Từ Chernobyl đến Fomosa
1 giờ 23 phút 58 giây ngày 26 tháng 4 năm 1986, thảm họa công nghệ khủng khiếp nhất TK 20 đã xảy ra, khi một loạt các vụ nổ đã phá hủy lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Thế chiến thứ 2 xóa sổ 619 ngôi làng của Belarus thì thảm họa này đã xóa sổ 485 ngôi làng và khu dân cư, 70 ngôi làng bị xóa sổ vĩnh viễn, 70% lượng phóng xạ rơi vào lãnh thổ. ¼ dân số của nước này thiệt mạng trong chiến tranh, và giờ đây 1/5 dân số, với 2,1 triệu người trong đó có 700 ngàn trẻ em, sống trong vùng đất nhiễm chất phóng xạ. Một số vùng, tỷ lệ chết cao hơn tỷ lệ sinh 20%. Số người bị ung thư, chậm phát triển trí tuệ, mắc các bệnh về thần kinh và đột biến gien tăng lên từng năm.
1. CÂU CHUYỆN SAU 10 NĂM XẢY RA THẢM HỌA
“Chu kì bán rã của Uranium 238 là 1 tỉ năm. Với Thorium, phải mất 14 tỷ năm”.
“Những con chó đói chạy quanh đây cho đến lúc chúng kiệt sức mà chết. Những con mèo đói đến nỗi chúng ăn thịt cả mèo con”. “Tôi đến nghĩa trang. Mẹ tôi nằm ở đó. Đứa con nhỏ của tôi nằm ở đó. Ngay khi chúng tôi đưa con bé đến nghĩa trang, mặt trời hiện ra từ những đám mây. Mặt trời chiếu sáng lấp lánh. Cứ như có tiếng nói cất lên. Cô nên đến và đào con bé lên. Chồng tôi cũng có mặt ở đó. Tôi ngồi đó với mọi người. Tôi thở dài. Có thể nói chuyện với người chết như người sống. Tôi có thể nghe thấy người này, người kia nói. Khi cô đơn…”
“Chim cúc cu đang hót, chim ác là kêu ríu rít, những con hoãng chạy nhảy. Ai biết chúng có sinh nở không? Một sáng tôi nhìn ra vườn nhà, thấy những con lợn lòi đang bới đất. Các bà có thể tổ chức tái định cư cho con người, nhưng với lợn lòi thì không. Nước không chịu tuân theo đường biên giới đâu, nước chảy trên bề mặt trái đất và chảy trong lòng đất”.
“Có một điều tôi không biết là, con người ta có linh hồn hay không? Linh hồn kiểu gì? Làm thế nào tất cả những linh hồn tụ về thế giới bên kia được? Ông tôi hấp hối 2 ngày rồi chết, tôi nấp sau bếp và đợi: Linh hồn sẽ bay ra khỏi cơ thể ông tôi như thế nào? Tôi đi vắt sữa bò - tôi trở về, gọi ông thấy ông nằm đó, mắt mở trừng trừng. Hồn ông đã lìa khỏi xác. Mai kia ở cõi khác, chúng tôi sẽ gặp lại nhau bằng cách nào đây?”
“Chất phóng xạ, nó trông như thế nào? Một số người nói nó không màu, không mùi, một số người khác nói chúng màu đen. Nhưng nếu nó không có màu thì nó cũng giống Chúa. Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng đâu thể nhìn thấy Ngài. Những trái táo lủng lẳng trong vườn, lá ở trên cây, khoai tây ngoài cánh đồng.” Chất phóng xạ ở đâu?
“Chúng tôi mất hai quê hương cùng một lúc. Tajikistan và Liên bang Xô viết. Tại sao chúng tôi lại đến mảnh đất này? Bởi vì ở đây không ai dồn đuổi chúng tôi hết. Không ai đá chúng tôi ra khỏi mảnh đất này. Giờ đây mảnh đất này chẳng thuộc về ai hết. Chúa đã lấy lại nó. Người ta bỏ đi khỏi đây cả rồi”
“Chúng tôi đã từng có quê hương, nhưng bây giờ quê hương ấy không còn nữa. Tôi là ai ư? Mẹ tôi là người Ukraina, cha tôi là người Nga. Tôi sinh ra và lớn lên ở Kyrgyzstan, tôi kết hôn với một người Tatar. Vậy các con tôi thuộc dân tộc nào? Chúng là người nước nào? Chúng tôi là người Xô viết! Nhưng đất nước đó - nơi tôi sinh ra - không còn tồn tại nữa. Bây giờ chúng tôi như những con dơi. Tôi có 5 đứa con. Đứa lớn nhất học lớp 8, đứa út học mẫu giáo. Tôi đưa chúng đến đây. Tổ quốc chúng tôi không còn tồn tại nữa, nhưng chúng tôi vẫn còn đây. Chernobyl là nhà chúng tôi, là Tổ quốc của chúng tôi.”
“Tôi chạy trốn khỏi thế giới này. Tôi đã quên cuộc đời mình. Có lẽ đã mang kiếp con người thì không thể nào hạnh phúc được. Tôi sống cũng được mà chết cũng chẳng sao, điều đó không quan trọng. Đời người cũng giống như cỏ dại thôi: Xanh tươi, rồi khô héo, và trở thành mồi cho lửa. Cái Ác không có thực. Đó chỉ là tình trạng thiếu vắng cái Thiện, giống như bóng tối đơn giản là tình trạng thiếu ánh sáng mà thôi.”
“Tôi nhớ những ngôi mộ chung không được ai chăm sóc - một tấm bia đá nứt toác có tên người đàn ông: đội trưởng, thượng úy… và sau đó là những cột chữ dài như những bài thơ - tên của các binh nhì. Xung quanh đó, những cây bàng, tầm ma, cỏ chân ngỗng mọc đầy”
“Họ phẫu thuật để tạo hậu môn cho con tôi. Họ tạo âm đạo cho nó. Sau cuộc phẫu thuật gần đây nhất, đường tiết niệu của con bé hỏng hoàn toàn. Con toi còn nhỏ, chưa hiểu gì, nhưng một ngày nào đó nếu còn sống nó sẽ hỏi chúng tôi: tái sao nó không thể yêu một người đàn ông? Tại sao nó không thể có con? Tại sao điều thậm chí không xảy ra với con bướm lại xảy ra với nó? Tại sao những con chim không bị như vậy mà nó lại bị? Tôi muốn có giấy xác nhận - để nó biết - khi nó lớn lên- nó biết đó không phải lỗi của chồng tôi, không phải lỗi của tôi, tình yêu của chúng tôi không có lỗi.
Tôi nhìn người phụ nữ mang thai bằng cái nhìn kỳ cục nhất. Ngạc nhiên, Hoảng sợ, ghen tỵ và vui mừng, thậm chí cả cảm giác muốn trả thù. Một lần tôi ý thức được rằng mình nhìn con chó đang mang thai của nhà hàng xóm theo đúng cách đó - nhìn con chim trong tổ của nó cũng theo cách đó…
Con gái tôi…”
“Bà ta mang theo con nhỏ mới được 1 tháng tuổi, và họ di chuyển qua một đầm lầy trong khi khắp nơi đều có lính Đức. Đứa bé khóc. Nó có thể khiến họ bị lộ. Và người mẹ đã bóp chết đứa bé. Bà ta kể bằng giọng vô cảm như thể người làm chuyện đó không phải là bà, còn đứa trẻ không phải con bà. Tôi cứ nghĩ đội du kích vượt qua vòng vây vì đứa trẻ đó, để cứu nó. Ấy vậy mà để cứu mạng sống của những con người khỏe mạnh, họ đã bóp cổ đứa bé ấy. Vậy thì cuộc sống có ý nghĩa gì?”
2. FOMOSA
Thật sai lầm khi bạn nghĩ, gắn với biển miền Trung chỉ có người đi khơi đi lộng và buôn bán du lịch. Ở đó đất hẹp và dài, nơi hẹp nhất mặt cắt ngang chưa đến 40km. Để dễ hình dung, nếu bây giờ có thảm họa xảy ra với lúa gạo, ai là người bị ảnh hưởng? Đó là NHỮNG NGƯỜI DÙNG GẠO ĐỂ NẤU THÀNH CƠM.
Biển miền Trung cũng thế. Đó là những người sống nhờ vào biển. Giờ đây không ai chết đói như năm 45 đâu, dù nghèo đến mấy, ít ra họ cũng dự trữ được vài yến gạo cho mùa đông. Nhưng biển cho sản vật giá rẻ. Vào mùa cá, bạn có thể mua cả yến cá nục khoảng 100 đến 300 ngàn, tương đương từ 15 đến 40 gói bột canh. Một gia đình nghèo chỉ mất 10 ngàn có thể ăn ngon với cá biển trong ngày. Với số tiền đó, họ có thể mua phơi khô và dự trữ trong mùa đông và ngày giáp hạt.
Giờ đây, với số tiền đó, họ chỉ đủ mua 1kg cá nước ngọt. Họ đâu chỉ ăn trong một ngày? Một kg cá biển vào mùa cá có giá bằng một gói bột canh. Họ sẽ ăn gì với gạo đã nấu thành cơm?
Sau biển đến lũ lụt. Người nghèo không thuộc diện đền bù, không gắn với nghề biển, mới thực sự là những người lâm vào cảnh khốn cùng nhất.
Krishnamurti có nói trong Dòng sông thanh tẩy, “Dòng sông là dòng nước chảy ở giữa. Nó đi qua làng mạc phố thị và người ta ném mọi sự xuống nó. Sông bị ô nhiễm, rác rưởi và nước cống tuôn xuống mình, nhưng chỉ ít dặm sau, sông tự mình thanh tẩy. Trong dòng sông đó mọi sự sinh sống, cá lội bên dưới và con người uống nước bên trên. Dòng sông đó. Đằng sau nó là áp suất lớn lao của nước, và dòng sông đó chính là diễn tiến tự thanh tẩy.”
Sông lớn đến thế, cũng trở nên quá bé nhỏ và bị biển nuốt trôi. Vậy biển lớn đến thế, ai đã có thể nuốt trôi được nó?
Sông lớn đến thế, cũng trở nên quá bé nhỏ và bị biển nuốt trôi. Vậy biển lớn đến thế, ai đã có thể nuốt trôi được nó?
Khi người dân trút sự giận dữ của mình vào một nhà máy - vật vô tri vô giác - không phải họ không hiểu đó là vật vô tri. Vật vô tri không có lỗi. Không nham hiểm. Không vô cảm. Không ác độc. Mà vì. Cũng như Chernobyl, họ không thể làm gì khác hơn với những ai đã tạo ra nó. Và không biết đến bao giờ nó mới kết thúc.
Hà Tĩnh vốn là đất danh hương. Nơi đây sản sinh ra quá nhiều dòng họ, nhiều con người tài ba lỗi lạc, có nhiều cống hiến trên nhiều lĩnh vực của con người và cuộc sống. Nhưng thật khó để nó có thể hội tụ được trong một con người có vị thế, có hiếu nghĩa vẹn toàn như anh. Anh sông đỏ.
Nếu bạn không sinh ra và lớn lên ở gần biển, không gắn với biển, tôi dám cá rằng bạn không thể phân biệt được đâu là lưng, đâu là bụng của con cá Thờn Bơn.
Nó có hai mắt mọc cùng một bên. Thông thường chúng được che phủ trong bùn. Khi cần chúng có thể đổi màu. Nhìn mũm mỉm. Trơn. Láng. Nhờn nhợt và vô cảm. Như anh.
3. CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Political Affairs đã bình luận “ Có lẽ không phải cuộc cải tổ của Gorbachev. Chernobyl mới chính là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết”. Lời bình được in trên bìa 4 của “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”.
Tôi không bao giờ muốn đến với nỗi buồn. Tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình nên đọc cái buồn vào những ngày cuối năm. Sách bà tôi biết, nó luôn buồn, bà Svetlana ạ. Nhưng cái đáng sợ nhất, đó không phải là nỗi buồn được tạo dựng, mà là nỗi buồn đang tồn tại, dù bên trong nỗi buồn đã chết. Như tượng nhà mồ ở Tây Nguyên, như nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9. Dẫu biết rằng họ đã chết, đã qua đi, đã lâu.
Nếu bạn đến vào một trưa nắng, đi theo hội đoàn, sự sống và cỏ cây sẽ làm che mờ đi. Nhưng bạn sẽ không bao giờ cầm lòng được, khi nhìn thấy hàng vạn ngôi mộ có tên và không có tên nằm san sát bên nhau trong một chiều chạng vạng.
“Vậy thì cuộc sống có ý nghĩa gì?”
*) Các trích đoạn trong " ..." được lấy từ "Lời nguyện cầu từ Chernobyl" của Svetlana Alexievich.
No comments:
Post a Comment