổi tiếp xúc diễn ra ở một building do Pháp để lại, và họ nói chuyện về quá khứ cũng như tương lai. Ông Đồng nói rằng quá khứ đã qua rồi, và Việt Nam muốn mở một trang sử mới. Nhưng trong thực tế, Việt Nam bị các nước trong vùng tẩy chay, cô lập hoá, và kinh tế gần suy sụp. Singapore là nước chống Việt Nam mạnh nhứt, không cho Việt Nam tham gia khối ASEAN. Do đó, ông Đồng muốn Singapore giúp đỡ để làm bạn với ASEAN (ngày xưa thì ông ấy nghĩ ASEAN muốn làm bạn với Việt Nam). Ông ấy nghĩ rằng một kẻ chống VN mạnh nhứt mà đồng ý làm bạn với VN thì các nước trong khối ASEAN khác sẽ làm theo. Ông Lý viết rằng ông phải cảm ơn Đặng Tiểu Bình đã dạy cho Việt Nam một bài học (trang 314). Nói chung, ông Lý Quang Diệu có vẻ nể phục dân tộc Việt Nam như là một tập thể kiên cường, thông minh và nước Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên [1]. Ông nghĩ rằng Việt Nam sẽ qua mặt Singapore dễ dàng. Nhưng ông Lý không đánh giá cao các lãnh đạo Việt Nam thời đó, những người mà ông hay dùng chữ ngạo mạn, hung dữ và khó ưa để mô tả. Còn những người khác ông tiếp xúc thì có vẻ mờ nhạt. Các bạn có thể xem thêm trong phần ông Lý viết về Việt Nam ở đây: http://www.vietnamvanhien.org/HoiKyLyQuangDieuVietNam.pdf [1] Tưởng cần nhắc lại rằng sau 1975, trong làn sóng thuyền nhân, bà Magaret Thatcher (lúc đó là Thủ tướng Anh) đề nghị với Thủ tướng Úc Malcolm Fraser mua một hòn đảo nào đó ở Nam Dương hay Phi Luật Tân để cho những Việt tị nạn tái định cư ở đấy. Nhưng ý tưởng đó bị Lý Quang Diệu phản đối quyết liệt, vì ông sợ rằng đảo ấy và những người Việt sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh với Singapore. Ông vừa nể phục người Việt nhưng cũng có vẻ sợ người Việt?

No comments:

Post a Comment