Cá quý hiếm chết bất thường dọc bờ biển miền Trung khiến dư luận đặt ra nghi vấn có thể do Trung Quốc cải tạo đảo trái phép ngoài Biển Đông.
Cá quý hiếm chết dọc bờ biển miền Trung
Những ngày gần đây, hiện tượng cá biển chết dạt trắng dọc bờ biển miền Trung khiến các ngư dân hoang mang. Lần đầu tiên cá trôi dạt vào bờ xuất hiện vào ngày 7/4 tại vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đến ngày 10/4, nhiều ngư dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã phát hiện cá chết rải rác. Liên tiếp mấy ngày sau đó, người dân ở vùng biển các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, TP Đồng Hới… của tỉnh Quảng Bình cũng phát hiện cá chết bất thường nổi trên mặt nước và vương vãi khắp bờ biển. Đặc biệt, hôm 14/4, cá chết với số lượng ước tính hàng chục tấn.
Và đến nay thì vùng ven biển Thừa Thiên - Huế cũng xuất hiện cá biển chết hàng loạt.
Nhiều loài cá được người dân nuôi ở hồ nuôi ven biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) chết trắng, dạt bờ. Ảnh: Đắc Đức.
Tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình), các ngư dân cho rằng, đây là hiện tượng chưa bao giờ thấy. Ông Nguyễn Trường Sơn, một ngư dân lão luyện cho biết: "Lượng cá chết dạt vào bờ chỉ là số rất ít so với lượng cá chết trôi nổi ngoài biển. Các loài cá bị chết đa số nằm ở tầng nước sâu, có giá trị cao như: Cá mú, cá hồng, cá hanh, cá ong, cá đuối... Đến con cá nằm ở tầng đáy, thi thoảng mới câu được một vài con, giờ thì nổi trắng bụng cả".
Tại xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), ngư dân cũng phát hiện nhiều loại cá như chình, đuối, vẩu… chết ngập cả bãi biển. Ông Nguyễn Xuân Thảo (57 tuổi, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) không thể nào lý giải được hiện tượng này. Nhiều loài sinh sống ở đáy biển và rất khó đánh bắt, nay cũng chết dạt bờ.
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, tình trạng cá chết xảy ra từ ngày 14 đến 18/4, nằm rải rác trên bờ biển trải dài gần 20 km do xã quản lý. Trong số cá chết do dân gom nhặt, có nhiều loài sống cách xa bờ.
Trước đó, hồi tháng 3/2015 tại bờ biển Hà Tĩnh cũng xuất hiện hàng chục tấn sò lông, ốc biển ở vùng biển Hà Tĩnh chết không rõ nguyên nhân, bị sóng đánh dạt vào bờ.
Khoảng tháng 9/2015, hàng nghìn con hải sâm đã dạt vào bờ biển ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở Phú Quốc, Kiên Giang. Đây là loại có giá trị kinh tế cao.
Do Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông?
Hàng loạt những sinh vật biển quý hiếm bị chết bất thường trôi dạt vào bờ, những hiện tượng này chưa từng thấy khiến dư luận đặt ra nghi vấn có thể là do Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở Biển Đông nên gây ra sự xáo trộn sinh vật biển.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên - Huế) từng xác nhận rằng: "Việc cải tạo của con người ở ngoài Biển Đông chắc chắn có ảnh hưởng tới sinh vật biển. Cụ thể như thế nào thì cần nghiên cứu cụ thể hơn".
Trung Quốc đã cải tạo tại đảo Phú Lâm - thuộc quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông có thêm một sân bay, khách sạn, thư viện, năm tuyến đường chính, hệ thống điện thoại di động và một đài truyền hình vệ tinh.
Theo TS. Lê Đình Mầu – Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) cho rằng: “Việc cải tạo của Trung Quốc ở ngoài Biển Đông chắc chắn có ảnh hưởng tới sinh vật biển của Việt Nam bởi gây ra sự xáo trộn ở biển, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, tập quán sống của các loại. Từ đó ảnh hưởng tới sinh vật biển”.
Ông Vũ Đình Đáp – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định, hàng loạt hiện tượng lạ xảy ra ở vùng biển của Việt Nam có liên quan tới Trung Quốc.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho hay: "Nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn thì thiệt hại còn tiếp tục tăng. Kéo theo là việc khai thác các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cũng như khai thác hải sản quá mức và mang tính hủy diệt, hủy hoại hay xâm hại các hệ sinh thái ở vùng biển quan trọng này của thế giới. Trung Quốc phải chấm dứt những hành động xâm hại tới năng suất và đa dạng sinh học của các vùng biển trong Biển Đông từ việc làm sai trái của mình".
TS. Chu Tiến Vĩnh – Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Thủy sản thẳng thắn: "Rõ ràng việc Trung Quốc cải tạo trái phép hàng loạt đảo ở ngoài Biển Đông gây ảnh hưởng mọi mặt tới Việt Nam, không chỉ về mặt an ninh quốc phòng mà còn cả môi trường, đời sống sinh vật biển cũng chịu nhiều tác động nặng nề. Nó làm phá vỡ tất cả các rặng san hô, phá vỡ tất cả đời sống của sinh vật biển ở Biển Đông".
Bảo An (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment