Sunday, May 2, 2021
Nguyễn Văn Tuấn (FB): Một ngày lịch sử
"Nhiều người tre trẻ, thậm chí có tuổi ở miền Bắc, hay than phiền rằng những kẻ như tôi hay thế hệ tôi hay nhớ chuyện xưa. Họ nói rằng người trong nước không ai còn nghĩ chuyện xưa đó nữa. Sai. Ở trong nước người ta vẫn ăn mừng ‘chiến thắng’ đó chớ, vẫn nói về 'giải phóng miền Nam' (ôi! mỉa mai làm sao), vẫn ra rả chửi chánh thể VNCH (nhưng lại vui vẻ nhận thành tựu của nó). Tôi nghĩ đó là một kiểu chạy trốn lịch sử. Nó chẳng khác gì kẻ làm cho nạn nhân đau khổ, lấy nhà người ta, lấy đất của nạn nhân, thậm chí giết chết thân nhân, rồi quay lại vỗ vai dạy nạn nhân rằng ‘hãy quên quá khứ.’ Một sự xúc phạm đến nạn nhân. Một sự ngạo mạn với lịch sử."
Một ngày lịch sử.
Hôm nay (30/4) là một ngày lịch sử. Bốn mươi sáu năm trước đúng vào ngày này, chánh thể VNCH sụp đổ, và thay vào đó là một thể chế mới mà hậu quả còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Nhiều khi tôi tự hỏi: nếu không có ngày 30/4/1975 thì tôi và nhà tôi đã ra sao? Khó đoán ngược lịch sử ở bình diện lớn, nhưng ở cấp độ gia đình thì đoán được.
Không phải là 'Ngày giải phóng'
Tôi chắc rằng nếu không có ngày định mệnh đó, ba má tôi đã mua thêm 1-2 chiếc máy cày để bổ sung cho 2 chiếc đang phục vụ cho cả làng. Ba má tôi cũng có thể có thêm vài chục, thậm chí cả trăm công đất để canh tác. Nói chung là gia đình làm ăn khấm khá.
Anh Hai tôi chắc chắn đã không vượt biển để rồi mất tích cùng 20 người khác trên Biển Đông. Anh Hai sẽ vẫn là ‘star’ của cả dòng họ vì học giỏi, đẹp trai và là kĩ sư tài ba. Cả dòng họ ai cũng tự hào vì ảnh.
Tôi và ông anh cùng nhỏ em gái chắc chắn cũng sẽ không ở Úc như ngày hôm nay. Tôi sẽ tốt nghiệp và có công ăn việc làm khá giả ở trong nước, tuy không phải là star như anh Hai, nhưng không đến nổi phải đi lột củ hành ở Sydney. Anh tôi sẽ thay thế ba tôi điều hành cái business gia đình, và sẽ cùng với mấy người anh họ mở rộng business. Mấy người em gái tôi tốt nghiệp trung hay đại học và có thể phụ giúp điều hành cái ‘business’ của gia đình. Tụi nó có thể sẽ dọn ra Rạch Giá hay lên Sài Gòn.
Thế nhưng ngày 30/4/75 đã đến. Theo sau đó là biết bao nhiêu đổi thay. Ba má tôi bị nhà nước lấy hết ruộng đất, chỉ để lại chừng 20 công đủ sống. Máy cày thì bị tịch thu, và mất luôn. Cả nhà lâm vào cảnh khốn khó chỉ sau 1-2 năm với chế độ mới. Tuy không đến nổi ăn bo bo như nhiều gia đình khác, nhưng kinh tế gia đình suy sụp thấy rõ. Anh Hai tôi vượt biển và mất tích, làm cho Má tôi suy sụp một thời gian. Tôi và anh em cũng vượt biên nhưng may mắn sống sót. Tụi tôi ở nước ngoài phải ‘chi viện’ mỗi tháng cho gia đình bên VN, vì lúc đó ba má tôi không còn business nữa và ruộng thì chỉ làm đủ sống. Từ một gia đình sung túc bổng trở thành nghèo khó chỉ trong vòng 2 năm gì đó.
Do đó, đối với nhà tôi thì ngày 30/4 không phải là ngày giải phóng. Đó là ngày mà cả kinh tế gia đình bị suy thoái đến mức khốn khó. Mà, không phải chỉ gia đình tôi đâu, nhìn chung quanh ai cũng vậy. 100% đều bị lâm vào cảnh khốn khó. 100%. Thành ra, gọi là ngày giải phóng không chỉ là áp đặt, ngạo mạn, mà còn rất bậy bạ.
Nhìn 'bức tranh lớn'
Có thể nói rằng chế độ mới đã kéo lùi sự tiến bộ của Việt Nam (hay nói đúng hơn là miền Nam Việt Nam) cả nửa thế kỉ. Phải đi vòng quanh các nước như Singapore, Thái Lan, và Mã Lai mới thấy Việt Nam mình nghèo và lạc hậu ra sao. Ngay cả hôm nay, Việt Nam tuy có khá hơn chút, nhưng nhìn kĩ thì không khá chút nào đâu vì kinh tế lệ thuộc vào vài ba tập đoàn nước ngoài, và chúng ta đa phần chỉ là những kẻ gia công lương thấp mà thôi.
Chỉ một công ti Samsung mà đã chiếm 28% tổng GDP quốc gia! Nếu công ti này (và cả Formosa) hắt hơi thì chắc kinh tế Việt Nam sẽ bị cảm lạnh.
Trong nửa thế kỉ đó, người hưởng lợi nhiều nhứt là các đồng hương miền Bắc và người bị hại nhiều nhứt là người miền Nam. Từ đó gây ra một sự chia rẽ mà thể chế mới không chịu ghi nhận. Ngay từ những ngày sau 1975, người miền Nam đã bị đối xử như công dân hạng hai trên quê hương mình, và theo thời gian tình hình tạo ra một lợi thế cho bên gọi là 'thắng cuộc'.
Ông Nguyễn Hiến Lê là một học giả nổi tiếng trước 1975. Ông là người gốc Hà Nội nhưng từng ở Long Xuyên trong một thời gian dài, nơi ông soạn nhiều quyển sách có giá trị. Ông tự nhận là người "có cảm tình với 'cách mạng'". Nhưng sau 1975 thì ông vỡ mộng, và có viết hồi kí. Sau đây là những trang/dòng bị kiểm duyệt trong cuốn hồi kí viết về những gì xảy ra sau 1975 [2].
Trong cuốn hồi kí ông ghi lại những thất bại sau 1975. Đó là sự mất đoàn kết, phân chia giai cấp, thiếu kỉ luật, suy sụp kinh tế. Ông viết về một xã hội sa đoạ, với tham nhũng tràn lan, ăn cắp, và buôn lậu, và kì thị Bắc – Nam. Ông tóm tắt về một thời mà có lẽ ngày nay ít ai quan tâm hay biết đến:
• Sự ngạo mạn của những người 'thắng cuộc': những biện pháp nhằm san bằng chế độ cũ để không để lại dấu vết nào cả. "Phải đuổi hết các nhân viên cũ, để anh em cách mạng chia nhau tất cả các chức vụ lớn nhỏ". Nhưng khổ nỗi những nhân viên cũ là những người có học và thực tài, còn người mới thì vừa dốt, vừa ngạo mạn, nên chẳng làm được gì!
• Chia rẽ Nam – Bắc: ngay từ thời đó (1980) dấu hiệu chia rẽ Nam – Bắc đã rõ nét. Ông viết "Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật - điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học - thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau... Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến."
• Ngay cả cùng phe cũng chẳng có đoàn kết: "Cùng là công nhân viên cả, mà bọn ở Bắc vô không ưa bọn Liên khu 5; hai hạng đó đều khinh bọn ở bưng trong Nam về; bọn này lại không chơi với bọn trước kia tập kết ra Bắc, nay trở vô Nam; bọn 'nằm vùng' cũng không ưa bọn tập kết về đó."
• Khinh miệt: ông so sánh: "[…] Trước ngày 30-4-75, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kĩ thuật, nghệ thuật, văn hóa; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc […] cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm chứ đừng nói là người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!"
Cách đây vài năm, một bài báo trên Bloomberg chỉ ra những 'khoảng cách' Bắc Nam:
• Khoảng 70% thành viên nội các chánh phủ là người miền Bắc, chỉ có 30% là từ miền Nam và Trung;
• Khoảng 68% (2 phần 3) đảng viên đảng cộng sản Việt Nam là từ Quảng Trị trở ra phía Bắc;
• 25 tập đoàn kinh tế được đặt tổng hành dinh ở Hà Nội, nhưng họ làm ăn trong Nam.
Ngay cả cái trụ sở uỷ hội sông Cửu Long cũng được đặt ở Hà Nội, cho nên thỉnh thoảng nghe các vị ấy phát biểu người miền Tây chỉ cười ngất.
Do đó, không ngạc nhiên khi những vị trí lãnh đạo các ngành mà người trong nước gọi 'thơm' đều do người miền Bắc nắm giữ: hàng không, hải quan, dầu khí, v.v. Người miền Nam chỉ làm phụ hay được bổ nhiệm cho có 'hoa lá cành'. Trớ trêu một điều là những người làm thất thoát cho Nhà nước nhiều nhứt cũng là người Bắc.
Những ai có dịp ra ngoài Bắc sẽ thấy cơ sở hạ tầng (như đường xá) được đầu tư rất tốt. Từ Ninh Bình đi Hà Nội chỉ mất chừng hơn 1 giờ đồng hồ vì đường xá rất tốt mà ít xe. Có một tấm hình người dân ngồi nhậu trên xa lộ miền Bắc! Ngược lại, ở trong Nam thì chỉ có 2 đường cao tốc ngắn mà lúc nào cũng kẹt xe. Con đường từ Sài Gòn về Kiên Giang chỉ 260 km mà phải mất 6 giờ đường! Thành ra, ở trong nước người dân miền Nam chỉ ra rằng ngoài Bắc thừa đường mà thiếu xe, nhưng trong Nam thì thiếu đường mà thừa xe. Nhưng ai mà nói ra trên mặt báo là bị phạt vì 'chia rẽ Bắc Nam'.
Thực tế đã là chia rẽ rồi. Ví dụ như người dân Sài Gòn làm 100 đồng thì chỉ được giữ 18 đồng (con số năm 2017) thì tiền đâu mà chi cho cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1000 km đường cao tốc, nhưng chỉ có chừng 106 km là ở miền Nam. Giải thích như thế nào về sự khác biệt đó cũng không thể thuyết phục người dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi đóng góp mỗi năm hơn 15 tỉ USD cho xuất khẩu và ngân sách Nhà nước.
Trong bài báo trên Bloomberg, người ta trích dẫn nhận định của một nhà báo kì cựu Huy Đức (tác giả quyển sách 'Bên thắng cuộc') rằng 'This present regime has never seriously thought of true reconciliation issues, [...] They always affirm themselves as the winner of the war and the master of the nation' (dịch: chế độ này chưa bao giờ nghĩ đến hoà giải dân tộc thật sự [...] Họ luôn tự khẳng định mình là kẻ thắng cuộc trong chiến tranh và là chủ nhân ông của đất nước).
Không thể nào ngồi xuống nói chuyện khi mà một bên vẫn dùng những cách nói và từ ngữ xúc phạm, ngông ngênh, không có thật. Không thể nào có hoà giải và hoà hợp, khi một bên vẫn còn khuấy sâu một cách thích thú vào nỗi đau của phía bên kia. Phía bên kia cũng chẳng ai xa lạ, mà chỉ là anh em trong một nhà. Viết ra những điều này chẳng phải thù oán gì cả, mà chỉ đặt sự thật lịch sử để mọi bên có thể hiểu với nhau.
***
Nhiều người tre trẻ, thậm chí có tuổi ở miền Bắc, hay than phiền rằng những kẻ như tôi hay thế hệ tôi hay nhớ chuyện xưa. Họ nói rằng người trong nước không ai còn nghĩ chuyện xưa đó nữa. Sai. Ở trong nước người ta vẫn ăn mừng ‘chiến thắng’ đó chớ, vẫn nói về 'giải phóng miền Nam' (ôi! mỉa mai làm sao), vẫn ra rả chửi chánh thể VNCH (nhưng lại vui vẻ nhận thành tựu của nó). Tôi nghĩ đó là một kiểu chạy trốn lịch sử. Nó chẳng khác gì kẻ làm cho nạn nhân đau khổ, lấy nhà người ta, lấy đất của nạn nhân, thậm chí giết chết thân nhân, rồi quay lại vỗ vai dạy nạn nhân rằng ‘hãy quên quá khứ.’ Một sự xúc phạm đến nạn nhân. Một sự ngạo mạn với lịch sử.
Thật ra ở trong nước có vài thế hệ bị tẩy não lịch sử, nên họ chẳng biết gì về một giai đoạn đầy biến động và tang thương. Ngay cả nhiều người trong chánh phủ hiện nay (sanh ra sau 1975) cũng chẳng biết gì về một giai đoạn bi thảm mà hàng trăm ngàn người Việt bỏ mạng trên biển, hàng vạn người chết trong các trại tập trung gọi là 'cải tạo', hàng triệu người bị đày vào rừng sâu và sống lây lất vì chánh sách 'vùng kinh tế mới', hàng trăm ngàn người bị cướp tài sản và tiền bạc. Ôi, viết ra những thảm hoạ này thì đòi hỏi cả pho sách, và có lẽ là việc làm của các sử gia trong tương lai.
Những người gây ra những tang thương đó đã qua đời, nhưng con cháu họ thì ngày nay vẫn còn và đang tận hưởng ‘thành tích’ của cha ông họ. Họ thường là những người hay nói ra những lời nói nồng nàn nhưng vô nghĩa. Điều cần thiết nhứt hiện nay là sự thành thật với lịch sử, là tử tế với người miền Nam, và trả lại sự công bằng cho miền Nam.
____
[1] https://www.bloomberg.com/.../vietnam-s-divide-slow...
[2] https://nguyenvantuan.info/.../ngay-30-4-doc-lai-hoi-ki.../
Saturday, May 1, 2021
Nguyễn Văn Tuấn: Giới lãnh đạo việt cộng sau 1975 qua cái nhìn của Lý Quang Diệu
Nguyen Tuan
4utndSponsoredfh ·
Giới lãnh đạo Việt Nam sau 1975 qua cái nhìn của Lý Quang Diệu
Thời còn ở trong nước, vì do thiếu sách báo và tuyên truyền tẩy não, nên tôi chỉ biết các lãnh đạo rất tuyệt vời, thông minh, sáng suốt, dũng cảm, làm cho Việt Nam nở mặt nở mày với thế giới. Nhưng khi có dịp ra nước ngoài và đọc các sách, hồi kí của các lãnh tụ nước ngoài thì họ tô vẽ các lãnh đạo Việt Nam rất khác với những gì tuyên truyền. Điển hình là cuốn Hồi kí Lý Quang Diệu dành nhiều trang nói về những người như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Đỗ Mười, v.v. Những trang viết về ông Đồng là 'thú vị' nhứt.
Lý Quang Diệu cho rằng Việt Nam lúc đó nghĩ rằng các nước Đông Nam Á sợ Việt Nam, nên những người lãnh đạo cộng sản tìm cách khai thác nỗi sợ đó để được làm bạn với Việt Nam. Họ nghĩ rằng đã đánh bại Mĩ thì các nước khác trong vùng chẳng có nghĩa lí gì, họ khinh thường Singapore như là một hải đảo nhỏ. Họ tự cho mình là người Phổ của Đông Nam Á. Họ ăn nói ngông ngênh trên hệ thống truyền thông. Lý Quang Diệu nhận xét chung về giới lãnh đạo Việt Nam lúc đó là 'insufferable' (tức là không thể ưa được, không chịu nổi). Ông này là một người có học thức cao, mà dùng chữ này khá nặng nề. Nó còn có hàm ý nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam là ngạo mạn, phách lối, và hay đóng tuồng sân khấu.
Lý Quang Diệu tiếp xúc với Phạm Văn Đồng lần đầu vào ngày 16/10/1978 trong một chuyến viếng thăm chánh thức. Ông Lý viết rằng 'I found him arrogant and objectionable' (Tôi thấy ông ấy là một kẻ ngạo mạn và khó ưa). Ông viết rằng trước đó thì Việt Nam gởi ông thứ trưởng Bộ ngoại giao Phan Hiền đi tiền trạm và ông này thể hiện bộ mặt thân thiện của người cộng sản Việt Nam, rồi sau đó là ông Đồng thể hiện sự cứng rắn của người cộng sản. Họ chỉ diễn tuồng, nhưng họ không biết rằng khán giả của tuồng hát có tri thức cao hơn họ.
Ông Đồng tuyên bố rằng Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, ông ấy là một người cộng sản, và học thuyết ông ấy theo đuổi là chủ nghĩa Mác Lê. Đồng nói rằng ông đến Singapore với tư cách là thủ tướng của Việt Nam XHCN, và Việt Nam phải đóng góp vào sự nghiệp cách mạng và hoà bình ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông nói rằng Singapore đã từng hưởng lợi từ cuộc chiến Việt Nam, và bây giờ thì Singapore phải có nghĩa vụ giúp đỡ Việt Nam. Ông Lý viết rằng 'I was dumbfounded by this arrogant and belligerent attitude' (tôi lặng người vì thái độ phách lối và hung hãn này).
Lần thứ hai, ông Lý gặp ông Đồng vào năm 1992 ở Hà Nội. Lúc đó ông Đồng không còn là thủ tướng, đã già yếu rất nhiều, đi đứng không vững, nhưng tinh thần thì vẫn cứng cỏi. Ông Lý mô tả buổi tiếp xúc diễn ra ở một building do Pháp để lại, và họ nói chuyện về quá khứ cũng như tương lai. Ông Đồng nói rằng quá khứ đã qua rồi, và Việt Nam muốn mở một trang sử mới. Nhưng trong thực tế, Việt Nam bị các nước trong vùng tẩy chay, cô lập hoá, và kinh tế gần suy sụp. Singapore là nước chống Việt Nam mạnh nhứt, không cho Việt Nam tham gia khối ASEAN. Do đó, ông Đồng muốn Singapore giúp đỡ để làm bạn với ASEAN (ngày xưa thì ông ấy nghĩ ASEAN muốn làm bạn với Việt Nam). Ông ấy nghĩ rằng một kẻ chống VN mạnh nhứt mà đồng ý làm bạn với VN thì các nước trong khối ASEAN khác sẽ làm theo. Ông Lý viết rằng ông phải cảm ơn Đặng Tiểu Bình đã dạy cho Việt Nam một bài học (trang 314).
Nói chung, ông Lý Quang Diệu có vẻ nể phục dân tộc Việt Nam như là một tập thể kiên cường, thông minh và nước Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên [1]. Ông nghĩ rằng Việt Nam sẽ qua mặt Singapore dễ dàng. Nhưng ông Lý không đánh giá cao các lãnh đạo Việt Nam thời đó, những người mà ông hay dùng chữ ngạo mạn, hung dữ và khó ưa để mô tả. Còn những người khác ông tiếp xúc thì có vẻ mờ nhạt.
Các bạn có thể xem thêm trong phần ông Lý viết về Việt Nam ở đây:
http://www.vietnamvanhien.org/HoiKyLyQuangDieuVietNam.pdf
[1] Tưởng cần nhắc lại rằng sau 1975, trong làn sóng thuyền nhân, bà Magaret Thatcher (lúc đó là Thủ tướng Anh) đề nghị với Thủ tướng Úc Malcolm Fraser mua một hòn đảo nào đó ở Nam Dương hay Phi Luật Tân để cho những Việt tị nạn tái định cư ở đấy. Nhưng ý tưởng đó bị Lý Quang Diệu phản đối quyết liệt, vì ông sợ rằng đảo ấy và những người Việt sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh với Singapore. Ông vừa nể phục người Việt nhưng cũng có vẻ sợ người Việt?
Subscribe to:
Posts (Atom)