Tuesday, December 14, 2021

Nhiễu và thiên kiến: những bản án ở Việt Nam . Nguyễn Văn tuấn

 Nhiễu và thiên kiến: những bản án ở Việt Nam

Nguyễn Tuấn 


Hôm qua, cô Phạm Đoan Trang (một cựu nhà báo) bị tuyên phạt 9 năm tù giam vì tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Trước đó một ngày, ông Nguyễn Đức Chung (cựu bí thư Hà Nội) bị tuyên phạt 5 năm tù vì tội danh “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Bản án dành cho ông cựu bí thư còn thấp hơn bản án 7 năm tù dành cho một người ăn trộm 1 con vịt ở Kiên Giang. Những khác biệt đó chỉ có thể mô tả là 'nhiễu', và những cái nhiễu này còn gây ra nhiều đau khổ cho người dân.
1. Nhiễu
Điểm qua những nạn nhân của bản án 'Tuyên truyền chống Nhà nước', tôi thấy án phạt thường dao động trong khoảng 4 đến 12 năm tù, với trung bình chừng 7 năm. Phạm Đoan Trang bị tuyên phạt đến 9 năm tù giam, tức là thuộc vào nhóm 'cao cấp'. Trong nhóm cao cấp này có Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm, và người bị phạt tù lâu năm nhứt là Điếu Cày.
Ls Nguyễn Văn Đài: 4 năm
Ls Lê Thị Công Nhân: 4 năm
Phạm Thanh Nghiên: 4 năm
Phan Thanh Hải: 4 năm
Ls Lê Công Định: 5 năm
Nguyễn Viết Dũng: 6 năm
Nguyễn Xuân Nghĩa: 6 năm
Cù Huy Hà Vũ: 7 năm
Lm Nguyễn Văn Lý: 8 năm
Trần Thị Tuyết Diệu: 8 năm
Phạm Đoan Trang: 9 năm
Tạ Phong Tần: 10 năm
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: 10 năm tù
Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày): 12 năm
Tại sao mức độ phạt tù lại dao động khá lớn giữa các nạn nhân có cùng tội danh? Dĩ nhiên là tuỳ vào bối cảnh và tình tiết của mỗi trường hợp. Có khi người ta chịu 'tội' thì có thể được xử nhẹ hơn những người bác bỏ [tất cả các cáo trạng] như Phạm Đoan Trang.
Nhưng trong thực tế, tôi nghĩ còn có yếu tố nhiễu (noise). Nhiễu ở đây hiểu theo nghĩa của cuốn sách mà tôi mới điểm qua trước đây [1]. Trong sách, tác giả lấy một ví dụ về án phạt để minh hoạ cho định nghĩa về nhiễu. Hai người [không có tiền sử tội phạm] dùng tiền giả, một người dùng tiền giả trị giá 58.4 USD bị phạt 15 năm tù; còn người dùng tiền giả trị giá 35.2 USD bị phạt tù 30 ngày. Một trường hợp so sánh khác cũng thú vị không kém: hai người cùng phạm tội biển thủ với số tiền tương đương nhau, nhưng người thì bị phạt 17 ngày tù, còn người kia thì 20 năm tù.
Tác giả gọi đó là 'nhiễu' trong phán xét. Nhiễu là những SAI SÓT của con người hay phương tiện. Nhiễu thường mang tính ngẫu nhiên, tức không tuân theo qui luật nào cả, và do đó chúng ta không thể tiên đoán được. Nhưng nhiễu ở Việt Nam thì có vẻ không phải là ngẫu nhiên.
Chẳng hạn như cái tội danh 'Tuyên truyền chống Nhà nước' đối với cô Đoan Trang có cái gì đó không thuyết phục. Cô ấy đơn giản là một nhà báo, nhưng khác với nhiều đồng nghiệp khác, cô ấy là một nhà báo có trăn trở với hiện tình đất nước, và muốn dùng kiến thức của mình để đóng góp cho việc khai phóng xã hội. Những gì cô ấy viết đều phản ảnh rất rõ chủ trương đó. Những gì cô ấy viết nằm trong quyền mà Hiến pháp Việt Nam qui định ở Điều 25: "Công dân có quyền tự do chính kiến và biểu đạt, [và] tự do báo chí."
Thế nhưng cũng cái Bộ luật hình sự thì lại qui định: "tuyên truyền, xuyên tạc và bôi nhọ chính quyền nhân dân" là một tội ác! Vậy là sao? Công dân có quyền phát biểu chánh kiến của mình, tức là kể cả việc phê phán nhà cầm quyền, nhưng lại cấu thành là 'Tuyên truyền chống Nhà nước'! Cô ấy viết gì? Thật ra, cô Đoan Trang viết về thảm họa sinh vật biển (xảy ra ở Vũng Áng), cô ấy viết về chuyện nhân quyền và luật tín ngưỡng và tôn giáo. Khách quan mà nói những bài đó chẳng có gì để gọi là 'Chống Nhà nước'.
Bản án đó phải xem là một nhiễu vậy.
2. Bias (thiên kiến)
Bên cạnh nhiễu, còn có bias (sự thiên lệch) có thể giải thích tại sao cùng một bản án mà mức độ phạt thì khác nhau. Trong tâm lí học, bias là thiên kiến đối với một cá nhân hay sự việc. Một loại thiên kiến quan trọng trong tâm lí học là cognitive bias (thiên kiến về nhận thức), là sự thiên lệch chống lại một cá nhân, một nhóm người, sự vật, và thường thường là không công bằng. Chẳng hạn như người ta có xu hướng sàng lọc thông tin sao cho phù hợp với niềm tin của họ. Do đó, thiên kiến là sản phẩm của bản chất con người, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến các quyết định của con người.
Tôi nghĩ rằng đa số các vụ án dành cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam là do thiên kiến hơn là do nhiễu. Trong một xã hội mà người dân chỉ được tiếp nhận thông tin 1 chiều từ 1 nguồn, thì làm sao người ta không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến. Trong cái môi trường được nuôi dưỡng bằng những thông tin như thế thì những người như Đoan Trang là cái 'gai' trong mắt của nhiều người.
Hết ngày này sang ngày nọ, đa số công chúng được gieo vào những niềm tin rằng nói khác với quan điểm của đảng và Nhà nước là 'phản động', mà phản động là đồng nghĩa với tù đày thì theo thời gian nó sẽ trở thành một chuẩn mực. Chuẩn mực là không được nói khác Nhà nước. Chuẩn mực là phải im lặng. Theo đó, những ai nói khác hay lên tiếng trước những bất công xã hội thì bị xem là 'phản động', là tội phạm.
Ông cựu bí thư Hà Nội làm thất thoát rất nhiều tiền của dân, nhưng nhận một bản án có thể nói là ... nhẹ hều: “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Hình phạt dành cho ông cũng nhẹ hều: 5 năm tù. Cô Đoan Trang chẳng làm thất thoát một xu nào của Nhà nước và dân; ngược lại, cô ấy đóng góp vào việc nâng cao dân trí. Nhưng cô lãnh cái án phạt 9 năm tù! Dĩ nhiên, có nhiều khác biệt giữa 2 trường hợp, nhưng tôi nghĩ đến thiên kiến: một bên là người của đảng, còn một bên là thường dân.
Thiên kiến cũng giải thích tại sao có những yếu tố như 'có công với cách mạng' trong các phiên toà. Người có công với cách mạng được xử nhẹ hơn người khác. Một ví dụ minh hoạ tiêu biểu là vụ xử án ở Long An vài ngày qua. Câu chuyện là một nhóm người (khoảng 50 người) dưới sự cầm đầu của một người giàu có xông vào Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, đập phá, và cướp đi hơn 300 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn là một người phụ nữ trong nhóm côn đồ quăng một viên gạch bén nhọn thẳng vào mặt của một người trong Thiền Am và gây thương tích lên đến 13%. Phiên toà sơ thẩm tuyên phạt kẻ hành hung này 2 năm tù giam và 8.9 triệu đồng. Nhưng vài hôm trước, phiên toà phúc thẩm giảm hình phạt xuống còn 2 năm tù treo vì 'có công với cách mạng' và 'mẹ đơn thân'. Ngạc nhiên hơn, những người cầm đầu tổ chức cuộc tấn công vào Thiền Am thì ... vô tội!
Các bạn thử tưởng tượng một kẻ manh động có hành động nguy hiểm đến tánh mạng người ta mà gần như trắng án. Các bạn thử tưởng tượng những kẻ cầm đầu việc đập phá tấn công một cách có tổ chức vào gia trang người ta mà vô tội!
Điều quan trọng là chính phiên toà phúc thẩm này bác bỏ phiên toà trước đó mặc dù tình tiết và bằng chứng y chang nhau (không có chứng cớ mới). Phải xem đó là do nhiễu.
Vấn đề nhiễu và thiên kiến, như nói trên, cũng xảy ra ở các nước có nền tư pháp lâu đời như Mĩ. Nhưng hai yếu tố này có vẻ nặng nề hơn ở Việt Nam vì sự ảnh hưởng của chánh trị quá sâu đậm và mối quan hệ đường thẳng giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Rất tiếc là chưa có ai làm những nghiên cứu khoa học để đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố nhiễu và thiên kiến đến những bản án ở Việt Nam trong thời gian qua, và đây là một thiếu sót vậy. Nhiễu và thiên kiến trong xử án làm xói mòn uy tín và niềm tin vào công lí ở Việt Nam.
Quay trở lại vụ án cô Phạm Đoan Trang, tôi nghĩ cô ấy đã chuẩn bị cho một bản án như thế và không kì vọng gì từ phiên toà đó vì biết rõ rằng chẳng có phiên toà nào mà không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến chánh trị. Do đó, con số 9 năm tù dành cho cô ấy chỉ nói lên sự thiên kiến của hệ thống và là một thước đo sự dấn thân và trăn trở làm cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Ông Nelson Mandela có một câu trong cuốn hồi kí của ông mà tôi rất thích là (dịch) khi một người bị tước đoạt quyền sống một cuộc sống mà người đó tin vào, người đó không có lựa chọn nào khác là trở thành một kẻ ngoài vòng pháp luật (“When a man is denied the right to live the life he believes in, he has no choice but to become an outlaw.”) Đoan Trang là một người như thế.

Saturday, December 4, 2021

Đặc điểm các phát ngôn của lãnh đạo Việt cộng - Nguyễn Văn Tuấn

 

Favourites 0atc58S0hicup4fgsm7airadu 
Đặc điểm các phát ngôn của lãnh đạo Việt Nam
Tôi thích học tiếng Việt và tiếng Anh, nên hay chú ý đến những phát ngôn của các vị gọi là 'lãnh đạo'. Theo dõi cách nói của giới lãnh đạo Việt Nam tôi thấy có những đặc điểm chung: sáo ngữ, khẩu hiệu, hành chánh hoá, thiếu thông tin, và chung chung. Lấy cảm hứng từ sách của CT, tôi thử phân tích 5 đặc điểm đó như sau.
Không biết thời nay thì sao, chớ vào thời tôi còn ở Việt Nam (tức cuối thập niên 70) thì giới lãnh đạo Việt Nam thường có những bài phát biểu rất dài. Tôi nhớ những ông như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng có khi nói cả 2 tiếng đồng hồ. Thật ra, họ đọc thì đúng hơn. Tôi rất thán phục họ, vì không hiểu sao họ có văn hay chữ tốt thế, và có thể đứng một chỗ mà đọc suốt 120 phút! Tuy nhiên, sau 120 phút nghe, tôi không biết họ nói gì, chẳng nhớ họ nói gì. Nhưng sau này, khi ra nước ngoài tôi mới hiểu là có khi họ cũng không biết họ nói gì, chớ không phải lỗi ở tôi.
Chừng 20 năm qua, tôi thấy giới lãnh đạo trẻ hơn thì có tiến bộ. Họ không đọc những bài diễn văn dài như các vị tiền bối của họ. Họ cũng có những cách nói có thể xem là hay hơn các bậc tiền bối. Tuy nhiên, họ không để lại ấn tượng gì ở khán giả hay người nghe. Tôi tự hỏi là tại sao. Nghĩ một hồi, tôi nghĩ 5 đặc điểm sau đây có thể giải thích tại sao họ không để lại một câu wisdom này đáng chú ý.
Đặc điểm 1: Sáo ngữ
Người Việt chúng ta thích sáo ngữ và ví von, nên không ngạc nhiên khi thấy giới lãnh đạo cũng thế. Có khi họ còn nổi hứng đọc thơ như hàm ý chứng minh họ cũng nho nhã, văn vẻ như các bậc 'trí thức'. Ví dụ tiêu biểu cho đặc điểm này là bài nói chuyện nhân kỉ niệm 40 năm ngày kí Hiệp định Paris:
“Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.”
Chú ý những mệnh đề 'mốc son', 'sử vàng', 'mặt trận ngoại giao', tất cả đều là những sáo ngữ. Mới đây lại có người còn đọc thơ Nguyễn Du và ví mình như con chuồn chuồn khi nhận chức!
Có một loại sáo ngữ khác là chúng mang tính tích cực nhưng không có ý nghĩa thực tế. Ví dụ như bài diễn văn nhân dịp kết thúc một đại hội đảng, có đoạn:
“Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, tư duy lý luận về văn hóa của chúng ta đã có bước phát triển …. Nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực. Truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng… được phát huy.”
Chúng ta chú ý thấy nào là 'phát triển', 'phát huy', 'hiệu quả thiết thực', nhưng vì chúng không có một dữ liệu cụ thể nào nên tất cả chỉ là sáo rỗng về ý nghĩa. Thật vậy, đọc xong đoạn phát biểu này chúng ta không thấy bất cứ một điểm cụ thể nào để nhớ hay để làm minh hoạ. Chẳng có một ý tưởng nào để đáng nhớ.
Một trong những sáo ngữ chúng ta hay thấy trong các bài phát biểu là “đánh giá cao”. Ví dụ như:
“tôi cám ơn và đánh giá cao bài phát biểu rất tốt đẹp của Ngài Thủ tướng Hà Lan”, “tôi đánh giá cao và chân thành cám ơn sự hỗ trợ của Chính phủ …”.
“Đánh giá cao” hình như là một thuật ngữ đặc thù của giới lãnh đạo trong khối XHCN chớ chẳng riêng gì Việt Nam. Thoạt đầu nghe qua 'đánh giá cao' thì cũng hay hay, nhưng nghĩ kĩ thì thấy câu này chẳng có ý nghĩa gì cả. Thế nào là đánh giá cao, cao cái gì? Tôi thấy nó là một sáo ngữ vô duyên và vô dụng.
Đặc điểm 2: Khẩu hiệu
Việt Nam là đất nước của khẩu hiệu. Đi đến đâu cũng thấy khẩu hiệu đầy đường. Khẩu hiệu xuất hiện ở mọi nơi và mọi lúc. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều bài nói chuyện và diễn văn của các lãnh đạo chỉ là những khẩu hiệu được lắp ráp vào với nhau.
Có những khẩu hiệu quá quen thuộc nên chẳng ai chất vấn tính chính xác của nó. Ví dụ như câu
“Trong niềm tự hào, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới …”
Có lẽ chẳng ai để ý đến chữ 'danh nhân văn hóa thế giới'. Nếu người bình thường phát biểu như thế thì chắc người ta cũng lắc đầu bỏ qua, nhưng lãnh đạo mà phát biểu như thế thì chẳng có gì sáng tạo, chỉ lặp lại những câu chữ đã có trước đây.
Một loại ngôn ngữ khẩu hiệu khác mang tính tự hào. Tự hào gần như là một 'đặc sản' của người Việt chúng ta và đặc biệt là của các vị lãnh đạo. Đi đâu cũng nghe họ nói về tự hào. Điều này cũng hiểu được, vì làm lãnh đạo thì phải gieo niềm tự hào vào người dân. Nhưng gieo không đúng chỗ và gieo mãi thì có thể trở thành phản tác dụng. Thử đọc bài diễn văn có đoạn:
“Chúng ta tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam anh hùng, tự hào về những con người giản dị bằng những việc làm tốt của mình ở mọi lúc, mọi nơi đã góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam; góp phần quyết định để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh.”
Tôi tự hỏi có cần quá nhiều tự hào như thế. Đất nước anh hùng, con người anh hùng, vẻ đẹp văn hoá, v.v. nhưng tại sao đất nước vẫn còn nghèo và phải 'ăn xin' hết nơi này đến nơi khác, con người vẫn còn đứng dưới hạng trung bình trên thế giới. Thay vì tự ru ngủ là anh hùng và giàu mạnh, tôi nghĩ lãnh đạo phải nói thẳng và nói thật là đất nước vẫn còn rất nghèo, tài nguyên chẳng có gì, và cả nước đang phải đương đầu với ngoại xâm.
Đặc điểm 3: Hành chánh hoá
Nếu chú ý kĩ chúng ta sẽ thấy phần lớn những bài nói chuyện, bài diễn văn các lãnh đạo đọc là họ nói với đảng viên, với quan chức, công nhân viên, với quân đội, v.v. Họ không hẳn nói với người dân. Do đó, họ thường mở đầu bằng những câu như "Thưa các đồng chí". Đồng chí trước rồi mới tới 'Đồng bào', hay có khi chẳng có 'Đồng bào' (chắc quên).
Bởi vì ưu tiên cho người cùng phe (đồng chí), nên ngôn ngữ của họ thường mang tính hành chánh. Có những chữ mà hình như họ sử dụng quá nhiều nên chẳng ai để ý đến ý nghĩa thật của nó, như:
“Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.”
Đối với người dân bình thường, ít ai hiểu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế là cái gì. Có thể nói đó là những ngôn ngữ xa lạ đối với người dân.
Đặc điểm 4: Thiếu thông tin
Hậu quả của sáo ngữ, khẩu hiệu hoá và hành chánh hoá là sự mất mát về thông tin. Tiếng Anh gọi là 'Lack of information'. Người phương Tây thường hay hỏi với nhau kiểu như "Anh nói vậy có nghĩa là gì", hay "Rồi sao nữa? Cụ thể là gì?" Những câu phát ngôn của giới lãnh đạo Việt Nam thường không có thông tin. Chữ thì nhiều, những nghĩa thì không có. Nhiều người quen tính nói rất nhiều, nhưng nếu chịu khó xem xét kĩ chúng ta sẽ thấy họ chẳng nói gì cả.
“Chẳng nói” vì những gì họ nói ra không có thông tin, tất cả chỉ là những câu chữ lắp ráp vào nhau cho ra những câu văn chứ không có dữ liệu. Do đó, có khi đọc xong một đoạn văn chúng ta chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. Chẳng hạn như phát biểu về hiến pháp, ông chủ tịch QH nói:
“Chúng tôi cũng hiểu rằng một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và ngay một số ĐBQH cũng còn ý kiến khác. Tuy nhiên tuyệt đại nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Với quyền năng nhân dân trao cho Quốc hội, chúng ta đã thể hiện được đại đa số nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội với tinh thần làm chủ của nhân dân, chúng ta sẽ biểu quyết theo tinh thần đó.”
Câu cú và cấu trúc ý tưởng chẳng đâu vào đâu. Lúc thì quyền năng nhân dân trao cho Quốc hội, lúc thì nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội, lại còn đèo theo một câu 'tinh thần làm chủ của nhân dân'. Câu chữ cứ nhảy nhót loanh quanh, chẳng đâu vào đâu, và cuối cùng là chẳng ai hiểu ông ấy nói gì.
Đặc điểm 5: Chung chung
Nhiều người Việt chúng ta hay có cách nói chung chung, không nói gì cụ thể, nên ai muốn hiểu sao thì hiểu. Có khi họ nghĩ nói vậy là hay, là đa tầng, là thâm thuý. Thật ra, cách nói đó rất dở và nó làm người Việt khó hội nhập với thế giới phương Tây. Thành ra, không ngạc nhiên khi giới lãnh đạo không có khả năng nói cái gì cụ thể, tất cả chỉ chung chung. Ví dụ tiêu biểu là phát biểu:
“Đặc biệt là, tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.”
Đọc xong đoạn văn chúng ta chẳng có thông tin nào, mà tất cả chỉ là những rhetoric tầm thường, giống như những khẩu hiệu được nối kết với nhau.
Chúng ta cũng không có thêm thông tin, ngoại trừ một chữ rất chung chung là 'phức tạp'. Mệnh đề 'phức tạp' có thể nói là rất phổ biến ở Việt Nam, đụng đến cái gì họ không giải thích được, không mô tả cụ thể được, thì họ bèn thay thế bằng hai chữ 'phức tạp' mà chẳng ai hiểu gì cả. Cả một đoạn văn 74 chữ, chúng ta không thấy một ý nào cụ thể và không thể trích dẫn bất cứ câu nào.
Dĩ nhiên, những đặc điểm này không phải là độc quyền của các lãnh đạo Việt Nam, mà thỉnh thoảng các chánh khách phương Tây cũng vướng phải. Khi họ vướng phải, người dân biết vị chánh khách đó có vấn đề, hoặc là không nắm vững vấn đề, hoặc là lúng túng. Vì không nắm vững vấn đề nên họ nói chung chung. Vì không hiểu mình nói gì nên cách tốt nhứt là ví von. Vì quen lối suy nghĩ mù mờ nên họ hô khẩu hiệu.
Một đặc điểm khác của giới lãnh đạo Việt Nam là không có tính hài hước. Ai cũng tỏ ra nghiêm trọng, mặt mũi rất 'serious', rất xa rời dân chúng. Những bài nói chuyện của lãnh đạo Việt Nam rất khó gần với người dân do ngôn ngữ cứng đơ và kém thân thiện, cùng cách họ triển khai bài nói chuyện quá xa rời công chúng. Chẳng hạn như khi họ đọc, họ ít khi nào nhìn khán giả; làm cho khán giả có cảm giác họ đang nói với tờ giấy hơn là nói với mình.
Ngược lại, bài diễn văn của các chánh khách phương Tây thường rất sinh động, thực tế, và có khi … vui. Họ tỏ ra vui tính, hài hước. Thử nhìn cách các ông Obama, Clinton, Trump nói chuyện sẽ thấy họ rất hùng biện và lúc nào cũng chọc cười khán giả. Ông Thủ tướng Úc Morrison thỉnh thoảng còn 'châm chít' lãnh đạo đối lập làm cho khán phòng cười ngã nghiêng.
Những người lãnh đạo giỏi và có bản lãnh họ không chỉ nói, mà còn thực hiện những gì họ nói. Ngay cả cách nói, mỗi một lần phát biểu họ đều để lại những câu mà báo chí có trích trích dẫn (quotable words) hay làm cho người nghe phải suy nghĩ vì nó có cái 'wisdom' hay trí khôn trong đó. Lãnh đạo mà không để lại phát ngôn gì mang tính thông thái, không có tầm ảnh hưởng thế giới, thì mãi mãi chỉ là 'lãnh đạo', chớ không thể nào là 'lãnh tụ' được.

Tuesday, November 16, 2021

Anh Cả và tiểu thuyết '1984' - Nguyễn Văn Tuấn Syd

 

Anh Cả và tiểu thuyết '1984'
Hôm qua, tôi xem cuốn phim "First, they killed my father" do Angelina Jolie đạo diễn. Cuốn phim, sản xuất năm 2017, mô tả thảm cảnh của một gia đình trung lưu ở Pnom Penh sau 1975 khi Khmer Đỏ chiếm Cambodia. Trong phim, có một chữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là 'Angkar', có nghĩa là Tổ Chức, nhưng có người dịch là 'Anh Cả'. Khái niệm 'Anh Cả' làm tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết "1984" của văn hào George Orwell.
Đối với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, sẽ thấy cuốn phim "First, they killed my father" rất cuốn hút, vì nhiều người có thể tìm thấy mình qua những hình ảnh và nhân vật trong phim. Cuộc sống yên ấm của một gia đình bị đảo lộn sau khi Khmer Đỏ tiến vào 'giải phóng'. Những gì xảy ra sau đó như tịch thu tài sản, tù cải tạo tập trung, tra tấn, giết chóc, v.v. làm cho người ta nhớ lại một thời kinh hoàng. Có những chi tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như một cán bộ Khmer Đỏ đòi tước lấy cái đồng hồ của một người dân, vì Anh Cả cần cái đồng hồ đó, hay như chi tiết về một cựu viên chức giả vờ không biết tiếng Pháp để đóng vai người nông dân nhằm thoát bàn tay tử thần của đám cán bộ đang lăm le giết người. Thế nhưng cuối cùng thì anh ta cũng bị giết trong lúc cải tạo.
Xuyên suốt cuốn phim, nhân vật vô hình "Anh Cả" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Anh Cả biết hết. Anh Cả theo dõi mọi người. Anh Cả vĩ đại. Anh Cả bao dung và độ lượng. Nhưng trong thực tế, Anh Cả là kẻ giết người vô hình. Vô hình là vì không ai biết Anh Cả là ai. Đó chính là viễn ảnh của một xã hội được mô tả trong tiểu thuyết 1984.
1984 là một trong hai cuốn tiểu thuyết (cuốn kia là 'Animal Farm') nổi tiếng nhứt của văn hào George Orwell được xuất bản vào năm 1949. Trong 1984, Orwell cảnh báo thế giới về một viễn ảnh chế độ toàn trị sẽ gieo rắc lên xã hội, như hạn chế quyền tự do con người, kiểm soát hành vi, thậm chí suy nghĩ của dân chúng.
Cảnh báo của Orwell thật ra đã thành hiện thực không chỉ ở các nước theo chế độ toàn trị, mà còn ngay tại những nước từng có thời tự xem là 'Tự do & Dân chủ' ngày nay. Khái niệm 'Anh Cả' / Big Brother / Angkar bàng bạc trong xã hội ngày nay. Nó không chỉ là những khẩu hiệu, biểu ngữ giăng trên đường phố, mà còn là những 'Ứng dụng' trong cái điện thoại động và máy tính cá nhân theo dõi từng bước đi, đếm từng hơi thở, và lắng nghe từng lời nói của chúng ta. Anh Cả ngày nay hiện diện mọi nơi.
Tóm tắt '1984'
Câu chuyện xảy ra trong nước Oceania vào năm 1984 (nên nhớ ông viết trước đó và chỉ xuất bản vào năm 1949). Oceania là một nước theo thể chế toàn trị (totalitarian). Ngoài Oceania, còn có 2 nhà nước toàn trị khác là Eurasia và Eastasia.
Oceania bị thống trị bởi một đảng gọi là Party. Party được sự lãnh đạo của một lãnh tụ 'anh minh' có danh xưng là Big Brother (Anh Cả). Anh Cả biến Party thành một tổ chức chuyên tẩy não dân chúng, đổi trắng thành đen, đổi đen thành trắng, làm cho người dân lẫn lộn không biết đâu là thực và đâu là giả. Mục tiêu của Party là làm cho người dân phải vâng lời lãnh tụ Big Brother một cách vô điều kiện.
Nhà nước Oceania bao gồm một số bộ có tên rất ... khác. Bộ Sự Thật (Ministry of Truth), Bộ Hoà Bình (Ministry of Peace), Bộ Tình Thương (Ministry of Love) và Bộ Dồi Dào (Ministry of Plenty).
Những cái tên bộ hoàn toàn đi ngược lại ý nghĩa của nó. Chẳng hạn như Bộ Sự Thật chuyên trách tuyên truyền dối trá. Theo Bộ Sự Thật, 2 + 2 không phải là 4, mà là 5. Bộ Sự Thật kiểm soát tất cả báo chí, giải trí, và nghệ thuật. Trong nhà nước toàn trị, không có báo chí đối lập; tất cả phải phục vụ cho Party.
Bộ Hòa Bình chuyên trách chiến tranh, lúc nào cũng sẵn sàng gây chiến với nhà nước Eurasia và Eastasia. Bộ Tình Thương là bộ đáng sợ nhứt vì nó có chức năng như là Bộ Công An, chuyên trách đàn áp và tra tấn người dân. Bộ Dồi Dào có chức năng kiểm soát nền kinh tế tập trung, kiêm luôn phân phối thực phẩm và hàng hoá cho dân.
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh 4 nhân vật: Winston Smith là một cán bộ cấp thấp, Julia là người yêu của Smith, O'Brien là giả lãnh tụ đảng đối lập, và Emmanuel Goldstein là Anh Cả. Ngoài ra, còn có nhân vật Charrington là chủ tiệm bán đồ cổ, và ông này là một người chỉ điểm, thành viên của Cảnh sát Tư tưởng.
Winston Smith là một cán bộ trong Bộ Sự Thật. Công việc của Winston là thay đổi các sự thật lịch sử sao cho phù hợp với đường lối và chánh sách của Party / Đảng. Dù làm công việc đó, nhưng Winston không thấy thoải mái vì sự gian dối của Đảng. Anh ta chú ý thấy Đảng viết lại lịch sử, Đảng tuyên truyền dối trá làm lũng đoạn niềm tin của dân.
Chẳng hạn như Đảng nói nước Oceania luôn là đồng minh của Eastasia trong cuộc chiến chống Eurasia, nhưng sự thật thì không phải vậy. Hay như Đảng cho rằng Emmanuel Goldstein (lãnh tụ của nhóm Brotherhood) là người nguy hiểm nhứt, là Kẻ Thù Của Nhân Dân, nhưng Winston thấy không phải vậy. Thế là Winston bắt đầu viết nhựt kí ghi lại những cảm tưởng cá nhân. Nhưng Winston rất sợ bị theo dõi, nên chỉ ghi chép âm thầm và ở những thời điểm mà Đảng có thể không theo dõi.
Winston trú ngụ ở tầng 7 trong một toà nhà tồi tàn, hôi mùi cải bắp luộc, còn thang máy thì thường bị hư hỏng. Trớ trêu thay, toà nhà này được Đảng đặt tên là "Victory Mansion" (Biệt thự Thắng Lợi). Thật ra, cái tên 'Thắng Lợi' được dùng cho rất nhiều sản phẩm (như thuốc lá, rượu, bia, cà phê, v.v.) của nước Oceania.
Orwell mô tả Smith như là một công chức nghèo, uể oải với công việc và cuộc sống. Chiều về căn hộ, anh ta được 'chào đón' bằng những bài ca hay chương trình giải trí mang tính 'cách mạng' và tẻ nhạt. Còn cái màn hình thì hình như lúc nào cũng theo dõi mỗi bước đi và hành vi của anh. Còn ra ngoài nhà thì bất cứ anh đi đến nơi nào, Party đều theo dõi anh. Đi đường anh cũng thấy sự hiện diện của Party và lãnh tụ vĩ đại qua băng rôn và khẩu hiệu.
Anh phải tỏ ra là một cán bộ trung thành với Party, vì nếu không thì anh ta sẽ bị trừng phạt, thậm chí giết chết. Cảnh sát Tư tưởng lúc nào cũng có mặt để bảo đảm anh ta phải trung thành với Party / Đảng.
Winston càng ngày càng thấy bất bình trước sự trấn áp và kiểm soát của Đảng. Đảng cấm không được suy nghĩ tự do, không có tình dục, và không có bất cứ diễn đạt mang tánh cá nhân. Anh ta bắt đầu không ưa đảng và viết nhựt kí. Nói cách khác, anh ta đang trở thành một Tội phạm Tư tưởng.
Winston thương thầm nhớ trộm một cô gái đồng nghiệp tên là Julia. Nhưng Winston sợ Julia là ‘gián điệp’ được cài cắm để theo dõi những kẻ Tội phạm Tư tưởng như anh ta. Một ngày kia, Winston nhận được thư của Julia với dòng chữ ‘I love you’ (em yêu anh), và thế là họ bí mật bắt đầu một mối quan hệ tình cảm. Càng yêu Julia chừng nào, Winston càng ghét Đảng chừng nấy.
Một hôm, Julia và Winston nhận được lời mời ghé thăm O’Brien, lãnh tụ của Đảng. Tuy Đảng mang danh là của giai cấp lao động, nhưng O’Brien sống trong xa hoa. O’Brien cho biết rằng cũng như Winston và Julia, ông rất ghét Đảng. Ông đang tham gia nhóm Brotherhood (Hội Ái Hữu) nhằm lật đổ Đảng. O’Brien mời Julia và Winston tham gia Hội Ái Hữu và được tặng cuốn sách của Emmanuel Goldstein về tuyên ngôn của Hội.
Winston say sưa đọc cuốn sách cho Julia nghe trong một tiệm. Đột nhiên, lính xông vào tịch thu cuốn sách, và người báo lính bắt là chủ nhân của tiệm tên Charrington, ông này là thành viên của Cảnh sát Tư tưởng.
Winston được chuyển tới Bộ Tình Thương, và ở đó Winston lại gặp O’Brien. Lúc bấy giờ, Winston mới biết rằng O'Brien là một gián điệp của Đảng. O'Brien chỉ giả vờ là người của Hội Ái Hữu để gài bẫy Winston.
Tại Bộ Tình Thương, đích thân O'Brien tra tấn và tẩy não Winston. Winston kháng cự, và thế là bị gởi đi giam cầm trong Phòng 101, nơi kinh khủng nhứt của Bộ Tình Thương dành cho những tù nhân sừng sỏ nhứt.
Cách O'Brien tra tấn ở Phòng 101 là buộc một lồng đầy chuột trên đầu của Winston, và để cho chuột gặm nhấm mặt của Winston. Cuối cùng thì Winston bị suy sụp và van xin O'Brien tha thứ cho mình, và hãy dùng hình thức tra tấn này cho Julia.
Winston được thả trong điều kiện sức khoẻ tinh thần bị suy sụp hoàn toàn. Ở ngoài tù, Winston gặp Julia nhưng không còn cảm tình gì với nàng. Ngược lại, Julia cũng bị suy sụp tinh thần và không còn yêu Winston nữa. Winston chấp nhận Đảng và học cách yêu thương lãnh tụ Anh Cả.
Phân tích '1984'
Nội dung câu chuyện tôi tóm tắt có lẽ không làm cho các bạn quan tâm, vì xem qua có vẻ quá ... tầm thường. Có lẽ thế, nhưng ý nghĩa đằng sau nó thì không tầm thường chút nào, vì qua câu chuyện, văn hào đã phác hoạ một xã hội toàn trị có hình thù ra sao và vận hành như thế nào.
Tác phẩm còn hàm chứa một thông điệp rất quan trọng mà George Orwell muốn gởi đến độc giả, đó là các chế độ toàn trị có khả năng gieo rắc nỗi kinh hoàng đến người dân. Đó cũng là một cảnh báo mà văn hào đưa ra từ những 80 năm trước.
Luận đề căn bản của 1984 là thế giới sẽ được chia thành 3 siêu nhà nước toàn trị: Oceania, tượng trưng cho chế độ Stalin; Eurasia tượng trưng cho chế độ Phát-xít; và Eastasia tượng trưng cho xã hội theo tư bản chủ nghĩa. Tuy Oceania tượng trưng cho xã hội Stalin, nhưng câu chuyện lại không lấy Moscow làm bối cảnh mà là London. Tuy nhiên, ngày nay thì chúng ta có thể thấy cái nhà nước Oceania hiện diện ở bất cứ nơi nào trên thế giới, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nước Oceania có ba thành phần: một nhóm nhỏ gọi là Nội Đảng (Inner Party), Ngoại Đảng (Outer Party) và nhóm lớn nhứt là Proles không nằm trong Đảng. Nội Đảng bao gồm một nhóm nhỏ chóp bu của Đảng, có quyền điều hành và ra chánh sách. Ngoại Đảng là nhóm lớn hơn, bao gồm những cán bộ như Winston Smith, những kẻ bị tẩy não nặng nề và chỉ biết phục vụ cho Nội Đảng một cách vô điều kiện.
Proles hay thường dân là nhóm lớn nhứt, ngoài Đảng, chẳng có quyền lực gì cả, và gần như vô nghĩa. Nhóm Probes này được quản lí bởi một lực lượng gọi là Cảnh sát Tư tưởng (Thought Police). Nhóm Proles chẳng có vai trò gì, và thường được Cảnh sát Tư tưởng cho chơi thể thao và những màn giải trí vớ vẩn khác để không chất vấn những gì Nội Đảng và Ngoại Đảng làm.
Mục tiêu tối hậu của Nhà nước Oceania là kiểm soát toàn bộ xã hội và kiểm soát suy nghĩ của người dân. Để thực hiện mục tiêu này, Oceania dựa vào 2 trụ cột chánh: dối trá & tẩy não, và đàn áp. Dối trá & tẩy não được thực hiện bởi Bộ Sự Thật. Đàn áp thì do Bộ Tình Thương phụ trách.
Bộ Sự Thật sáng chế ra một ngôn ngữ gọi là Newspeak. Trong thực tế, Newspeak là loại ngôn ngữ mới nhằm hạn chế tự do tư tưởng và xiển dương đường lối chủ trương của Đảng. Ngôn ngữ Newspeak thay thế tiếng Anh truyền thống. Newspeak không có những chữ mang tính phản kháng. Ngay cả suy nghĩ phản kháng cũng là bất hợp pháp, và suy nghĩ phản kháng trong tâm tưởng là một ‘tội phạm tư tưởng’ (thought crime). Tội phạm tư tưởng là loại tội phạm nặng nhứt trong nhà nước Oceania.
Trong Newspeak có một chương trình một cách nói gọi là 'Doublethinking' (Suy Nghĩ Kép). Khẩu hiệu của Doublethinking và cũng là chủ trương của Oceania là:
• Chiến tranh là hoà bình (War is Peace)
• Tự do là nô lệ (Freedom is slavery)
• Dốt nát là sức mạnh (Ignorance is strength)
"Chiến tranh là hoà bình" có nghĩa là đặt quốc gia trong tình trạng chiến tranh thì người ta sẽ quên đi những bất công xã hội và thối nát của chế độ để chuẩn bị chiến tranh, và qua đó mà duy trì hoà bình trong nước. Điều này giải thích tại sao các nước toàn trị lúc nào cũng doạ công chúng rằng có một kẻ thù đang đe doạ đến sự tồn vong của chế độ (dù chẳng có đe doạ nào cả) để biện minh cho sự đàn áp của họ và làm cho dân chúng lúc nào cũng bị động, không có thì giờ suy nghĩ sâu xa.
"Tự do là nô lệ" có nghĩa là tự do tuyệt đối sẽ dẫn đến một cuộc sống mà người ta chỉ theo đuổi những thú vui vật chất và nhục dục. Họ không thể nào suy nghĩ đến những vấn đề lớn hơn. Do đó, họ rất dễ trở thành nô lệ cho chế độ.
"Dốt nát là sức mạnh" có thể hiểu rằng dốt nát là niềm vui. Khi người ta chạy theo niềm vui để thoả mãn nhu cầu cá nhân, người ta sẽ không quan tâm đến sự thật nữa. Sự dốt nát của họ là sức mạnh của nhà nước.
Doublethinking là một 'vũ khí' lợi hại của Đảng (Bộ Sự Thật). Với Doublethinking, người ta có thể tin vào 2 điều hoàn toàn đối nghịch nhau. Đó chính là lí do tại sao các chế độ toàn trị rất thích nói về tự do, dân chủ, hoà bình. Chế độ Oceania lúc nào cũng nói rằng tự do là quí báu, nhưng chính chế độ đó lại tước đoạt quyền tự do tư tưởng của người dân. Dân chủ là một khẩu hiệu rất phổ biến trong nước Oceania nhưng trong thực tế người dân không có quyền bầu cử. Còn hoà bình thì chỉ là khẩu hiệu, vì trong thực tế Oceania lúc nào cũng chuẩn bị chiến tranh chống các nhà nước khác.
Cho đến nay, chúng ta vẫn thấy nhan nhản những thủ thuật của Bộ Sự Thật trong tuyên truyền và tẩy não người dân. Vì nhà nước Oceania kiểm soát toàn bộ báo chí và hệ thống truyền thông, nên nó có thể nói bất cứ điều gì mà không quan tâm đến phản kháng. Nó nói 2 + 2 = 5 mà không ai dám nói khác. Nó đổi đen thành trắng, và trắng thành đen cũng chẳng ai nói khác được. Dần dần, theo thời gian những 'tiêu chuẩn' mới này thành chân lí và người dân phải chấp nhận.
Để kiểm soát tư tưởng và tẩy não dân, Đảng duy trì một hệ thống có tên là Thought Police (Cảnh sát Tư tưởng). Cảnh sát Tư tưởng có thể theo dõi công dân mỗi phút và biết họ suy nghĩ gì! Bất cứ ai trong nhà nước Oceania suy nghĩ khác với Đảng là bị bắt bỏ tù và tra tấn.
Nhà nước Oceania thích dùng những cách nói thậm xưng. Họ nói về những chiến thắng vang vội, và bất kẻ thù nào cũng bị đánh bại. Tiểu thuyết bắt đầu bằng nhà nước Oceania gây chiến với Eurasia và làm hoà với Eastasia. Nhưng sau đó thì Oceania đột nhiên làm hoà với Eurasia và gây hấn Eastasia. Cứ mỗi lần như thế, Oceania tuyên bố là chiến thắng. Họ khắc cái 'chiến thắng' đó bằng cách đặt tên cho các sản phẩm là 'Thắng lợi' / Victory. Người dân tưởng đó là thật và cũng tự hào và ảo tưởng về sức mạnh của Nhà nước Oceania.
Nhà nước Oceania tuy bề mặt thì tỏ ra là một chánh quyền mạnh và vững chãi, nhưng trong thâm tâm họ rất yếu. Họ rất sợ dân. Họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và ai cũng đáng nghi ngờ. Đó chính là lí do họ có đội quân Cảnh sát Tư tưởng. Một trong những cụm từ họ hay dùng là 'Kẻ Thù Của Nhân Dân'. Trong ‘1984’, Orwell mô tả các thành viên của Ngoại Đảng cứ mỗi lần họp họ dành ra 2 phút để làm Nghi lễ Thù Ghét chống lại Emmanuel Goldstein, người được xem là 'Kẻ thù của Nhân dân'. Tuy nhiên, cái nhãn đó chỉ được dựng lên làm biểu tượng nhằm đánh lạc hướng người dân từ một kẻ thù lớn hơn là Anh Cả!
Cái mô hình Oceania dĩ nhiên là có mặt trong thế giới XHCN cũ. Ở Đức, sau khi thống nhất đất nước, người ta mới biết cơ quan mật vụ khét tiếng Stasi đã theo dõi người dân như thế nào. Họ dùng những người thân như cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp làm điềm chỉ viên cho họ. Các điềm chỉ viên báo cáo rất chi tiết về người họ theo dõi, như gặp ai, nói chuyện về gì, suy nghĩ ra sao, thậm chí ... ngủ với ai!
Ngày nay, cái ngôn ngữ Newspeak cũng hay thấy ở những nước chuyển sang XHCN. Ở Tàu, sau cuộc 'cách mạng', chế độ mới thay đổi các cách nói và ngữ vựng cũ bằng những cách nói xa lạ và những từ ngữ khó hiểu. Họ cố tình tẩy não sao cho dân chúng phải đoạn tuyệt với ngôn ngữ của cha ông để lại và làm quen với một thứ ngôn ngữ mới. Ngôn ngữ Newspeak cũng có những chữ như tự do, dân chủ, hoà bình, v.v. nhưng ý nghĩa thật thì hoàn toàn ngược lại, y như Doublethinking.
Trong cái nhìn của Orwell, không phải chỉ xã hội chủ nghĩa sẽ thất bại, nhưng một xã hội hiện đại (như ngày nay) và xã hội dân chủ đại chúng cũng sẽ thất bại. Trong xã hội ngày nay, những kẻ cai trị đã có trong tay những kĩ thuật và công nghệ để duy trì quyền lực và kiểm soát dân chúng. Trong xã hội Oceania, người dân tin vào những gì kẻ cai trị (Anh Cả) vì họ không thể nào nói lên những bất đồng chánh kiến, hoặc họ bị tẩy não và không nghĩ ra được một cách diễn giải khác. Có lẽ ý tưởng chánh của Orwell trong 1984 là những kẻ cai trị có khả năng ngăn chận những suy nghĩ độc lập của người dân.
Lời cảnh báo đó vẫn còn tính thời sự. Dù đã gần 80 năm xuất bản, những khái niệm như Newspeak, Doublethink, Anh Cả, Tội phạm Tư tưởng, Cảnh sát Tư tưởng, v.v. vẫn còn liên quan. Ngay cả người dân ở Mĩ, Úc, Anh trong thời dịch bệnh có lẽ đều tìm thấy nhiều sự trùng hợp lạ lùng với những gì mô tả trong 1984. Chính vì thế mà mà '1984' được xem là một kiệt tác, vì mức độ ảnh hưởng của nó xuyên thời gian.
___
[1] George Orwell tên thật là Eric Arthur Blair sanh năm 1903 và qua đời năm 1950, tức chỉ thọ 46 tuổi. Ông chết vì bệnh lao phổi. Ông xuất thân là một nhà báo và nhà phê bình, nhưng lại biết đến như là một nhà văn. Ông mô tả gia đình ông thuộc giai cấp trung lưu, thân phụ là công chức làm việc ở Ấn Độ (nơi ông sanh ra) và thân mẫu xuất thân từ một gia đình doanh nhân gốc Pháp. Sau một thời gian sống ở Ấn Độ, ông theo thân mẫu về Anh, nơi ông được gởi đi học tại những trường danh tiếng như Sussex và Eton. Ngay từ thuở đó cậu bé George đã biểu hiện một tư chất thông minh nhưng thụ động. Aldous Huxley là một trong những người thầy của Orwell. Tuy nhiên, ông không thích môi trường học đường. Sau trường học, ông làm cảnh sát một thời gian, nhưng ông cũng không thích nghề cảnh sát. Thật ra, ông lúc nào cũng cảm thấy xấu hổ vì đã làm cảnh sát. Sau khi bỏ nghề cảnh sát, ông lang thang ở London và Paris và sống trong một khu tồi tàn, chung nhà với những người ăn xin. Ở Paris ông làm nghề rửa chén trong nhà hàng. Có lẽ chính vì thế mà ông rất ghét chủ nghĩa đế quốc. Ông tự xem mình là một người xã hội chủ nghĩa, thậm chí là người cộng sản. Nhưng trớ trêu thay, hai tác phẩm Animal Farm và 1984 của ông lại là những cảnh báo về một viễn cảnh chế độ Nazi và Stalin áp đặt lên xã hội loài người.